“Người ban BÁNH cho mọi chúng sinh” (2.12.2015 – Thứ tư, sau Chúa Nhật I Mùa Vọng)

 

“Người ban BÁNH cho mọi chúng sinh”
(Mt 15, 29-37)

 

29 Đức Giê-su xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó.30 Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành,31 khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.

32 Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.”33 Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no? “34 Đức Giê-su hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh? ” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.”

35 Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất.36 Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông.37 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

  1. Đức Giê-su phục vụ cho sự sống của con người

Đức Giê-su đến là để cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Chúng ta thường hiểu sự sống mà Đức Giê-su đến phục vụ và phục vụ đến cùng, là “sự sống siêu nhiên” tách biệt và đôi khi xem thường “sự sống tự nhiên”. Tuy nhiên, như bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta, vì “chạnh lòng thương”, Người quan tâm và phục vụ cho sự sống của con người ở mức độ căn bản nhất: đó là làm cho người bệnh được khỏe mạnh và làm cho kẻ đói có bánh ăn. Xin cho chúng ta cũng biết quan tâm đến nhau và và phục vụ cho sự sống của nhau ở mức độ căn bản nhất, vì chạnh lòng thương.

Tuy nhiên, con người không thể ăn bánh, hay được chữa lành, mà lại, ngang qua nhu cầu rất căn bản này, không ước ao sự hiện diện, không hướng tới sự hiện diện. Chúng ta vẫn nói: “rượu ngon, phải có bạn hiền”. Ngang qua việc đón nhận lương thực và sự sống hàng ngày, con người chúng ta còn ước ao sự hiện diện nhân linh, nhân linh nghĩa là điều thuộc riêng con người, điều thuộc về nhân tính; và không chỉ sự hiện diện nhân linh, mà còn sự hiện diện thần linh nữa, nghĩa là ước ao trọn vẹn thay vì dở giang, tuyệt đối thay vì tương đối, mãi mãi thay vì mau qua.

Đó là bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên không thể không ước ao Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa gieo vào nơi sâu thẳm của con người lòng ước ao. Ngài làm thế, chính là để làm thỏa mãn; Thiên Chúa làm thỏa mãn ước ao của con người nơi Đức Giêsu Kitô. Bỡi lẽ, một quà tặng quí giá cho một người hoàn toàn không có ước ao gì hay khao khát nào, thì chẳng có ý nghĩa, và không thể tạo ra niềm vui. Lòng ước ao nơi con người là một khoảng trống mà chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy được thôi.

Chính Đức Giêsu là bánh đích thực, là lương thực đích thật đem lại sự sống. Bánh sự sống không phải là bánh ăn mãi không hết, cũng không phải là thứ bánh cải lão hoàn đồng, trường sinh bất tử, không phải thứ bánh ăn vào là no luôn, nhưng là căn tính của Đức Giêsu, là ngôi vị của Đức Giêsu, mà người ta được mời gọi đích thân “cảm nếm”.

 

  1. 2. Bảy cái bánh và một ít cá nhỏ

Đức Giê-su, vì lòng thương đám đông, không nỡ để họ trở về đói bụng, nên muốn cho họ ăn. Có điều là, Chúa muốn cho họ ăn, nhưng Chúa lại biểu các môn đề làm: “Anh em có mấy chiếc bánh?”. Có lẽ, chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm tương tự, ở bình diện cá nhân, gia đình, cộng đoàn hay Hội Dòng: Chúa mời gọi chúng ta làm điều vượt quá sức lực, khả năng và phương tiện có trong tay của chúng ta.

Trong trường hợp này, giống như các môn đệ, chúng ta chỉ nghĩ đến những trở ngại, khả năng giới hạn và hoàn cảnh khó khăn, vốn gây chùn bước, của chúng ta: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” Lúc Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, theo Tin Mừng theo thánh Mác-cô, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” Trước một nhu cầu lớn như thế, các môn đệ nghĩ ngay đến tiền. Chúa bảo mình làm nhưng lại không cho tiền ! « Tiền » ở đây có thể được hiểu theo nghĩa rộng, là tất cả các phương tiện và điều kiện để làm việc, nhằm đáp ứng nhu cầu của người khác cách nhanh chóng và hiệu quả. Trong khi đó, Chúa chỉ cần chúng ta “chạnh lòng thương” như Chúa đã chạnh lòng thương mà thôi.

Nhưng sống tương quan với Chúa, và nhất là khi cộng tác với sứ mạng của Chúa, nghĩa là làm chứng cho Tin Mừng qua đời sống tu trì, việc phục vụ, việc tông đồ, mục vụ…, chúng ta không thể chỉ suy xét trên bình diện phương tiện, nhưng còn phải đặt mình ở bình diện thần nhiệm nữa, như thánh Phaolô đã kinh nghiệm : « Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi : Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối » (2Cr 12, 8-9). Sống chiều kích thần nhiệm là kết hợp với Đức Kitô chịu đóng đinh và để sức sống Phục Sinh của Ngài tỏ hiện ra nơi con người giới hạn, mỏng dòn, yếu đuối của chúng ta, và nơi những phương tiện hạn hẹp và nghèo nàn của chúng ta.

 

  1. Người cầm lấy bảy cái bánh và mấy con cá

Đức Giêsu hỏi về những gì các môn đệ đang có: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Bởi vì Ngài muốn hành động khởi đi từ những gì chúng ta có và những gì chúng ta là. Chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa tất cả, tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là. Đức Giê-su không chê bỏ, nhưng đón nhận với tất cả sự trân trọng, hơn nữa còn đón nhận như ơn huệ của Chúa Cha :

  • Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá.
  • Dâng lời tạ ơn, bẻ ra.
  • Trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông.

“Bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ” diễn tả con người thật của chúng ta, rất giới hạn, rất nghèo nàn và rất nhỏ nhoi. Nhưng nếu chúng ta quảng đại trao vào tay Chúa, thì trở thành điều kì diệu một cách nhiệm mầu. Và chắc chắn, trong mức độ nào đó, chúng ta đã có kinh nghiệm này rồi trong hành trình ơn gọi của từng người chúng ta hay trong các dự án tông đồ của cộng đoàn hay Hội Dòng. Chúng ta có thể dừng lại thật lâu để chiêm ngắm từng cử chỉ của Chúa, và để những cử chỉ này đánh động, gợi mở, soi sáng ơn gọi và những băn khoăn của chúng ta. Có ba cấp độ ý nghĩa của phép lạ bánh hóa nhiều.

(1) Bánh lương thực. Bánh ăn hằng ngày đã hóa nhiều thực sự, và trong những năm thi hành sứ vụ, Đức Giêsu thực hiện 2 lần (theo Tin Mừng Gioan, thì một lần). Điều này cho thấy, Đức Giê-su đến không để giải quyết nạn đói cho con người. Vì con người có khả năng lo cho nhau no đủ, nếu biết chia sẻ. Phép lạ là những « dấu chỉ » của một thực tại khác.

(2) Bánh Thánh Thể. Bánh Thánh Thể được trao ban cho chúng ta một cách quảng đại mỗi ngày trong Thánh Lễ ; chúng ta chỉ cần mở tay và mở lòng ra để đón nhận. Tuy không có sự dư tràn vật chất, nhưng lại có sự « dư tràn » về ơn huệ sự sống và ngôi vị của Đức Ki-tô. Ngoài ra, phép lạ « Bánh Lời Chúa » hóa nhiều cũng được Chúa thực hiện cho chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ và nhất là khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa và chia sẻ Lời Chúa.

(3) Bánh đời tôi. Đây chính là ý nghĩa đích thật nhất và sâu sa nhất. Chúng ta được mời gọi dâng cho Chúa « tất cả », tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là ; và cái « tất cả » của chúng ta thì nhỏ bé và giới hạn như « bảy cái bánh và mấy con cá », nhưng chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa. Đây là cử chỉ mang chiều kích Thánh Thể : « bảy cái bánh và mấy con cá », là chính con người chúng ta, đã trở thành chính Chúa ; tương tự như bánh là « hoa mầu của ruộng đất và công lao của con người » nhưng được dâng cho Chúa, để trở thành « Bánh Trường Sinh » nuôi dưỡng chúng ta. Và chúng ta được mời gọi cộng tác để chia sẻ và trao ban chiếc « bánh đời tôi », đã được trao vào tay Chúa và Chúa làm cho trở thành chính Chúa, cho nhiều người.

 

* * *

Bánh tiếp tục được ban cho dân của Chúa, cho từng người chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày cách dư tràn. Bánh diễn tả hồng ân, hồng ân Thiên Chúa được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người của anh chị em, đó là những bữa ăn hàng ngày ; bánh diễn tả sự sống đời đời, đó là bánh Thánh Thể ; và cả hai đều diễn tả chính Chúa, chính Ngôi vị của Chúa. Đấng chúng ta khát khao và chỉ ngài mới làm chúng ta no thỏa, dư tràn.

Xin cho chúng ta nhớ lại tình thương của Chúa, mỗi khi chúng ta dùng “Bánh” Chúa ban, để sống mỗi ngày và suốt đời như một lời tạ ơn và ca tụng Chúa:

Người ban BÁNH cho tất cả chúng sinh.
Muôn ngàn đời tình thương của Chúa.

(Tv 136, 25)

 

Mùa Vọng 2015
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 03-01-2025

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 3/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Lễ kính Thánh Danh …

Mến Yêu Hằng Ngày, 03-01-2025

Con Thiên Chúa làm người mang tên là Giêsu, Tên Cực Thánh, trọng đại được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *