Lòng Thương Xót Chúa trong tâm hồn – Con người cần dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa để thoát khỏi kẻ thù

Lòng Thương Xót Chúa trong tâm hồn – Con người cần dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa để thoát khỏi kẻ thù – Bài gẫm nhật ký của Thánh Faustine, số 106

Đây là điều mà Thánh Faustine đã viết cho cha linh hướng ở phần đầu cuốn nhật ký. Chị tường thuật lại một kinh nghiệm thiêng liêng rất đau khổ mà chị đã sống trong nhiều tháng qua:

“Mặc dù đó là những điều rất kinh khủng, nhưng linh hồn không được quá hoảng sợ, vì Thiên Chúa không bao giờ gửi đến cho chúng ta những đau khổ vượt quá sức chịu đựng của chúng ta. Nhưng tôi viết điều này bởi vì nếu nó làm hài lòng Thiên Chúa bằng cách khiến linh hồn mình vượt qua những đau khổ tương tự, thì ước gì linh hồn sẽ chẳng còn sợ hãi gì nữa, nhưng sẽ trung thành với Chúa trong mọi việc, trong mức độ của những đều sẽ tùy thuộc vào linh hồn. Thiên Chúa sẽ không gây đau khổ cho linh hồn, vì chính Người là tình yêu, và bởi chính tình yêu không thể hiểu được đó, mà Người đã mời gọi linh hồn đến với cuộc sống. Nhưng tôi đã không hiểu được những điều này lúc mà tôi đã phải trải qua thử thách đó.” (NK Số 106)

Suy niệm :

Nhiều khi, chúng ta đã không chân thành cầu xin Thiên Chúa để Ngài gìn giữ chúng ta “khỏi sa chước cám dỗ” và “cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ”. Thường thì tất cả những lời kinh ấy chỉ vang lên trên môi miệng như một công thức có sẵn chứ không như lời cầu nguyện mà chính Đức Giê-su đã dạy chúng ta. Chúng ta thích đặt niềm tin vào sự tự do hơn khi tin rằng tự mình có thể chống chọi lại tất cả, và rồi chúng ta không cần cầu nguyện với Chúa Cha. Đôi lúc chúng ta rơi vào tình trạng đau khổ tột cùng về mặt thể lý, tâm lý, hay gia đình, xã hội. Khi ấy, chúng ta cũng không cầu xin Thiên Chúa giúp sức. Chúng ta không xin Ngài ban ân sủng để hiểu được những điều gây đau khổ cho mình.

Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn đợi chờ, cho tới khi chúng ta quyết định làm một cuộc hoán cải nội tâm, trở về với Ngài, để cầu xin Ngài ban sức mạnh biến đổi tận căn và từ bỏ những ý định của ma quỷ vốn gieo rắc trong tâm hồn chúng ta. Có những người, bao gồm cả những người tự xưng mình là Ki-tô hữu, nghĩ rằng Thiên Chúa đã không lắng nghe lời họ cầu xin, rằng Ngài sẽ không nhậm lời họ, và rằng con người phải tự mình gồng gánh trước thiên nhiên vũ trụ để sinh tồn. Những người ấy đã không tự đặt cho mình câu hỏi để biết liệu họ có đang cầu nguyện như cách Thiên Chúa muốn họ cầu nguyện hay không? Thực ra, Thiên Chúa, Đấng luôn lắng nghe và nhìn thấu tất cả, muốn họ đừng bao giờ cầu nguyện với Ngài trong thái độ quy kỷ như vậy.

Đức Giê-su cho chúng ta một ví dụ về điều này trong trung tâm điểm của dụ ngôn người con hoang đàng: người con thứ nghĩ đến việc trở về nhà cha bởi anh ta đã cùng đường sau khi khi thỏa mãn tất cả thú vui trát tán. Thay vì thành tâm trở về với cha, anh ta đã tự nhủ: “ Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa mà ta ở đây lại chết đói!” Anh ta không tìm hiểu nguyên nhân đưa đến tình trạng tệ hại của mình, cũng không một chút quan tâm đến những đau khổ đã gây ra cho người thân khi anh ra đi. Anh vẫn chưa biết từ bỏ khả năng “tự lực cánh sinh” của mình. Ước muốn ăn năn hối cải của anh hoàn toàn không liên quan đến mong muốn được làm lại cuộc đời trong bàn tay yêu thương của cha anh. Ước muốn ấy cũng không gắn liền với việc nhận ra mình cần đến lòng xót thương, sự tha thứ của cha. Thế nhưng anh ta lại sẵn sàng hạ thấp phẩm giá của mình, chỉ để có thể duy trì sự sống: “…và thưa với người rằng: ‘xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’” ( Lc 15, 17-19)

Khi chuẩn bị xưng thú tội lỗi, thay vì chỉ tập trung “tìm kiếm tội lỗi của mình”, thay vì chỉ tự hỏi điều mà chúng ta “có để nói” với cha giải tội, thì tốt hơn hết, chúng ta nên nói rằng, chúng ta đến toà giải tội để gặp gỡ Chúa Giê-su. Vì Sức mạnh của Chúa Thánh Thần ở trong lời nói của cha giải tội sẽ khai mở và làm cho chúng ta hiểu điều gì là sai trái trong chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta không còn sợ khi xưng thú tội lỗi của mình. Thái độ sợ hãi, đến từ ma quỷ, kẻ đang cố gắng để đi vào và chiếm giữ cuộc sống của ta. Đức Giê-su không thách đố chúng ta. Ngài cũng không muốn hạ thấp phẩm giá của chúng ta. Ngược lại, Ngài muốn hồi phục tước vị làm con của chúng ta. Như người cha trong dụ ngôn đã nhận lại con mình sau bao ngày anh đi hoang, qua cái chết và sự Phục Sinh của Ngài, Đức Giê-su đã “xỏ nhẫn” vào ngón tay chúng ta. Ngài khiến chúng ta hiểu rằng giữa cuộc sống bộn bề, không ngừng xoay vần chuyển vận, Ngài vẫn hằng chờ đợi để được gặp gỡ từng người chúng ta. Ngài làm cho chúng ta kinh nghiệm rằng chúng ta không tự mình tẩy rửa được những vết nhơ trong cuộc đời mình, nhưng Ngài vẫn ở đó giúp chúng ta đạt tới điều mình mong đợi.

Việc tẩy rửa như thế, Ngài thực hiện trực tiếp qua môi miệng vị linh mục giải tội. Dẫu vậy, chúng ta cũng hiểu rằng mình không thể tìm thấy tất cả mọi lời phúc đáp thỏa đáng nơi vị linh mục, nhưng chúng ta tìm thấy chúng nơi chính tâm hồn mình. Hãy xác tín rằng mọi sự tốt lành, thánh thiện, niềm tin tưởng, và những hiểu biết về đời sống vĩnh cửu, vốn được Thiên Chúa đặt sẵn trong linh hồn chúng ta. Nhưng khi đánh mất tình yêu với Thiên Chúa, chúng ta trở thành nô lệ cho chính mình và cho ma quỷ. Chúng ta chỉ còn lại trong mình nỗi sợ hãi vô căn cứ, sự ích kỷ, phù phiếm, kiêu căng, nhỏ mọn, ghen ghét, trả thủ,… Và khi ấy chúng ta không còn là người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, không còn là người phục vụ tha nhân.

Hãy mau chóng trở về với Tình Yêu Thương Xót của Thiên Chúa và làm cho ngọn lửa tình yêu ấy bùng cháy lên. Hãy về với Chúa Giê-su, yêu mến Ngài trước hết và trên hết mọi sự. Hãy dứt khoát bước ra khỏi sự mù quáng của chúng ta và kiên quyết tiến tới niềm tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa Tình Yêu. Trước thánh nữ Faustine nhiều thế kỷ, Thần Khí Thiên Chúa đã linh hứng cho vua Đa-vít khi ngài sáng tác thánh vịnh để chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa, để các linh hồn các thế hệ mai sau, khi gặp đau khổ và thử thách được ủi an vì Thiên Chúa hứa rằng “Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì. Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại, lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên.” (TV 90, 14-15)

Bài viết được độc giả gửi đến dongten.net

______________________________________________________

Tác giả: Isabelle Kamaroudis & Pierre Sokol

Chuyển ngữ: Mai Anh

Nguồn: Bài viết từ Đền Thánh Lòng Thương Xót, giáo xứ Gallardon, nước Pháp

Hình ảnh: Internet

Hãy gửi ý cầu nguyện của bạn!

Bạn có thể gửi những ý cầu nguyện của bạn qua hộp thư điện tử: [email protected] hoặc qua bưu điện.

Chúng tôi sẽ để những ý cầu nguyện của các bạn trước bức tranh Lòng Thương Xót Chúa và trước Thánh Tích của 3 vị Thánh.

Những ý cầu nguyện này sẽ được cầu nguyện bởi cha Dominique Aubert hoặc bởi Pierre Sokol, giáo dân được thánh hiến, tông đồ của Lòng Thương Xót, sau đó sẽ được gởi mỗi tháng một lần đến Cracovie, trước mộ của Thánh Faustine bởi Pierre Sokol.
Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho những ý cầu nguyện của các bạn với chuỗi Lòng Thương Xót Chúa vào 15h mỗi ngày.

Vào lúc 18h mỗi thứ sáu hàng tuần, chúng tôi sẽ dâng thánh lễ cầu nguyện cho những ý chỉ của các bạn.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Mến Yêu Hằng Ngày, 23-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 2, 23-12-2024 (Lc 1,57-66) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *