Mặc lấy cái nhìn mới

Trong Đức Kitô, không có gì là cũ. Inhã dường như thấy Đức Kitô ôm trọn cả thế giới, nên trong “không gian” Kitô ấy, mọi sự đều là mới, vì Thiên Chúa vẫn còn đang tác tạo thế giới trong và nhờ Đức Kitô”. Như chính Inhã đã kinh nghiệm về “cách thức Chúa đã tác tạo nên muôn vật… ông có cảm tưởng nhìn ra một vật trắng, từ đó có những tia sáng toả ra, như Thiên Chúa dùng vật đó để tạo thành ánh sáng” (TT, 29). Đức Kitô bao trùm tất cả, không gì có thể hiện hữu mà không nhờ Đức Kitô và có thể tiếp tục hiện hữu mà ở ngoài Đức Kitô; mà trong Đức Kitô thì luôn luôn là cái mới, là sự mới mẻ. “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới” (2Cor 5,17a) – như lời thánh Phaolo đã khẳng định.[1]

Như thế, cái nhìn mới này của Inhã hệ ở việc thấy “mọi sự đều ở trong Đức Kitô”. Nhờ được “ở trong” Đức Kitô mà mọi sự luôn là mới, bởi luôn được biến đổi bởi sức sống thần linh của Ngài. Có lẽ kinh nghiệm “sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa, vậy dù sống dù chết chúng ta vẫn thuộc về Chúa, vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết”[2] của thánh Phaolô cũng diễn tả ý tưởng “mọi sự đều thuộc về Đức Kitô” mà Inhã đã trải nghiệm ở Cardoner. Kinh nghiệm này một lần nữa khẳng định lại vai trò phổ quát của Đức Kitô, cả trong tạo thành lẫn cứu chuộc, nhờ điệp khúc “muôn loài” hoặc những lời tương đương trong bài thánh ca ở Col 1,15-20.[3] Sự “thuộc về” để được “luôn là mới” của vạn vật vốn dĩ đã xảy ra nơi tạo thành, được hiện thực hoá cách hữu hình nơi biến cố biến nhập thể, và trở nên minh nhiên hơn nơi biến cố phục sinh của Đức Kitô như lời Phaolo diễn tả: “…sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa” (Col 3,1-3). Mọi thụ tạo được đổi mới nhờ công trình của Đức Kitô.[4] Nhờ Người, mọi loài không chỉ khoác lên mình một chiếc áo mới nhưng còn tự trong bản chất của mình, chúng được tái sinh thành một hữu thể mới (x. Rm 6:4-8).

Tắt một lời, kinh nghiệm về “cái nhìn mới” của Inhã ở Cardoner là một nỗ lực diễn tả một chân lý rất hiển nhiên: trong Đức Kitô, mọi sự đều là mới. Trong Đức Kitô, mọi sự được giao hòa, được hợp nhất, được gột rửa và trở nên mới vì được quyện trong Ngài. Chỉ cần thấy mọi sự đều “ở trong” Đức Kitô, thì tức khắc cũng sẽ thấy được “tính mới mẻ” của nó. Nhờ khám phá ra mầu nhiệm của sự sống trong Đức Kitô, thấy Người hòa vào trong thụ tạo và thụ tạo trong Người, Inhã nghiệm ra được “sự mới” nơi mọi sự, không hoàn toàn bởi bản chất luôn thay đổi của nó nhưng nhờ Đấng là Sự Hiện Diện sống động bao trùm tất cả.

Cũng có một cách hiểu khác liên quan đến “thấy mọi sự đều mới trong Đức Kitô”. Nó có thể sẽ gần gũi hơn vì không mang nặng tính thần học và cũng không quá trừu tượng; hơn nữa, lại còn xuất phát từ tinh thần của một bài cầu nguyện rất hấp dẫn trong tập Linh Thao: chiêm niệm Biến Cố Nhập Thể (Lt 101-109). Trong bài thao luyện này, thánh Inhã mời gọi thao viên “nhớ lại việc Ba Ngôi Thiên chúa đang nhìn khắp địa cầu” (x.Lt 102), “thấy sự mênh mông hay sự bao la của thế giới trên đó có vô số dân tộc và các dân tộc rất khác biệt nhau…” (x.Lt 103), “thấy các nhân vật từ người này đến người kia… xem thấy và suy xét Ba Ngôi như ngồi trên ngai vương đế hay toà thiên binh cao cả, đang nhìn ngắm toàn thể bề mặt cùng sự bao la của trái đất và mọi dân tộc…” (x.Lt 106). Điểm mấu chốt chính là đây: cái nhìn của Ba Ngôi về thế giới.

Ba Ngôi nhìn thế giới và thấy những tình cảnh hỗn độn đang diễn ra dưới đây cũng như sự sa đoạ của loài người, nên đã quyết định thực hiện công cuộc Nhập Thể. Có thể nói, cái nhìn của Ba Ngôi là cái nhìn đưa đến sự cứu độ, cái nhìn nhằm mưu ích cho loài người, hay nếu dùng ngôn từ phổ thông: đó là cái nhìn sứ mạng. Chính Ngôi Lời Nhập Thể khi đã mặc lấy xác phàm cũng đã nhiều lần cho thấy cái nhìn ấy, cái nhìn đầy lòng trắc ẩn, thương xót, đặc biệt dành cho những người lâm cảnh túng thiếu, bơ vơ, lạc lõng. Cái nhìn đó thể hiện trọn vẹn bản chất của Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như mục đích của Ngôi Lời khi xuống thế gian, được mặc khải đầy đủ trong cái tên mà Ngài nhận lấy cho mình: Giêsu – Thiên Chúa cứu.

Sở dĩ Inhã có thể “thấy mọi sự đều mới” đó là nhờ ngài đã được ơn để “nhìn mọi sự” bằng “đôi mắt” của Ba Ngôi, được cụ thể hoá nơi ánh nhìn của Đức Kitô. Trước hết, nó cho thấy kinh nghiệm thần bí về Ba Ngôi mà Inhã có được cũng trong thời gian ở Manrêsa, không phải như một ai đó có trí hiểu về Ba Ngôi, nhưng là được mời gọi để đi sâu vào trong tương quan mầu nhiệm này, đến nỗi có thể thấu cảm được tâm tình của Ngài. Thứ đến, Inhã như được biến đổi để từ nay không còn nhìn thế giới bằng cái nhìn cũ kỹ của bản thân, nhưng nhìn theo cách Thiên Chúa nhìn, bằng nhãn quan của Thiên, và từ đó, có được những “tâm tình như Chúa” (x.Pl 2,5). Có thể nói, đây là một trong những kinh nghiệm nền tảng có sức làm thay đổi thánh Inhã cách toàn diện vì khi có cùng “một cái nhìn”, sẽ dẫn đến chung “một tâm tình” và sau đó là lối sống, cung cách hành xử. Nhờ nhìn toàn thể thế giới như Đức Kitô nhìn, trong Inhã cũng nảy sinh khao khát thực thi điều mà Đức Kitô đã làm để được nên đồng hình đồng dạng với Người hơn.

Nói đến đây, ta có thể nghiệm được ý nghĩa vô cùng quan trọng của ơn soi sáng ở Cardoner vì chính trong kinh nghiệm “mới” đó mà thánh Inhã có được một sự hiểu biết về thế giới quan trong cái nhìn thần linh của Thiên Chúa. Nhờ đó, Inhã được biến đổi hoàn toàn đến nỗi có thể được diễn tả như Phaolô khi ngài viết trong thư gửi tín hữu Galat rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (x.Gl 2,20). Đây là bước đầu của một hành trình thiêng liêng nhưng thực sự là một bước tiến quan trọng để đến cuối đời ngài có thể “luôn lớn lên trong lòng sốt mến, nghĩa là trong sự dễ dàng tìm gặp Thiên Chúa, vào những lúc này lại dễ hơn bất cứ bao giờ hết trong cuộc đời cha. Mọi lúc mọi giờ, nếu cha muốn, cha tìm gặp được Người.” (TT, 99). Nhờ kinh nghiệm nhìn thấy mọi sự bằng cái nhìn của Chúa này, cùng với những nỗ lực không ngừng trong đời sống thiêng liêng, dần dần, thánh Inhã đã đạt đến đỉnh cao của lý tưởng chiêm niệm trong hoạt động tức là thấy Chúa trong mọi sự đồng thời thấy mọi sự trong Chúa.[5]

(Còn tiếp)

Xem các bài trước để hiểu thêm:

https://dongten.net/2021/05/20/thay-moi-su-deu-moi-trong-duc-kito/

https://dongten.net/2021/05/28/mot-su-bien-doi-ben-trong/

 

 

[1] Xem thêm Ep 1,3-10; Col 1,15-20

[2] Rm 14,7-9

[3] Gerard O’collins, Christology a Biblical, Historical and Systematic Study of Jesus (bản dịch của linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông), NXB Tôn Giáo, 2012, tr. 450.

[4] Felipe Gomez, Kitô học (quyển 2), Antôn & Đuốc Sáng, 2002, tr. 358.

[5] K.Rahner, Dans Christus, Cahiers Spir. tr. 62

Kiểm tra tương tự

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Một bình luận

  1. khi có cùng “một cái nhìn”, sẽ dẫn đến chung “một tâm tình” và sau đó là lối sống, cung cách hành xử. Nhờ nhìn toàn thể thế giới như Đức Kitô nhìn, trong Inhã cũng nảy sinh khao khát thực thi điều mà Đức Kitô đã làm để được nên đồng hình đồng dạng với Người hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *