Chia sẻ với những người ly thân, ly dị và tái hôn

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,

loài người không được phân ly.” (Mt 19,3-12)

Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương (Amoris Laetitia) là thành quả nhiều năm lắng nghe và bàn thảo của các Giám Mục trên toàn thế giới. Sau cùng, ngày 19 tháng 03 năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chính thức công bố bản văn cuối cùng của Thượng Hội đồng về gia đình trong tông huấn Niềm Vui Yêu Thương.[1] Đức Thánh Cha muốn gửi thông điệp này đến mọi thành phần trong Giáo Hội. Theo đó, chúng ta có thể đọc những điểm quan trọng về:

  • Thực trạng và thách đố của đời sống gia đình hiện nay .
  • Chiêm ngắm Đức Giêsu để thấy ơn gọi gia đình.
  • Tình yêu trong hôn nhân.
  • Mục vụ gia đình.
  • Đồng hành và hội nhập cùng những gia đình gặp khó khăn.

Nếu không có giờ đọc toàn bản văn[2], chúng ta cũng có thể đọc những điểm tóm trên Internet.[3] Tuy nhiên, chủ đề bàn luận của chúng ta quanh vấn đề ly dị được Tông huấn này làm rõ hơn.

Trước hết, vấn đề ly dị vốn là chủ đề quá nhức nhối đã có từ lâu đời. Tông Huấn gọi đó là nẻo đường đau khổ và đẫm máu (số 19-22). Bởi, “Vì lý do tốt lành, giáo huấn của Chúa Giêsu về hôn nhân (x. Mt 19,3-9) đã được lồng vào cuộc tranh luận về ly dị.”(số 19). Chúa Giêsu và bất kỳ ai đều có thể nhìn thấy hệ quả của việc ly dị là: gia đình tan rã, tình yêu phu thê chấm dứt, thề ước hôn nhân bị phá vỡ và con cái bơ vơ. 

Vậy có được phép ly dị không? Câu hỏi này quá lớn và cần xem xét đến tường trường hợp, từng khía cạnh. Trong đạo Do Thái, ông Môsê cho phép ly dị, vì sự cứng lòng của dân. Luật pháp các nước cho phép ly dị. Tuy nhiên, Đức Giêsu phản đối điều đó vì “điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly.” (Mt 19,6). Theo đó, Giáo hội dĩ nhiên cũng không ủng hộ việc ly dị, vì đó là luật của Thiên Chúa, vì “Ta ghét việc ly dị, Chúa nói thế.” (Mlk 2,14-16). Đừng quên, nhờ Thiên Chúa và Giáo Hội mà định chế hôn nhân “một vợ một chồng” đã làm nên văn hóa của nhân loại!

Điều đáng lưu tâm là Tông Huấn này nhấn mạnh đến việc đồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Sau khi hạnh phúc hôn nhân tan vỡ, Giáo Hội mời gọi mỗi người đồng hành với họ. “Cần phải đặc biệt tỏ lòng kính trọng trước sự đau khổ của những người phải ly thân, ly dị hay bị bỏ rơi một cách bất công hay những người, vì chồng hay vợ đối xử tệ bạc, mà buộc phải ngưng cuộc sống chung.” (số 242). Bằng cách nào? Trước hết khi hiểu vấn đề, người ta sẽ hành xử hợp tình, hợp lý hơn.

  1. Đối với những người ly thân

Chúng ta biết Giáo Hội trong những trường hợp cụ thể cho phép ly thân, nghĩa là hai người ở vậy. Tuy nhiên trong trường hợp này, hôn nhân của họ vẫn còn giữ nguyên vẹn tính thành sự.[4] Trong thực tế, “có lúc, thậm chí nó còn trở nên cần thiết về phương diện luân lý nữa, đó chính là lúc phải dời người phối ngẫu dễ bị thương tổn hơn hay trẻ nhỏ khỏi các thương tích trầm trọng do lạm dụng hay bạo lực gây ra, hay khỏi cảnh bị làm nhục và bóc lột, và khỏi bị khinh miệt.” (số 241). Trước đó, cha xứ và những người đồng hành nỗ lực hòa giải và yêu thương, tôn trọng họ, với hy vọng giúp họ “gương vỡ lại lành”. Nếu mọi nỗ lực thất bại, ly thân là bước tiếp theo Giáo Hội chấp nhận.[5]

  1. Đối với những người ly dị ở vậy

Đành rằng “ly dị là một điều xấu”, tuy nhiên thực tế con số các vụ ly dị ngày càng gia tăng. Điều này khiến cả xã hội lẫn giáo hội điều rất quan tâm, lo ngại. Giáo Hội không làm gì khác hơn là ra sức bảo vệ định chế hôn nhân và đồng hành với mỗi gia đình.

Cần lưu ý là chỉ có ly dị dân sự (phần lớn Giáo Hội không thể tiêu hôn về mặt bí tích). Những người ly dị “không bị vạ tuyệt thông” và ta nên đối xử với họ như thế, vì quả thực họ vẫn là thành phần của cộng đồng Giáo Hội (số 261). Chúng ta là ai mà soi mói, loại trừ và cắt đứt họ với Giáo Hội, với cộng đồng!? Hơn nữa, những người ly dị không tái hôn thường làm chứng cho lòng chung thủy vợ chồng, họ cần được khuyến khích tham dự vào đời sống giáo xứ, các bí tích và cả về phương diện tài chính. (x. số 260).

  1. Đối với những người tái hôn

Sau ly dị, họ có được tái hôn không? Theo quyền của con người và luật dân sự, họ được phép ly dị và được phép tái hôn. Tuy nhiên về phương diện bí tích, nếu ai gặp ngăn trở, đặc biệt đã ly dị, Giáo Hội sẽ không cử hành bí tích hôn nhân cho họ.[6] (Trừ trường hợp người phối ngẫu của họ qua đời).

Tuy nhiên, Giáo hội vẫn đón nhận những người “đi bước nữa” với rất nhiều tình yêu. Trong Tông Huấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh: “Không ai có thể bị kết án mãi mãi, bởi vì đó không phải là lối suy nghĩ của Tin mừng! Tôi không chỉ muốn nói đến những người đã ly dị và đang sống một sự kết hợp mới.” (số 297). Theo đó, “Những người đã rửa tội ly dị và tái hôn dân sự nên được hội nhập nhiều hơn vào các cộng đồng Kitô Giáo theo nhiều cách có thể, tránh mọi dịp gây gương xấu. (số 299).

Còn về trường hợp rước lễ đối với những người này, Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương không nhắc đến. Chúng ta biết chỉ những ai phạm tội trọng hoặc bị vạ tuyệt thông thì không được lãnh nhận Thánh Thể. Như thế trong trường hợp ly dị, họ không “bị vạ tuyệt thông”[7]; vậy họ có được rước lễ? Thưa, vì hôn nhân mới của họ công khai, khiến người ta vẫn nghĩ rằng họ vẫn có kết hợp tình dục vợ chồng, nghĩa là, vẫn trong tình trạng tội trọng.[8] Tông huấn Mục vụ Gia đình (Familiaris Consortio) số 84 đã giải thích trước đó rõ hơn:

“Hội Thánh không thể chấp nhận cho những người ly dị tái hôn được hiệp thông Thánh Thể. Họ đã tự làm cho mình trở nên mất đi khả năng dự phần vào đó vì tình trạng của họ và vì điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự hiệp thông yêu thương giữa Đức Kitô và Hội Thánh, như nó vẫn được diễn tả và hiện tại hoá trong phép Thánh Thể. Ngoài ra còn có một lý do mục vụ đặc thù khác: nếu chấp nhận cho những người ấy được rước lễ, điều đó sẽ khiến các tín hữu đi tới chỗ sai lạc, hiểu lầm giáo lý của Hội Thánh về sự bất khả phân ly của hôn nhân.”

Như thế, ngoài vấn đề luân lý, Giáo Hội sở dĩ cấm họ rước lễ để: tránh gương mù, gương xấu.[9]

Chúng ta tạm kết thúc đề tài này ở đây với góc nhìn của Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương. Với tựa đề của Tông Huấn, Giáo Hội thực sự muốn đồng hành với con cái mình, với những gia đình gặp khó khăn. Đành rằng còn quá nhiều tranh cãi quanh vấn đề này, nhưng trên hết, yêu thương, tình yêu sẽ là chìa khóa để con người hành xử với nhau!

Ước gì với những gia đình đang hạnh phúc, xin Chúa luôn chúc lành cho đời sống hôn nhân của họ. Trong những gia đình đang gặp khó khăn, chúng ta càng xin với Chúa luôn ban cho họ nhiều ơn lành. Để qua đó, họ đủ sức vượt thắng những thách đố. Mong cho họ “nắm tay nhau cùng hẹn lời mến yêu trọn đời”. Sau cùng, với những đôi bạn ly dị hoặc đã đi bước nữa, xin Chúa làm mới tâm hồn họ với thật nhiều tình yêu.

Bởi trên tất cả, “khát vọng có được một mái ấm gia đình vẫn còn rất mạnh mẽ, đặc biệt nơi những người trẻ, và vẫn đang là cảm hứng của Hội thánh.” (số 1).

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Theo bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Niềm Vui của Tình Yêu.

[2] Có thể mua sách này, hoặc tải file PDF trên Internet

[3] Xem: https://hddmvn.net/tom-luoc-tong-huan-amoris-laetitia-niem-vui-yeu-thuong-ve-gia-dinh/

[4] Xem thêm: Youcat 269.

[5] Xem thêm: Có những nguyên do khác nhau, như sự thiếu thông cảm giữa vợ chồng, thiếu khả năng mở ra với các tương quan liên vị v.v. có thể làm cho cuộc hôn nhân thành sự đi tới chỗ đổ vỡ đau thương, mà thường không hàn gắn nổi. Hiển nhiên là việc ly thân chỉ có thể được dùng như phương thuốc cuối cùng sau khi đã dùng đủ mọi cố gắng để tránh mà không hữu ích gì. (Tông Huấn Familiaris Consortio, số 83).

[6] Xem Youcat 272: “Bất cứ ai thành hôn trong Hội thánh, sau đó li dị, rồi tái hôn, thì làm nghịch lại đòi hỏi rõ ràng của Chúa Giêsu là “hôn nhân bất khả phân ly”. Hội thánh không thể xóa bỏ đòi hỏi này. Đã rút lại sự trung tín khi ly dị, rồi lại tái hôn, đó là phản lại với bí tích Thánh Thể, là bí tích nói lên đặc tính Tình yêu Thiên Chúa không thể đảo ngược, không thể đổi thay. Do đó, những người tái hôn này đã sống trong tình trạng mâu thuẫn như thế, họ không được rước lễ.”

[7] Vạ tuyệt thông (excommunication) là hình phạt không được lãnh các bí tích.

[8] x. http://giaoluatconggiao.com/luan-ly-can-ban/toi-xung-toi-va-ruoc-le-cua-tin-huu-ly-di-tai-hon-theo-tuyen-bo-cua-toa-thanh-nam-2000-jb-le-ngoc-dung-109.html

[9] “Người sống trong tội trọng tỏ tường không được rước lễ (Giáo Luật điều 915)

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *