Qua một lời kinh đơn sơ, truyền thống Ki-tô giáo đã nêu bật tinh thần thực thi lòng thương xót. Đó là kinh Thương người có Mười Bốn Mối với hai phần: thương xác bảy mối, và thương linh hồn bảy mối.
Trong Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa số 15, ĐTC. Phanxicô đã nhắc đến lời kinh này như là một ước mơ cháy bỏng: “Trong Năm Thánh này, chúng ta trông đợi những trải nghiệm của việc mở lòng mình ra với những người đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội: Chính cái xã hội hiện đại này tạo ra những vùng ngoại vi như thế… Chúng ta đừng rơi vào sự thờ ơ đáng ô nhục hoặc một thứ quán tính đơn điệu ngăn cản chúng ta khám phá những gì là mới mẻ! Hãy để chúng ta thoát khỏi sự hoài nghi thiếu xây dựng! Chúng ta hãy mở to mắt và nhìn rõ sự đau khổ của thế giới, và những vết thương của những anh chị em chúng ta là những người đang bị từ chối phẩm giá của họ, và để cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta bắt buộc phải chú ý đến tiếng kêu muốn được giúp đỡ của họ!…Ước muốn cháy bỏng của tôi là trong Năm Thánh này, dân Kitô giáo có thể suy tư trên các hoạt động thể lý và thiêng liêng của lòng thương xót. Đó sẽ là một cách để thức tỉnh một lương tâm quá thường khi mờ mịt trước cảnh nghèo đói. Và chúng ta hãy bước sâu hơn vào trung tâm của Tin Mừng nơi người nghèo có một trải nghiệm đặc biệt với lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta những hoạt động của lòng thương xót trong lời rao giảng của Ngài để chúng ta có thể nhận ra liệu chúng ta có đang sống như những môn đệ của Ngài hay không. Chúng ta hãy tái khám phá những hoạt động thể lý của lòng thương xót: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên các hoạt động thiêng liêng của lòng thương xót: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết”. Ngoài các lời của kinh thương người có 14 mối này, thánh Biển Đức còn bổ túc một điều khác trong Hiến Luật mà ngài đã viết ra: “Không bao giờ nghi ngờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa”.[1]
Phần đầu của kinh Mười Bốn Mối là thương xác bảy mối[2] tương hợp với đoạn Thánh Kinh cuộc phán xét chung (x.Mt 25,31-36), với mối thứ bảy chôn xác kẻ chết do Giáo Phụ Lactantius (tk.3) bổ túc. Mối thứ bảy này liên hệ đến hình ảnh của Tobia trong Cựu Ước: “Cơm bánh của tôi, tôi cho người đói khát; quần áo của tôi, tôi cho kẻ trần truồng; nếu thấy ai trong số đồng bào tôi chết và bị quăng thây ra phía sau tường thành Ni-ni-vê, thì tôi chôn cất người đó” (Tb 1,17).[3]
Với thương xác bảy mối này, tín hữu được mời gọi chú ý và cảm thông với những người rơi vào những hoàn cảnh bất hạnh. Cũng như khi thực thi tinh thần thương xác bảy mối này, tín hữu bước ra khỏi cái tôi chai cứng và mù tối của mình, để hướng về người gặp khổ đau, và với tất cả thân xác và tinh thần giúp đỡ họ. Tinh thần của thương xác bảy mối cũng tương hợp với tinh thần của Cựu Ước mà người Do Thái luôn chú ý tới: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,6-7). Như thế, khi sống tinh thần xót thương và bác ái, thì trái tim chai cứng sẽ rời bỏ chốn an toàn và ích kỷ, để lên đường gặp gỡ những người bất hạnh đang đối diện với chúng ta trên đường. Khi chúng ta sống tinh thần xót thương và bác ái, thì chúng ta đang đón nhận lời nhắc nhớ của Vị Cha Chung: “Chính Chúa Kitô đang hiện diện trong mỗi ‘con người bé nhỏ’ này. Thân xác Ngài trở thành hữu hình trong xác thịt của những người bị tra tấn, những người bị chà đạp, những người bị đánh đòn, những người bị suy dinh dưỡng, và những người bị lưu đày… để được thừa nhận, vuốt ve, và chăm sóc bởi chúng ta. Chúng ta đừng quên những lời của thánh Gioan Thánh Giá: khi chúng ta lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở của tình yêu” (Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 15).
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ
[1] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 143.
[2] Kinh 14 Mối dựa vào Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Theo truyền thống lời kinh này được các Giáo Phụ nhắc đến, đặc biệt thánh Âu-tinh đã chú ý đến. Với thời gian lời kinh này trở thành một lời kinh quan trọng. Phần đầu dựa vào chương 25 của Phúc Âm thánh Mát-thêu – Thương xác bảy mối. Trong bản tiếng Việt là: Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn. Thứ hai: Cho kẻ khát uống. Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm: Cho khách đỗ nhà. Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết. Nếu so sánh với các bản tiếng La-tinh, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp, sẽ nhận ra một sự khác biệt. Đó là: trong khi bản tiếng Việt nhắc đến Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi, thì các bản văn của các ngôn ngữ khác không nhắc đến điểm này. Các bản của các tiếng vừa nêu ở trên tách điểm thứ bốn thành 02 điểm: Viếng kẻ liệt. Thăm kẻ tù rạc. Như thế cũng có 07 điểm thương xác bảy mối. Về bản tiếng Việt, người viết không biết bản gốc ai đã chuyển ngữ, và tại sao lại có phần Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi. Dù không có sự giải thích, nhưng điểm này mang một ý nghĩa quan trọng trong Thương xác bảy mối.
[3] X. BOPP K., từ ngữ Werke der Barmherzigkeit, trong Lexikon fuer Theologie und Kirche, 10. Band, Herder Verlag, Freiburg 2001, c.1099.