LẠC VIỆT
(Đào Duy Anh)
Trong các nhóm Bách Việt có nhóm Lạc Việt, là tổ tiên trực tiếp của dân tộc Việt Nam ở miền trung châu Bắc bộ và phía Bắc trung bộ vì không bị quân nhà Tần chinh phục nên giữ được độc lập lâu hơn các nhóm khác.
Người Lạc Việt đến miền Bắc Việt Nam từ bao giờ, điều ấy chúng ta chưa biết đích xác được, chỉ biết rằng trước khi Triệu Đà thần phục nước Âu Lạc thì đã có người Lạc Việt rồi. Theo Từ Quảng thì người Mân Việt họ Lạc, điều ấy khiến chúng ta ngờ rằng người Lạc Việt ở Việ Nam vốn có quan hệ với người Mân Việt ở Phúc Kiến, mối quan hệ ấy Cl. Madrolle, trong bài “Le Tonkin ancient B.E.F.E.0.XXXVII” đã nhận thấy chứng thực về nhân loại học. Có lẽ ở miền bờ biển Phúc Kiến từ xưa đã có nột nhóm Việt tộc chuyên làm nghề đánh cá và vượt biển. Họ thường dùng thuyền gỗ hay mảng tre có buồm để hàng năm theo gió mùa, nhân gió Bấc vượt biển đến các miền duyên hải ở phương Nam, đại khái miền Hải Nam, miền trung châu sông Nhị và sông Mã ở phía Bắc Việt Nam. Có lẽ những người táo bạo vượt biển đến cả Nam dương quẩn đảo nữa, rồi đến tiết gió Nồm, họ lại vượt trở về nơi căn cứ. Có lẽ sau nhiều cuộc vượt biển ấy, người Việt trong thị tộc Lạc ở Phúc Kiến đã để lại tại miền Bắc Việt Nam một ít nhóm thực dân rải rác, rồi dần dần những nhóm thực dân ấy một ngày một đông; đến sau khi nước Việt bị nước Sở diệt thì có lẽ họ kéo nhau cả bộ lạc xuống ở miền trung châu sông Nhị và sông Mã mà xưa nay họ vẫn biết là miền đất rộng rãi phì nhiêu. Và cũng có những người Lạc ở sót lại Phúc Kiến nên Từ Quảng mới nói rằng người Mân Việt là họ Lạc.
Trong những cuộc vượt biển hằng năm của nhóm người Việt tộc ấy, họ thường tự sánh họ với một giống chim hậu điểu mà hằng năm đến mùa lạnh, tức mùa gió bấc, họ thường thấy cùng dời miền bờ biển Giang Nam mà bay về miền Nam đồng thời với cuộc xuất dương của họ, rồi đến mùa nóng là mùa gió nồm, các chim ấy cũng trở lại miền Giang Nam đồng thời với cuộc trở về của họ. Vì thế mà dần dần trong tâm trí họ phát sinh ra quan niệm tô-tem, khiến họ nhận gống chim Lạc ấy, (giống chim lạc là một giống chim hậu điểu về loài ngổng trời) là vật tổ, rồi cái tên vật tổ trở thành tên của thị tộc, cho nên người ta gọi nhóm Việt tộc ấy là Lạc Việt. Những khi họ vượt biển có lẽ họ thường giả trang mang lông chim lạc ở đầu và mình để trá hình thành vật tổ, họ lại trang sức thuyền của họ thành hình trạng vật tổ và đeo khắp nơi trong thuyền những huy hiệu vật tổ, tất cả những hành động ấy cốt để cầu cho vật tổ hộ vệ họ được an toàn giữa sóng gió biển khơi. Cái hình thuyền với những thủy thủ kỳ hình quái trạng chạm trên trống đồng Ngọc Lũ mà các nhà khảo cổ học người Pháp Goloubew và Finot cho là có ý nghĩa tô tem, chính là biểu hiệu của các thuyền đã từng chở người Lạc Việt ở miền Phúc Kiến xuống miền Bắc Việt Nam. Đến đây, họ vẫn gữ tên thị lộc cũ là Lạc và chính bằng tên Lạc Việt mà từ rày các sử sách của Trung Hoa gọi họ.
Lân cận với nhóm Lạc Việt là nhóm Tây Việt hay Tây Âu ở miền Đông Nam tỉnh Quảng Tây, quân nhà Tần cũng không chinh phục được. Trong năm đạo quân nhà Tần phái đi đánh miền Bách Việt, thì đạo thứ nhất và đạo thứ nhì do phía Nam tỉnh Hồ Nam đánh vào Bắc tỉnh Quảng Tây. Nhưng đến đó quân đội thiếu đường vận chuyển lương nên không tiến được như chúng ta biết. Quan Giám Lộc trong đạo quân thứ nhất do Đồ Thư chỉ huy phải cho quân lính đào kênh để nối sông Tương với sông Ly. Nhờ sông đào ấy mà nay người ta gọi là kênh An Hưng, quân nhà Tần tiến sâu vào đất Việt được, giết được tù trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống. Nhưng “người Việt đều vào trong rừng sâu, ở cùng cầm thú, không chịu làm tôi mọi nhà Tần. Họ đặt người tuấn kiệt lên làm tướng và cứ ban đêm ra đánh quân Tần, giết được quan úy Đồ Thư và làm bị thương mấy chục vạn người. Nhà Tần bèn phát những người bị đày đến để phòng bị người Việt”. Cứ lời Lưu An nói thì chúng ta thấy quân nhà Tần thất bại to ở Tây Âu, có lẽ họ phải rút lui về miền Bắc để đóng ở phía Bắc sông Ly tức là miền mà nhà Tần đặt quận Quế Lâm, tức Uất Lâm ngày nay. Trong khoảng mười năm nhà Tần đóng quân ở Bách Việt, người Tây Âu cũng như người Lạc Việt ở phía Nam vốn sống ngoài phạm vi của quân Tần.
Nhưng tại sao trong khi các nhóm Việt tộc khác phải chịu quân Tần dày xéo mà người Tây Âu và Lạc Việt lại giữ được độc lập? Như chúng ta đã biết, sau khi tù trưởng Tây Âu bị giết thì người Việt lui vào rừng rậm “chọn người tuấn kiệt lên làm tướng để kháng chiến”. Chúng tôi ngờ rằng người kiệt tuấn mà Lưu An nói đó chính là người mà sử cũ của ta gọi là Thục Phán An Dương Vương, con vua nước Thục. Sau khi nước Tần đã diệt nước Thục ở miền Tứ Xuyên (Sử ký chép việc ấy vào năm thứ năm đời Chu Thuận Vương, tức năm 316), dư đảng vua Thục chạy về phía Nam. Sau khi thái tử chết ở núi Bạch Lộc thì dư đảng có lẽ trong đó có người con thứ của vua Thục, hẳn là theo sông Mãn Giang mà vào đất Điền Trĩ (tỉnh Vân Nam ngày nay) là đất nước Sở mới chiếm. Có lẽ con vua Thục lánh thân ở đất ấy thuộc phạm vi thế lực của Sở là nước cừu địch của Tần. Có lẽ dung thân ở một vùng nào trong đất Điền Trì tiếp cảnh với đất Tây Âu và Lạc Việt, con vua Thục đã tự xưng là Thục Vương để tự ủy, và có lẽ đến đời sau, con Thục ấy cảm thấy đất dung thân là nơi chật hẹp nghèo nàn, lại tiếp cảnh với miền đất nhà Tần mới chinh phục sau khi diệt được lục quốc mà thống nhất Trung Hoa thì không thể dễ dàng phát triển, bèn đem đồ đảng lấn đất Tây Âu và Lạc Việt ở miền Đông Nam. Thục Phán hẳn là đi theo lối con đường xe lửa Điền Việt ngày nay, qua Khúc Tịnh, Mộng Tự rồi theo sông Hồng hà mà đến đất Lạc Việt. Ở đó, Phán cướp được trung tâm điểm đất Lạc Việt là Mê Linh, hạ vua Lạc Việt xuống làm tù trưởng cho gữ miền Mê Linh làm thái ấp; có lẽ Thục Phán thần phục được luôn các bộ lạc Tây Âu ở miền nam Quảng Tây, giao cho tù trưởng họ là Dịch Hu Tống trông nom. Sau khi đã hàng phục được cả hai nhóm Lạc Việt và Tây Âu, Thục Phán họp lại làm một nước, đặt tên là Âu Lạc. Có ý là do Tây Âu và Lạc Việt họp thành, và đóng đô ở miền Cổ Loa ngày nay, tự xưng hiệu là An Dương Vương, có lẽ là muốn nhớ lại tên cố hương là Hoa Dương, tên miền đất Thục ở Tứ Xuyên.
Việc Thục Phán vào đất Việt có lẽ xảy ra trước khi quân Tần đánh Tây Âu (năm 245 tcn).
Truyền thuyết cho chúng ta biết rằng An Dương Vương sây thành theo hình trôn ốc, và dùng mỏ thần Kim Quy cho để giữ nước. Chúng ta có thể suy đoán rằng sau khi dựng nước, Thục Phán tất đã đem văn hóa của quê hương mình là nước Thục mà du nhập cho người Việt, đã đem chế độ qui mô của nước Thục cũ mà đoàn kết các bộ lạc người Việt thành một nước có tổ chức qui mô vững vàng. Phán đã dạy cho người Việt xây thành bằng đất và dùng cung nỏ bằng tre là hai thức kỹ thuật người Thục vốn sở trường. Có lẽ trong khi quân Tần tiến đánh Tây Âu, Thục Phán đã phấn khởi lòng dũng cảm của người Việt và một mặt lợi dụng địa thế hiểm trở miền Nam Quảng Tây và miền thượng du Bắc Bộ để làm thuật du kích, một mặt thì nỏ tên bịt đồng mà núp trong rừng bắn ra, cho nên cầm cự với quân Tần được trong 10 năm và rốt cuộc quân Tần phải thua. Chúng ta có thể đoán rằng trong cuộc kháng chiến với quân Tần, An Dương Vương đã nhóm cho người Âu Lạc cái mầm mống của tinh thần dân tộc.
Đối với quân Tần ở xa đến, An Dương Vương có thể thống suất người Việt mà kháng chiến thành công được. Nhưng cách ít lâu, khi Triệu Đà đã lập nước Nam Việt mà xưng đế, Đà sẽ lấy cả thế lực của một nước rộng hơn vạn dặm ở sát biên cảnh để uy hiếp. An Dương Vương không thể địch nổi mà phải nhường. Chúng ta không biết giữa Triệu Đà với An Dương Vương có cuộc chiến tranh không? Cố nhiên chúng ta không thể tin cuộc xung đột chép trong truyền thuyết, mà Tư Mã Thiên thì chỉ chép vắn tắt rằng Triệu Đà đem binh uy hiếp biên thùy và dùng của cải mua chuộc khiến Âu Lạc quy phục. Song có một điều chúng ta biết rõ là sau khi Âu Lạc phục thuộc thì Triệu Đà vẫn không đem chế độ phưpng Bắc mà dùng ở đó, ý giả là Đà biết dân Âu Lạc vốn khó cai trị sai khiến hơn dân Vam Việt. Đà chỉ chia đất Âu Lạc làm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, có lẽ quận Giao Chỉ của Triệu Đà gồm Bắc bộ và một phần đất phía Nam tỉnh Quảng Tây nữa; còn quận Cửu Chân là đất Thanh hóa và Nghệ An. Ở mỗi quận, Đà đặt một quan Diễn sứ để coi việc dân và một quan Tả tướng để coi việc binh, còn nhà quý tộc bản xứ thì vẫn được giữ thái ấp mà trị dân như cũ. Tại đất bản bộ của An Dương Vương là đất Tây Vu, trung tâm điểm là Loa Thành, có lẽ Triệu Đà vẫn để con cháu Thục Phán quản lãnh mà xưng Vương – Tây Vu Vương – được biệt đãi hơn các nhà quá tộc khác. Sự nội thuộc nhà Triệu của nước Âu Lạc bấy giờ kể ra cũng không chặt chịa lắm.