Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

Đức Thánh Cha Phanxicô mở Cửa Thánh của Đền Thờ Thánh Phê-rô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ảnh: Maurizio Brambatti| EPA.

 

Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm nguồn gốc của Năm Thánh từ Cựu Ước đến các Tin Mừng. Hướng tới Năm thánh của Giáo hội hoàn vũ vào năm 2025, đã được ĐTC Phanxicô chính thức công bố vào ngày 09.05.2024, bài viết của ĐHY nguyên Tổng trưởng bộ Văn hoá của Toà Thánh sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa về những cử hành của Giáo hội trong năm này.

Người ta thường truy nguyên sự kiện “Giubileo” như là tiếng tù và, loại kèn làm từ sừng của con cừu: tiếng vọng từ Giêrusalem, xuyên không gian và truyền từ làng này sang làng khác. Thế nhưng, trong toàn bộ Cựu ước bản văn tiếng Do Thái, thuật ngữ joel xuất hiện 27 lần: sáu lần hẳn có nghĩa là tù và, trong khi ở 21 lần còn lại nói về Năm hân hoan. Đoạn Kinh thánh căn bản để tham chiếu là chương 25 của sách Lêvi. Đó là một bản văn phức tạp, được những người thuộc dòng dõi Lêvi, tức là các tư tế, đưa vào sách, một cuốn sách nghi lễ, với những quy định chi tiết và tỉ mỉ, liên quan đến các nghi lễ của đền thờ Giêrusalem.

 

Một tiền đề thuộc ngữ vựng

Trong bản văn đó, thuật ngữ joel gây được tiếng vang hơn cả, nhưng cũng được tìm thấy trong chương 27 (sách Lêvi). Bản Kinh thánh tiếng Hy Lạp cổ, theo truyền thống được gọi là Bản Bảy Mươi (LXX), với từ này – joel – thay vì dịch là “năm hân hoan“, Năm Thánh, họ đã dịch theo một hướng khác: áphesis, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “sự tha thứ“, “giải thoát” hay thậm chí là “xá tội“. Hạn từ này sẽ rất quan trọng đối với Đức Giêsu, như chúng ta sẽ thấy, vì Người không đề cập tới “giubileo” nhưng sử dụng thuật ngữ  áphesis trong tiếng Hy Lạp của thánh Luca. Thật vậy, trong Tân Ước không hề có hạn từ “giubileo”. Do đó, nhóm Bảy mươi, những nhà dịch Kinh thánh cổ xưa, đã vượt qua một sự kiện văn hóa thiêng liêng đặc trưng (lễ kỷ niệm Năm Thánh bắt đầu bằng tiếng tù và của con cừu vào một ngày rất cụ thể, liên quan đến lễ trọng thể Kippur, tức là Lễ Chuộc Tội cho tội lỗi của Israel) để đi tới một khái niệm luân lý, đạo đức, hiện sinh: tha nợ, giải phóng nô lệ (vốn đã là nội dung của Năm Thánh). Do đó, chủ đề của Năm Thánh đã được chuyển từ ngôn ngữ và hành vi phụng tự sang ngôn ngữ và kinh nghiệm đạo đức-xã hội. Yếu tố này cũng có ý nghĩa đối với chúng ta ngày nay, để không giản lược Năm Thánh Kitô giáo chỉ thành một cử hành cơ bản hay nghi lễ nhưng biến nó thành một mô hình của đời sống Kitô giáo. Một số học giả cho rằng, thuật ngữ joel không liên quan đến tiếng tù và, mà liên quan đến từ gốc tiếng Do Thái jabal, cũng có nghĩa là “hoãn lại, hoàn lại, xoá bỏ“. Tuy nhiên, cách giải thích này có vẻ hơi gượng ép vì việc “xoá bỏ” không nhất thiết ám chỉ sự giải phóng, nó không có nội hàm rộng như thuật ngữ “áphesis” trong tiếng Hy Lạp nói trên, được chính Đức Giêsu đặc biệt nhấn mạnh. Các nỗ lực khác truy tầm về ngữ vựng đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau nhưng phải thừa nhận rằng, yếu tố khởi đầu là một nghi lễ nhất định. Đó là tiếng tù và đánh dấu sự bắt đầu của một năm cụ thể, vào ngày thứ mười của tháng mùa thu ở Tishri, tương ứng với khoảng tháng 9-10 của chúng ta, tháng cũng diễn ra Kippur (Lễ chuộc tội). Thật thú vị khi để ý trong ngôn ngữ fenicia, về mặt nào đó có họ với tiếng Do Thái, có cùng một gốc, tức là ba phụ âm làm cơ sở cho từ  joel, tức là  jbl, biểu thị “con dê”, một thành phần quan trọng của Kippur. Do đó, hẳn là âm thanh của chiếc tù và, dấu hiệu của một thời điểm thiêng liêng, là cơ sở của thuật ngữ “Năm thánh”, nhưng không nên quên nhấn mạnh, theo bản dịch tiếng Hy Lạp: nó không chỉ là một nghi thức, mà là một yếu tố phải có tác động sâu sắc đến sự tồn vong của một dân tộc. Sau phần giới thiệu này, chúng tôi cố gắng thu thập và minh họa một số chủ đề cơ bản của Năm Thánh có vẻ gắn kết với nhau theo một cách nào đó.

 

Kỳ nghỉ của đất đai

Theo bản văn Kinh thánh, chủ đề khá nguyên thuỷ là “kỳ nghỉ ngơi” của đất đai. Với lịch trình nghỉ, thời gian được đo theo truyền thống Kinh thánh, đất đai được phép nghỉ ngơi bảy năm một lần. Từ những chỉ dẫn của chương 25, sách Lêvi: đất đai cũng phải nghỉ ngơi trong Năm Thánh, kéo dài bảy tuần trong năm, tức là vào năm thứ năm mươi. Cam kết này có vẻ khá phi thực tế và khó áp dụng. Có thể để đất đai nghỉ ngơi trong một năm, đặc biệt là trong một nền văn minh như vùng Cận Đông cổ đại, nơi nhu cầu ít hơn nhiều so với chúng ta và cuộc sống đơn giản hơn nhiều. Nhưng để đất đai nghỉ trong hai năm liên tiếp (năm nghỉ thứ 49 và năm thánh – năm thứ 50), trong một nền kinh tế thuần nông sẽ làm cho cuộc sống của họ rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, hoặc Năm thánh được thực hiện trùng với năm thứ bảy của tuần thứ bảy, hoặc Năm thánh là một sự thực thi cụ thể – trên hết là một cột mốc, hơn là một dấu chỉ không tưởng, một cái nhìn vượt ra ngoài lối sống thông thường. Để đất đai được nghỉ có nghĩa là sẽ không gieo hạt và không gặt hái. Một mặt, sự lựa chọn này khiến chúng ta khám phá ra rằng, đất đai là một món quà, bởi vì, ngay cả khi với diện tích nhỏ hẹp, đất đai vẫn có thể tạo ra một thứ gì đó. Hoa trái của nó sẽ ít hơn nhưng sẽ không thiếu. Do đó, nên nhớ rằng các chu kỳ của tự nhiên không chỉ phụ thuộc vào công việc của con người mà còn phụ thuộc vào Đấng Tạo Hóa. Điều này nhắc nhớ chúng ta về một Đấng tối thượng, Đấng Siêu việt. Mặt khác, trong thời kỳ này đã có nỗ lực nhằm vượt qua quyền sở hữu tư nhân và bộ lạc, vì mọi người đều có thể thu lấy những gì mảnh đất đó tạo ra mà không cần lưu tâm tới ranh giới và hàng rào đã được đăng ký trong sổ sách. Trên thực tế, điều này cho thấy sự thừa nhận mục đích chung của của cải, theo đó mọi thứ đều dành sẵn cho mọi người. Chủ đề này cũng có thể có ý nghĩa to lớn trong xã hội ngày nay. Trong đó, nhân loại có thể được minh hoạ như một chiếc bàn bày sẵn, trong đó một bên là những người tích lũy của cải quá mức, còn bên kia là những người còn lại, một đám đông đứng nhìn và chỉ có thể tận hưởng những thứ vụn vặt, vụn bánh. Không gì hơn là ý tưởng: của cải dành cho tất cả mọi người đi trước sự sở hữu của bất kỳ cá nhân nào. Dưới ánh sáng ấy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những suy tư của mình về vấn đề này trong trong  thông điệp Laudato si’.

 

Xóa nợ và thu hồi đất

Chủ đề thứ hai, không kém phần nguyên thuỷ, là việc xóa nợ và hoàn trả nguyên vẹn (cho chủ sở hữu ban đầu) những mảnh đất bị chuyển nhượng và bán đi. Theo lối nhìn của Kinh thánh, đất đai là tài sản không phải của cá nhân mà của các bộ lạc và gia đình thị tộc, mỗi bộ tộc đều có lãnh thổ riêng của mình. Nó đã được tặng hiến trong quá trình phân chia đất đai nổi tiếng sau cuộc chinh phục Canaan, như chúng ta đọc trong sách Giôsuê (cc.13-21). Vì nhiều lý do khác nhau, mỗi lần gia tộc bị mất đất sở hữu của mình, theo nghĩa nào đó sự phân chia đất đai thất bại theo ý muốn của Thiên Chúa. Với Năm thánh, tức là cứ nửa thế kỷ một lần, bản đồ miền đất hứa lại được vẽ lại theo Ý của Thiên Chúa, thông qua món quà thiêng liêng, đất đai được chia cho các bộ tộc Israel. Khi đó, mọi bộ tộc đều nhận được phần đất của mình, ngoại trừ bộ tộc Lêvi, những người sống nhờ vào sự đóng góp của các bộ tộc khác để phục vụ Đền thờ. Đối với các khoản nợ, về cơ bản cũng diễn ra tương tự như vậy. Vào đầu Năm Thánh, mọi người đều bình đẳng, có cùng một ít của cải như nhau. Tuy nhiên sau đó, một số người mất đi tài sản của mình do bất hạnh, số khác là do lười biếng hoặc không có khả năng. Sau năm mươi năm, người ta quyết định quay trở lại điểm xuất phát, đảm bảo rằng mọi người đều được chia sẻ của cải tương tự nhau tuyệt đối. Tất cả tài sản trở thành của chung và được phân phối theo các bộ tộc khác nhau. Như vậy, mỗi gia đình đã lấy lại được tài sản, đất đai và tất cả con cái của mình. Theo lời kêu gọi từ sách Đệ Nhị luật, sự đổi mới xã hội này liên tục được đưa ra với người Do Thái để họ có thể coi đó là mô hình xã hội để sống theo, bất chấp ý thức rằng, đó là một dự án lý tưởng không bao giờ có thể đạt được một cách trọn vẹn. Thật vậy, trong sách Đệ nhị luật, chúng ta đọc: “Tuyệt nhiên giữa anh (em) sẽ không có người nghèo […] và nếu trong anh em có người nào đang túng thiếu, thì anh (em) đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng” (15,4.7 ). Một sự lựa chọn không chỉ là sự gắn bó lý tưởng với tình huynh đệ và tình liên đới mà còn bao hàm cụ thể của “bàn tay”, tức là hành động, sự dấn thân xã hội cụ thể. Chúng ta hãy nhớ lại chân dung của cộng đoàn Kitô giáo ở Giêrusalem, nơi đó – như thánh Luca nhắc lại nhiều lần trong sách Công vụ Tông đồ  – “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.” (4,32) .

 

Việc giải phóng nô lệ

Chủ đề thứ ba của Năm Thánh theo Kinh Thánh cũng là lời kêu gọi mạnh mẽ và đầy thách đố. Năm Thánh là năm không những xóa bỏ các khoản nợ mà còn là năm giải phóng nô lệ. Sách Êdêkien (46,17) nói về Năm Thánh là năm giải phóng, năm cứu chuộc, năm mà những người đã ra đi làm nô lệ để sống sót trong cảnh nghèo khó được trở về nhà, được tha nợ và được hoàn lại đất đai và phục hồi sự tự do của họ. Họ lần nữa trở về tình trạng của một dân tộc từ trong cuộc lưu đày, những người thoát khỏi tấm áo choàng sắt của chế độ nô lệ và phân biệt đối xử. Cũng nằm trong dòng ý nghĩa ấy, đó là đưa ra lý tưởng kiến tạo một cộng đồng không còn có ràng buộc mang tính nô lệ, chân tay không còn bị xiềng xích và có thể đoàn kết hướng tới một mục đích chung. Rõ ràng là tính chất của nó cũng có thể áp dụng cho lịch sử của chúng ta, trong đó vô số hình thức nô lệ được ghi lại: nghiện ma túy, buôn bán gái mại dâm, bóc lột trẻ em ở nơi làm việc hoặc tình dục, khiêu dâm trẻ em và nhiều hình thức nô lệ tàn bạo khác. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến tất cả những dân tộc, trên thực tế, họ là nô lệ của các siêu cường bởi vì với những khoản nợ của mình, họ hoàn toàn không có khả năng trở thành người quyết định cho vận mệnh của chính mình; hoạt động của một số công ty đa quốc gia thường là một hình thức chuyên chế kinh tế thực sự nhằm đàn áp một số quốc gia và xã hội khác. Do đó, âm vang chủ đề Năm Thánh của sự giải thoát cũng có ý nghĩa lớn lao trong thời đại chúng ta, và điều này cũng đúng khi xét đến lời kêu gọi giải phóng để có được sự tự do nội tâm. Thật vậy, một người có thể tự do bên ngoài nhưng lại là nô lệ bên trong với những sợi xích vô hình nhất định, chẳng hạn như chịu sự chi phối xã hội của truyền thông đại chúng, sự hời hợt, thô bạo, sự lệ thuộc vào thế giới thông tin. Trong đoạn Kinh thánh Giêrêmia 34,14-17, vị ngôn sứ giải thích một cách mạnh mẽ về sự sụp đổ và trở thành nô lệ của Giêrusalem và Giuđê đối với người Babylon vào năm 586 tCN. Đó chính là sự phán xét của Thiên Chúa về việc người Do Thái đã không giải phóng nô lệ nhân dịp Năm Thánh. Tính ích kỷ trở thành điều chi phối toàn bộ, trong khi sự giải phóng đã không được thực hiện, và kết quả là Israel trở thành nô lệ như một loại hình phạt từ Thiên Chúa.

 

Năm Thánh theo Đức Giêsu

Theo Tin Mừng Luca, khi bắt đầu rao giảng công khai, Đức Giêsu bước vào hội đường nhỏ làng Nazareth của Người. Vào một ngày Sabát, người ta đọc một đoạn Kinh thánh của Is 61, đến lượt Người công bố và bình luận về bản văn. Qua những lời này, Đức Giêsu tự giới thiệu mình là người được Chúa Cha sai đến để khai mở một Năm Thánh trọn vẹn kéo dài suốt các thế kỷ tiếp theo và là năm mà các Kitô hữu phải cử hành trong Thần khí và Sự thật: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” ( Lc 4,18 -19). Ngoài Cựu Ước, đây là nguồn gốc khác của Năm Thánh Kitô giáo. Theo lời của Đức Giêsu, phạm vi của Năm Thánh trở thành mô hình, lối sống của đời sống Kitô hữu, mở lòng và đón nhận tất cả những đau khổ vốn là chương trình thuộc sứ mạng của Đức Kitô và Giáo hội. “Năm hồng ân của Chúa”, nghĩa là năm cứu độ của Người, bao gồm bốn cử chỉ căn bản. Đầu tiên là “Đem Tin mừng cho người nghèo khó”: động từ tiếng Hy Lạp (tiếng Ý: evangelizzare) vốn là động từ xuất phát từ danh từ Tin mừng (evangelo), “tin mừng”, “thông điệp vui mừng” về Nước Thiên Chúa. Những người tiếp nhận là “người nghèo”, nghĩa là, những người rốt cùng của trái đất, những người không có sức mạnh quyền lực chính trị và kinh tế nhưng có trái tim rộng mở để đón nhận và gắn bó với đức tin. Năm Thánh có mục đích mang về trung tâm Giáo Hội những người khiêm nhường, nghèo khó, khốn khổ, những người cả bên ngoài lẫn bên trong phó mình vào bàn tay của Thiên Chúa và của anh em. Sự giải phóng là yếu tố thứ hai của Năm Thánh, một hành động – như chúng ta đã thấy – đã có trong Năm Thánh của Israel. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng đề cập đến các tù nhân theo một nghĩa chặt chẽ và ẩn dụ, và ở đây chúng ta dự đoán những lời này mà Người sẽ lặp lại trong cảnh phán xét ở cuối câu chuyện: “Ta ở tù và các ngươi đến thăm viếng” ( Mt 25,36). Dấn thân thứ ba là phục hồi “ánh sáng cho người mù loà”, một cử chỉ mà Đức Giêsu thường thực hiện khi Ngài còn tại thế: chúng ta có thể nghĩ về câu chuyện nổi tiếng về người mù bẩm sinh (x.Ga 9). Theo Cựu Ước và truyền thống Do Thái, đây là dấu chỉ cho thấy Đấng Mêsia sắp đến. Thực ra, trong bóng tối mà người mù bị bao phủ không chỉ có biểu hiện của nỗi đau khổ tột cùng mà còn có một biểu tượng. Thật vậy, có một sự mù loà bên trong mà không giống với sự mù lòa thể xác. Đó là không có khả năng nhìn sâu bằng con mắt của trái tim và tâm hồn. Một sự mù loà khó xóa bỏ, có lẽ còn hơn cả sự mù loà thể xác, đang trói buộc nhiều người vốn cần một tia sáng chiếu toả vào tâm hồn họ. Cuối cùng, như dấn thân thứ tư là việc giải phóng khỏi sự áp bức được đề xuất, không chỉ là chế độ nô lệ nói trên liên quan đến Năm Thánh Do Thái mà còn bao gồm tất cả những đau khổ và sự dữ áp bức thể xác và tinh thần. Tất cả đều được biểu lộ nơi toàn bộ sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Do đó, mục tiêu lý tưởng của Năm Thánh đích thực của Kitô giáo là bộ tứ thiêng liêng, luân lý và hiện sinh này.

 

Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.

Nguồn: Osservatoreromano

Kiểm tra tương tự

Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày

  Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …

Các tham dự viên Thượng Hội đồng giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ gì?

  Trong khi Chúa Thánh Thần nói trực tiếp vào tâm hồn mà không cần …