Lịch sử Sài Gòn năm qua đã ghi lại một sự đau thương tang tóc vì đại dịch Covid-19, một khoảng thời gian mà nhiều người nay không muốn nhắc lại, hoặc mỗi khi nhớ đến lại rưng rưng nước mắt. Đó là thời điểm cơn đại dịch bùng phát mạnh nhất và Sài Gòn là nơi chịu ảnh hưởng và mất mát lớn nhất. Mùa đại dịch này bao nhiêu gia đình phải đón nhận cảnh tang thương khi mất người thân yêu. Ngày mỗi ngày, thông tin về con số nhiễm làm điếng lòng người. Và, đau hơn cả con số nhiễm chính là con số tử vong khi mỗi ngày Sài Gòn có cả mấy trăm người vội vàng ra đi. Nhiều xóm đạo đã mất mấy chục người chỉ trong một thời gian quá ngắn. Có gia đình mất quá nửa số người thương, niềm đau ấy khắc sâu vào dạ. Nhiều em nhỏ đang sống vui vẻ hồn nhiên bỗng thành trẻ mồ côi vì bố mẹ mắc Covid rồi đột ngột qua đời. Nỗi khổ đau ập đến, mạng người như sợi chỉ treo chuông. Cứ như nín thở để chờ những tin không vui vì tin buồn này chưa nguôi ngoai nỗi đau thì nỗi đau lại tiếp nối.
Kiếp nhân sinh mau chóng, đời người mong manh tựa như hoa kia sớm nở tối tàn. Để rồi, trong hẻm vắng trao nhau hũ cốt. Lòng không khỏi quặn đau vì không có Thánh lễ an táng, không gặp nhau lần cuối, không có một đám tang cho đàng hoàng. Sự ra đi của bất kỳ người thân yêu nào cũng là đau buồn, nhưng nỗi buồn thêm sầu khi phải chứng kiến cảnh người thân ra đi với sự thiếu thốn khó tả. Những đám tang vội vàng không kèn trống, không vòng hoa bức trướng, không đông đảo con cháu như thường lệ, nhiều khi cả không quan tài, chỉ được tẩm liệm cách giản dị và nhanh chóng…
Đến nay đã tròn một năm, người ta lần lượt tổ chức những đám “giỗ đầu”, hay nói theo ngôn ngữ dân gian là “tiểu tường.” Theo truyền thống người Việt, ngày giỗ là dịp để con cháu về “ăn giỗ”, quây quần bên nhau dưới một mái nhà, hướng về di ảnh người thân đã được Chúa gọi về, thắp một nén hương, nguyện một câu kinh. Ngày giỗ, người ta tưởng nhớ và thể hiện sự “hiếu”, sự “kính” với người đã qua đời; kể cho nhau nghe những kỷ niệm, ôn lại khoảng thời gian bên nhau dù không khỏi xúc động khi nhắc lại biến cố đau thương trong năm qua. Tuy nhiên, ngày giỗ không chỉ dành cho người chết, nhưng còn là ngày của kẻ sống, ngày con cháu gặp gỡ trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh để nhắc nhở nhau “một mai người cũng sẽ trở về bụi tro”, từ đó biết sống sao cho đẹp đời, đẹp người. Đó còn là cơ hội để những người còn sống gặp gỡ, chia sẻ câu chuyện cuộc đời mà thường ngày vì sự bận rộn của công việc và hối hả của cuộc sống, họ không có thì giờ gặp nhau, nhớ đến nhau.
Trải qua một năm, Sài Gòn đã có nhiều thay đổi, cuộc sống thường nhật đã trở lại bình thường, nhưng đây đó vẫn man mác một nỗi buồn chung, một ý thức mạnh mẽ về những gì đã trải qua cùng nhau với bao khó khăn thử thách… Ngày nay, người đời thường chú trọng đến những việc bên ngoài. Thậm chí có người còn làm di chúc thật chi tiết, phải tổ chức lễ an táng như thế nào. Có người ganh tị, hũ cốt không được để ở nơi danh tiếng, chỗ đẹp nhất có nhiều người viếng thăm. Thật ra, những phô trương bên ngoài nào có ích gì, như lời dặn dò của thánh Monica nói với người con là thánh Augustinô, trên đường từ nước ngoài trở về quê, khi bà bệnh nặng: “Mẹ chết, con chôn ở đâu cũng được không cần phải đưa về quê. Nhưng điều quan trọng mà mẹ mong ước là con nhớ đến mẹ trong lời cầu nguyện và trong Thánh lễ.” Do đó, mùa giỗ đầu xin nguyện cầu, kẻ còn người mất mau mau trở về. Người mất được an nghỉ nơi vĩnh cửu ngàn thu, kẻ còn thức tỉnh mau mau trở về đường chính nẻo ngay.
Gió Biển