Lòng Trung Thực tận căn – Cầu nguyện với Thánh Inhã (7)

Lòng Trung Thực Tận Căn

Chủ đề: để hướng về Thiên Chúa, trước tiên thánh I-nhã thật sự cần đối mặt với tội lỗi và sự trống trải tâm hồn mình cùng với sự lệ thuộc vào Thiên Chúa. Thánh I-nhã đã cam kết với chính mình sống trung thực tuyệt đối.

Tiền nguyện: lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con, xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ. Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời. (Tv 139,23-24)

Đôi Nét về Thánh I-nhã

Trong suốt thời gain dài dưỡng thương, thánh I-nhã cảm thấy đau đớn khi nhận ra mình yếu đuối cả về thể xác lẫn tinh thần. Những ý nghĩ về vinh hoa và thú vui trần gian mà trước đây đã làm cho ngài thích thú thì giờ đây lại làm cho ngài buồn bã và bị xáo trộn trong lòng. Những ý nghĩ chán nản này đã làm tổn hại cho ngài:

Kẻ ấy bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về đời sống quá khứ của mình và về nhu cầu mà kẻ ấy phải làm việc đền tội. Chính lúc ấy, kẻ ấy nảy sinh trong lòng ao ước bắt chước các thánh. Kẻ ấy không lưu ý đến hoàn cảnh riêng của từng vị, nhưng tự hứa với mình là , nhờ ơn Chúa, phải làm những việc các thánh đã làm. (Olin và Ocallaglan, Autobiography, tr. 24)

Thánh I-nhã bắt đầu suy xét một cách kỹ lưỡng và trung thực về đời sống của mình, điều này đưa đến việc ngài dấn thân hoàn toàn phục vụ Đức Giê-su. Như một phần của việc bình phục thiêng liêng, ngài đã hứa hành hương Giê-ru-sa-lem. Gia đình ngài phản đối mạnh mẽ cuộc hành hương nhưng ngài nhất quyết không thay đổi.

Anh trai kẻ ấy đã dẫn kẻ ấy đi từ phòng này sang phòng khác, tỏ vẻ ngạc nhiên và xin kẻ ấy đừng uổng phí đời mình, và phải nhận ra người ta kỳ vọng vào mình như thế nào về những điều có thể có, và những giá trị của mình. Tất cả những điều đó nhằm thuyết phục kẻ ấy bỏ đi ý hướng ngay lành của mình. Nhưng kẻ ấy đã trả lời anh mình cách khôn khéo không sai sự thật. Vì lúc này kẻ ấy rất sợ nói sai, và kẻ ấy thoát được người anh. (Olin và Ocallaglan, Autobiography, tr. 26)

I-nhã nhận ra rằng, để thật sự hoán cải, ngài cần phải trung thực với chính mình và với người khác.

Ngay từ khởi đầu chuyến hành hương, thánh I-nhã đã thực hiện được một bước trung thực triệt để nữa tại Montserat. Ngài đã quyết định làm một cuộc thanh tẩy mọi tội lỗi và đương đầu với gánh nặng lỗi lầm.

“Kẻ ấy dành ba ngày để xưng tội chung, các tội nghi trên giấy” (Olin và Ocallaglan, Autobiography, tr. 31). Mạt dù sau này bị dằn vặt vì các bối rối, I-nhã đã bắt đầu con đường nên thánh của mình qua việc hoàn toàn trung thực với chính mình trước mặt Thiên Chúa.

Điểm dừng: suy nghĩ câu hỏi này: tôi đang được mời gọi như thế nào cho sự trung thực lớn hơn về các suy nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành động của tôi và các hậu quả kéo theo của chúng?

Trích Lời Thánh I-nhã

Trong suốt tuần thứ nhất của Linh Thao, thánh I-nhã hướng dẫn các thao viên suy gẫm về tội lỗi của họ và chuẩn bị lãnh nhận ơn tha thứ. Trùng hợp với lời kêu gọi của thánh Gio-an Tẩy Giả là nhìn nhận và ăn năn tội lỗi của chúng ta để chúng ta có thể quay trở về với Đức Ki-tô. Chính thánh I-nhã cũng thúc đẩy các thao viên làm như vậy. Trong bài linh thao thứ hai của Tuần I, thánh I-nhã đưa ra các chỉ dẫn:

Điểm 1: nhìn lại các tội của tôi. Tôi sẽ nhớ lại mọi tội lỗi tôi đã phạm trong đời bằng cách nhìn lại từ năm này sang năm khác, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Có ba điều giúp tôi trong việc này: Thứ nhất: nhìn lại những nơi và nhà tôi đã ở; Thứ hai: xét lại những tiếp xúc tương quan của tôi với người khác; Thứ ba: xét lại những nghề nghiệp tôi đã làm

Điểm 2: cân nhắc các tội của tôi. Nhìn vào sự xấu xa và tác hại của các tội…

Điểm 4: xét xem Thiên Chúa mà tôi phạm đến là ai. Xét theo từng ưu phẩm của Ngài để so sánh với những điểm trái ngược của tôi. Sự khôn ngoan của Ngài với sự dốt nát của tôi, sự toàn năng của Ngài với sự yếu đuối của tôi, sự công chính của Ngài với sự bất chính của tôi, sự tốt lành của Ngài với sự độc ác của tôi.

Điểm 5: tiếng kêu thán phục với lòng xúc động mạnh mẽ. Tôi tưởng nghĩ đến mọi tạo vật. Làm sao mà chúng đã để cho tôi sống và gìn giữ cho tôi sống…. Làm sao lại có các tầng trời, mặt trời, mặt trăng, các tinh tú cùng các nguyên tố… rồi cả các hoa trái, chim chóc tôm cá và các giống xúc vật…. Tại sao chúng lại phục vụ nhu cầu của tôi? Tại sao đất không nứt ra để nuốt tôi vào trong lòng đất, ấn định số phận tôi đời đời đau khổ chia cắt khỏi Thiên Chúa.

Tâm sự: tôi sẽ kết thúc bằng cuộc tâm sự với Chúa, ca ngợi lòng thương xót của Chúa. Thân thưa với Chúa và tạ ơn Chúa đã ban cho tôi sống đến bây giờ. Tôi sẽ dốc lòng chừa cải từ nay về sau nhờ ơn Chúa giúp. (Tetlow, Spiritual Exercise, tr.26-27)

Khi kết thúc bốn tuần linh thao, thánh I-nhã thúc giục các thao viên phải trung thực trong việc nhìn nhận muôn ơn lành mà Chúa đã ban xuống cho họ, và trong việc nhận ra những điều họ cần phải chia sẻ cho người khác.

Suy Gẫm

Trung thực là một phần không thể thiếu của sự khiêm tốn. Có nghĩa là chấp nhận thân phận con người của ta, phải chấp nhận cả những đau khổ và hạnh phúc của thân phận thụ tạo chúng ta. Chúng ta chỉ là bùn đất được kêu gọi giữ lấy toàn bộ “cái là” của chúng ta. Để chấp nhận những giới hạn và để sử dụng các khả năng của mình đòi hỏi, chúng ta phải can đảm khiêm nhường hay chấp nhận sự thật đòi hỏi phải có lòng trung thực trung thực.

Trung thực là khiêm nhường đòi hỏi từ bỏ hoặc bỏ đi các ước muốn để có được sự kiềm chế, sự an toàn, sự tự quý và đón nhận. Khiêm nhường và trung thực kêu gọi ta phản tỉnh, như thánh I-nhã đã làm, các khuôn mẫu về lối sống khiến ta đi chênh con đường của Đức Ki-tô. Thật vậy, việc xét mình không thể thiếu đối với linh đạo thánh I-nhã. Những ai đến với ngài để xin hướng dẫn và xưng tội, ngài khuyên họ kiên trì xét hỏi linh hồn một cách kỹ lưỡng. Việc xét mình này là cơ sở và nền tảng cho sự chửa lành và đổi mới đích thực trong tâm hồn.

Thánh I-nhã xác định và gọi tên các tật xấu của mình theo cách ngài liên kết ý mình với ý Chúa hiện diện trong ngài. Chỉ có tình yêu và ân sủng Chúa mới có thể làm được điều này.

Cũng chính tình yêu và ân sủng này luôn có sẵn cho chúng ta. Với niềm tin và sự trợ giúp của Chúa, chúng ta có thể vui mừng chờ đợi sự tự do mà lòng trung thực của ta và ơn tha thứ của Chúa mang lại cho ta.

  • Đọc lại câu chuyện hoán cải của thánh I-nhã trong phần “Đôi Nét về Thánh I-nhã”. Anh ngài đã cố gắng làm cho ngài từ bỏ việc hoán cải tận căn theo Đức Kitô. Bất cứ ai, hoàn cảnh nào, hoặc những xung đột nội tâm nào có thể ngăn cản việc suy xét trung thực và đổi mới đời bạn không?
  • Làm một cuộc suy xét tình trạng tâm hồn bạn. Bạn có thể nhận thấy rằng thật hữu ích khi bạn ghi lại việc khảo sát lương tâm vào nhật ký thiêng liêng. Để tập trung suy niệm, hãy đặt một ảnh khổ nạn hoặc một tượng Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá trước mặt bạn, giữ tâm hồn và thân xác thinh lặng. Hãy tự nhủ rằng, Thiên Chúa tình yêu đang ở với bạn. Khẳng định rằng bạn lệ thuộc vào Thiên Chúa và hãy xin ơn mà bạn ước ao nhất khi bạn bước vào cuộc suy xét đời mình. Tâm sự với Chúa Giê-su như hai người bạn tâm sự với nhau. Mời Ngài đến trong lòng bạn. Nhớ rằng Chúa Giê-su đã trao ban chính sự sống của Ngài cho bạn. Sau đó bắt đầu cuộc suy xét hoặc là sử dụng các bước được liệt kê trong phần “Trích Lời Thánh I-nhã” hoặc dùng các câu hỏi sau:
    • Tôi có cho phép bản thân mình tin rằng Chúa Giê-su yêu tôi như tôi là chăng?
    • Tôi đã đáp lại tình yêu của Chúa Ki-tô như thế nào?
    • Hiệt tại tôi đang đáp trả tình yêu của Chúa Ki-tô như thế nào?
    • Nhu cầu của tôi về quyền điều khiển người khác, được kính trọng, hoặc được an toàn có làm tôi suy yếu việc dấn thân của tôi cho Tin Mừng không?
    • Tôi có trung thực với chính mình khi gặp những ép buộc và những vấp ngã của mình không?
    • Tôi có cố gắng thay thế việc thủ đắc sức khỏe, tiền tài, bằng cấp, sự quen biết, những phần thưởng, v. v… bằng sự lệ thuộc của mình vào tình yêu của Thiên Chúa không?
    • Tôi có cố giữ các cảm xúc của tôi và tôi có biết rõ điều gì trong tâm hồn tôi không?
    • Tôi có dùng thời gian suy niệm và cầu nguyện để hướng đời sống của tôi vào con đường của Chúa Giê-su không?
    • Những điều gì khác làm cho tôi đánh mất niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa và sống một đời sống yêu thương với anh chị em tôi?
    • Những tài năng, những phẩm chất và những kỹ năng nào Chúa đã ban cho tôi?
    • Những ân sủng nào khác mà Chúa đã đổ xuống cho tôi?
    • Tôi đã diễn tả lòng biết ơn với Đấng Tạo Hóa như thế nào?

Tâm sự với Chúa Giê-su một hoặc hai tình huống trong đời sống hiện tại của bạn mà bạn thấy lo lắng, xấu hổ, hoặc giận dữ – những tình huống mà bạn muốn hành xử giống Chúa Giê-su hơn.

Đọc kinh cám ơn về tất cả những ân huệ mà Chúa đã ban cho bạn.

  • Đọc “kinh xin ơn khiêm nhường” dưới đây, suy gẫm từng câu và ý nghĩa của các câu đối với bạn.

Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi ước muốn: con được ca tụng.

Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi ước muốn: con được danh dự

Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi ước muốn: con được yêu thích.

Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi ước muốn: con được tư vấn.

Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi ước muốn: con được tán đồng.

Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi ước muốn: con được tiện nghi và sự dễ dãi….

Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi nỗi sợ bị phê bình.

Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi nỗi sợ bị xa tránh.

Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi nỗi sợ bị bỏ quên.

Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi nỗi sợ bị đơn độc.

Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi nỗi sợ bị thương tích.

Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi nỗi sợ bị đau khổ.

….

Ôi Giê-su hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin cho con được sức mạnh giống như Ngài. Amen. (J. Veltri, comp., Orientations, Volume 1, tr. 108).

Lời Chúa

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,

liêm chính khi xét xử.

Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,

đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.

Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,

dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.

Xin dùng cành hương thảo

rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền;

xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.

Xin cho con được nghe

tiếng reo mừng hoan hỷ,

để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.

(Tv 51, 3-10)

Kết nguyện: Lạy Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống trái tim Chúa.

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 18-09-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 18/09/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Đón nhận yêu …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 17-09-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 17/09/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Lối sống của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *