Sống giữa những anh chị em thiểu năng tại Lộc Phát, tôi nhận được nhiều bài học bất ngờ và thấm thía. Đúng là, Chúa đến với mỗi người một cách. Thật tuyệt vời!
- Lắng nghe Lời Chúa
Sau khi đọc kinh nhóm xong, chị hỏi tôi: – Thưa thầy, cho em hỏi: Lời Chúa hôm nay nói, Thầy là cây nho, anh em là cành, nếu cành không gắn liền với cây thì sẽ khô héo, anh em cũng vậy nếu không gắn liền với Thầy.
Tôi ngạc nhiên: – Chị nhớ Lời Chúa giỏi quá! Nhưng chị không hiểu chỗ nào?
Chị đơn sơ: – Cành thì em biết, cây em cũng biết, cành bẻ khỏi cây thì khô héo em cũng hiểu. Nhưng mà cái khúc: Thầy là cây, anh em là cành thì em không hiểu. Thầy là thầy, chứ sao là cây được… Cái khúc sau: nếu anh em không gắn với Thầy, lại càng khó hiểu hơn nữa.
Tôi “bó cái tay” và gãi đầu. Giải thích sao cho chị bây giờ, vì trí khôn của chị không thể hiểu được phép ẩn dụ. Thầm xin ơn Chúa soi sáng một tí, tôi nói với chị: – À, chị ơi! Khúc này khó thật đấy, nhưng có thể hiểu thế này: Nếu mình gắn liền với Thầy Giêsu nghĩa là mình đọc kinh cầu nguyện và cố gắng sống tốt, thì mọi người đều vui vẻ. Còn nếu mình lười đọc kinh, lười làm việc, thì tự nhiên mọi người ghét nhau, rồi cãi nhau. Lúc đó, cuộc sống sẽ khô héo lắm, không vui tươi được.
Chị gật đầu tỏ vẻ tâm đắc lắm: – Ồ! Cám ơn thầy nhiều. Giờ em hiểu rồi.
- Trước sự ra đi của người thân
Các anh chị em sống với nhau trong một mái nhà như một gia đình. Một hôm, anh Minh được Chúa gọi về cách bất ngờ. Lễ an táng và chôn cất anh Minh xong, mọi người đứng xung quanh phần mộ.
Có em nói: Chắc anh Minh ở trong đó tối lắm!
Em khác khóc không chịu: Sao tự nhiên lại chết!
Em khác suy nghĩ hồi lâu: Chắc anh Minh ở dưới đó khó thở lắm!
Em khác thì đứng đọc kinh.
Về đến nhà, vào bàn cơm, các em vẫn nói mỗi người một bận tâm về người ra đi.
– Không biết anh Minh giờ sao rồi?
– Anh Minh chết rồi mà!
– Anh Minh cứ ở đó làm gì, sao không về ăn cơm.
– Anh Minh về với Chúa rồi.
– Anh Minh lên Thiên Đàng mà.
Em khác chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ đi ra sân, quay mặt về phía Nhà Thờ, đứng lẩm bẩm gì đó.
Tôi hỏi: Em đang làm gì vậy?
Chắp tay, em nói: Đọc kinh cho anh Minh.
Tình thân giữa mọi người thật gắn bó…!
- Học giáo lý
Em nam lễ phép nói: Thầy dạy giáo lý cho em được không?
– À được chứ! Mà mấy người học?
– Mình em thôi!
– Được rồi! Lúc nào thì bắt đầu đây?
– Bây giờ học luôn được không thầy?
– Ừ cũng được. Em muốn học bài gì?
– Học kinh Lạy Cha. Sơ có dạy rồi, nhưng em quên. Giờ thầy dạy cho em đi!
– Hay lắm! Thầy đọc trước em đọc sau nha.
Thế là hai thầy trò đọc đi đọc lại kinh Lạy Cha không biết mỏi mệt…
- Giờ kinh gia đình
Tết, trở về gia đình, tôi có người em trai 20 tuổi cũng thiểu năng nhưng rất thuộc kinh. Tối đến, em mời tôi với giọng ồm ồm giật cục, khó hiểu với người lạ, nhưng rất dễ hiểu với người trong nhà:
– Anh đọc kinh không?
– À. Có chứ!
Em miệng nói tay chỉ tôi:
– Quay mặt lên tòa (bàn thờ) đọc kinh!
Tôi nghe theo hướng dẫn của em. Đọc một hồi, em ít nghe thấy giọng của tôi, nên quay sang nhắc to:
– Anh ngủ à! Đọc kinh mà ngủ.
Tôi nhìn sang:
– Anh thức mà.
Thế là em cười to, rồi đọc kinh tiếp.
Vẫn không nghe thấy tôi đọc kinh theo, em lại quay sang:
– Anh không thuộc kinh à?
Khúc này thì đúng luôn. Xa nhà lâu, tôi không còn thuộc kinh của quê mình vanh vách như ngày trước nữa, vì trong Nhà Dòng tôi thường đọc sách và kinh của Dòng, còn đi làm việc ở đâu thì lại đọc kinh của giáo phận ấy.
Tôi thú nhận với em:
– Ừ! Anh quên rồi. Cứ đọc đi, anh nghe.
Em cười thích thú, rồi đọc kinh tiếp. Đọc đến khúc khó, em cũng… im lặng. Em quay sang nhìn tôi như muốn trợ giúp. Tôi lắc đầu. Em ngồi im lẩm bẩm giả bộ thuộc kinh, rồi lại nhìn tôi…
Hai anh em nhìn nhau… bò ra cười. Cười xong, thấy đọc kinh cũng dài dài rồi, tôi nói với em: Thôi, kết thúc để đi ngủ. Em hiểu ý, đọc ngay sang kinh cám ơn và trông cậy.
Một đêm bình an!
…
Tạ ơn Chúa đã ban cho con những anh chị em nhỏ bé là ruột thịt và thân quen! Vì nơi những anh chị em ấy rất nhỏ bé ấy, con nhận được Tình Chúa Tình người chân chất và đậm sâu.
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, SJ