Một sự biến đổi bên trong

  1. Một sự biến đổi bên trong

 

Hệ quả ngay tức khắc của những ơn mà Inhã nhận được trong thời gian ở Manrêsa chính là dễ dàng nhận ra con rắn đẹp vẫn thường xuất hiện chính là ma quỉ đến cám dỗ ngài. Nhưng điều đáng chú ý hơn là nhờ kinh nghiệm soi sáng đó mà ngài dần dần đi đến một đời sống kết hiệp với Chúa, biểu hiện qua những lần cố gắng chiến đấu để chống lại tính hư danh, vốn đã ăn sâu vào con người ngài. Ý tưởng cho rằng ngài là người công chính đã làm ngài “đau khổ rất mãnh liệt đến nỗi ngài không làm được gì ngoài việc xua đổi nó đi và lấy tội lỗi mình mà chống lại nó” (TT, 32). Trước kia Inhã mong chờ lời khen ngợi của người khác thế nào, bây giờ ngài đau khổ vì những lời ca tụng như thế. Lúc này, Inhã đã quyết tâm không làm điều gì xúc phạm đến Chúa. Cho dù những chống trả của ngài ban đầu còn yếu ớt nhưng cũng đủ nói lên sự quyết tâm mạnh mẽ để xây dựng con người mới nơi ngài.

Trước đây, ngài bắt chước các thánh trong các việc hãm mình một cách hết sức máy móc và cứng nhắc hầu ganh đua với họ, giờ đây ngài chú trọng đến tính chừng mực và tính tông đồ. Ngài không còn xem việc ngủ nghỉ là nhu cầu thứ yếu nữa nhưng dành cho nó một sự tôn trọng xứng hợp hầu tạo nên một nhịp sống hài hòa (TT, 26). Ngài không còn quá cực đoan trong việc ăn chay đến nỗi không đụng đến thịt, rượu hay để cho râu ria, tóc tai và móng chân móng tay mọc dài như trước đây nữa nhưng luôn giữ cho mình một bề ngoài đầy tính cảm hóa (TT, 19). Nhìn xa và rộng hơn, chúng ta sẽ thấy những sự thay đổi trên không hề mang tính ngẫu hứng hay nhất thời nhưng là hệ quả của một tinh thần đã được khai thông. Tinh thần đổi mới trong diện mạo và cung cách hành xử bên ngoài đó giờ đây không còn dựa trên tiêu chuẩn tu đức có phần ngông cuồng của thời đại nhưng đầy tính cảm hóa và luôn luôn vì mục đích tông đồ.

Rõ ràng, những thay đổi bên ngoài đó là hoa trái của một sự thay đổi bên trong, một sự thay đổi đặt nền trên sự hiểu biết nội tâm về Ba Ngôi và sự phân định các thần. Nhiều năm sau, khi viết Định Thức Thể Chế và Hiến Pháp, Inhã cũng có những thay đổi đầy tính cách mạng như thế. Từ việc không cố định tu phục cho các Giê-su hữu như các dòng tu lâu đời cho đến những cải cách trong việc đọc kinh Thần Vụ đều ẩn chứa một cái nhìn vô cùng đột phá và mới mẻ. Xét theo bối cảnh thời đại, khi mà nền Linh đạo thần bí Tây Ban Nha giữa thế kỷ XVI đang lên ngôi, khi mà sức hấp dẫn của những giờ chiêm niệm dài bất tận và sự rối ren của xã hội một lần nữa kéo người ta vào lại trong những tu viện kín cổng cao tường thì quả thật những đột phá trong lối tư duy và cách tiếp cận tông đồ ngang qua những thay đổi bên ngoài đó của Inhã chẳng khác nào một cuộc cách mạng. Lúc mà người ta đang ưa thích hát kinh Phụng Vụ cách long trong cả cộng đoàn, ngài lại yêu cầu mỗi Giêsu hữu đọc riêng từng người một.[1] Khi mà người ta khao khát hãm mình đánh tội cách không thương tiếc, ngài mời gọi mọi người phải bình tâm trong vấn đề sức khỏe để phục vụ Chúa cách xứng hợp nhất.[2] Cứ mỗi khi ai hỏi ngài tại sao lại đem điểm này hay điều nọ vào Hiến Pháp thì mười lần như một ngài sẽ trả lời rằng: “Điều đó tương ứng với một chuyện đã xảy cho tôi tại Manrêsa.[3] Câu trả lời trên của người trong cuộc đủ cho ta thấy được tầm vóc quan trọng và sức bật lớn lao nơi những đổi thay của Inhã bắt nguồn từ ơn soi sáng Cardoner.

Ngoài ra, qua những trang Tự Thuật, chúng ta tìm thấy nhiều dấu vết của một cuộc biến đổi đang được Inhã dần dần hiện thực hoá trong đời sống của mình. Thiên Chúa đang muốn nói với Inhã không phải qua sách vở hay tấm gương của ai khác nhưng qua chính kinh nghiệm cá vị của ngài với Thiên Chúa, nơi các biến cố cuộc đời ngài. Từ sau biến cố Cardoner, Inhã học cách lắng nghe và thực hiện ý định của Thiên Chúa hơn là chiều theo ý người khác hay thậm chí là ý mình như trước. Câu chuyện về những năm hành hương của Inhã cho thấy ngài đang vật lộn với xung đột, giữa một bên là xu hướng hay bối rối còn bên kia là niềm tín thác ngày càng lớn vào Thiên Chúa. Từng chút một, ngài học tín thác thâm sâu hơn nơi Chúa, nhưng điều đó bắt ngài phải trả giá rất nhiều. Cuộc hành hương của Inhã dĩ nhiên không chỉ là một chuyến đi cụ thể mang tính địa lý được khơi dậy từ một ước mơ muốn nhìn thấy và đụng chạm các di tích nơi Đức Giêsu đã sống mà còn là một chuyến hành hương trong tinh thần nữa.[4] Inhã muốn xây dựng tương quan cá vị với Thiên Chúa qua việc thực hành ba nhân đức mến, tin, cậy. Thật vậy, con người tự cao tự đại lúc nào cũng ỷ vào sức mình kể từ giờ phút ấy đã muốn buông mình, phó thác mọi sự vào bàn tay của Thiên Chúa và “muốn duy chỉ có Thiên Chúa mới là nơi trú ẩn” (TT, 35).[5]

Inhã cũng được biến đổi từ một con người có ý chí để thể hiện bản thân đến ý chí quyết tâm cải thiện mình để làm đẹp lòng Chúa. Inhã trong giai đoạn canh tân vẫn là con người mạnh mẽ và kiên cường, ngài luôn bền chí chiến đấu với bao thử thách. Nhưng ý chí và sức mạnh của Inhã giờ đây không phải phát xuất từ khí chất con người ngài, nhưng xác thực mà nói, nó được hun đúc từ ngọn lửa của niềm tin và tình yêu của Thiên Chúa. Vẫn là tính khí của người hiệp sĩ năm xưa nhưng thay vì dốc tâm toàn lực luyện tập võ nghệ để tìm công danh trần thế và hư danh thiêng liêng thì nay được dành để thể hiện lòng mến đối với Thiên Chúa và thực hiện ý định cứu rỗi các linh hồn. Inhã không còn muốn bắt chước vị thánh nào nữa, nhưng chỉ  muốn noi gương chính Chúa, đi lại bước đường của một Đức Kitô khó nghèo, khiêm hạ và chịu sỉ nhục.

Trên hành trình đi đến Giêrusalem, những gian nan, thử thách, bệnh tật, hiểm nguy giăng đầy trên đường, nhưng với niềm tín thác mạnh mẽ, Inhã đã vượt qua tất cả. Sau này, ý chí kiên cường của thánh nhân còn được thể hiện qua tinh thần kỷ luật, nghiêm túc trong học tập. Tinh thần kỷ luật dành cho việc hành xác trước đây trở thành tinh thần kỷ cương trong tư cách một người tông đồ. Việc học hành quả là khó khăn đối với một người lớn tuổi như ngài. Bản thân Inhã mặc dù cũng biết những giới hạn nơi mình nhưng ngài vẫn cố gắng hết sức. Trong lúc học cũng không thiếu những cám dỗ xảy ra dưới hình thức an ủi làm ngài không thể tập trung được. Ngay cả lòng nhiệt tâm làm việc tông đồ trong giai đoạn này cũng ảnh hưởng không ít. Nhưng trong tinh thần phân định và kiên tâm, cuối cùng ngài cũng vượt thắng. Kết thúc hai năm, ngài tiến bộ vượt bậc (TT, 50-55). Như thế, ý chí Inhã giờ đây đã trở thành ý chí của tình yêu, là sức mạnh của con tim nhiệt thành muốn phụng sự và xây dựng tình yêu cá vị với Thiên Chúa.

 

Từ bản thân đến người khác: cái nhìn sứ mạng

 

Ý hướng “giúp đỡ người khác” đã manh nha trong tâm trí Inhã ngay trên giường bệnh ở Loyola, nhưng có lẽ đó chỉ là một chút suy nghĩ thoáng qua, chẳng có gì sâu đậm (x.TT, 11). Có vẻ như sau biến cố Cardoner thì khao khát tông đồ trong ngài mới trở nên mãnh liệt và chín chắn. Chính ngài cũng khẳng định là ngài đến Giêrusalem để “viếng các nơi thánh và đồng thời giúp đỡ các linh hồn.” Giấc mơ Giêrusalem không còn nhằm để đền tội nữa nhưng trở thành một cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô ngay tại những nơi Người đã sống và đã chết để rồi từ đó tiếp tục sứ mạng với Thầy Chí Thánh (x. TT, 45-48). Cha Tổng Quản Pedro Arrupe thật có lý khi nhận xét rằng: “Sự thay đổi [ngang qua ơn soi sang tại Cardoner] chính là ở thái độ nội tâm của ngài: cho đến lúc ấy, linh đạo ngài vốn mang tính cá nhân và hướng nội, giờ đây theo hướng ngược lại, ngày càng mang tính cộng đoàn và tông đồ hơn.”[6] Ngay trong những ngày tháng ấy, mục đích tông đồ đã hoàn toàn bao trùm trên con người ngài.

Quả vậy, ngoài lòng mến, một động lực khác cũng mạnh mẽ không kém chính là động lực tông đồ. Tinh thần quảng đại luôn đấu tranh cho bất công và giúp đỡ người yếu thế của một hiệp sĩ trần thế giờ đây trở thành lửa nhiệt huyết trong tư cách người hiệp sĩ Chúa Kitô, chiến đấu dưới cờ thập giá. Trên con đường đến Giêrusalem, ngài là một hành khất, nhưng lại là một hành khất đầy lòng quảng đại. Ngài đã phát hết những gì mình có cho người nghèo trong khi ngài cũng là người hành khất như họ (TT, 50). Vì nhiệt thành tông đồ, Inhã cũng không ngần ngại vượt đường xa hai mươi tám dặm đi bằng chân không, không ăn, không uống đến thăm một người Tây Ban Nha đang bị đau bệnh đã từng ở chung và đã quỵt tiền ngài. Ý hướng của ngài không gì khác hơn là muốn lôi kéo anh ta bỏ thế gian để hiến thân hoàn toàn phụng sự Thiên Chúa (TT, 79). Thời gian học ở Paris cũng vậy, không làm được gì nhưng Inhã đã đi xin tiền, ngoài việc để trang trải cho việc học của mình, ngài còn giúp đỡ những anh em khác về học phí của họ (TT, 76-77).[7]

Chính động lực tông đồ đã đưa Inhã ra khỏi Manrêsa, cũng như đã loại bỏ khỏi tâm tưởng Inhã khát vọng muốn sống một đời ẩn tu mà ngài đã có trước đó. Nhờ vậy, ngài đã quy tụ những người bạn cùng chí hướng để làm việc tông đồ. Trải qua nhiều thất bại, cuối cùng, một nhóm bạn cũng được thành lập ở Paris. Dự tính đi Giêrusalem không thành của họ hoá ra lại là nguyên cớ rẽ họ sang một hướng đi khác chẳng ai ngờ tới. Chúa đã muốn họ về Roma, đặt mình dưới sự sai phái của Đức Giáo Hoàng. Từ đây, với sự xác chuẩn của thị kiến La Storta, và trong một cuộc bàn định định mệnh, dòng Tên đã ra đời, hoàn toàn hiến thân để phụng sự Thiên Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Inhã được ơn hoán cải, nhưng ơn đó chưa bao giờ chỉ dành riêng cho một mình ngài; nó còn là ơn dành cho người khác, vì như ngài diễn tả rất rõ ràng trong Định Thức Thể Chế khi nói đến bản chất của Dòng là “… bảo vệ và truyền bá đức tin, cùng giúp các linh hồn tiến tới trong đời sống và giáo lý Đức Kitô…” (ĐTTC 1) hay “mục đích của Dòng là nhờ ơn Chúa không những chăm lo cho anh em trong Dòng được cứu độ và nên hoàn thiện, nhưng cũng nhờ ơn Chúa, còn hết sức xả thân cho tha nhân được cứu độ và nên hoàn thiện nữa.” (HP 2)

Sự mới mẻ trong cái nhìn của thánh I-nhã nhờ ơn soi sáng Cardoner không chỉ thay đổi con người Inhã nội tâm và dáng vẻ bên ngoài, nhưng nó còn xoay chuyển cả mục đích của ngài nhắm đến phục vụ các linh hồn thay cho lý tưởng trước đó chỉ lo cho mình được gặp Chúa. Mọi sự ngài làm sau biến cố quan trọng ấy không tập trung vào một mình ngài nhưng hoàn toàn hướng đến việc xả thân để cứu giúp các linh hồn. Ánh sáng và cái nhìn siêu nhiên được thông truyền từ Ba Ngôi này đã chi phối toàn bộ đời sống của người tân binh. Ngài liên tục dành giờ để ở lại trong các bệnh viện để chăm sóc, nói chuyện cũng như an ủi bệnh nhân, dành thời gian để nói về Thiên Chúa cho bất kỳ ai ngài gặp gỡ, ngài cũng giúp người ta học giáo lý, tập cầu nguyện. Trong ngài nhen nhóm ngọn lửa muốn truyền giáo cho người ngoại với ước muốn tất cả mọi người đều biết và tôn kính Đức Ki-tô. Vì lẽ này, kinh nghiệm “thấy mọi sự đều mới” trở thành cốt lõi của Linh Thao, để những ai, đặc biệt là các tu sĩ Dòng Tên, nhờ cảm nghiệm được điều này và lãnh nhận được ơn này thì cũng được biến đổi như thánh Inhã.

Có thể nói, Thiên Chúa đã dùng thánh Inhã như khí cụ để thổi một luồng sức sống mới cho hoạt động tông đồ của Giáo Hội. Bên bờ sông Cardoner, thánh Inhã đã được Thiên Chúa đưa vào trong cung lòng của Ba Ngôi, đồng thời ban cho ngài một cái nhìn siêu nhiên về mọi sự cùng với lời mời cộng tác với Con Một của Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ nhân loại. Nhờ đó, Inhã luôn ý thức về một Thiên Chúa đang lao tác và mời gọi con người chung tay để cùng nhau xây dựng Vương Quốc của Người.

(Còn tiếp)

Xem bài trước có liên quan:  https://dongten.net/2021/05/20/thay-moi-su-deu-moi-trong-duc-kito/

[1] ĐTTC số 8

[2] Lt 23

[3] Nadal, Dialogi pro Societate (1563), số 8

[4] x. David Lonsdale, sđd, tr. 50.

[5] Xem thêm: TT 35, 36, 45-48, 61-70

[6] Pedro Arrupe, Sống đặc sủng thánh I-nhã, tr. 125

[7] Có thể đọcthêm TT 38, 43, 88-89

Kiểm tra tương tự

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Một bình luận

  1. Cảm ơn tác giả, Bài viết thật giá trị cho tôi. Hiện nay, tôi đang đi tìm cho mình một con đường thiêng liêng và may mắn gặp được gương sống của Thánh I-nhã. Càng tìm hiểu về cuộc đời qua hành trình hoán cải của Ngài, tôi càng bị cuốn hút đến say mê, không cưỡng được, và nhận ra đây thực sự là con đường tu dức dành cho mình trong cuộc đời còn lại. Hiện nay, tôi ước mong có được sự phân định thiêng liêng, biết được những yếu đuối tội lỗi của mình và biết được tình yêu và lòng thương xót mà Thiên Chúa đã ban cho tôi qua Đức Giêsu Kitô. Để tôi có thể thuộc về Chúa cách trọn vẹn ngay chính cuộc sống hiện tại, có thể sống xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu và làm sáng danh Chúa hơn.
    Rất mong nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng từ quý tu sĩ Dòng Tên trên hành trình thiêng liêng.
    Nếu Quý Tu sị nào giúp được vui lòng liên hệ qua email.
    Chân thành cảm ơn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *