Một thoáng nhìn về Thiên Chúa Ba Ngôi

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

Chúc tụng Thiên Chúa

là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần,

vì Người hằng thương xót chúng ta.

 

 

Đó là lời ca nhập lễ của Thánh Lễ trọng thờ lạy Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm không thể hiểu thấu. Nhưng mầu nhiệm này chính là “rường cột” cho đời sống đức tin của người tín hữu. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói rằng: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Ki-tô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin” (số 234).

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi luôn vượt trên trí hiểu của con người. Đúng vậy, khi nói đến hai từ mầu nhiệm, là chúng ta xác định rằng: đó là điều kỳ diệu khó hiểu và khó giải thích, và đúng hơn là điều với sức con người chúng ta không thể hiểu được, mà chỉ có Thiên Chúa mới mạc khải và tỏ lộ cho chúng ta hiểu được phần nào.

 

Richard Rohr nói rằng: “Mầu nhiệm không phải là điều mà chúng ta không thể hiểu được. Thật ra mầu nhiệm là điều mà chúng ta không bao giờ thấu hiểu được trọn vẹn. Vì thế không có điều gì mà chúng ta có thể nói rằng: ‘Bây giờ tôi đã thấu hiểu trọn vẹn’. Thật vật, mầu nhiệm làm chủ chúng ta và luôn luôn làm chủ chúng ta trong mọi sự cho đến muôn đời”.

 

Vì thế, sẽ thật là ảo tưởng khi ai dám nói rằng: “Tôi đã thấu hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cách trọn vẹn”. Câu truyện nổi tiếng về thánh Augustino diễn tả cho chúng ta về sự giới hạn của trí hiểu của chúng ta trước mầu nhiệm Ba Ngôi, hay nói khác đi, mầu nhiệm Ba Ngôi làm chủ chúng ta, và không bao giờ chúng ta có thể làm chủ được mầu nhiệm Ba Ngôi.

 

Truyện kể rằng: “Một hôm thánh Augustinô đi bách bộ trên bãi biển và tâm trí thì luôn suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi:  Làm sao chỉ có một Thiên Chúa và Ngài lại có Ba Ngôi khác nhau: Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con và Ngôi thứ Ba là Thánh Thần.  Như vậy lẽ ra phải có Ba thay vì chỉ có Một Thiên Chúa mới hợp lý?  Augustinô không sao lý giải được mầu nhiệm này: Một mà lại là Ba, và Ba chỉ ở trong Một? Bấy giờ Augustinô trông thấy em bé trai đang ngồi trên bãi biển, tay cầm một cái vỏ sò múc nước biển rồi đổ vào một cái lỗ nhỏ hang còng ở trên bãi cát.

 

Vị Giám mục hỏi cậu bé:

  • Này em, em đang làm gì vậy?

Cậu bé trả lời:

  • Cháu đang cố gắng múc tất cả nước của đại dương này để đổ vào lỗ hang của con còng này

 

Vị Giám mục nói:

  • Sao em lại làm một điều vô lý như thế? Em hãy nhìn xem: nước biển bao la như vậy thì làm sao cái lỗ hang còng nhỏ bé kia có thể chứa hết nước của nó được?

 

Nhưng Augustinô thật bất ngờ, khi nghe cậu bé đáp:

  • Việc cháu làm đây cũng không vô lý bằng việc Ngài đang làm: làm sao ngài có thể dùng trí khôn nhỏ bé của ngài mà hiểu thấu được mầu nhiệm lớn lao vô cùng của Thiên Chúa?

 

Nói xong cậu bé biến mất.

Bấy giờ Giám mục Augustinô hiểu rằng Chúa đã sai thiên thần đến để giúp mình ý thức về sự giới hạn và bất lực khi phải đối diện với những mầu nhiệm cao cả vô cùng của Thiên Chúa.

 

Khi chiêm ngắm và tìm hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chúng ta không thể cậy vào sức suy nghĩ của mình là loài người, nhưng phải dựa vào sự soi sáng mạc khải của Thiên Chúa. Thật vậy, kinh nghiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi luôn là một hồng ân đặc biệt dành cho những tâm hồn sốt mến.

Thánh I-nhã có lòng sốt mến dặc biệt đối với Chúa Ba Ngôi. Ngài cầu nguyện hằng ngày với từng ngôi. Trong các tài liệu viết tay, ngài đề cập đến mầu nhiệm cao trọng nhất này là cội nguồn của mọi mầu nhiệm. Bằng cách dùng hình ảnh của ba nốt nhạc hay phím đàn để tạo nên hợp âm, thánh I-nhã đã mô tả giây phút hồng ân đã ghi khắc lòng sốt mến của ngài đối với Chúa Ba Ngôi.

 

Kẻ ấy [I-nhã] rất sùng kính Ba Ngôi chí Thánh. Mỗi ngày kẻ ấy cầu nguyện với Ba Ngôi riêng rẽ. Vì kẻ ấy vẫn cầu nguyện với chung Ba Ngôi Chí Thánh, nên tự hỏi sao lại cầu nguyện bốn lần với Ba Ngôi. Nhưng ý tưởng ấy chẳng quan trọng mấy nên không làm kẻ ấy băn khoăn bao nhiêu. Một hôm, đang đọc các giờ kinh kính Đức Mẹ ở tam cấp đan viện. Trí hiểu kẻ ấy được nhấc bổng lên như thể thấy được Ba Ngôi Chí Thánh dưới dạng ba phím đàn. Nước mắt trào ra, kẻ ấy thổn thức không sao kìm hãm được. Sáng hôm ấy, tham dự một buổi rước kiệu khởi hành từ đan viện, kẻ ấy không sao cầm được nước mắt mãi cho đến bữa ăn trưa. Sau bữa ăn, không gì ngăn cản kẻ ấy nói về Ba Ngôi Chí Thánh, trong lòng đầy niềm vui và an ủi, dùng nhiều thí dụ khác nhau để diễn tả. Kẻ ấy còn giữ ấn tượng này suốt đời, nên hễ cầu nguyện với Ba Ngôi Chí Thánh kẻ ấy bắt đầu cảm thấy rất sốt sắng”. Đó là kinh nghiệm thiêng liêng của thánh I-nhã về Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Ngoài ra, trong Nhật ký thiêng liêng, thánh I-nhã còn đề cập nhiều đến Ba Ngôi Cực Thánh, đến những thị kiến về Ba Ngôi và những lời cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su và Thánh Thần. Vào thứ tư, đầu Mùa Chay, 27-2-1544, thánh I-nhã viết:

“Tôi đã sẵn sàng trong phòng, cầu xin Chúa Giê-su không phải bằng mọi cách xin xét chuẩn nhưng là để ngài biến tôi thành khí cụ hữu hiệu nhất của ngài trong sự hiện diện của Ba Ngôi Chí Thánh… và bằng phương thế thích hợp nhất, miễn là nhận ra chính mình trong ân sủng của ngài.

 

Trong giờ cầu nguyện này, tôi đã nhận được ánh sáng và sức mạnh, đi vào nhà nguyện và cầu nguyện, tôi cảm thấy hay đúng hơn là thấy vượt quá sức tự nhiên của mình, Ba Ngôi Chí Thánh và Chúa Giê-su, đang giới thiệu tôi và đưa tôi vào sự hiệp nhất của Ba Ngôi Chí Thánh. Với hiểu biết và thị kiến này, tôi được tràn ngập tình yêu và nước mắt, tôi hướng lên Chúa Giê-su và Ba Ngôi Chí Thánh với lòng tôn thờ trìu mến, trong niềm kính yêu hơn bất cứ sự gì khác.

 

Sau đó trong khi suy gẫm về Chúa Cha, tôi nghĩ đến Chúa Giê-su cũng đang cùng làm việc với Chúa Cha, bằng ý nghĩ và cảm xúc trong lòng, tôi thấy ngài đang thi hành mọi sự với Cha và Ba Ngôi Chí Thánh.

Bước vào thánh lễ, tôi đã khóc nhiều, rất sốt mến, cũng vậy, đột nhiên tôi thấy rõ ràng Chúa Ba Ngôi như trước đây. Tôi càng gia tăng lòng sốt mến Chúa Ba Ngôi và nhiều lúc tôi không nói lên được”.

 

Kinh nghiệm của thánh I-nhã về Thiên Chúa Ba Ngôi cho chúng ta nhận ra rằng, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chúng ta chỉ có thể cảm nhận và hiểu được phần nào qua chính tương quan tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Một tương quan gắn bó, nên một và phong phú. Nói khác đi, Thiên Chúa là tình yêu, và vì thế mầu nhiệm Ba Ngôi nói lên tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Khi chúng ta ở trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được Chúa cho hiểu được phần nào hình ảnh thật tuyệt vời của Thiên Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh đó chúng ta đã được ghi dấu ngay từ lúc đón nhận bí tích Thanh Tẩy. Khi được rửa tội, người tín hữu được mời gọi bước vào ngôi nhà của Thiên Chúa Ba Ngôi qua công thức mà linh mục thực hiện: “… , Cha rửa con, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Công thức này được chính Chúa Giê-su truyền lại: “Các con hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”(Mt 28,20).

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giải thích: “Người Ki-tô hữu được rửa tội “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Trước khi lãnh nhận bí tích, họ phải trả lời 3 lần “Tôi tin” để đáp lại những câu thẩm vấn về đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. “Đức tin của mọi Kitô hữu đều dựa trên mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi” (Th. Césaire d’Arles, Tuyên xưng đức tin). (số 232).

 

Thánh Grê-gô-ri-ô thành Nazianze, được người đời xưng tụng là “nhà thần học”, trao cho những dự tòng tại Con-tan-ti-nô-pô-li bản tóm lược đức tin về Ba Ngôi như sau: Xin giữ cho tôi kho tàng quý báu này, mà vì nó tôi sống và chiến đấu, và còn muốn đem theo khi chết, nhờ nó tôi chấp nhận tất cả mọi gian khổ và khinh chê mọi lạc thú: tôi muốn nói đến bản tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hôm nay tôi trao gửi anh chị em. Với lời tuyên xưng này, lát nữa, tôi sẽ dìm anh chị em xuống nước rồi nâng anh chị em lên. Tôi trao cho anh chị em bản tuyên xưng đó làm người bạn đường, người bảo trợ anh chị em suốt đời. Tôi trao cho anh chị em một Thiên Chúa duy nhất và quyền năng Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi Vị, phân biệt nhau. Một thiên tính không có dị biệt trong bản thể hoặc bản tính, không cấp bậc hơn kém. Cả Ba Ngôi Vị vô tận, cùng chung một bản tính vô tận. Mỗi Ngôi vị tự thân là Thiên Chúa trọn vẹn… Cả Ba Ngôi kết hợp cũng là Thiên Chúa… Tôi chưa bắt đầu suy tưởng đến Thiên Chúa duy nhất, thì hào quang của Ba Ngôi Thiên Chúa tràn ngập thân tôi. Tôi chưa bắt đầu suy tưởng đến Ba Ngôi, thì Thiên Chúa duy nhất làm tôi sững sờ…(Or. 40,41). (Sách GLHTCG số 256). Ngoài ra, các bí tích khác cũng luôn dựa vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Nói khác đi, mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng, căn tính, là thẻ “căn cước” của người tín hữu. Nghĩa là, trên hành trình cuộc sống, người tín hữu luôn thể hiện hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta nhớ lại việc làm dấu mà chúng ta làm trong mọi sinh hoạt, trước khi dùng bữa và khi kết thúc bữa ăn. Thánh Lễ bắt đầu với việc làm dấu và ra về với việc làm dấu. Tất cả mọi lời chúc lành đều kêu danh thánh Thiên Chúa Ba Ngôi. Mọi công thức làm phép đều cậy nhờ vào Thiên Chúa Ba Ngôi.  Thật vậy, đi đâu thì đi, ở đâu thì ở, người tín hữu luôn đi với Dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi lần đưa tay lên để làm dấu là mỗi lần chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, là nguồn mạch của tình yêu và lòng thương xót.

 

 

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

 

Lời của thánh sử Gioan đã mở ra cho chúng ta một bức tranh tuyệt vời của tình yêu mà Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho nhân loại chúng ta, dành cho thế gian.

 

Thật vậy, “thế gian” ở đây chính là nhân loại chúng ta, là mỗi người trong chúng ta. Chúng ta được Thiên Chúa chú ý tới. Sự chú ý của trái tim. Thiên Chúa biết chúng ta cần gì. Chúng ta cần Chúa, chúng ta cần đến Con Một của Thiên Chúa, Đấng có thể giúp cho chúng ta tìm được an bình và hạnh phúc trong cuộc sống dương thế và cuộc sống mai hậu.

 

Hơn nữa, thánh sử còn dùng cụm từ “Con Một” thay cho cụm từ “Con Người”. Điều đó có ý nghĩa gì vậy? “Con Một” thì quý giá nhất và được yêu thương nhất và Thiên Chúa đã trao ban Con Một cho thế gian. Như thế tình yêu thế gian của Thiên Chúa thật lớn lao và đặc biệt. Yêu thế gian đến nỗi trao ban cho thế gian người Con yên mến nhất và quý giá nhất của Người. Đó là điều chúng ta không thể tưởng được.

 

Trước tình yêu của Thiên Chúa, con người phản ứng thế nào? Con người có tin tưởng và mở lòng để đón nhận hay không? Ở trong lời nói của Chúa Giê-su hàm chứa khả thể “đón nhận – tin tưởng” hoặc “từ chối không tin” của con người.

 

Với Chúa Giê-su, những ai đón nhận và tin tưởng vào Con Một của Thiên Chúa thì người đó sẽ khỏi phải chết và hơn nữa người đó sẽ được sống muôn đời. Như thế hoa quả của niềm tin thật rõ rệt và cũng thế niềm tin đóng vai trò thật quan trọng đối với người Ki-tô hữu. Nhưng ở đây, chúng ta tự hỏi “sự sống muôn đời” mà Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng Gioan là gì vậy?

 

Đó là một cuộc sống xuyên suốt qua cái chết và sự sống này không bị “tận diệt”, mà hơn nữa sự sống này vươn lên tới cõi vĩnh cửu.

Thánh Ignatio Antiochia nói rằng: “Tình yêu của tôi đã bị đóng đinh vào thập giá; … Một mạch nước đang sống và đang nói ở trong tôi, nói với tôi tự bên trong rằng: ‘Hãy đến với Chúa Cha’”. Còn thánh Tê-rê-sa Avila thì: “Con nóng lòng được nhìn thấy Chúa, nên con muốn chết”. Cũng là nữ tu dòng Kín, chị thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su viết: “Tôi không chết, tôi đang bước vào cõi sống”.

Sự sống muôn đời không chỉ là sự sống sau cái chết, mà còn là sự sống hiện tại với một chất lượng của nó. Chất lượng này hàm chứa tính cách của Thiên Chúa, nghĩa là sự sống này của người Ki-tô hữu chất chứa tương quan tình yêu với Thiên Chúa, cũng như sống động tinh thần Tin Mừng trong ngày thường, giữa anh chị em và giữa mọi người với nhau.

 

Cụ thể, đời sống có chất lượng ở đời này sẽ được “hiển lộ”, khi chúng ta đón nhận và sống động lời khuyên của thánh Phao-lô: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em” (2Cr 13,11). Sống trong niềm vui trong hoan lạc chính là hoa trái của Thần Khí ban cho (x.Gl 5,22). Niềm vui này gắn liền với sự hoàn thiện mà Chúa đã kêu mời chúng ta: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

 

Sự hoàn thiện gắn liền với tình yêu, sự hoàn thiện của đồng tâm nhất trí trong đời sống cộng đoàn, sự hoàn thiện của thuận hoà, của tương trợ và khuyến khích cùng nhau sống thiện, cùng nhau sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, sống nhờ Chúa, sống với Chúa và sống trong Chúa. Như vậy, người Ki-tô hữu được đón nhận hồng ân thật cao quý như lời thánh Phao-lô cầu chúc: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men” (2Cr 13,13).

 

Khi người Ki-tô hữu sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi thật sự, thì niềm vui hoàn thiện sẽ tự đông toả lan, qua chính nụ hôn chào nhau cách thánh thiện, trong chính bình an sâu thẳm từ Thiên Chúa Ba Ngôi lan tràn giữa lòng người với nhau.

 

Mong sao, đời sống chất lượng ở đời này được “hiện thực hoá” trong đời sống của mỗi người Ki-tô hữu. Đó là cách thức sống “sự sống muôn đời” ở đời này để vươn tới sự sống muôn đời ở đời sau trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Cyrillo thành Giê-ru-sa-lem viết: “Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này: Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, đổ tràn các hồng ân thiên quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng thương xót của Ngài, cả chúng ta là những con người, chúng ta cũng đã lãnh nhận lời hứa vĩnh viễn là được sống muôn đời”.

 

Như thế, Nhờ lòng thương xót của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự sống muôn đời đã bắt đầu từ đời này. Nghĩa là chúng ta được sống trong sự hiện diện thần linh, được chia sẻ hạnh phúc của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đó là thiên đàng tại thế. Là nỗi niềm khao khát của các thánh nhân và của mỗi người chúng ta.

Thật là niềm vui khôn siết dành cho chúng ta, những người tin.

Thật là phúc lành khôn tả dành cho chúng ta, những phận người hèn hạ được đón nhận món quà niềm tin, nghĩa là được sống trong sự hiện của Thiên Chúa Ba Ngôi, được sống trong lòng thương xót vô biên của Ba Ngôi ở đời này và cả ở đời sau.

 

Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”.

 

Vời lời trên, thánh Gioan cho chúng ta thấy được sứ mạng của Chúa Giê-su khi đến trần gian. Người đến thế gian, không phải để lên án, nhưng là để cứu độ thế gian.

 

Thiên Chúa không muốn nhân loại, đã đánh mất chính mình vì tội lỗi, sẽ phải bị diệt vong. Nhân loại đã đã đánh mất bản thân, đánh mất trung tâm điểm của cuộc sống, đã đánh mất hình ảnh nguyên mẫu thật đẹp của mình và nhân loại đã chết ngay trong chính khi họ đang sống. Nhân loại này vẫn được Thiên Chúa tiếp tục yêu thương. Thiên Chúa đã nói lời “xin vâng” với nhân loại này ngày đầu tiên, thì lời “xin vâng” của Thiên Chúa đối với nhân loại có giá trị ngàn đời. Không có bóng đêm nào, tội lỗi nào và sự dữ nào có thể làm cho tình yêu xin vâng của Thiên Chúa bị phai tàn.

 

Hơn nữa, dù cho nhân loại đang lần bước trong bóng đêm, đang rơi vào trong lũng âm u, đang lạc bước giữa biển khổ của cuộc đời, Thiên Chúa vẫn yêu thương và Ngài gởi Con Một của Ngài xuống trần gian không phải để lên án thế gian, mà để cứu độ biết bao người đang lạc bước, dẫn họ về với đường lành thánh và về với Thiên Chúa.

 

Trong các bài chiêm niệm của Linh Thao, thánh I-nhã đã đưa bài chiêm niệm thật thú vị về Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương nhân loại (x. Lt số 102-109). Trước hết, thánh I-nhã mời gọi mọi người mường tượng khung cảnh Ba Ngôi Thiên Chúa đang nhìn xem khắp mặt địa cầu đầy người; và thấy mọi người đang sa xuống hỏa ngục, Ba Ngôi quyết định trong sự vĩnh hằng của mình rằng Ngôi Hai sẽ làm Người để cứu chuộc nhân loại.

Nhưng nhân loại trên mặt địa cầu đang làm gì và họ đang cần gì? Ba Ngôi Thiên Chúa, như ngự trên ngai tòa uy nghi, nhìn những người trên mặt đất, với bao sự khác biệt, trong y phục và cử chỉ, kẻ trắng người đen, người hòa bình kẻ chiến tranh, kẻ khóc người cười, kẻ khỏe mạnh người ốm yếu, người sinh ra kẻ chết đi v.v. Ba Ngôi nghe những điều người ta nói trên mặt đất, tức là nghe người ta nói với nhau, chửi rủa và nói phạm thượng v.v., như thế nào. Ba Ngôi cũng đang nhìn xem những việc người ta làm trên mặt đất, như đánh, giết, sa hỏa ngục v.v.; và các Đấng nhìn xem khắp mặt địa cầu và mọi dân tộc đang mù quáng dường ấy, đang chết và sa hỏa ngục như thế nào.

Trong bối cảnh này, thánh I-nhã mời gọi chúng ta lắng nghe lời của Ba Ngôi Thiên Chúa phán: “chúng ta hãy cứu chuộc nhân loại…”.

 

Công cuộc cứu chuộc được bắt đầu với mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giê-su, với tình yêu trao ban Con Một là Chúa Giê-su cho nhân loại.

Nếu chúng ta chiêm niệm và cầu nguyện về biến cố này, chúng ta nhận ra rằng, chúng ta quá quan trọng đối với Thiên Chúa, đến nỗi Thiên Chúa sẵn sàng ban Con Một của Người cho chúng ta. Con Một là Chúa Giê-su đến để cho chúng ta được sống, được sống dồi dào và được sống đời đời, cụ thể qua chính ơn cứu độ Ngài ban cho chúng ta.

 

Tuy nhiên, ơn cứu độ và quà tặng “sự sống đời đời” luôn “tôn trọng” sự tự do của con người. Vì thế, ai tin thì có phúc và ai không tin thì người đó tự mình từ chối phúc lành cao quý của Thiên Chúa.

 

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng

Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

là Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến,

xin tôn vinh chúc tụng muôn đời. Ha-lê-lui-a.

 

Thật đẹp khi chúng ta luôn ý thức dâng lời tôn vinh chúc tụng và thờ lạy Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Thật đẹp khi chúng ta biết in dấu Thiên Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời và trong cuộc sống hằng ngày.

Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ sợ hãi, luôn vững tâm và đơn sơ làm dấu tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi ở nơi công cộng: Khi ngồi trên máy bay hay xe lửa, nơi chỗ đông người, trước khi dùng bữa ăn xin cho con biết ý thức làm dấu tuyên xưng Chúa Ba Ngôi, xin Chúa chúc lành cho con, và xin cho con biết nói lời tri ân Chúa đã ban của ăn cho con.

 

Chân phước Elizabeth Chúa Ba Ngôi là một nữ tu dòng kín ở Dijon đã sống mầu nhiệm tôn thờ Chúa Ba Ngôi trong tâm hồn cách đặc biệt. Chị viết: “Chớ gì tôi được sống mãi trong căn phòng nhỏ bé mà Chúa đã xây dựng từ lâu trong đáy hồn tôi. Ở đó tôi được nhìn thấy Chúa, được cảm nghiệm có Chúa ở bên”.

 

Chị đã cầu nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi như sau:

 

Ôi Thiên Chúa của con, con thờ lạy Ba Ngôi,

xin giúp con quên hẳn mình đi để ở trong Chúa,

bất động và bình an

như thể hồn con đang sống trong vĩnh hằng;

xin đừng để điều gì quấy phá sự bình an của con,

và làm con phải ra khỏi Chúa, ôi Đấng Bất Biến của con.

Nhưng xin cho mỗi phút đem con

vào sâu hơn trong mầu nhiệm của Chúa!

Xin cho tâm hồn con được bình an

và trở thành thiên đường của Chúa,

nơi cư ngụ Chúa yêu thích,

nơi Chúa nghỉ ngơi.

Xin cho con đừng bao giờ để Chúa một mình,

nhưng luôn có mặt trọn vẹn,

tỉnh thức trong đức tin,

hết lòng thờ kính,

hiến dâng trọn vẹn để Chúa tác tạo”.

 

(Trích từ sách GLHTCG số 260).

 

Cuối cùng, để Thiên Chúa Ba Ngôi sống động luôn mãi trong cuộc sống chúng ta, điều quan trọng là chúng ta bắt đầu và kết thúc mọi việc làm, mọi nghi thức với hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa, là làm dấu Thánh giá trên người với tất cả sự ý thức và khiêm nhu. Nghi thức làm dấu Thánh Giá tuyên xưng Chúa Ba Ngôi trở nên nhãn hiệu của đức tin chúng ta: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen“.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *