Thật là dễ để viết về Nho giáo. Có nhiều sách viết về đề tài này và đã xem nó như một hệ thống đạo đức đơn giản. Cũng có cả một tiểu sử của Khổng Tử nữa, nó đã được viết vào khoảng 5 thế kỉ sau khi ông qua đời. Tiểu sử ấy cũng bao hàm những chi tiết thần thoại và lịch sử trộn lẫn làm cho người đọc cảm thấy bối rối nhiều hơn. Nhưng nếu chúng ta chỉ đọc Luận Ngữ, chúng ta sẽ có những ấn tượng rất khác. Một cách truyền thống nó được chia thành 20 thiên, mỗi thiên khoảng chừng 20 “chương”. Một chương thường là một đoạn văn ngắn được viết đầy đủ trên một thẻ tre. Một số “thiên” dường như có một chủ đề chung nào đó, nhưng không phải tất cả các quyển đều như thế. Thực ra, toàn bộ công việc sắp xếp dựa trên một số khám phá khảo cổ gần đây, mà trong đó những dây nối của các cuốn sách bằng tre này đã bị đứt rời ra. Các nhà khảo cổ chỉ thấy đó là một đống những thẻ tre, một số thẻ có thể thích hợp trong một vài trật tự nào đó nhưng trong nhiều trường hợp, bất cứ một sự kết hợp nào cũng đều có thể chấp nhận được. Luận Ngữ thì như thế này: có những ghi chú của Khổng Tử bởi những môn đệ của ông, là những đoạn đối thoại ngắn, những biến cố ngắn trong cuộc đời của ông nhưng không có tường thuật nào có tính liên tục và không có một sự giải trình có tổ chức và bất cứ điều gì có tính triết học cả. Tuy nhiên, dựa trên chính nền tảng này mà nho giáo được xây nên. Rõ ràng là ở đây có nhiều cách thế cho việc giải thích và chọn lựa, cho phép những nhà bình chú sau này phác họa nên bức tranh của Khổng Tử qua việc chọn những “thiên” mà có ý nghĩa đối với họ hay là những thiên mà họ có thể dệt nên một tổng thể liền mạch. Cách đọc của tôi chỉ đơn giản là một cố gắng để đưa là một trật tự nào đó trong một tập hợp nhiều khác biệt của bản văn này.
Khổng Tử dường như quan tâm chính yếu đến các mối tương quan nhân vị và đảm bảo rằng những mối tương quan này đáp ứng những tiêu chuẩn đạo đức. Tình bạn là điều rõ ràng ông xem trọng, đặc biệt là khi nó trực tiếp hướng đến việc học và theo đuổi những gì là đúng đắn. Ông cũng quan tâm đến việc làm sao các nhà lãnh đạo điều hành công việc và làm sao để giúp họ. Tiêu chuẩn của ông về vấn đề đâu là đạo đức, đâu là không thì chỉ là điều có tính thuận lợi. Một quan tâm lớn của ông là sự tôn trọng đối với sự chỉnh sửa những hành vi sao cho phù hợp với những nghi lễ và quy định mà đã được truyền thống đặt để. Trong xã hội Trung Hoa xưa, lễ nghi được nối kết với âm nhạc và không chỉ có tính thờ phượng thần linh mà còn là những lễ nghi đối vơi tổ tiên. Những lễ nghi ấy cũng liên hệ đến những tiến trình riêng trong các vụ kiện hay là những nghi lễ liên quan đến truyền thống ma chay, đặc biệt là đối với người cha. Trong điều tôn kính cuối cùng này (ma chay), Khổng Tử dường như khá bảo thủ và không thích đổi mới.
Nhưng dù sao, ở một trong những sự tôn kính trên, Khổng Tử thực sự đã giới thiệu một ý tưởng mới: đó là “nhân”, được chuyển qua tiếng Anh là benevolence hay humaneness. Thuật ngữ này được rút ra từ chữ nói về con người, cũng là chữ nhân và được hiểu là cách đối xử với người khác trong sự kính trọng vì phẩm giá nội tại của họ. Khổng Tử dường như là người đầu tiên bàn nhiều về nhân đức này. Nó trở thành nhân đức chính yếu liên quan đến những lời giảng của ông. Không có một định nghĩa nào về chữ “nhân” trong Luận ngữ. Thay vào đó, ta được nói rằng những hành vi như thế thì biểu lộ lòng nhân và những hành động kia hay con người kia thì không có lòng nhân. Có lẽ tốt nhất là nói rằng Khổng Tử giả định rằng đời sống đạo đức thì có giá trị trong chính nó: làm đúng thì tốt trong chính nó. Ông tin rằng nếu một người lãnh đạo hành động đúng đắn, người dân một cách tự nhiên sẽ theo ông ta. Hành động tốt lành thu hút hấp dẫn người khác trong một nghĩa tốt lành và càng nhiều người hành động như thế , thế giới cảng trở nên tốt đẹp hơn.
Không có một sự chọn lựa nào trong những đoạn văn của Luận Ngữ là hoàn hảo cả, nhưng ít nhất chúng ta có thể đề cập đến một số đoạn nổi tiếng hơn. Chương mở đầu thì mọi người dân Trung Quốc đều thuộc lòng:
Học nhi thì tập chi, bất diệc duyệt hồ? hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhơn bất tri, nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?(1.1)
Việc xét mình hằng ngày của sư phụ Zeng tính chất thực hành trong những lời dạy của Khổng tử:
Ngô, nhựt tam tinh vi ngô thân: vi nhơn mưu, nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao, nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?(1.4)
Ông cũng quan niệm người khác thì trọng hơn mình:
Bất hoạn nhơn chi bất kỷ tri, hoạn bất nhi nhơn giã.(1.16)
Trong quyền thứ hai, chúng ta có thể thấy Khổng Tử quan niệm như thế nào về sự phát triển của chính mình trong việc học:
Ngô thập hựu ngũ, nhi chí vu học; tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mạng, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du cú.(2.4)
Trước bản chất khác nhau của những lời giáo huấn, ta có thể hiểu người môn đệ muốn tìm thấy một chủ đề xuyên suốt toàn bộ giáo huấn:
Ngô đạo nhứt dĩ quán chi… Tăng tử viết:phu tử chi đạo, thứ nhi dĩ hỹ. (4.15)
Có thể điều này không làm hài lòng những nhà sinh thái học, nhưng Khổng Tử đã thực sự xem con người thì quan trọng hơn động vật:
Khái phần, Tử thối triều, viết: thương nhơn hồ? Bất vấn mã (10.11)
Quyển thứ 12 bắt đầu với một định nghĩa nổi tiếng về lòng nhân như là việc tự thắng chính mình và theo các lễ nghi:
Nhan Uyên vấn nhân, Tử viết: khắc kỉ, phục lễ vi nhân, nhứt nhựt khắc kỷ, phục lễ, thiên hạ qui nhân yên.(12.1)
Đi sâu hơn nữa vào quyển này, ta thấy một định nghĩa có tính lặp lại (taulology) về việc lãnh đạo, nhấn mạnh đến người được giao một nhiệm vụ nào đó nên hành động như nhiệm vụ ấy đòi hỏi:
Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử(12.11)
Trong một sự chơi chữ về việc lãnh đạo, Khổng Tử nhấn mạnh đến vai trò có tính đạo đức của nó: “Chính giả, chính giả”(12.17). Trong khi chúng ta biết rằng Khổng Tử là một quan tòa tốt nhưng (đối với ông) tốt hơn là không có ai phải thưa kiện tại tòa án:
Thính tụng, ngô du nhơn giã, tất giã, sử vô tụng hồ? (12.13)
Mặt khác, hệ thống về công bằng của ông đặt gia đình lên trước sự công tâm. Khi ông ta nghe nói ở một thành kia có người con làm chứng chống lại cha ruột của mình vì tội ăn cắp cừu, Khổng Tử nói rằng người con nên nhận tội thay cho cha và người cha cũng nên làm thế cho con mình.[1]
Như trong phần giới thiệu, tôi đã trình bày rằng một trong những thuật ngữ quan trọng trong triết học Trung Hoa là “Đạo”. Thuật ngữ này xuất hiện trong Luận Ngữ, một người quân tử, như ta được biết là người: “mẫn ư sự, nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên” (1.14). Đạo đề cập đến sự hành động trong một cách thế đúng đắn: “quân tử vô chung thực chi gian vi nhân”(4.5) Vị Thầy cũng nói với chúng ta rằng: “triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ” (4.8). Dường như Đạo không phải là thứ dễ đón nhận, nó giả thiết phải có những đòi hỏi về mặt đạo đức. Việc học biết về Đạo sẽ dẫn người quân tử đến chỗ yêu thương đồng loại[2]. Đạo cũng có nghĩa chính trị nữa: “thiên hạ hữu đạo tắc lễ nhạc, chinh phạt tự Thiên Tử xuất” (16.2). Điều ngụ ý ở đây là Đạo giúp chỉnh sửa những tương quan chính trị, củng cố quyền lực của vua Chu (Thiên Tử). Thực vậy, trong Luận Ngữ có một chỗ đề cập đến một “vị vua”: “như hữu vương giả, tất thế nhi hậu nhân”(13.12). Thuật ngữ “vị vua thực sự” là sự chuyển dịch từ cụm từ tiếng Trung – Vương mà thực sự là đề cập đến một vị vua lý tưởng. Trật tự chính trị lý tưởng sẽ mang đến một trật tự đạo đức lý tưởng. Hình ảnh này gợi nhắc cho ta về một hình ảnh trong Kinh Thánh – Thánh Vịnh 72 nơi mà sự cai trị của đức vua thì được liên kết với việc thất bại của quân thù, mùa màng bội thu, và một trật tự đúng đắn dưới mắt Chúa.
Nhiều chủ đề chính yếu trong triết học Trung Hoa được tìm thấy trong Luận Ngữ. Đạo chắc chắn là một trong số đó nhưng các chủ đề khác cũng hiện diện nữa. Chúng ta ghi nhận rằng Sông Ngân Hà đến từ Sao Bắc Đẩu (Thái Nhất). Ngôi sao này cũng được miêu tả trong Luận Ngữ khi Vị Thầy nói rằng: “Tử viết, vi chính dĩ đức, thí như bắc thần cư kỳ sở, nhi chúng tinh cùng chi”(2.1). Nước cũng được mô tả. Chúng ta thấy Vị Thầy đã được khởi hứng như thế nào khi nghĩ về đời sống trôi qua khi ông đứng nhìn dòng sông[3]: “Tử viết: trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn, trí giả tĩnh, nhân giả động”(6.23). Lý do được đưa ra là người khôn ngoan thì hoạt bát do đó giống như dòng nước chảy mãi trong khi người có lòng nhân thì tĩnh và như thế giống như ngọn núi là biểu tượng cho sự ổn định, vững chãi. Một cách truyền thống, núi và dòng sông (sơn – thủy) có thể được nhìn trong tổng thể một phong cảnh. Khổng Tử không từ chối giá trị của sự khôn ngoan nhưng nói rằng khôn ngoan và lòng nhân từ thì đi chung với nhau, nhưng lòng nhân từ thì quan trọng hơn: “nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân” (4.2)
Những hình ảnh ẩn dụ về cây cối cũng thường xuất hiện. “Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi đạo sanh; hiếu đễ giã giả, kỳ vi nhân chi bổn dư”(1.2). Do đó, mối tương quan của nhân đức thì được hiểu trong sự loại suy với hình ảnh của cây cối. Kính trọng cha mẹ và anh chị em thì được đặt là nền tảng của sự phát triển toàn bộ nhân đức.
Tuy nhiên, còn nhiều điều khác nữa trong Luận Ngữ mà thật khó có thể đưa vào một danh mục nào đó. Những mô tả về cách thức Vị Thầy ăn, uống, những gì mà ông giả định là phải có được nói đến trong nhiều đề tài rất khó hiểu cùng với những trích dẫn được ghi lại bởi các môn đệ có thể đều giúp ích cho chúng ta trong việc hiểu biết về thói quen và quan điểm của vị Thầy nhưng thật khó để dùng chúng để trình bày về một triết học rõ ràng như trong quan niệm của người phương Tây. Chúng ta cần phải chờ nhiều thế hệ cho đến khi khi Mạnh Tử phát triển những ý tưởng của Khổng Tử thành một tổng thể gắn kết hơn. Thật vậy, nhiều triết gia Trung Hoa đương đại tranh luận rằng Khổng Tử chỉ nói với chúng ta cư xử như thế nào còn nền triết học có tính siêu hình đầu tiên thì đến từ Đạo Đức Kinh chứ không phải là Luận Ngữ.
Cuối cùng, cũng cần phải chú ý một điều về thái độ của Khổng Tử đối với tôn giáo. Những nhà nhân văn thế tục đương đại nói rằng Khổng Tử là người mở đường của họ vì ông không hề nói đến “tử bất ngứ: quái, lực, loạn, thần”(7.21). Trong một câu hỏi có tính hùng biện đầy bí ẩn, Vị Thầy hỏi: “Thiên hà ngôn tai?” Ngụ ý ở đây là trời (thiên) chẳng nói gì cả. Trong khi những người nho theo Kitô giáo lại giải thích rằng khi Khổng Tử nói về Thiên là có ý nói về Chúa (God) như thể Khổng Tử và Đức Giêsu có cùng chung một thông điệp. Thiên đã ban cho Khổng Tử (ơn) trở thành một thánh nhân[4] và khi mà người môn đệ ông yêu thương chết đi, ông nói: “Y! thiên táng dư, thiên táng dư!” (11.9). Thành thật mà nói, cả hai cách tiếp cận trên đều mắc cùng một sai lầm: đọc một bản văn cổ trong một ý tưởng hiện đại. Khổng Tử không thể nào là Kitô hữu: Đức Kitô không sinh vào năm 500 BCE. Khổng Tử cũng không thể là một nhà chống tôn giáo theo kiểu những nhà nhân văn thế tục, vì vào thời của ông không ai có ý nghĩ như vậy cả. Tất cả những gì ta có thể nói về Khổng Tử rằng ông là một người duy truyền thống, ông tôn trọng những lễ nghi và những buổi cử hành truyền thống, cả những buổi lễ cho sơn thần, nhưng ông không phải là người mê tín dị đoan. Ông nói về những vấn đề của con người và làm sao để cư xử một cách đúng đắn. Do đó triết học của ông là một sự hòa hợp với linh đạo Kitô giáo nhưng nó cũng có thể hòa hợp tốt với nhiều vũ trụ quan khác nữa.
Edmund Ryden, S.J.
[1] Phụ vị tử ấn, tử vị phụ ấn (13.18)
[2] Quân tử học Đạo tắc ái nhơn (17.3)
[3] Tứ tại xuyên thượng, viết: thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ
[4] Tử Cống viết: cố Thiên túng chi tương Thánh… (9.6)