Một số giai thoại và chuyện kể về Đức tân Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II

TTCG – Xin gửi đến quý độc giả một số giai thoại và chuyện kể về Đức tân Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, góp nhặt từ những chia sẻ của một số nhân vật đã từng gặp gỡ, tiếp xúc hay cùng làm việc với vị tân Chân phước, do Hùng Nguyễn ghi lại từ Rôma. 

***

Neal Ascherson: là người tháp tùng ĐTC Gioan Phaolô II trong các chuyến tông du (1979-1983) và là phóng viên viết về Ba Lan trên 40 năm qua. Ông đã viết 2 cuốn sách về quốc gia này, gồm có tác phẩm mới nhất “Những cuộc tranh đấu cho Ba Lan”. Hiện ông đang cộng tác với tờ báo The Observer của Anh quốc.

Tôi đang đứng bên cạnh ngài (trong một chuyến tháp tùng với ngài về Ba Lan) và ngài di chuyển dọc theo hàng rào – rất đông người, rất nhiều bà mẹ, trẻ em, cố lấn sát hàng rào. Và nơi đó có một cô bé khoảng 6 tuổi. Cháu bé có vẻ mập mạp, và người mẹ trẻ cố gắng nâng cháu bé lên và rồi ĐGH dừng lại, ngài nhìn thẳng vào mắt của cháu bé và hỏi: “Con có biết Ba Lan ở đâu không?” Cháu bé hoàn toàn bối rối bởi câu hỏi này. Cháu nhìn ĐGH, cười khúc khích, và sau đó ngài đưa ra ngón tay chạm vào trán cháu bé và nói: “Ba Lan ở đây nè”.

James Carroll: là nhà văn, cựu linh mục Dòng Paulist, tác giả 9 cuốn sách và cuốn hồi ký “An American Requiem”. Kinh nghiệm thường được kể nhất mà tôi từng được nghe về ngài là câu hỏi của các Kitô hữu và người Do Thái, đây là một câu chuyện do một người bạn đã tham dự Công đồng Vatican II 1963-1965 kể cho tôi.

Thử hình dung hình ảnh Đền thờ Thánh Phêrô với hàng ngàn giám mục, hầu như tất cả các giám mục trên toàn thế giới đều ở đây. Và cuộc tranh luận về Nostra Aetate, tài liệu vĩ đại của Vatican về các mối quan hệ của Giáo hội Công giáo với các tôn giáo khác, với một chương đặc biệt về mối quan hệ của Giáo Hội đối với người Do Thái. Đó là một cuộc tranh luận rất gay gắt. Kết quả cuối cùng của tài liệu khẳng định hai điều rất quan trọng có thể gây cảm giác khó chịu nhưng cần được khẳng định. Thứ nhất, người Do Thái sống trong thời của Chúa Giêsu, và cả sau này, sẽ không bao giờ có thể bị gán tội vì cái chết của Chúa Giêsu. Một khẳng định quan trọng. Tại sao? Bởi vì trong suốt 1.500 hoặc 1.800 năm, đó là cơ sở của các cuộc tấn công Kitô giáo. Thứ hai, tài liệu đó loại bỏ ý tưởng cho rằng Kitô giáo thay thế Do Thái giáo và coi đó như là một tôn giáo vượt trội của Thiên Chúa. Do Thái giáo có nguyên lý tiếp tục chính đáng của họ. Điều này rất quan trọng.

Và giờ đây trong cuộc tranh luận, có nhiều vị giám mục không muốn đưa những điểm quan trọng này vào đây, và những luận điểm đó đã bị đẩy tới đẩy lui. Và người bạn của tôi nói với tôi rằng, đột nhiên ở mãi dãy bàn cuối, tiếng một người nào đó cất lên – giọng nói chưa từng nghe trong bất cứ cuộc tranh luận nào. Trong nhiều cuộc tranh luận về nhiều vấn đề khác, người bạn của tôi đã không bao giờ nghe giọng nói này. Ông biết đó đã là một giọng nói khác bởi vì cách phát âm nặng nề. Và người đó đã nói về trách nhiệm của Giáo Hội để thay đổi mối quan hệ với người Do Thái. Và người bạn kể với tôi, “tôi ngẩng đầu lên, tôi tự hỏi, vị tiên tri này là ai vậy kìa?” Và tôi nhìn xuống phía dưới và đó là một giám mục trẻ đến từ Ba Lan. Và không ai biết tên của vị giám mục đó. Và đó là sự can thiệp đầu tiên của ngài đưa ra tại Công Đồng. Và điều can thiệp đó rất quan trọng…

Tôi nghĩ rằng đó là sự khởi đầu tác động rộng lớn mà Đức Giáo Hoàng đã có đối với vấn đề này. Ngài đã bắt đầu thay đổi ở Krakow, nhưng đây mới là sự khởi đầu tác động của ngài về Giáo Hội. Và tài liệu Nostra Aetate đã trở nên một khí thế, một bước ngoặt, trong lịch sử. Một phần, tôi muốn nói, là nhờ ngài. Và những gì xảy ra sau đó cho đến việc ngài lên ngôi Giáo hoàng thì không phải là điều làm ta ngạc nhiên.

 

Bill Blackemore: Chủ bút và là thông tấn viên của ABC News tại Rome từ 1978-1983. Ông đã tháp tùng ĐGH Gioan Phaolô II trong 21 chuyến tông du quốc tế và đã tường trình về vai trò của ngài trong việc sụp đổ Liên bang Xô Viết một cách hoà bình.

Trong chuyến đi thứ hai của Đức Giáo Hoàng đến Ba Lan, lệnh thiết quân luật đã bao trùm đất nước. Những người cộng sản đã tìm được một cái cớ để sử dụng lực lượng quân sự. Rất nhiều người nghĩ rằng ngài phản bội mục đích của ngài. Ngài sẽ thừa nhận chế độ quân sự này…

Vì thế, ngài trở lại lần thứ hai. Hình ảnh cương quyết và quyền lực của Đức Hồng y Wyszinski không còn nữa và không còn ai bên cạnh ngài, bây giờ chỉ còn chính ngài mà thôi. Thế giới đang tự hỏi ngài sẽ làm gì? Ngài sẽ thừa nhận chế độ này? Và vì vậy tất cả chúng tôi đều quan sát thật kỹ khi Jarulzelski và Đức Giáo Hoàng cùng xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên cho một cuộc họp chính thức. Cả hai đứng phía sau micro riêng và không cách nhau quá xa trong một căn phòng. Và hàng loạt máy ảnh nhắm vào và chúng tôi nhận ra Jarulzelski đứng đó – người mang kính đen – và đầu gối của ông ta đang run rẩy.

Và tất cả chúng tôi đã tìm câu giải thích – Tại sao đầu gối ông ta run rẩy khi đứng trước Đức Giáo Hoàng? Chúng tôi đã cố tìm một giải thích cho sự kiện như thế, liệu ông ấy không được khoẻ hoặc ông ấy đang còn trị liệu một chứng bệnh nào đó chăng? Cuối cùng, chính ông ta (Jarulzelski) giải thích, không phải vậy, điều thực sự là: “Tôi đã run rẩy cực độ vì trách nhiệm và tầm quan trọng của con người đang đứng trước mặt tôi”. Cuối cùng, chính Jarulzelski nói: “Đầu gối tôi sẽ run rẩy khi đứng trước những gì mà tôi biết ở đó có một uy lực tột độ”.

Đó là một hình ảnh ấn tượng mà chúng ta khó tin vào mắt mình. Ngài đã bị ám sát – có thể nói là cuộc ám sát trúng mục đích – nhưng ngài đã khôi phục và đang trở lại đất nước này như một dũng sĩ trên lưng chiến mã, và ngài trở lại để tiếp tục cuộc chiến.

Roberto Suro: là một ký giả cho tờ Washington Post và là ký giả toàn thời gian (full-time) chuyên viết về ĐGH Gioan Phaolô II từ năm 1984-1989 cho tờ The New York Times và Times.

Tôi nhớ một ngày đáng ghi nhớ tại Krakow, khi ngài trở về Ba Lan trong chuyến đi lần thứ ba vào năm 1987. Việc này đã trở thành như một nghi lễ. Có hai điều ngài đã luôn luôn làm khi ngài đến Krakow. Một là để cử hành Thánh Lễ tại Meadow Blonia, nơi đó là một vùng không gian xanh bát ngát, nằm bên ngoài các bức tường cổ của Krakow nơi mà đám đông khổng lồ đã tụ tập để chào đón ngài. Giờ đây, họ là người dân của ngài, đó đàn chiên mà cuối cùng ngài đã trở lại với họ, họ là những người mà ngài đã từng dẫn dắt trong vai trò một người mục tử trước khi trở thành giáo hoàng. Và nhân dịp này, ngài đã thực hiện một lối chơi chữ về một bài thơ Ba Lan nổi tiếng: “Tôi đã bị lạc, và sau đó tôi tìm thấy các bạn, và bây giờ tôi đã về nhà”.

Đó là một khoảnh khắc đáng nhớ bất thường đối với ngài để nói về việc bị lạc mất, và để nói về sứ vụ giáo hoàng của ngài, sau gần 10 năm, như chuyến đi xa nhà này.

Và đêm đó, theo thông lệ, các sinh viên từ các trường đại học đã đến nơi cư trú của Tổng Giám mục, nơi đã từng là chỗ cư trú của ngài trong suốt cuộc đời trung niên, để ân cần chào thăm. Cũng như những lần trong hai chuyến đi trước đó, ngài đến bên cửa sổ phòng ngủ để họ nhận ra ngài ở đó. Ngài vẫy tay chào và vỗ tay, gật đầu mừng vui theo nhịp điệu âm nhạc. Khi họ dừng lại, chờ đợi ngài nói điều gì đó; và như tôi nhớ, có một sự im lặng trong giây lát và ngài nói với họ: “Cha biết những gì để nói với các con hồi năm 1979” – đó là chuyến đi đầu tiên của ngài ngay sau khi ngài được bầu lên ngôi giáo hoàng – “nhưng bây giờ Cha không biết phải nói gì với các con”.

Đó là một thời điểm bất thường mà chỉ có thể xảy ra với ngài như nói với người thân trong gia đình. Nó biểu lộ một ý niệm về cuộc hành trình của ngài, và thực tế là vào thời điểm đó, ngài vẫn tìm cách thế riêng để đi tới. Có lẽ trở về nhà, bạn có thể tưởng tượng ngài đã nghĩ: “Các bạn biết đấy, tôi có thể chỉ đến Rome tham dự mật hội đó, và người khác đã được chọn. Và như thế là tôi đã có thể trở lại đây, cuộc sống có thể đã khác thế nào rồi”. Tôi có ý nói là suy nghĩ đó đã phải xảy ra với ngài cả ngàn lần trong suốt 20 năm cuối đời của ngài.

Một câu chuyện tiết lộ về Gioan Phaolô II từ một cuộc phỏng vấn của PBS với Eamon Duffy (http://siena.org/Blog/November-2007/A-Century-of-Popes-John-Paul-II-An-Anecdote)

… Ngay sau khi ngài được chọn… Đức Tổng Giám mục của Liverpool, một người khắc khổ tóc hoa râm… kể cho tôi trong bữa ăn tối mà ngài đã hoàn toàn say mê về cuộc bầu cử Wojtyla. Và tôi hỏi: “Tại sao ngài gây ấn tượng với bạn nhiều như thế?”. Và ngài cho biết họ đã ngồi cùng nhau trong một hội nghị các giám mục vào đầu năm 1970. Và có một số cuộc họp tại Rome vào mùa đông và thời tiết thật khủng khiếp. Và… đã có một cuộc họp giữa những người đến từ các nước khác nhau mà họ không thực sự biết nhau.

Và nhân vật chính là Wojtyla. Ngài luôn luôn vào phòng họp cách vội vã, chỉ kịp ngay trước khi họ khai mạc, và trong một dịp, ngài đã cuốc bộ đến (ngài đi bộ từ nơi cư trú không biết ở góc nào trong thành phố Rôma), và chiếc áo chùng thâm, đôi chân và bít tất của ngài đẫm mồ hôi, vén áo chùng thâm lên, ngài cởi giày và vớ ra, vắt nước từ đôi vớ, treo trên máy sười và nói: “Kính thưa quý ngài, chúng ta bắt đầu công việc được chưa?” Và các ngài cảm thấy ấn tượng về một giám mục có phong cách thể thao như thế. Bạn biết đó, một người đàn ông vạm vỡ với nhiều nhiệt huyết và phóng khoáng. Và mọi người bỗng nhiên cảm thấy ở đây còn có người không mệt mỏi, có người tràn đầy sức sống và hoàn toàn tin tưởng chính mình. Ngài đã có thể cởi vớ của mình ra giữa công chúng.

Tiến sĩ Paul Kengor: ĐGH Gioan Phaolô II là “người bạn tốt nhất” của Ronald Reagan.

Vào mùa xuân năm 1989, và Ba Lan – một quốc gia mà cả Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Reagan tin là đang nắm chìa khoá để làm sáng tỏ khối cộng sản Xô Viết – đang chuẩn bị những gì mà một thập kỷ trước đây đã không ai có thể tưởng tượng: bầu cử tự do.

Reagan vừa rời chức tổng thống và hăm hở dự kiến ​​thời khắc lịch sử này. Một vài tuần trước cuộc bầu cử, Reagan đã có một chuyến thăm tại văn phòng của ông ở California với 4 người: 2 người Ba Lan tranh cử và 2 người Mỹ gốc Ba Lan tiếp đón họ. Họ xin ý kiến từ những người có kinh nghiệm vận động bầu cử trước đây. Họ đã được khuyên những gì họ đã từng nghe: “Hãy nghe tiếng nói của lương tâm”, ông Reagan nói, “vì đó là nơi mà Chúa Thánh Thần nói với bạn”.

Điều đó đủ làm bạn đáng ghi nhớ, nhưng sau đó lời từ Reagan thậm chí còn nhiều bất ngờ hơn. Vị cựu tổng thống chỉ lên bức ảnh Đức Gioan Phaolô II, được treo trên tường, và giải thích: “Ngài là người bạn tốt nhất của tôi”. “Vâng, bạn biết tôi là Tin lành, nhưng ngài vẫn là người bạn tốt nhất của tôi”.

30 năm trước, Ronald Reagan và người bạn thân nhất của ông, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cùng cam kết đóng cọc gỗ vào ngực Đế chế Ma quỷ (Evil Empire) thật sự. Các vị đã làm điều đó – và sau đó như lời các vị nói – phần còn lại là lịch sử.

Thật không tệ về việc làm của hai nhân vật lịch sử và của hai người bạn.

Sự kiện ít được biết của Đức TGM. Wuerl: Ngài đã tham dự Mật nghị Hồng y năm 1978 để bầu Giáo hoàng Gioan Phaolô II:

Với việc Đức Tổng Giám mục Donald W. Wuerl của Thủ đô Washington gia nhập Hồng y đoàn vào ngày 20-11-2010, ngài trở thành vị hồng y hợp lệ duy nhất để bầu giáo hoàng cũng là người đã từng tham dự mật nghị các hồng y năm 1978 để bầu Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Những vị khác tham dự mật nghị hồi 32 năm trước thì đã qua đời hoặc đã nghỉ hưu.

Câu chuyện về sự tham dự của Wuerl trong mật nghị trước đây được những kẻ tiểu tốt trong Giáo Hội như tôi biết đến hoặc đã được thuật lại trong một số sách vở hoặc trên các trang web, nhưng câu chuyện đó gần như bị lãng quên hoàn toàn trong hầu hết những câu chuyện mới nhất về việc Wuerl trở thành hồng y.

Đức Tổng Giám mục Washington – người được 70 tuổi vào ngày 12-11-2010, chỉ cách 8 ngày trước công nghị mà ngài được nâng lên hàng hồng y – lúc đó vào tháng 10-1978, ngài là một linh mục 37 tuổi ở Pittsburgh. Khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I qua đời chỉ sau 34 ngày kể từ cuộc bầu phiếu, một mật nghị thứ hai trong vòng chỉ hơn 1 tháng đã được triệu tập để bầu người kế nhiệm.

Wuerl đã được công nhận là đồng tác giả tác phẩm Lời Giảng dạy của Chúa Kitô (The Teaching of Christ), một văn bản chính yếu vào năm 1976, một trong những sách Giáo lý Công giáo hàng đầu dành cho người lớn bằng Anh ngữ cho đến khi có sách Giáo lý chính thức của Giáo hội Công giáo được giới thiệu gần 2 thập kỷ sau đó.

Từ khi thụ phong linh mục năm 1966, cha đã trở thành thư ký riêng cho Đức Giám mục John Wright của Pittsburgh, và sau đó tại Rome 1969-1979, của Đức Hồng y Wright, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ tại Vatican.

Khi Đức Giáo hoàng Phaolô VI qua đời vào tháng 8-1978, Đức Hồng y Wright đang ở Hoa Kỳ hồi phục sau cuộc phẫu thuật chân do bệnh viêm khớp và các vấn đề y tế khác, ngài đã không thể trở lại Roma dự mật nghị vào tháng sau đó để bầu Giáo hoàng Gioan Phaolô I.

Khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I qua đời vào sáng sớm ngày 29-9 sau 34 ngày trên ngôi Giáo hoàng, ĐHY Wright vẫn còn ở Hoa Kỳ hồi phục sau cuộc phẫu thuật, nhưng ngài có khả năng trở lại Roma trong thời gian đó để dự tang lễ Đức Giáo Hoàng và mật nghị kế tiếp khai diễn từ ngày 14-10 với cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào ngày hôm sau.

Mật hội quy định cho phép các hồng y có nhu cầu trợ giúp y tế hoặc các nhu cầu cần trợ giúp khác có thể mang theo một phụ tá vào mật nghị mà người đó không phải là một hồng y.

Như tôi đã tường thuật vào thời điểm đó, “Đức Hồng y Wright, vừa mới trải qua phẫu thuật chân, được đẩy vào nhà nguyện Sistine trên một chiếc xe lăn do thư ký của ngài, Cha Donald Wuerl, trước buổi lễ vào mật hội khai mạc… Ngài (ĐHY Wright) và Đức Hồng y (Jean-Marie) Villot (Quốc vụ khanh Toà Thánh) là hai vị hồng y duy nhất được phép có các trợ tá”.

Đức Hồng y Wuerl chưa bao giờ phá luật giữ bí mật mà ngài thề về việc bỏ phiếu và các vấn đề nội dung khác thuộc mật nghị năm 1978, nhưng trong những năm qua, ngài đã chia sẻ những giai thoại không bí mật từ mật nghị đó, ví dụ như cuộc trò chuyện với Đức Hồng y Karol Wojtyla trong Vườn Vatican trong thời gian có mật nghị, mà trong cuộc trò chuyện đó, Đức Hồng Y mời cha cùng đi dạo để vị Hồng y Ba Lan có thể thực tập nói tiếng Anh.

Hoặc một sự cố ngay sau khi cuộc bầu cử, như đã được tường trình trên tạp chí People ấn bản tháng 3-1979, thuật rằng: “Khi Cha Wuerl chạy bổ xuống hành lang với chiếc mũ giám mục của Đức Hồng y Wright thì vô tình đâm sầm vào Đức Giáo hoàng tân cử Gioan Phaolô II. “Tôi đã rất bối rối, tôi không biết phải làm thế nào nữa”, Cha Wuerl thuật lại, “vì vậy tôi chỉ biết quỳ gối xuống. Đức Giáo Hoàng nhìn tôi, gần như cười, và nói: ‘Cha đang làm gì vậy chứ, Cha Wuerl? Hãy đứng dậy nào’”.

Góp nhặt từ Rôma, 1-5-2011

Ngày Lễ Phong Chân phước ĐGH Gioan Phaolô II

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *