Một chuyên viên lịch sử người Đức thuyết trình về cha Đắc Lộ tại Học viện Dòng Tên.

DSC_0088

Chiều ngày 25/10/2013, tại Hội trường Học viện thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam, cha Klaus Schatz, SJ,  một chuyên viên nghiên cứu lịch sử thuộc Tỉnh Dòng Tên Đức, đã thuyết trình về nhà thừa sai Alexandre de Rhodes, tức cha Đắc Lộ và công cuộc truyền giáo của ngài trên Đất Việt.

Hiện diện trong buổi thuyết trình có cha Stefan cũng thuộc Tỉnh Dòng Đức, rất thông thạo tiếng Việt, cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J., đặc trách tiểu ban Hội thảo Chuyên đề Năm Thánh 400 năm Dòng Tên loan báo Tin Mừng trên đất Việt, cha Vinh sơn Phạm Văn Mầm, S.J., Viện trưởng Học viện, quý cha, quý thầy triết sinh và thần sinh của Học viện.

DSC_0083

Khởi đầu bài chia sẻ, cha Klaus Schatz, SJ,  đã dành một ít phút để giới thiệu qua về cha Đắc Lộ (cuộc đời và khoảng thời gian khoảng 9 năm truyền giáo ở Việt Nam với nhiều lần bị trục xuất) cũng như những khởi hứng mà cha có khi viết đề tài về cha Đắc Lộ. Bên cạnh đó, bối cảnh xã hội Việt Nam thời kỳ đầu khi các thừa sai đặt chân đến cũng là một phần trong chia sẻ của cha.

Theo đó, về bối cảnh có thể thấy những điểm chính:

Cuộc bách hại đạo ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII chính là nguyên nhân trực tiếp khiến các Giê-su hữu hướng sự chú ý truyền giáo của mình đến vùng đất Đàng Trong của Việt Nam.

Sự thay đổi trong tương quan mậu dịch giữa Bồ Đào Nha và Nhật (cùng với việc bách đạo, Nhật cũng tuyệt thương với Bồ Đào Nha) cũng khiến cho Bồ Đào Nha chú ý đến vùng đất Đại Việt hơn, và hẳn nhiên, tàu buôn Bồ Đào Nha là phương diện khả dĩ nhất đối với các thừa sai trong hành trình vào hai Đàng của Đại Việt.

Bên cạnh đó, cách chung tầng lớp trí thức (sĩ phu, quan lại ) ở phương Đông tỏ ra khá thích thú với những điều mới mẻ mà khoa học kỹ thuật phương Tây mang đến. Điều này tạo nên chiếc cầu giữa các thừa sai và tầng lớp “có học” ở Phương Đông (Trung Quốc, Đại Việt).

DSC_0091

Sau khi đã phác thảo những nét chính về bối cảnh, cha (thuyết trình viên) đã đi sâu mô tả những đặc nét trong công cuộc truyền giáo của cha Đắc Lộ với những nét khái quát sau:

  1. Khả năng ngôn ngữ là lợi thế đầu tiên khiến cho việc truyền giáo của cha Đắc Lộ có được kết quả nhanh và lớn: Ngài đã được chuẩn bị cho công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài bằng cách được gởi vào Đàng Trong học tiếng trong hơn một năm từ cuối năm 1624 đến giữa năm 1626. Việc xuất hiện ngày 19/3/1627 tại Cửa Bạng trên chiếc thuyền buôn Bồ Đào Nha với bài giảng bằng tiếng Việt đã lôi kéo quần chúng đến với ngài. Và cũng nhờ khả năng này mà ngài đã đóng góp một phần rất quan trọng trong tiến trình phát triển chữ Quốc ngữ qua việc viết và xuất bản hai sách quốc ngữ: Từ điển Việt-Bồ-La và Phép Giảng Tám Ngày.
  2. Cha Đắc Lộ cũng đã tạo được tương quan tốt với nhiều người có thế giá trong xã hội (Phong Kiến), và hẳn nhiên những người này tiếp tục giới thiệu ngài đến quần chúng cũng như giới thiệu Chúa mà họ vừa mới chân nhận cho người chưa biết, chưa tin. Trong một vài trường hợp, những người có học này trở thành những người “hộ giáo” trong những tranh luận với các thành viên trong các tôn giáo khác. Đối với những người có điều kiện, thì nhà của họ trở nên một cứ điểm truyền giáo, đúng hơn là nơi tụ họp để mọi người cùng cầu nguyện và cử hành bí tích.
  3. Việc thành lập Hội Thầy Giảng chính là một sáng kiến nổi bật của cha trong quá trình mang Tin Mừng đến đất Việt. Chính việc quy tụ các thầy giảng trong một cộng đoàn với ba “lời khấn” Khiết tịnh, Thanh bần và Vâng phục đã tạo nên một sức sống mới cho giáo đoàn, đặc biệt khi vì hoàn cảnh các thừa sai buộc phải vắng mặt. Và điều đáng chú ý khác về Hội Thầy Giảng, đó là nó mô phỏng theo đời sống cộng đoàn của các tu sĩ phật giáo – những người sống với nhau trong một ngôi chùa xung quanh một vị trụ trì – đây có thể xem là một sáng kiến độc đáo thể hiện tinh thần hội nhập văn hoá sâu xa.
  4. Khi nói về những nét độc đáo trong quá trình truyền giáo của cha Đắc Lộ, cha Klaus Schatz, SJ,  một mặt cũng so sánh ngài với vị thừa sai Trung Hoa nổi tiếng – Matteo Ricci để chỉ ra những điểm tương đồng: cả hai đều hết mực tôn trọng nền văn hoá bản xứ và nhận ra “giá trị Tin Mừng” trong các nền văn hoá ấy để diễn tả lại niềm tin vào Thiên Chúa, tuy nhiên, cha Đắc Lộ lại đi vào một lối khác Ricci. Nếu Ricci tạo tương quan chính yếu với tầng lớp Nho học, quan lại để đạt được sự đồng thuận từ bên trên (vua, quan), từ đó mở đường cho hoạt động truyền giáo, thì cha Đắc Lộ lại chính yếu hướng đến đối tượng là những người bình dân với những chuyến truyền giáo “băng rừng lội suốt, vượt biển”.
  5. Thuyết trình viên cũng dành nhiều thời gian để bàn về sách giáo lý Phép Giảng Tám Ngày, khai thác khía cạnh “Hội nhập văn hoá” của tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên ấy. Điển hình là trong ngày thứ nhất, thay vì nói trực tiếp về một Đức Chúa Trời ba ngôi, cha Đắc Lộ đã dùng lối quy nạp: xuất phát từ yếu tố tam phụ (Trời-Vua-Cha) trong văn hoá Phong kiến để dẫn đến một Thiên Chúa tối cao – Đấng luôn gìn giữ, quan phòng mọi vật trong bàn tay yêu thương của Ngài.

Như là một kết thúc cho buổi chia sẻ, cha thuyết trình viên đã đề cập đến hình ảnh một Đắc Lộ không chỉ luôn sẵn sàng cho sứ mạng nhưng còn luôn khao khát tử đạo, đặc biệt trong biến cố ngài bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Đàng Trong năm 1645. Ngài đã mong mình được lãnh nhận cành lá thiên tuế tử đạo trong dịp ấy nhưng…. điều đó đã không xảy ra!

DSC_0090

Sau một giờ trình bày, cha Klaus Schatz, SJ, đã dành hẳn giờ còn lại để cử toạ có thể đặt vấn đề nhằm làm rõ những vấn đề còn muốn đào sâu thêm. Qua sự trợ giúp phiên dịch của thầy phó tế Giuse Bùi Quang Minh, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với ước mong hiểu hơn nữa về phương pháp truyền giáo của cha (thậm chí cũng nhằm chỉ ra những hạn chế trong phương pháp truyền giáo của cha), và cử toạ đã nhận được những câu trả lời thoả đáng.

DSC_0106

Buổi trình bày, trao đổi thật sôi nổi, như là một sự kiện khai mào cho những hoạt động khác trong chuỗi sự kiện Dòng Tên Việt Nam hướng đến kỷ niệm 400 năm biến cố Dòng mang Tin Mừng đến Đại Việt.

Tưởng cũng nên nhắc lại, cách đây gần 400 năm ngày 18/01/1615, ba thừa sai Dòng Tên đầu tiên đã đặt chân đến Cửa Hàn, Đà Nẵng thuộc Đàng Trong, từng bước mở ra công cuộc loan báo Tin Mừng trên đất Việt. Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và kỷ niệm biến cố này, anh em Dòng Tên Việt Nam đã xin phép Tòa Thánh mở Năm Thánh mừng 400 năm Dòng Tên loan báo Tin Mừng trên Đất Việt. Lễ khai mạc Năm Thánh sẽ được cử hành vào ngày 18/01/2014 tại nhà thờ giáo xứ Hiển Linh, Dòng Tên và lễ bế mạc Năm Thánh theo dự kiến sẽ được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn ngày 18/01/2015.

DSC_0112

DSC_0115

Huy Hoàng, S.J.

Hình ảnh: Chí Thành, S.J.

www.loanbaotinmung.net

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *