Lm. Nguyễn ngọc Thế SJ.
“Mùa Chay”, hai từ ngữ này đã nói lên được tinh thần sống của người công giáo trong thời gian chuẩn bị bước vào tuần thánh, tuần cử hành con đường thương khó của Đức Kitô, và cuối cùng là mừng vui sự Phục Sinh của Ngài. Nhớ lại những năm tháng tuổi ấu thơ, tôi cũng được cha mẹ dạy cho tôi biết tập sống tinh thần của mùa Chay. Một hình ảnh mà tôi vẫn nhớ, đó là vào mùa Chay, chúng tôi phải kiêng thịt, phải ăn uống đạm bạc hơn, chẳng hạn như có bữa chỉ có chút rau và chén muối mè trên mâm cơm.
Hình ảnh của chén muối mè trên mâm cơm ngày đó dẫn bước tôi hôm nay đi vào một câu chuyện của muối :
Khao khát duy nhất của hạt muối là được xem thấy biển. Bằng mọi giá, nó muốn khám phá thế nào là biển… Ngày kia, nó ra đi… Vừa đến bờ biển, nó khám phá ra một cái gì mênh mông, xanh ngắt và sống động. Nó thốt lên:
– Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?
Một đợt sóng trả lời:
– Hãy chạm đến ta, rồi ngươi sẽ hiểu.
Hạt muối trườn mình xuống nước. Ô kìa, nó cảm thấy ngây ngất, niềm vui tột cùng làm nó cảm thấy như không còn đứng vững được nữa. Nó cảm thấy như đang hòa lẫn từ từ trong nước. Niềm vui dâng trào. Nó lại hỏi một lần nữa:
– Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?
Một đợt sóng cuối cùng ôm ghì lấy nó và nó từ từ tan biến trong nước. Nó chợt reo vui lần cuối cùng:
– Bây giờ ta mới hiểu thế nào là biển: biển là một phần của chính ta.
“Biển là một phần của chính ta”.
Câu chuyện hạt muối khát khao tìm biển diễn tả tâm tình của tâm hồn khao khát đi tìm Chúa một cách mãnh liệt. Như hạt muối chỉ có thể hiểu được thế nào là biển khi nó “mở lòng” và lên đường đi tìm gặp biển, thì chúng ta chỉ có thể hiểu được Thiên Chúa khi chúng ta mở lòng mình và lên đường đi tìm gặp Chúa.
Nhưng cuộc gặp gỡ Thiên Chúa của chúng ta không chỉ dừng bước nơi việc “hiểu”. Hạt muối không chỉ hỏi biển: “Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?”, mà còn sẵn sàng để biển ôm ấp vào lòng. Cái ôm ấp của sự hiệp nhất, cái ôm ấp của tình yêu khát khao trở nên một, cái ôm ấp làm cho mình hòa tan thật sự, làm cho mình chết đi thật sự. Nhưng cái chết và sự hòa tan không làm cho “muối” biến mất khỏi sự sống này. Ngược lại, qua chính sự hòa tan đó, muối đã hiệp nhất với biển và muối nhận ra được chân lý cao quý và căn bản: “Bây giờ ta mới hiểu thế nào là biển: biển là một phần của chính ta”.
Đọc kỹ lại tâm tình của muối, sẽ khám phá được những điểm thú vị và đặc sắc. Đó là qua “cái hiểu”, muối đã khám phá được mối tương quan thân thương và gắn bó với biển, một tương quan thuộc về của tình yêu: “biển là một phần của chính ta”.
“Thiên Chúa thuộc về định nghĩa của con người”.
Câu chuyện của muối nhắc nhớ tôi nhớ lại những suy tư rất căn bản của cha Alfred Delp, một linh mục dòng Tên bị giết bởi phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai. Khi bị giam hãm trong tù, Alfred đã viết những bài suy niệm rất tuyệt vời. Một trong những tâm tình cha Alfred để lại đó là: “Thiên Chúa thuộc về định nghĩa của con người”. Nghĩa là, nếu con người muốn đi tìm chính mình là ai, thì con người không thể “bỏ qua” Thiên Chúa được, hay nói đúng hơn, con người chỉ tìm được chính mình, con người chỉ là người thực sự, khi con người gặp gỡ được Thiên Chúa, khi con người “bước ra khỏi chính mình” và mở lòng mình ra để đi vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Nhưng cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa không là cuộc gặp gỡ “giữa đường” hỏi thăm cho đúng phép lịch sự, cũng không là cuộc gặp gỡ của “nhu cầu khi nào cần thì mới đến thăm Chúa”, mà cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa mang chiều kích thân tình, cuộc gặp gỡ thật cá nhân (personnel). Thật vậy, khi nào con người bước vào được cuộc gặp gỡ thân tình như thế với Thiên Chúa, thì con người mới có thể hiểu được Ngài, hiểu được mình. Và từ cái hiểu đó, chúng ta sẽ khám phá ra chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa giành cho chúng ta. Tình yêu đó nói với chúng ta rằng: “Con là một phần của chính Cha”.
(Còn tiếp)