Năm lòng thương xót Chúa: Nghĩ về mục vụ truyền giáo

20150624153952nguoi-ngheo

Giuse BCD

Chỉ còn ít ngày nữa thôi, Giáo hội Công giáo bước vào một Năm Phụng Vụ mới, cũng là Năm Thánh về Lòng Thương Xót Chúa (08/12/2015-20/11/2016). Giáo hội mời gọi mỗi người đi vào trong mối tương quan gần gũi hơn, thân mật hơn với Thiên Chúa, để đào sâu đời sống đức tin qua việc cảm nhận lòng thương xót Chúa dành cho mỗi người cách cá vị.

Bản thân người viết cảm nhận rõ rằng Năm Phụng Vụ mới là một năm hồng ân, là thời gian ân sủng Chúa ban cho từng Kitô hữu để làm mới lại con người mình qua việc mạnh mẽ lên đường làm chứng nhân cho Lòng Thương Xót Chúa, bởi lẽ chỉ khi mỗi người con cái Chúa nhận ra tình yêu đầy xót thương của Người, họ mới có thể trở nên một con người mới hoặc trở về với con người của thuở ban đầu, và có khả năng san sẻ lòng thương xót mà họ nhận được từ Thiên Chúa cho người khác mà thôi. Tựa như hình ảnh người con hoang đàng vậy. Anh ta bỏ nhà đi hoang, ăn chơi trác táng, lâm vào ngõ cụt, và nhờ đó có thời gian để hồi tâm suy nghĩ, nhớ về cha mình. Trong sâu thẳm cõi lòng, anh nhận ra cha của anh là một người cha đầy lòng thương xót và chắc chắn sẽ đón nhận anh. Ngay khi nhận ra lòng thương xót của cha, anh thực sự bước vào một chân trời mới, chân trời chứa đầy sự hoán cải, tinh thần sám hối và niềm khát khao được nép vào cung lòng đầy thương xót của người cha. Anh trở về và trở nên một con người mới. “Con người mới” của anh, thực ra, là con người thuở ban đầu, con người được cha anh sinh ra và ban cho mọi quyền của người con: được đi dép (không phải làm nô lệ), được đeo nhẫn và mặc áo mới (phục hồi quyền bính), được giết bê béo ăn mừng (mời tham dự tiệc vui), v.v..

Một con người nhận ra lòng thương xót Chúa sẽ có khả năng đối thoại với Thiên Chúa và tha nhân, yêu mến sứ mạng loan báo Tin Mừng, tích cực cộng tác với Thánh Linh, mạnh dạn làm chứng cho kinh nghiệm mà họ sở đắc. Nếu mỗi gia đình, mỗi buôn làng, mỗi xứ đạo… đều có những Kitô hữu kinh nghiệm sâu xa lòng thương xót Chúa trong tâm hồn mình, thì nơi mỗi gia đình, mỗi buôn làng, mỗi xứ đạo ấy sẽ sống tràn ngập nghĩa tình, đoàn kết yêu thương và có khả năng san sẻ lòng thương xót Chúa cho người khác, nhất là những ai đang bế tắc trong cuộc sống đức tin, trong đời sống làm chứng cho Tin Mừng, trong việc khát khao tìm gặp chân lý và con đường dẫn tới sự thật và sự sống vĩnh cửu. Vì lẽ đó, trong năm kính mến Lòng Thương Xót Chúa, đích điểm của đời sống đức tin người tín hữu nên chăng chính là việc lên đường làm chứng cho kinh nghiệm về lòng thương xót Chúa mà họ cảm nhận và kinh nghiệm được? Mỗi Kitô hữu, mỗi gia đình, mỗi xứ đạo phải khởi đi từ đâu để kinh nghiệm về lòng thương xót Chúa? Khi đã kinh nghiệm về lòng thương xót Chúa trong sâu thẳm tâm hồn, mỗi người sẽ làm gì, làm thế nào để lên đường truyền giáo giúp người khác được sống trong cung lòng ngập tràn lòng thương xót của Chúa Cha?

I.  Cảm Nghiệm Lòng Thương Xót Chúa

Trong bài chia sẻ này, người viết muốn sử dụng một vài hình ảnh trong Thánh Kinh để gửi tới quý độc giả một vài suy tư và gợi hứng, nhờ đó kinh nghiệm về lòng thương xót Chúa và mau mắn lên đường làm chứng cho kinh nghiệm quý báu này.

1. “St 3:1-24”.

Đây là đoạn Kinh Thánh mô tả cho người đọc chiêm ngắm hình ảnh sa ngã của tổ tiên loài người – Ađam và Evà. Trong sách Sáng Thế ký, từ chương 1 đến chương 11, tác giả, dưới cái nhìn đức tin, khắc họa nguồn gốc của loài người, căn nguyên của tội và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người, trong đó Ađam và Evà là hình ảnh đại diện. Và các chương này được viết như một truyền thuyết. Vì thế, khi chiêm ngắm tội của tổ tiên loài người, chúng ta nên hiểu tác giả Sách Thánh muốn gửi tới chúng ta một thông điệp căn bản, đó là căn nguyên của tội là gì?

Ađam và Evà sa ngã là vì bất phục tùng mệnh lệnh của Thiên Chúa, vì sự kiêu ngạo tiềm ẩn giấu kín trong sâu thẳm cõi lòng. Vì điều này, tổ tiên chúng ta phạm tội. Vì các tội này, ngày nay thế giới lan tràn đủ thứ tội khác như tà dâm, tham lam, bất công, bất chính, v.v.. Tuy nhiên, suy cho cùng, các thứ tội ấy có lẽ đều bắt nguồn từ sự vô ơn của con người trước tình thương của Thiên Chúa.

Rõ ràng Thiên Chúa yêu thương tổ tiên chúng ta rất nhiều. Thiên Chúa tạo dựng nên tổ tiên loài người, ban cho quyền hành quản lý mọi loài mọi sự, ban cho sự sống viên mãn… Thế nhưng, chỉ một chút lơ là, lãng quên tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa mà tổ tiên chúng ta đã phạm tội. Nếu các ngài khắc ghi tình yêu của Đấng Tạo Hóa trong sâu thẳm tâm hồn và luôn suy đi nghĩ lại trong lòng thì rất có thể các ngài sẽ chế ngự được sự ngạo mạn và biết tuân phục Thiên Chúa cách vô điều kiện.

Tóm lại, tội của tổ tiên loài người phản ánh tội riêng của từng người chúng ta, giúp chúng ta nhận ra đâu là căn nguyên, là cội rễ của Tội. Từ đó, trong đoạn Kinh Thánh trên, người đọc có thể nhận ra lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dù con người lỗi nghĩa với Người. Đó là Thiên Chúa hứa ban cho loài người một Evà mới, chính là Đức Maria, và Người vẫn tiếp tục bao bọc, chở che cho con người, bằng cách “làm cho con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ”.

2. “2 Sm 11:2-12:25”.

Người đọc hãy nhớ lại tội của tổ tiên. Khi Ađam và Evà phạm tội, các thế hệ con cháu bắt đầu phạm tội: Cain giết Aben, Giuse bị các anh trai lập mưu giết hại, Đavít ngoại tình và chiếm đoạt vợ của Urigia, v.v.. Trong đoạn Kinh Thánh này, chúng ta được nghe lại câu chuyện phạm tội của Đavít, vị vua được Chúa xức dầu, phong vương. Đavít đã “ăn nằm” với bà Bát Seva, vợ ông Urigia – viên tướng trung tín của nhà vua. Đavít tưởng là hành vi xấu xa của ông đã qua mặt được Chúa, nhưng Chúa đã sai ngôn sứ Nathan đến gặp ông và giúp ông nhận ra lỗi lầm. Với tấm lòng sám hối chân thành, Chúa đã tha tội cho ông, để rồi ông trở nên nhân chứng cho lòng thương xót của Người: “Lậy Chúa, tình thương Ngài cao ngất trời xanh, lòng thành tín vượt ngàn mây biếc” (Tv 36:6), “Phần Ngài, muôn lạy Chúa, xin chớ ngừng âu yếm cảm thương con. Lòng thành tín và yêu thương của Ngài sẽ giữ gìn con mãi” (Tv 40:12), “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103:8).

3. “Cv 9:1-19”, “Rm 5:8”, “Rm 8:35-38”.

Thánh Phaolô cũng là một hình ảnh sống động giúp đọc giả chiêm ngắm lòng thương xót Chúa. Trước khi hoán cải, thánh nhân từng là người bách hại đạo. Thế nhưng, sau cú ngã ngựa trên đường đi Đamát (Cv 9:1-19), ngài đã trở nên một con người mới, cảm nhận rõ ràng tình Chúa yêu thương và không ngại làm chứng về điều đó: “Đức Kitô Giêsu đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những con người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta” (Rm 5:8), “Chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8:36). Và ngài cũng sẵn sàng san sẻ lòng thương xót Chúa cho người khác: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhận hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Cl 3:12), v.v..

4. “Ga 21:15-19″.

Thánh Phaolô và Phêrô là hai trụ cột của Giáo hội thuở sơ khai. Do đó, khi chiêm ngắm hình ảnh của Thánh Phaolô, người viết thiết tưởng cũng nên gợi ý cho đọc giả chiêm ngắm thêm hình ảnh của Thánh Phêrô nữa, để cảm nhận rõ nét lòng thương xót của Chúa, để cầu nguyện và được lòng thương xót Chúa chạm vào con tim hèn yếu của bản thân, như chính thánh nhân đã đạt được.

Đoạn Tin Mừng này như diễn tả lại cảnh Chúa chọn gọi mười hai tông đồ đầu tiên. Người đại diện cho Nhóm này chính là Thánh Phêrô. Có thể nói Thánh Phêrô đã được Chúa chọn gọi hai lần: “Hãy theo Thầy!” (Mt 4:19; Ga 21:19). Tuy nhiên, bối cảnh của ơn gọi lần thứ hai của Thánh Phêrô hoàn toàn khác, đó là sau khi ngài phạm tội chối Chúa và sau khi ngài cảm nhận sâu xa lòng thương xót Chúa dành cho ngài.

Chối Chúa là tội trọng. Thực vậy, trong Mười Điều Răn, điều răn thứ nhất mời gọi chúng ta biết thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Chắc hẳn Thánh Phêrô biết điều này. Có lẽ chính vì sự nhận biết này mà thánh nhân đã khóc lóc thảm thiết sau khi trót phạm tội, đến nỗi tương truyền rằng cả cuộc đời thánh nhân luôn chìm ngập trong nước mắt ăn năn. Hình ảnh Thánh Phêrô đau buồn vì tội rất giống với hình ảnh vua Đavít sám hối sau khi phạm tội ngoại tình và hãm hại người khác. Tuy nhiên, dù tội chúng ta có lớn thế nào cũng không thể sánh ví với tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Chúng ta hãy nhìn lại các nhân vật đã từng phạm tội và sống bất chính trong Kinh Thánh, đặc biệt là nhân vật Phêrô trong đoạn Tin Mừng chúng ta đang lắng nghe. Sau khi Thánh Phêrô khóc nức nở bởi nhớ lại lời tiên báo về sự phản bội sau tiếng gà gáy lúc bình minh chưa ló rạng và bởi cái nhìn thứ tha đầy nhân ái của Thầy Giêsu, lúc đó ngài mới thực sự hiểu thế nào là tha thứ, thế nào là xót thương. Và sau khi Chúa Phục Sinh hiện ra hỏi ngài ba lần “con có yêu mến Thầy không?” và mời gọi đi theo dấu chân của Thầy Chí Thánh, lúc đó ngài mới cảm nhận sâu xa trách nhiệm của người mục tử là đi trao ban, san sẻ lòng thương xót của Chúa lại cho người khác, để tất cả những ai lãnh nhận lòng xót thương của Chúa thì đều trở nên một con người mới, đều biết hoán cải và canh tân đời sống để sống sao cho không lãng phí ân tình Chúa và không vô ơn với tình yêu của Người. Vâng, chúng ta chỉ có thể sống thứ tha và độ lượng, nhân ái và biết xót thương người khác… khi chúng ta cảm nhận sâu xa Chúa thương xót bản thân mình, và từ trong sâu thẳm cõi lòng, chúng ta nhận ra có bàn tay đầy nhân ái và thương xót của Chúa chạm vào con tim chúng ta, đến nỗi biến đổi mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta ngay sau khi cảm nhận điều này, đến nỗi chúng ta xúc động muốn gào thét, vỡ òa tiếng khóc như thánh Phêrô trong sân dinh thượng tế Caipha (Mt 26:69-75), như Giakêu sẵn sàng đánh đổi tất cả gia sản để chuộc lại lỗi lầm (Lc 19:1-10), như cô gái điếm đầy tội lỗi (Lc 7:36-50), như người phụ nữ ngoại tình (Ga 8:2-11), như người phụ nữ Samaria (Ga 4:5-42), như người con hoang đàng được người cha ôm choàng và hôn lấy hôn để (Lc 15:11-32), như thánh Phaolô được Chúa Giêsu hiện ra trên đường Đamát mời gọi trở thành lợi khí của Người (Cv 9:15), v.v..

Như thế, kể từ khi Con Thiên Chúa làm người, kể từ khi Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ là sai Con Một của Người xuống thế cứu đời, tất cả những ai tin vào Người đều được cứu (1Tm 2:4), được tha tội chết và được mời gọi gia nhập hàng ngũ con Thiên Chúa. Nếu sau khi bán Chúa và Giuđa Ítcariốt còn sống, thì hầu chắc Chúa cũng sẽ chọn gọi ông lần thứ hai như Thánh Phêrô trong đoạn Tin Mừng này, bỡi lẽ Chúa đã đền tội thay cho ông và vẫn kiên nhẫn chờ đợi ông. Tuy nhiên, sai lầm nối tiếp sai lầm, sai lầm sau cùng của đời Giuđa là thiếu niềm tin vào sự khoan dung và lòng thương xót của Chúa.

Tóm lại, chúng ta sẽ ít phạm sai lầm hơn, sẽ biết canh tân đổi mới đời sống đức tin, sẽ sống tinh thần sám hối liên tục trong cuộc sống, khi chúng ta kinh nghiệm sâu xa lòng thương xót Chúa chạm vào con tim của mình. Thật thế, chính Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô cũng đã từng chia sẻ về điều này trong cuộc phỏng vấn ngài của linh mục Antonio Spadaro SJ vào những ngày hạ tuần tháng 8 năm 2013: “Tôi là một tội nhân, nhưng tôi tín thác vào lòng thương xót và kiên nhẫn vô tận của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và tôi đón nhận trong tinh thần sám hối“.

II. Để Làm Chứng

Nếu độc giả chưa từng cảm nghiệm lòng thương xót Chúa chạm vào tâm hồn mình thế nào, thiết tưởng quý vị nên xin Chúa ban cho mình ơn cao trọng này. Bởi lẽ, người ta sẽ có thể làm chứng cách sống động về một điều gì đó khi họ đã kinh nghiệm được điều ấy. Người ta sẽ có thể can đảm lên đường loan báo Tin Mừng và sẵn sàng san sẻ lòng thương xót Chúa cho người khác khi tâm hồn họ thực sự cảm nhận được niềm vui của Tin Mừng và lòng thương xót Chúa đã chạm vào họ, vì “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6:45).

Để thảnh thơi, thanh thoát làm chứng cho lòng thương xót Chúa, người tín hữu ngoài việc đã cảm nhận lòng thương xót Chúa dành cho con người mình, còn phải sống tinh thần sám hối liên tục, ý thức sự giới hạn của bản thân để luôn nép mình trong cung lòng dạt dào tình xót thương của Chúa Cha, khát vọng tìm về nguồn cội của sự hiện hữu là trở nên như trẻ thơ tinh tuyền thánh thiện…, ước ao giúp người khác cũng cảm nhận niềm vui Tin Mừng như bản thân mình và được sống hạnh phúc như mình. Tuy nhiên, việc làm chứng cho Chúa và nhiệt tâm loan báo Tin Mừng Cứu Độ không phải là việc giản đơn. Mỗi Kitô hữu cần trau dồi khả năng đối thoại với người khác, học hỏi kinh nghiệm truyền giáo của nhau, nhạy bén với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, v.v.. Trong phạm vi bài chia sẻ này, người viết mạn phép đưa ra vài suy tư cá nhân để đóng góp cho những ai đã và đang khát khao đi gặp gỡ những người đang bế tắc trong cuộc sống đức tin, trong đời sống làm chứng cho Tin Mừng, trong việc khát khao tìm gặp chân lý và con đường dẫn tới sự thật và sự sống vĩnh cửu, v.v.. Đây tạm gọi là sứ mạng “Mục vụ Truyền giáo” của mỗi người tín hữu, sứ mạng đến trực tiếp từ lời mời gọi của Chúa Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).

1. Hành Trang Lên Đường

Theo nhãn quan của người viết, “Mục vụ Truyền giáo” có thể xem như là “Mục vụ Thăm viếng” vậy, nghĩa là người Kitô hữu lên đường đi thăm viếng những người thân cận của mình, những người đang bế tắc trong cuộc sống đức tin, trong đời sống làm chứng cho Tin Mừng, trong việc khát khao tìm gặp chân lý và con đường dẫn tới sự thật và sự sống vĩnh cửu, v.v.. để giúp họ nhận ra Chúa rất yêu thương và quan tâm họ, Chúa muốn họ được sống hạnh phúc và cảm nhận niềm vui thiên đàng ngay trên dương gian. Một trong những hình ảnh sống động nhất để mô tả về Mục vụ Truyền giáo chính là hình ảnh Mẹ Maria đi thăm viếng bà Êlidabét.

Sau khi nghe sứ thần của Thiên Chúa loan báo cho biết về kế hoạch yêu thương của Người dành cho nhân loại, Đức Maria đã vội vã lên đường thăm viếng người chị họ của mình. Sự “vội vã” của Mẹ Maria ám chỉ một trạng thái gấp gáp và cấp bách. Vì thế, Mẹ chẳng có nhiều thời gian để chuẩn bị hành trang cho chuyến đi xa. Hơn nữa, sự vội vã này thể hiện một tinh thần tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, nên Mẹ không cần chuẩn bị những phương tiện vật chất. Vậy, hành trang chính yếu của Mẹ là gì? Hơn nữa, sự vội vã của Mẹ có ý nghĩa ra sao trong đời sống làm chứng tá cho Tin Mừng Cứu Độ của chúng ta? Chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh hai chị em gặp nhau, điều gì đã xảy ra? Vừa gặp người em gái thì bà I-sa-ve (còn gọi là Ê-li-da-bét) và đứa con vừa thành hình trong dạ mẹ được sáu tháng (Gioan) đã nhảy mừng. Vì sao họ vui mừng như thế? Vì họ được gặp gỡ Hài Nhi Giê-su – Đấng Cứu Độ vừa được sai vào cung lòng của Mẹ Maria – được nhận biết lòng nhân hậu và ơn cứu chuộc của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1:41-42). Rõ ràng hành trang chính yếu của Mẹ Maria khi đi thăm viếng là Hài Nhi Giêsu, là Thánh Thần Đấng rợp bóng trên Mẹ, và lòng tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Sự vội vã của Mẹ như nhắc nhớ chúng ta rằng có rất nhiều người đang khát khao được nghe biết Tin Mừng Cứu Độ, có khá nhiều người chưa từng được nghe Danh Giêsu. Chính Chúa Giêsu cũng căn dặn các môn đệ trước lúc thực tập lên đường loan báo Tin Mừng là “đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10:4), nghĩa là môn đệ Chúa không có đủ thời gian loan báo Tin Mừng đâu, sứ mạng cấp bách lắm, không có thời gian để nghỉ ngơi hoặc thăm hỏi bà con thân thuộc đâu!

2. Ai là người lên đường?

Ngay sau khi đáp lời “Xin Vâng”, Đức Maria vội vã lên đường đi thăm viếng người chị họ. Đức Maria là người tin vào quyền năng của Thiên Chúa và đặt trọn niềm hy vọng ở Người. Đức Maria là hiện thân của mỗi người chúng ta, những người đã đặt niềm tin vào Thiên Chúa, nhận ra Đức Giêsu là cứu cánh của đời mình, và lãnh nhận ơn Thánh Thần để can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Đức Maria đã không ngần ngại lên đường. Vậy, vì lẽ gì chúng ta lại ngại ngần dấn thân làm chứng cho niềm tin chúng ta đã lãnh nhận? Do đó, người lên đường truyền giáo không ai khác chính là bản thân mỗi người Kitô hữu.

3. Chúng ta lên đường gặp ai, ở đâu?

Trong lãnh vực Mục vụ Truyền giáo, đối tượng và nơi gặp gỡ không phải là vấn đề lớn, bởi vì “Mục vụ” tự thân ám chỉ một nơi gần gũi với người tín hữu, một nơi xung quanh giáo xứ hoặc xa hơn là những vùng lân cận với giáo xứ. Tuy nhiên, vấn đề là người tín hữu cần sải cánh vươn tới những “biên cương mới”. Biên cương mới chính là những vấn đề đang phát sinh trong Giáo hội và Xã hội, những vấn đề mới mẻ và cần những con người dám đối diện và nhiệt thân đảm đương sứ mệnh ấy. Chẳng hạn như Chủ nghĩa thực dụng, Chủ nghĩa Tiêu thụ, Chủ nghĩa Khoái lạc, Chủ nghĩa Hưởng thụ… đang xâm nhập các gia đình, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, làm lung lạc đời sống hôn nhân gia đình, khiến nhiều cặp vợ chồng gặp khủng hoảng đời hôn nhân, gây đổ vỡ các mối tương quan trong gia đình, v.v.. Không ít gia đình Công giáo, nhiều tín hữu, đặc biệt là giới trẻ, không còn giữ đạo và sống đạo nữa, xem nhẹ việc đọc kinh chung trong gia đình và đi dâng lễ Chúa nhật, hời hợt với các sinh hoạt trong xứ đạo… Điều này, nếu ngày càng tăng và càng có nhiều gia đình thiếu khả năng sống chứng tá cho Tin Mừng, thì làm sao truyền giáo, giới thiệu Chúa cho những gia đình khác?!

Biên cương mới là những tín hữu đang sống trong tình trạng rối đạo rối đời, nghĩa là sống trong tình trạng ly dị vợ chồng, ngoại tình, loạn luân, kết hôn nhiều lần, nạo phá thai, có thai trước Hôn nhân, bỏ bê học hành, lười lao động… Làm thế nào tiếp cận những người này? Làm thế nào giúp những người này trở về với Hội Thánh? Làm thế nào giúp họ cảm nhận lòng thương xót Chúa qua sự chăm sóc, đỡ nâng và thấu cảm về mặt tâm hồn của Giáo hội và của từng thành viên trong Giáo xứ? Làm thế nào giúp những người đang sống độc thân sau khi ly dị kiên trì giữ sự độc thân và thanh khiết? Làm thế nào giúp các cô gái và chàng trai lỡ lầm tìm gặp ánh sáng niềm tin và hy vọng, can đảm giải quyết hậu quả của những sai lầm họ tự gây ra?

Biên cương mới cũng là những gia đình chưa biết Chúa, những con người thiện tâm nhưng chưa tìm gặp chân lý, chưa đi trên con đường dẫn tới sự thật và sự sống viên mãn, chưa kín múc được nguồn suối an bình và hạnh phúc đích thực. Đây đích thị là biên cương mới đầy thách đố và đòi hỏi một nội lực rất mạnh mẽ và thiêng liêng, những con người khá đặc biệt, được tuyển chọn và được huấn luyện đầy đủ, được trang bị những khí giới thiêng liêng và tri thức giáo lý đức tin vững chắc, có lòng nhiệt thành và yêu mến sứ mạng này cách nồng nàn, kinh nghiệm về một Đức Giêsu cách sống động trong đời sống đức tin hằng ngày.

Đối diện với những biên cương mới này, người viết nhận thấy vai trò của xứ đạo trong việc huấn luyện và làm hậu phương trở nên khá quan trọng! Để có được nguồn nhân lực đủ khả năng xung phong ngoài tiền tuyến, trở thành chiến sĩ của Đức Kitô đi chinh phục các linh hồn về cho Chúa, Giáo xứ ắt hẳn phải là một hậu phương vững chắc, là nơi giúp huấn luyện các tín hữu trở thành những chiến sĩ thực thụ của Đức Kitô, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các chiến sĩ của Chúa, là nơi cung cấp lương thực đi đường và giúp đỡ những người đang sống trong cảnh túng thiếu của các chiến sĩ đang lên đường hằng ngày.

4. Nên thực thi Mục vụ Truyền giáo như thế nào?

Sau khi nhận ra những biên cương mới mà Chúa mời gọi lên đường bước tới, mỗi Kitô hữu cần học hỏi cách thức thực thi sứ mạng ấy. Người viết thiết nghĩ thực thi Mục vụ Truyền giáo vừa mang tính nghệ thuật, vừa phải kiên trì cậy dựa vào Chúa Thánh Thần cùng sự soi sáng của Người, vừa đòi hỏi sự bền bỉ và kiên nhẫn với sứ mạng và đối tượng mà người lên đường gặp gỡ, thăm hỏi, đối thoại, nâng đỡ, ủi an, chia sẻ kinh nghiệm tìm gặp chân lý của đời mình, v.v.. Vì lẽ đó, mặc dù còn nhiều giới hạn trong suy tư nhưng người viết cũng mạo muội gợi lên một vài cách thức thực thi Mục vụ Truyền giáo với hy vọng làm phong phú hơn cho việc thực thi sứ mạng Chúa trao phó cho những ai nghe thấy lệnh truyền lên đường của Người.

Thứ nhất, bước ra khỏi nhà đi gặp gỡ, thăm hỏi, ủi an những ai đang gặp sầu khổ, bế tắc, lầm than trong cuộc sống đức tin và mưu sinh. Làm thế nào người lên đường biết rung cảm trước nỗi đau khổ của người khác, biết chăm sóc vết thương của người gặp nạn như người Samarianô nhân lành (Lc 10:29-37), thấu cảm và nghe được ước muốn của người đau khổ như người mục tử nhân lành Giêsu (Ga 10:1-21)? Làm thế nào giúp người đang bị vạ tuyệt thông vì phá thai, ly dị… biết tìm đến Nhà Chúa, nhận ra lòng thương xót vô biên của Chúa và sẵn sàng đi gặp Chúa qua việc xưng tội, dâng lễ và làm việc bác ái, hy sinh? Làm thế nào giúp các gia đình đang gặp khủng hoảng hoặc đổ vỡ trong đời sống hôn nhân được hàn gắn trở lại, vượt qua những thách đố hiện tại, nhận ra lời mời gọi của Chúa trong việc sống và thăng hoa lời giao ước khi cử hành Bí tích Hôn Phối? Làm thế nào mọi thành phần dân Chúa trong Giáo xứ giúp những người đang gặp bệnh hoạn, khổ đau, bị kỳ thị vì những lỗi lầm đáng tiếc (như từng bị tù tội, phá thai, ly dị…) được bình an và hân hoan trở về nẻo chính đường ngay, được đón nhận như một thành viên trong gia đình Giáo xứ, được lãnh nhận Bí tích Giao Hòa và được chữa lành ngay trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa?

Thứ hai, đi tìm gặp các bạn trẻ đang sống xa Giáo hội, đang đi vào con đường lầm lỡ (bỏ học, ăn chơi trụy lạc, có thai trước hôn nhân, muốn nạo phá thai, gia nhập các băng đảng xấu…), đang tìm đến cái chết để kết liễu sự sống mà họ không quyền định đoạt vì chỉ có Chúa mới có quyền quyết định sự sống con người mà thôi. Làm thế nào để những những người trẻ đang sống trong lầm lỡ đón nhận người thừa sai và cảm nhận người thừa sai là bạn thân của họ? Làm thế nào giúp các bạn ấy thoát khỏi con đường lầm lạc? Đối diện với các vấn đề này, người thừa sai cần có những sáng kiến gì, có cần tìm sự cộng tác của nhiều người khác, nhiều tổ chức bác ái xã hội khác không?

Thứ ba, sẵn sàng kết bạn với những người chưa biết Chúa. Làm thế nào mỗi gia đình Công giáo kết bạn được với một gia đình lương giáo, mỗi Kitô hữu kết bạn được với một lương dân? Làm thế nào khi đi thăm hỏi, tiếp xúc với những người chưa biết Chúa, tạo được thiện cảm với họ? Làm thế nào mỗi Kitô hữu và mỗi gia đình Công giáo dám hy sinh thời gian, sự nghỉ ngơi và vui chơi hưởng thụ để thăm viếng, giúp đỡ người chưa biết Chúa hoặc nhà chưa biết Chúa khi họ đang sửa nhà cửa hoặc đang chuẩn bị tiệc tùng hoặc đang gặp tang tóc? Làm thế nào sau khi có được tình bạn thân thiết với những người chưa biết Chúa hoặc những nhà chưa biết Chúa, người Kitô hữu thể hiện sự thân thiết ấy bằng những hành động cụ thể, như quan tâm đến hoàn cảnh sống của họ, địa vị và sức khỏe của họ, nhu cầu và ước muốn của họ, v.v.? Làm thế nào người Kitô hữu tiến sâu hơn sự quan tâm ấy bằng cách tạo nên những cuộc đối thoại đức tin với họ? Làm thế nào người Kitô hữu có thể mời gọi người chưa biết Chúa tham dự một buổi cầu nguyện của xứ đạo và xóm giáo hoặc một Thánh Lễ vào một dịp lễ lớn thích hợp? Làm thế nào người Kitô hữu giúp người chưa biết Chúa cởi mở và mạnh dạn đón nhận Đức tin Công giáo sau khi đã đối thoại đức tin và giao lưu đời sống đức tin với họ?

Với ba việc làm trên và ba khả thể để thực thi Mục vụ Truyền giáo, thiết tưởng cũng sẽ làm cho đời sống Giáo xứ và Giáo hội trở nên khởi sắc hơn, như lời mời gọi của ĐTC Phanxicô trong cuộc phỏng vấn ngài của linh mục Antonio Spadaro SJ vào những ngày hạ tuần tháng 8 năm 2013:

Thay vì trở nên một Hội Thánh biết đón chào và tiếp nhận bằng cách luôn giữ cánh cửa mở rộng, chúng ta hãy cố gắng trở nên một Hội Thánh biết tìm gặp những con đường mới, một Hội Thánh có khả năng bước ra khỏi chính mình, đi gặp gỡ những người không tham dự Thánh Lễ, những người rời xa Hội Thánh hoặc có thái độ dửng dưng với Hội Thánh. Đôi khi những người rời xa Hội Thánh vì những lý do nào đó, nhưng nếu hiểu và biết lượng giá, chúng ta có thể dẫn họ trở về. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự gan dạ và lòng can đảm.

III. Tạm Kết

Qua những chia sẻ trên, hầu chắc quý đọc giả nhận thấy rằng sứ mạng Mục vụ Truyền giáo không của riêng ai, mà là của mọi thành phần dân Chúa trong xứ đạo, từ Cha xứ, Cha phó, các tu sĩ nam nữ, đến các giáo dân già cũng như trẻ, người sống độc thân hay đã có tổ ấm riêng. Mỗi người một tay chung xây sứ mạng chung của Giáo xứ qua việc đào sâu kinh nghiệm về Lòng Thương Xót Chúa, kinh nghiệm của chính Chúa Giêsu, huấn luyện một con tim yêu mến sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu nơi từng người tín hữu, trở thành nguồn động viên cho mọi thành phần dân Chúa lên đường thực thi sứ mạng Mục vụ Truyền giáo.

Để kết thúc bài chia sẻ này, người viết xin mượn lời của ĐTC Phanxicô đã nói trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” với ước mong mỗi người Kitô hữu cùng liên đới với ý nguyện của vị cha chung nhằm giúp Giáo hội Công giáo trở nên một ngôi nhà chung của mọi người và là một Giáo hội trên đường, một Giáo hội luôn sống động và gần gũi: “Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và nhàn rỗi, bám víu vào sự an toàn của riêng mình.” (“Niềm Vui Tin Mừng”, 49)

Pleiku, ngày 11/11/2015

Chuẩn bị mừng ngày Yaophu của Giáo phận Kontum (14/11)

Kiểm tra tương tự

Lời tuyên xưng tự đáy lòng – Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B

Chưa bao giờ Thầy Giêsu cảm thấy vui mừng và tự hào như giây phút …

Điều hầu hết mọi người hiểu sai về hôn nhân

Có nhiều cách để tiếp cận về chủ đề này, nhưng tôi muốn tập trung …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *