Mùa Vọng: con hy vọng điều gì, con đặt hy vọng nơi ai?

Có bác sĩ nọ rất quan tâm đến vấn đề an toàn trong ăn uống. Ông cẩn thận tới mức khi thăm nhà bệnh nhân, người nhà có mời ông uống nước, thì ông cũng lịch sự xin phép không uống. Ngay cả khi người ta mời ông uống nước lọc, hầu như ông sẽ từ chối. Ông cũng rất giới hạn việc uống rượu bia. Những việc ăn uống khác cũng thế, không chỉ là giữ chừng mực mà thôi, ông còn giữ sạch sẽ và diệt khuẩn bao nhiêu có thể. Vậy mà, cái tin sét đánh đến bất ngờ! Mới chỉ ở tuổi trung niên, ông đột ngột khám phá thấy mình bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Chẳng lâu sau, ông qua đời. Trước khi nhắm mắt, ông vẫn tiếc nuối về cuộc đời, về bao điều tốt lành ông giữ gìn quá đáng mà chưa biết thưởng thức.

Dường như mỗi khi đứng trước cái chết, người ta chợt nhận thấy điều gì là quan trọng hơn, điều gì là quan trọng nhất, và rồi người ta tiếc nuối! Câu hỏi về ước mơ về hy vọng, thường rất khó trả lời. Và mỗi khi trả lời cho câu hỏi ấy, lại có nhiều cấp độ khác nhau. Có người cả đời ăn chơi, đến lúc chết trong vô nghĩa mà vẫn chưa nhận ra được đâu là ước mơ hy vọng của mình. Có người sau quãng đời dài ăn chơi sa đọa, chợt nhận thấy ý nghĩa cuộc sống và họ hối hận thay đổi cuộc đời, làm lại cuộc đời. Có người tuổi trẻ gìn giữ bao điều, về già lại đâm ra tiếc nuối và đổ đốn phá phách này nọ. Cuộc đời vốn trái ngang, chẳng bao giờ kể cho xuể…

Giữa những cái ngang trái ấy, ai ai cũng có chút ước mơ chút hy vọng chút mong muốn nào đó. Điều ấy có thể chính đáng có thể bất chính, và lớn nhỏ khác nhau. Trong đời sống đức tin, một năm được gọi là năm Phụng Vụ chia thành các mùa: mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, mùa Chay, mùa Phục Sinh và mùa Thường Niên. Người nào từng học giáo lý một chút sẽ tức khắc trả lời rằng: mùa Vọng là để chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh, niềm hy vọng của mùa Vọng là mong chờ Chúa đến, mong chờ Chúa Giáng Sinh. Câu trả lời ấy không sai, nhưng nhiều khi mới chỉ dừng lại ở mức độ kiến thức. Kiến thức thì tốt, nhưng chưa đủ.

 

Xin được trở về khung cảnh trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nơi có hai cụ già đang đợi trông điều gì đó. Hai cụ già ấy là Si-me-on và An-na. Cả hai đều là những bậc ngôn sứ. Cụ Si-me-on ngày đêm mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en. Cụ tràn đầy Thánh Thần và được hứa là sẽ không thấy cái chết trước khi được nhìn thấy Đấng Ki-tô. Cụ bà An-na thì hằng ăn chay cầu nguyện, không rời bỏ Đền Thờ, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa để đợi chờ Đấng Ki-tô. Và đúng như được hứa, sau cả đời chờ mong, hai cụ đã được tận mắt nhìn thấy Hài Nhi Giê-su, tận tay bồng ẵm Hài Nhi Giê-su, và các vị nói tiên tri về Hài Nhi Giê-su cho mọi người được biết. Niềm hy vọng của hai bậc ngôn sứ ấy thật quá vĩ đại quá lớn lao. Làm sao chúng ta có thể hiểu được tầm mức vị đại ấy! Bởi vì các vị là những bậc khôn ngoan đạo hạnh, thế mà phải chờ mong cả cuộc đời. Các vị đợi chờ trong hy vọng và hạnh phúc. Các vị gặp gỡ Chúa trong niềm vui mãn nguyện. Một sự mãn nguyện tuyệt vời mà ít người có được trước khi nhắm mắt lìa đời.

Dù con tuổi còn trẻ, nhưng cũng từng chứng kiến rất nhiều cái chết khác nhau, cái chết của những người già trẻ khác nhau. Nhưng phải thú thật rằng, ít có những cái chết trong niềm mãn nguyện và bình an của niềm vui sâu thẳm. Phần lớn là trong đau thương, hoặc trong tiếc nuối, nhiều khi còn bạc bẽo và nhạt nhẽo nữa. Thế nên, ở đây, nên dành chút thời gian để nghiền ngẫm và cảm nhận niềm hy vọng, niềm vui lớn lao và sự bình an sâu thẳm mà cụ Si-me-on và cụ An-na trải nghiệm. Trong niềm vui ấy, trong Hài Nhi Giêsu ấy, vừa có ánh sáng cho muôn dân, vừa có dấu hiệu để người đời chống báng. Trong niềm vui của Giáng Sinh, có cả cuộc thử thách của Thập Giá và chiến thắng vinh hiển của Phục Sinh.

 

Tạm rời xa khung cảnh Đền Thờ, để chuyển hướng nhìn tới Đồi Cal-va-ri-o, nhìn lên 3 cây thập giá, nhìn về hai anh trộm bên cạnh Chúa. Nhìn xem và lắng nghe, để xem trong những giây phút cuối đời, trong những thời khắc nghiệt ngã nhất, người ta ước mong gì, hy vọng gì.

Anh trộm dữ với cuộc đời bất lương kinh khủng và bị kết án tử hình. Anh đã bị đóng đinh trên thập giá và giờ thì sắp chết, thế mà anh vẫn nuôi ảo tưởng là có thể sống thêm, có thể sống hơn nữa. Anh ta vẫn không biết nhận ra sự tồi tệ của cuộc đời mình. Anh không nhận ra tình trạng thê thảm của mình. Anh không biết Thầy Giê-su là vô tội. Anh cũng không đoái hoài gì đến anh bạn cùng hội cùng thuyền với anh đang bị treo trên thập giá bên kia. Chết đến nơi mà anh vẫn còn nuôi những hoang tưởng. Anh còn đi sỉ nhục Chúa, thách thức Chúa.

Ngược lại, anh trộm lành nhận ra tất cả, hiểu tất cả. Giờ đây, anh sám hối. Giờ đây anh hiểu được, điều gì là chân thật cao quý. Giờ đây anh biết anh có thể đặt hy vọng vào ai, hy vọng nơi nào. Anh mắng cho tên trộm dữ là không biết điều. Anh công khai thú nhận tội của bản thân. Anh tuyên xưng Thầy Giê-su là vô tội. Anh đặt niềm tin và hy vọng vào Thầy Giê-su, một con người vô tội bị kết án, sắp chết, nhưng lại đầy tình thương tha thứ và bình an. Anh tin rằng, chết không phải là hết. Anh tin vào Vương Quốc và Thầy Giê-su loan báo. Anh chỉ xin một điều, xin rằng Thầy Giê-su đừng quên anh. Đáp lại, Chúa hứa với anh một cách không chậm trễ: Ngay hôm nay, anh sẽ được ở cùng Ta trên Thiên Đàng.

Đối với những ai chưa có đức tin, thì không thể hiểu được những lời này. Nhưng nếu ai từng trải cuộc đời như anh trộm lành, thì sẽ thấm thía biết bao nhiêu những lời chân thật quyền năng và yêu thương ấy. Còn với bạn, bạn hy vọng điều gì, hy vọng nơi ai trong thời gian Mùa Vọng này!?.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày

  Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *