Mùa Chay-Thời gian mở lòng ra cho Đấng là nguồn của lòng thương xót (3)

Lm. Nguyễn ngọc Thế SJ.

Trong đôi mắt Cha, con thật là quý giá”.

Từ muôn thuở, nghĩa là từ ngày chúng ta được tạo thành, chúng ta đã là một phần của chính Cha. Làm sao không thể là một phần của chính Cha, khi chính Cha đã tạo nên chúng ta ? Làm sao không là một phần của chính Cha, khi chúng ta được tạo nên theo hình ảnh của Cha, của Thiên Chúa, của Đấng Tạo Dựng. Và vì là một phần của Cha, nên con người chúng ta mang một phẩm giá thật cao quý. Tiên tri I-sa-i-a giúp cho chúng ta khám phá phẩm giá cao quý này, khi ông chuyển lời của Thiên Chúa nhắn nhủ chúng ta : “Trong đôi mắt Cha, con thật là quý giá, vốn được Cha trân trọng và mến thương” (Is 43, 4a).

Thật vậy, vì tình yêu thương giành cho con người, là một phần quý giá của chính Thiên Chúa, nên Ngài đã không ngần ngại chuộc con người về, khi con người lạc bước ngoài xa mạc khô cằn, khi con người bị thế lực của sự dữ nhấn chìm vào trong vũng lầy đen tối. Trong chính đêm đen của khổ đau đó, Thiên Chúa nói với con người rằng : “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi, ngươi là của riêng Ta”. (Is 43, 1b). Và tiếp đến Ngài nói thêm rằng : “Đừng sợ, có ta ở với ngươi” (Is 43, 5a). Một tình yêu hiện diện, một tình yêu cứu độ, một tình yêu biết tên và gọi tên của người mình yêu. Và tình yêu luôn mang tâm tình rất gần gũi “ngươi là của riêng Ta”. Chính vì con người là của riêng của Thiên Chúa, nên Ngài đã lên đường để cứu chuộc chúng ta, những người thuộc về một phần của chính Chúa, và Ngài muốn chia sẻ cuộc sống với chúng ta, cái vui và cái buồn, cái đau yếu và cái mạnh khỏe, cái hạnh phúc và cái khổ đau.

 

“Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”.

 Thiên Chúa đã yêu thương con người chúng ta đến nỗi Ngài đã chẳng tiếc, nhưng đã ban và phó mặc và trao nộp người con duy nhất của Ngài là Đức Kitô cho loài người chúng ta (Rm 5, 31-32 và Gn 3,16). Hành động tình yêu này của Thiên Chúa giành cho loài người nói lên được giá trị cao quý của mỗi con người chúng ta. Vâng, như ngày xưa Gia-vê Thiên Chúa đã tìm và chuộc lại dân của Ngài là dân Ít-a-en, hôm nay Thiên Chúa qua Đức Kitô muốn chuộc lại chúng ta. Đức Kitô đến như một mục tử nhân lành chăm sóc đoàn chiên của mình, và Ngài sẵn sàng lên đường để đi tìm kiếm những con chiên lạc đàn. Hơn nữa, Ngài cũng sẵn sàng xả thân để bảo vệ những con chiên của Ngài: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. (Ga 10, 14-15). Lời của Chúa Giê-su ở đây thật sâu sắc. Trước hết, “cái biết” mà Chúa Giê-su nhắc đến ở đây không phải là cái biết thông thường chỉ mang nét hiểu biết sơ sài, mà “cái biết” này là “cái biết” của tình yêu, “cái biết” không chỉ của cái đầu mà của cả con tim. Nhưng Đức Kitô biết và yêu thương ai ? “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”. Cái thể thuộc về không thể thiếu, khi nói tới tình yêu. Chúng ta được Đức Kitô yêu thương, và chúng ta thuộc về Ngài. Đó là nét thật đẹp của tình yêu. Và để hiểu rõ được tinh thần tình yêu cao quý này, chúng ta cần phải chiêm ngắm Đức Kitô đã tự hiến cho chúng ta thế nào.

 

Lật lại một vài trang sách của Thánh Phao-lô, chúng ta thấy rằng : Chính vì yêu thương chúng ta là những người thuộc về Ngài, nên Đức Kitô đã tự hiến mình, cởi bỏ tất cả những vinh danh của một vì Thiên Chúa, để mặc lấy thân phận nô lệ tôi đòi của con người, để đón nhận tất cả những đau thương mà con người gây nên, để sẵn sàng đón nhận chén đắng của cuộc đời trao cho, và Ngài đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Cái chết của Ngài lại không phải là cái chết êm đềm và an bình, mà là cái chết tất tưởi trên thập giá (x. Ph 2, 6-7). Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong sứ điệp mùa chay năm 2010, đã nhắc cho chúng ta biết tinh thần tự hiến cao quý của Đức Kitô bằng cách ngài đã trích lời của Thánh Phao-lô : Vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ”. (Gal 3,13-14).

Trên thập giá, Ngài như người bị nguyền rủa đang giang tay để “mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Nhưng tại sao Đức Kitô, một vì Thiên Chúa lại có thể chịu chết trong đau khổ như thế ? Chúng ta không thể hiểu được tại sao Thiên Chúa lại chọn một cách thức cứu rỗi lạ lùng như vậy. Dietrich Bonhoeffer, một thần học gia người Đức đã nói rằng : “Thiên Chúa bất lực và yếu đuối trong thế giới này. Và chỉ như vậy, Ngài mới ở với chúng ta và nâng đỡ chúng ta. Tâm tình trong phúc âm thánh Mát-thêu “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” nói rõ ràng rằng, Đức Kitô không nâng đỡ chúng ta bằng quyền năng vô biên của Ngài, mà bằng chính sự yếu đuối và bằng chính những đau khổ của Ngài. Đó chính là điểm khác biệt trọng yếu phân biệt với tất cả các tôn giáo khác”. (Bonhoeffer, Résistance et sousmission, 367).

Thêm vào đó, Bonhoeffer còn giúp chúng ta nhận ra thêm một điều sâu sa : “Chúa Giê-su chỉ sống cho những người khác. Ngài đã sống cho những người khác cho đến nỗi Ngài phải chịu chết, và trong cái chết đó, quyền năng vô biên của Ngài, sự hiện diện hoàn hảo của Ngài đã được biểu lộ”.(Bonhoeffer, Résistance et sousmission, 389).

Còn theo Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, thì tinh thần tự hiến cho đến tận cùng của Đức Kitô chính là một hồng ân của tình yêu Thiên Chúa giành cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi chúng ta đang mang. Vì thế, thật phúc thay, khi chúng ta ngắm nhìn Đức Kitô trên thánh giá.

Kiểm tra tương tự

Tin mừng, phúc âm hay tin lành?

Chúng ta đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là quốn sách chứa đựng 73 …

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *