Người trẻ và cha xứ

Thật đau buồn khi nghe giáo dân và nhất là người trẻ thường than phiền về cha xứ. Đại loại như cha rượu chè nóng tính; cha toàn nhắc đến tiền bạc, chính trị trong bài giảng, hoặc cha xa cách con chiên. Hàng hà câu chuyện người ta cứ râm ran nói tiêu cực về cha. Không dừng lại ở đó, nhiều giáo dân, cả giới trẻ cũng tỏ ra chống đối cha xứ. Cao trào là họ không đi lễ và tỏ vẻ nói xấu Hội Thánh. Vân vân và vân vân. Bạn nghĩ sao khi Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận chỉ ra những nguyên nhân sau: “Đối với Hội Thánh, không ai tự nhiên có ý phản bội vì phản bội. Nhưng thường có ba trường hợp người ta lâm vào thế phản bội: 1) Khi kẹt vấn đề tiền tài, tình cảm. 2) Khi bất mãn vì tham vọng. 3) Khi sợ cực, sợ đau, sợ chết.” (Đường Hy Vọng, số 262).

Các bạn trẻ thân mến,

Tiếc là Hội Thánh không phải lúc nào cũng có được những mục tử tốt lành, sống chết vì đoàn chiên. Trước những lầm lỗi và gương xấu ấy, chính Hội Thánh đã từng nhận những khuyết điểm ấy. Chẳng hạn mới đây trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Người Trẻ 2018, Đức Tổng giám mục Sydney, Anthony Fisher chia sẻ: “Tôi muốn nói với người trẻ: nếu chúng tôi, như là Giáo Hội, đã làm cho các bạn thất vọng, tôi xin lỗi vì điều đó. Xin đừng từ bỏ Đức Kitô vì một số chúng tôi khiến các bạn thất vọng.” Ở đây chúng ta dừng lại đôi chút để nhìn nhận vấn đề.

Trước hết, chúng ta đang sống trong Hội Thánh được Đức Giêsu thiết lập. Tại sao Người lại lập Hội Thánh? Chính Thiên Chúa muốn cứu độ con người, và Người muốn tập họp toàn thể nhân loại vào một dân duy nhất, đó là dân thánh. Từ “Hội Thánh”, theo tiếng Hy lạp “ekklesia”, có nghĩa là tập hợp tất cả những ai lãnh nhận bí tích Rửa tội và tin vào Thiên Chúa. Trong Hội Thánh, chính Đức Giêsu là đầu, còn chúng ta là chi thể của Người. Kinh Thánh gợi lên cho ta nhiều hình ảnh thân thương về Hội Thánh như người mẹ, như gia đình và như những người đang dự tiệc cưới Nước Trời. Trong nghĩa này, khi thần học gia Karl Rahner nghe những chỉ trích vô cớ về Hội Thánh, ngài cho ta một lời khuyên thật chí lý: “Hội Thánh là một bà già đầy những nhăn nheo. Nhưng Hội Thánh là mẹ tôi. Và người ta không bao giờ đánh mẹ.”

Bạn biết sứ mạng của Hội Thánh là tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Những mục tử của Chúa, hơn ai hết, cần chu toàn sứ mạng ấy. Bởi đó, hạnh phúc cho giáo xứ nào có cha xứ để cho Lời Chúa đơm hoa kết trái nơi mình và nơi con chiên của mình. Khi ấy chắc hẳn không có xung đột, chia rẽ đáng tiếc xảy ra. Nhưng biết sao được, các linh mục cũng có những yếu đuối của phận người. Thế nhưng chúng ta thường đánh đồng khi cho rằng linh mục xấu, suy ra Hội Thánh xấu. Không! Các bạn chắc cũng nhận ra đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đương nhiên Hội Thánh có cơ cấu phẩm trật. Đứng đầu Hội Thánh hoàn vũ là đức giáo hoàng, dưới ngài là các hồng y. Mỗi quốc qua có nhiều địa phận, đứng đầu địa phận là giám mục. Dưới ngài có các linh mục chăm sóc con chiên ở từng giáo xứ. Dầu những nhân vật chúng ta vừa kể có bất toàn, nhưng Hội Thánh không bao giờ hoen ố. Tại sao?

Hội Thánh không chỉ là một tổ chức đơn thuần. Hội Thánh là một thân thể mầu nhiệm, vừa nhân loại hữu hình, vừa thần linh vô hình. Cha Dòng Tên Henri de Lubac tóm tắt tư tưởng của các giáo phụ trong một mệnh đề: “Thánh Thể làm nên Giáo Hội” và tiếp ý tưởng đó sau này Công Đồng Vaticanô II dùng để biểu thị bản chất của “Hội Thánh là Thân Thể màu nhiệm Đức Kitô” (x. Lumen Gentium, số 7). Lịch sử cho thấy, thân thể ấy luôn bị đóng đinh vào thập giá với những chống đối, bách hại của người đời. Đúng là “Ðức Kitô còn hấp hối cho đến tận thế.” (nhà toán học Pascal chia sẻ như thế). Nhưng chúng ta tự hào vì được dự phần vào thân thể huyền nhiệm ấy, được ở trong một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền. Theo bản chất đó, dĩ nhiên Hội Thánh của chúng ta, Hồng Y Karl Lehmann nói, không thể xử sự như một xí nghiệp, thay đổi “cung” khi “cầu” xuống thấp. Điều này được Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận diễn tả một cách khác: “Có người hễ nghe nói đến Hội Thánh là chỉ trích giáo triều ù lì, nhà thờ tốn tiền, nghi thức rườm rà… Hội Thánh đâu phải giáo triều, nhà thờ, nghi thức, hiểu như thế là sai lạc quá! Hội Thánh là toàn thể dân Chúa đang tiến về Nước Trời.” Nếu hiểu theo nghĩa này, chúng ta không ngạc nhiên khi có nhiều người chống đối Hội Thánh.

Trở lại vấn đề trên, nếu bạn bất mãn với một linh mục mà bỏ lễ, bỏ đạo, bỏ Chúa thì tội cho Chúa quá! Thiên Chúa đâu có lỗi. Khi ta yêu mến Thiên Chúa, đương nhiên ta cũng yêu mến Hội Thánh. Đành rằng có những va chạm đáng tiếc xảy ra với giáo dân và cha xứ, nhưng đó là chuyện của cơ cấu, của hợp tác, của ý kiến cá nhân. Mặt khác, Hội Thánh không có tính dân chủ, nghĩa là điều hành dựa trên nguyên tắc: “Mọi quyền lực từ người dân mà đến”. Trái lại, trong Hội Thánh quyền bính xuất phát từ Đầu là Chúa Kitô. Với những bất toàn nơi con người, Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta nên thánh mỗi ngày. Ước mong giữa những bức bối trong giáo dân, nơi người trẻ với cha xứ, chúng ta cầu nguyện nhiều hơn cho các ngài nên những mục tử tốt lành như lòng Chúa ước mong. Cho dẫu trong Hội Thánh còn đó những thành phần chưa hoàn thiện, chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ Hội Thánh.

Thực ra khi bạn chia sẻ những bức xúc ấy, chính tôi hoặc những người trong Hội Thánh cũng cảm thấy nỗi đau. Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ là vậy. Hay nói như thánh Phaolô: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.”(1Cr 12,26). Chúng ta biết Hội Thánh có đặc tính duy nhất, nghĩa là chỉ có một Thân Thể, một Thần Khí, chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. (Ep4, 4-6). Chúng ta chỉ có một Cha trên trời và chúng ta là anh em với nhau. Trong thân thể ấy, bạn cảm thấy đau, tôi cũng cảm thấy đau, bạn vui tôi cũng vui lây. Nếu trong Hội Thánh có những mục tử, hoặc những người chưa tốt, thì không vì thế mà ta “giận cá chém thớt”, “giận cha bỏ đạo”.

Trước những câu chuyện đau lòng đang diễn ra ở nhiều giáo xứ, đức hồng y Nguyễn Văn Thuận chỉ cho ra vài phương cách để hy vọng cải thiện tình hình tốt hơn:

  1. “Trong Hội Thánh mọi người được mời gọi và có bổn phận nên thánh. Nếu con không sống thánh thiện, con đừng lên mặt canh tân Hội Thánh. Không ai có Thánh Thần mà chống lại Đức Kitô.” (ĐHV, số 267)
  2. Hội Thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội Thánh có lời hứa của Chúa. Hội Thánh là một phép lạ liên lỉ. Tuy nhiên đừng vì thế mà phơi bày khuyết điểm và gương xấu cho mọi người. Cũng đừng vì đó mà tha hồ làm gương xấu, để Chúa làm phép lạ mỗi ngày. (ĐHV, số 264)
  3. Hội Thánh của giới trẻ, Hội Thánh của giới già, […] Hội Thánh của người nghèo, Hội Thánh của người giàu, Hội Thánh chấp thuận tất cả, Hội Thánh không kỳ thị ai. Kỳ thị và chia rẽ không có chỗ trong Hội Thánh. (ĐHV, số 270)

    Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Khoá học: Tiến trình phát triển tâm lý và đường hướng giáo dục đức tin

  Các bạn thân mến! Tâm lý con người phát triển theo từng độ tuổi, …

Thánh Thể, vầng trăng mơ ước của tuổi thơ

Nhìn trăng lên, con người mọi thời đều mơ một cuộc sống trường sinh bất …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *