Thử Tìm Hiểu Nhãn Quan của Người Việt Nam Về Đời Tu

1.      Mở đầu

Đời tu là một trong những con đường theo Chúa Kitô, nhờ đó người tu sĩ có thể hiểu biết Chúa Giêsu hơn, yêu mến Ngài hơn và theo sát bước Ngài hơn.[1] Dẫu biết rằng, đời tu là một trong những con đường để theo Chúa, nhưng nhiều người lại có quan niệm đời tu là con đường duy nhất, hay đôi khi quá đề cao đời tu nhưng lại hạ thấp đời sống hôn nhân gia đình. Do đó, thường có những suy nghĩ cũng như quan niệm trái chiều về đời tu. Bài viết này, người viết tìm hiểu quan niệm của người Việt Nam về đời tu, như là một nỗ lực tìm hiểu sâu hơn về con người Việt Nam qua lăng kính triết học con người. Vì thế, bài viết chỉ dừng lại quan niệm đời tu của người Việt theo Đạo Kitô Giáo. Bên cạnh đó, bài viết này cũng dựa trên suy nghĩ và quan điểm mà người viết đã thu góp qua các cuộc nói chuyện về nhãn quan đời tu theo các đối tượng khác nhau trong văn hóa Việt Nam. Nhờ đó, người viết đưa ra một vài suy tư, vài vấn nạn về nhãn quan đời tu của người Việt Nam. Bên cạnh đó, người viết cũng xin nêu lên một vài hướng mục vụ như là nỗ lực để có thể giúp người khác hiểu đúng hơn về đời dâng hiến.

2.      Nhãn quan người việt nam về đời tu

2.1  Thế hệ giới già (45-90 tuổi)

Trong quá trình viết bài, người viết có cơ hội tiếp xúc và nói chuyện về đời tu với những người tuổi từ khoảng 45-90 tuổi dựa trên 4 câu hỏi dưới đây. Do đó, người viết tạm đưa ra một bản khảo sát như sau dựa trên bốn câu hỏi.

Câu hỏi 1: Anh chị (ông, bà) nghĩ đi tu là để làm gì? Trong số những đối tượng mà người viết gặp, khi được hỏi câu hỏi trên, thì có nhiều quan điểm và suy nghĩ khác nhau. Đầu tiên, có những người nói rằng “đi tu làm cho con người hạnh phúc cả về tinh thần lẫn vật chất, vì không bon chen trong cuộc sống, không phải lo lắng đến chuyện cơm áo gạo tiền, đi tu chỉ có đọc kinh và  cầu nguyện…”. Bên cạnh đó, có có những người trả lời: “đi tu có thời gian cầu nguyện và học tập”. Thêm vào đó, có những người nói, đi tu là để làm linh mục, còn đi tu mà chỉ làm thầy thôi thì không nên đi, bởi lẽ, họ quan niệm làm linh mục thì được tôn trọng và nhiều khi còn có của cải vật chất. Thậm chí, có nhiều người cho rằng, đi tu là một nghề nghiệp hay một cách để tiến thân, bởi họ nhìn thấy các linh mục hay tu sĩ có nhiều tiền và nhiều phương tiện hiện đại cũng như quyền lực. Cuối cùng, có những người lại cho rằng, đi tu là để sửa mình, để sống tốt hơn và nhất là được phục vụ Chúa qua tha nhân…

Câu hỏi 2: Anh chị (ông, bà) thích gì nơi  đời tu ? Trước hết có người trả lời: “không phải lo lắng về kinh tế và gia đình, không phải bon chen giữa đời”. Bên cạnh đó, một số người lại có quan điểm: “đi tu làm cho cho con người được sống bình thản và nhẹ nhàng.” Tuy nhiên, có những người lại suy nghĩ, thích đi tu bởi vì cuộc sống tu có nhiều thời gian cầu nguyện cho gia đình và mọi người nhiều hơn. Thậm chí, có những người suy nghĩ, thích đời tu vì trong đời tu có những dịp tổ chức lễ long trọng như: lễ Truyền Chức, Lễ Khấn Dòng… Cũng có nhưng người nói rằng, những gia đình có người đi tu được nể trọng, được gọi là ông cố, bà cố, như thế đời tu đem lại cho gia đình tiếng tốt, thế ai chẳng thích.

Câu hỏi 3: Điều gì anh chị (ông, bà) không thích nơi đời tu? Câu hỏi này hầu như mọi người đều cho rằng, đời tu sống quá nghiêm khắc và luật lệ làm cho con người khó chịu và mất tự do. Bên cạnh đó, họ còn cho rằng đi tu phải ăn chay hãm mình, phải học nhiều và đọc kinh nhiều. Tuy nhiên, cũng có những người nghĩ rằng, đời tu như con dao hai lưỡi, nếu đi tu trọn thì không sao, nhưng nếu không may “đứt gánh dọc đường”  thì chính đương sự cũng như những người thân trong gia đình không còn mặt mũi nào để nhìn bà con lối xóm.

Câu hỏi 4: Khi nhìn thấy người tu sĩ, anh chị (ông, bà) nghĩ gì? Nhiều người trong số được hỏi đều nói, các tu sĩ (họ) thật hiền lành và tốt bụng. Các tu sĩ là những người có học thức và sống hòa đồng với mọi người. Tuy nhiên, cũng có một vài người nhận xét, tu sĩ quá giàu sang hay chưa sống đúng với những gì họ nói. Bên cạnh đó, có những người nhận xét tu sĩ là những con người bình thường, vì thế họ cũng mang những yếu đuối như bao người khác. Tuy nhiên, không ít người thì có suy nghĩ ngược lại, tu sĩ là những người không vướng phải “bụi trần” , thần thiêng và tuyệt vời, như thế lời cầu nguyện của các tu sĩ sẽ được Chúa nhậm lời ngay.

Qua bốn câu hỏi, chúng ta thấy thế hệ giới già có những cái nhìn trái ngược nhau về đời tu. Như thế, chúng ta cũng thấy được phần nào về cách họ nhìn, điều họ suy nghĩ về đời tu. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở quan niệm của những người trong thế hệ giới già thôi thi chưa đủ. Do đó, chúng ta cùng tìm hiểu xem, quan niệm của giới trẻ về đời tu như thế nào để có thể có cái nhìn khách quan hơn.

2.2  Thế hệ giới trẻ (tuổi 20-40)

Trong thế giới hiện đại với nhiều phương tiện truyền thông kỹ thuật số, quan niệm về đời tu của giới trẻ liệu rằng có gì khác so với thế hệ giới già? Chúng ta cùng tìm hiểu về quan niệm của người trẻ trong thời đại hôm nay, để xem quan niệm của họ về đời tu như thế nào.

Câu hỏi 1: Anh chị (ông, bà) nghĩ đi tu là để làm gì? Một nhóm Sinh viên Công Giáo của một trường Đại học[2] đã có nhiều quan điểm và suy nghĩ khác nhau về đời tu qua câu hỏi trên. Một số bạn cho rằng, đi tu là để rao giảng Tin Mừng, đi tu cũng là để sống cho tha nhân nơi những người đau khổ và bị bỏ rơi, đồng thời đi tu là để giúp cho mình và người khác sống sự thánh thiện hơn. Bên cạnh đó, một số bạn cũng cho rằng đi tu là để trốn chạy thực tại, nói cách khác đi tu là để trốn đời, ví dụ, bị thất tình nên mới đi tu. Thêm vào đó, một số bạn cũng cho rằng, đi tu là thăng tiến bản thân cũng như gia đình, vì đời tu không chỉ đem lại cho bản thân nhiều thuận lợi cả về vật chất lẫn tri thức, nhưng gia đình cũng được nể trọng tại quê hương. Trong khi đó, một số bạn quan niệm rằng, đi tu là tránh khỏi những vương vấn của “bụi trần”, đi tu khỏi phải lo đến chuyện cơm áo gạo tiền. Cũng có những bạn lại quan niệm, đi tu là một sở thích hay là một nguyện vọng của gia đình.

Câu hỏi 2: Khi nhìn thấy người tu sĩ, anh chị (ông, bà) nghĩ gì? Một số bạn trả lời, khi tiếp xúc cũng như nói chuyện với các tu sĩ, họ thấy nơi người tu sĩ sự thánh thiện và gần gũi. Bên cạnh đó, một số bạn cho rằng các tu sĩ là những người khôn ngoan và học thức. Tuy  nhiên, một số bạn lại có quan điểm, các tu sĩ là những người khắt khe và cầu toàn, bởi đó đôi khi khó làm việc nhóm. Cuối cùng, một số bạn lại cho rằng, các tu sĩ là những người có của cải vật chất, vì những gì các tu sĩ sử dụng là những thứ xa xỉ.

Câu hỏi 3: Anh chị (ông, bà) thích gì nơi  đời tu ? Có một số bạn trả lời, điều các bạn thích trong đời tu là sự thinh lặng nội tâm, sự thánh thiện, sự chịu đựng và kiên nhẫn trước những khó khăn và thách đố của cuộc sống. Tuy nhiên, một số bạn nghĩ rằng, đời tu làm cho mình trở thành người có học thức và thành đạt trong cuộc sống. Trong khi đó, một số bạn thích đời tu vì đời sống cộng đoàn, nơi đó thể hiện tình yêu thương huynh đệ với nhau và cho nhau. Cuối cùng, một số bạn thích đời tu ở chỗ, đời tu có ba lời khấn: khó nghèo, khiết tinh và vâng phục.

Câu hỏi 4: Điều gì anh chị (ông, bà) không thích nơi đời tu? Một số bạn trả lời, các bạn không thích đời tu là vì đời tu làm mất tự do, phải theo khuôn khổ… Trong khi đó, có bạn không thích đời tu vì đời tu có cộng đoàn, vì sống với nhiều người chắc chắn sẽ có những va chạm, thậm chí gây tổn thương cho nhau.

Từ những khảo sát trên, chúng ta có cái nhìn chung về nhãn quan của người Việt về đời sống tu theo Kitô Giáo. Mỗi thế hệ có những suy nghĩ và cách nhìn nhận đời tu khác nhau. Nhưng nói chung, đời tu theo Kitô Giáo trong nhãn quan người Việt Nam vẫn luôn là một điều cao cả và rất được tôn trọng. Do đó, ơn gọi dâng hiến trong đất nước hình chữ S này vẫn rất dồi dào, có khi còn được mệnh danh là mãnh đất của sữa và mật.  Tuy nhiên, việc quá đề cao ơn gọi tu trì đôi khi lại là một thách đố cho cái gọi là sự tinh tuyền trong ơn gọi tu trì theo Đạo Kitô Giáo.

3.      Một vài thực trạng hay quan niệm

Người Việt Nam thường nói, “tu là cõi phúc tình là dây oan”, nói như thế phần nào người ta muốn đề cao bậc sống tu trì và những người theo bậc sống đó. Đặc biệt trong bối cảnh văn hóa Việt Nam nói chung và đạo Công Giáo nói riêng, đời sống tu trì là một điều cao cả và thánh thiêng. Tuy nhiên, vì quá coi trọng hay có những quan niệm sai về đời tu, nên đôi khi đã dẫn đến một vài thực trạng không nên có.

Trước hết, có nhiều người Việt quan niệm rằng, “ơn gọi dâng hiến là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa”, bởi đó đi tu không phải là để hưởng thụ nhưng là để tu thân tích đức. Nói theo ngôn ngữ của người Công Giáo, đi tu là để dâng hiến đời mình cho Chúa và  cho Giáo Hội, nhờ thế có cơ may phục vụ Chúa ngang qua Giáo Hội và tha nhân. Đời sống dâng hiến là một trong những dấu chỉ Nước Trời trong trần gian, vì mỗi một tu sĩ tự nguyện sống ba Lời Khuyên Phúc Âm. Đi tu không phải là để hưởng thụ nhưng là để  xây dựng Nước Chúa trên trần gian, vì người Việt Nam có câu “ăn cơm Chúa múa tối ngày”. Cho nên, đời dâng hiến đẹp và cao cả ở chỗ sống cho Chúa, cho Giáo hội và cho tha nhân. Đời tu đẹp qua việc bắt chước và noi gương Đức Giêsu Kitô Khó Nghèo và Khiêm Hạ, và nhận Ngài như là cùng đích của đời mình. Cái đẹp, cái thánh thiêng, cái cao cả là ở chỗ được sống cho Chúa và vì Chúa. Bên cạnh đó, cái đẹp, cái cao cả và thánh thiêng của đời tu là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa chứ không phải là do nỗ lực của con người. Lý tưởng là thế, cho nên mỗi người nói chung, và các tu sĩ nói riêng luôn không ngừng trau dồi bản thân để sống xứng đáng với ơn gọi cao cả đó.

Tuy nhiên, trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, nhiều người vẫn quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”. Quan niệm này đôi khi đã ảnh hưởng đến tính cao cả và thánh thiêng của đời tu. Do đó, họ đã xem đời tu như là cơ hội để thăng tiến bản thân và gia đình. Chúng ta biết rằng, văn hóa Việt Nam thường thiên về những nghi lễ long trọng. Như thế, khi một người theo đuổi ơn gọi dâng hiến, sau khi được chịu chức Linh mục hay khấn Dòng sẽ tổ chức thánh lễ tạ ơn tại quê hương và những thánh lễ như thế được tổ chức cách long trọng. Thật ra, việc tổ chức thánh lễ tạ ơn diễn tả tâm tình biết ơn quê hương,  gia đình như thế đây là một điều nên làm. Tuy nhiên, đôi khi việc tổ chức như thế lại như là cơ hội để là cho gia đình, dòng họ được nể trọng. Do đó, đôi khi vô tình đã tạo nên ranh giới giữa gia đình có người đi tu và gia đình không có người đi tu. Như thế, việc quá đề cao đến việc nghi lễ cũng là cách để cổ vũ cho quan niệm “ một người làm quan cả họ được nhờ” mà làm lu mờ đi ý nghĩa của đời dâng hiến.

Bên cạnh đó, người Việt Nam vẫn thường truyền miệng cho nhau,“một miếng giữa làng bằng một sàng trong bếp” quan niệm này đôi khi tình cờ phân cấp trong ơn gọi, coi trọng cái này mà khinh thường cái kia. Nghĩa là, đôi khi quá đề cao đến việc, đi tu là phải làm linh mục, vì làm linh mục thì được mọi người biết đến, còn tu sĩ không làm linh mục dầu thánh thiện bao nhiêu, giỏi bao nhiêu cũng chỉ là người thường. Trong khi đó, ơn gọi là ân ban, người làm linh mục hay không linh mục thì cũng chỉ có một cùng đích là Đức Giêsu. Như thế, trong gia đình có một người làm linh mục, gia đình có người đi tu thì vẫn được ưu tiên hơn trong xứ đạo. Ví dụ, đám tang của các gia đình có người làm linh mục hay đi tu thì được dâng nhiều thánh lễ, có nhiều người đến thăm viếng hơn… Như thế chẳng phải, “một miếng giữa làng bằng một sàng trong bếp sao”?

Tóm lại, ơn gọi là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa, chính vì là một ân ban nhưng không, nên ơn gọi dâng hiến có sự cao cả, sự thánh thiện. Tuy nhiên, đôi khi vì quá tính cao cả và thánh thiêng trong ơn gọi dâng hiến nên có thể dẫn đến một vài quan niệm chưa đúng. Thiết nghĩ, dầu trong bối cảnh nào ơn gọi dâng hiến vẫn không thay đổi, thay đổi là do cách nghĩ và quan niệm của con người và do bối cảnh văn hóa họ đang sống. Tuy nhiên, điều đòi buộc chúng ta là, chúng ta cần đặt đúng với “cái” ơn gọi là, để rồi một mặt chúng ta không tầm thường hóa ơn gọi dâng hiến, nhưng cũng không thần thánh hóa những giá trị thiêng liêng của ơn gọi dâng hiến. Điều quan trọng là chúng ta giữ được sự quân bình của chúng ta trong cái nhìn về ơn gọi tu trì.

4.      Một vài suy tư cũng như vấn nạn

4.1         Những lỗ trống trong con người

Chúng ta biết rằng, con người là một tổng thể gồm tinh thần và thể xác. Do đó, chính trong con người cũng có những lỗ trống hay nỗi khắc khoải khác nhau. Thế nên, khi đề cập đến nỗi “khắc khoải” [3] hay những “lỗ trống” trong con người, trước hết chúng ta đề cập đến các lỗ trống của thể xác như: lổ mũi, lổ tai, lổ miệng và cả những lỗ trống về các chức năng của sinh lý trong cơ thể con người; kế đến chúng ta còn đề cập đến những lỗ trống tinh thần như: những khao khát, những ước muốn của chính mỗi chúng ta.  Như thế, nhãn quan của người Việt về đời tu mà chúng ta đã tìm hiểu trên đây, phải chăng là những khắc khoải hay lỗ trống trong chính họ?

Theo Hobbes, trong con người tồn tại “self-interest”lo cho chính mình[4]. Như thế, khi nói lo cho chính mình là diễn tả sự không chắc chắn, cái mong manh trong chính nội tâm con người, bởi vậy con người khao khát “cái” có thể làm cho mình cảm thấy chắc chắn, cái có thể lấp đầy nỗi khao khát nơi chính họ. Tương tự như thế, theo người viết, có thể người Việt nhìn về đời tu như là cách lấp đầy các lỗ trống nơi con người họ.

Do đó, có người quan niệm đời tu như là cách đem lại của cải vật chất, như thế cách nào đó, họ đang cố gắng để lấp đầy nỗi khao khát hay những lỗ trống về của cải vật chất nơi chính họ. Bởi lẽ, họ sinh ra và lớn lên trong một miền quê nghèo, quanh năm chỉ “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng vẫn bữa đói bữa no, cuộc sống của họ chỉ xoay quanh vấn đề cơm áo gạo tiền. Trong khi, họ nhìn đời tu là đời sống vương giả, chả phải lo đến chuyện kinh tế mà cuộc sống vẫn đầy đủ tiện nghi, nếu không nói là sung túc. Thế nên, cách nào đó họ nghĩ về đời tu, thậm chí họ khuyến khích con cái của họ theo đời tu như là cách để thoát khỏi cảnh nghèo mà họ đang phải đối diện. Bên cạnh đó, chính đối tượng của đời tu là các tu sĩ, đôi khi cũng có những lỗ trống về vấn đề cơm áo gạo tiền, vì họ sống trong bối cảnh văn hóa mà cái nghèo đã ảnh hưởng đến họ quá nhiều. Như thế, việc họ tìm đến đời tu đôi lúc có thể chỉ là khỏa lấp những lỗ trống trong chính họ, khỏa lấp cái lỗ trống nghèo đói trong chính mình. Điều đó không phải diễn tả trong chính nội tâm họ có những lỗ trống thuộc về vật chất sao?

Kế đó, có người quan niệm đời tu đem lại cho gia đình nhiều danh thơm tiếng tốt, hay ít ra song thân của các tu sĩ và các linh mục cũng được gọi là “ông cố, bà cố”, được tôn trọng ở quê hương làng xóm. Vì thế, họ mới có quan niệm đi tu là phải làm linh mục như đã nêu ở trên. Như thế, đời tu dưới nhãn quan của những người này như là “cái” có thể khỏa lấp nỗi những khắc khoải hay lỗ trống trong chính họ về vấn đề danh thơm tiếng tốt, nói khác đi là lỗ trống về quyền lực, bởi vì họ khao khát được tôn trọng, họ mong muốn có quyền lực… Cũng thế, chính các tu sĩ sống trong bối cảnh này, bước đầu họ chọn đời tu như là cách báo hiếu với gia đình và dòng tộc. Như thế, phải chăng người tu sĩ trong trường hợp này vừa nhìn đời tu như là cách để khỏa lấp lỗ trống trong chính mình, nhưng cũng là cách để khỏa lấp lỗ trống của gia đình và của dòng tộc về danh vọng?

Bên cạnh đó, cũng có những người nhìn đời tu như là cách để họ thăng tiến bản thân, không chỉ về của cải vật chất nhưng còn cả tri thức. Bởi vậy, họ đi tu như là cách để lấp đầy những khao khát thăng tiến trên con đường tri thức. Nhãn quan của họ chỉ quanh quẩn làm sao để có kiến thức, trong khi đi tu có nhiều cơ hội để học, được học nhiều thứ, có bằng cấp…. Phải chăng đời tu cũng là cách để lấp đầy lỗ trống về tri thức nơi chính họ?

Tuy nhiên, có những người xem đời tu là sống đời dâng hiến để phục vụ, nghĩa là, sống cho Chúa, cho Giáo hội và cho tha nhân. Theo họ, đời tu chỉ là một trong những con đường để họ có thể hạnh phúc không chỉ đời này nhưng con đời sau. Như thế, nơi chính những người này cũng có nhưng lỗ trống, mà họ thấy rằng chính đời tu qua việc phục vụ Chúa và tha nhân là cách để họ lấp đầy những khắc khoải trong chính họ. Ví dụ, Mẹ Têrêsa Caculta sống đời yêu mến và phục vụ Chúa nơi người nghèo, phải chăng trong chính Mẹ cũng có những lỗ trống tinh thần mà Mẹ có thể lấp đầy? Nếu không, tại sao Mẹ xin ra khỏi dòng Mẹ đang sống và lập một Dòng khác để phục vụ Chúa nơi người nghèo khổ? Phải chăng chính những người như thế cũng có những nơi khắc khoải, những lỗ trống thuộc về tâm linh? Phải chăng khao khát yêu Chúa, yêu Giáo Hội và yêu tha nhân là những lỗ trống tinh thần nơi chính con người?

Tựu trung lại, người viết không dám khẳng định quan niệm nào về đời tu như đã phân tích ở trên là đúng, quan niệm nào là sai. Nhưng quan trọng hơn cả, theo người viết, là người ai cũng có những khao khát, những lỗ trống nơi chính mình, những nỗi khắc khoải hay những lỗ trống thuộc về tinh thần hay vật chất thì mỗi người hoàn toàn khác nhau. Do đó, cũng nhìn về đời tu, nhưng có người nhìn đời tu như là cách để lấp đầy lỗ trống vật chất, có người lại nhìn đời tu như là cách để lấp đầy lỗ trong tâm linh nơi chính mình. Vì thế, hành trình trong cuộc sống là hành trình tìm kiếm cái có thể lấp đầy những lỗ trống kia. Tuy nhiên, liệu rằng tất cả mọi lỗ trống trong con người có thể được lấp đầy?

4.2          Một vài suy tư

Như những gì đã đề cập ở trên, vậy  đâu là nguyên nhân dẫn đến những nhãn quan khác nhau về đời tu như thế? Thiết nghĩ, dẫu rằng nhãn quan của người Việt bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như môi trường, bối cảnh văn hóa… Nhưng trên hết, trong chính mỗi con người có những lỗ trống riêng, những nỗi khao khát riêng, vì thế mới có những nhãn quan về đời tu khác nhau. Chính môi trường, bối cảnh văn hóa là yếu tố tô vẻ cho con người nhận thấy mình thiếu gì và cần gì, nhưng tự thân nơi con người đã có những lỗ trống hoặc vật chất, hoặc tinh thần.

Tuy nhiên, liệu rằng con người có khả năng lấp đầy các lỗ trống trong chính họ hay không? Hay lấp đầy được cái này lại xuất hiện những lỗ trống mới? Ví du,  một tập sinh mong muốn được khấn, khi khấn rồi họ lại mong muốn mau học xong để lãnh tác vụ Phó tế, khi đã là Phó Tế họ lại mong đến ngày chịu chức Linh mục, khi làm Linh mục rồi họ lại muốn làm Giám mục… và như thế không biết đâu là điểm dừng của những khao khát đó. Vì thế, người Việt Nam mới có câu “được voi đòi tiên”. Như thế, liệu rằng việc lấp đầy những lỗ trống trong con người có thật sự khả thi? Hay chỉ là những cách để phát hiện thêm những lỗ trống mới trong chính họ?

Bên cạnh đó, phải chăng cứ thấy trong mình có những nỗi khắc khoải, có những lỗ trống thì chúng phải được khỏa lấp hay lấp đầy? Ví dụ, khi ta đói ta ta cứ cố gắng ăn thật nhiều, để lấp đầy nỗi thèm ăn trong ta, nếu như thế việc lấp đầy đã chẳng phải trở nên tai họa hay sao? Trong khi, việc lấp đầy lỗ trống là đem lại cho con người hạnh phúc mà. Cũng vậy, đành rằng con người có những lỗ trống, nhưng không phải vì thế mà tôi phải tìm cách lấp đầy lỗ trống bằng mọi giá. Có những lỗ trống có thể lấp, nhưng có những nỗi khắc khoải không thể lấp được, bởi đó mới nói đến niềm hy vọng, bởi đó mới nói tính mầu nhiệm nơi con người. Do đó, đành rằng người Việt nhìn đời tu như là cách lấp đầy những lỗ trống, nhưng khi đã có vật chất, có danh vọng, khi đã khỏa lấp được những lỗ trống tâm linh, thì có đảm bảo được rằng, những lỗ trống kia đã đã lấp đầy hay không, hay những lỗ trống kia, những khao khát kia lại sinh ra những lỗ trống khác, những nỗi khắc khoải khác? Thiết nghĩ, có những lỗ trống trong con người là điều khả quan, nhưng việc tìm mọi cách để lấp đầy lỗ trống liệu có khả thi? Ai là người có thể lấp đầy được những lỗ trống trong tâm hồn con người?

Như thế, đành rằng con người có những lỗ trống, những nỗi khắc khoải, nhưng cách lấp như thế nào? Lỗ trống nào cần lấp và lỗ trống nào chưa cần lấp, thậm chí lỗ trống nào không thể lấp được là do cách của mỗi con người khám phá nơi chính mình, hay theo tác giả John Kavanaugh S.J là “nhìn điều mình đang nhìn”(awareness of awareness).

4.3         Một vài vấn nạn

Khi nghĩ về đời tu, chúng ta thường nghĩ về hai chữ “ơn gọi” “vocation”. Như thế, “ơn”, “grace” theo từ ngữ Hán Việt có nghĩa là: một ân ban, một món quà, một hồng ân, ân huệ… Do đo, “ơn” là cái vượt ra khỏi sự kiểm soát của chủ thể, nghĩa là một cái được ban chứ không phải do nỗ lực của chủ thể. Cũng thế, “gọi” “calling” là một lời mời gọi, một tiếng gọi, là một hành động gọi ai, do đó tiếng gọi hay lời mời gọi là một yếu tố bên ngoài tác động vào, còn chủ thể là người nghe được tiếng gọi. Như thế, nhãn quan về đời tu của người Việt như đã đề cập ở trên có nguy cơ xảy ra một vài vấn nạn sau:

Trước hết, nếu xét ơn gọi là một yếu tố bên ngoài tác động đến chủ thể, chứ không xuất phát từ chủ thể, nghĩa là, ơn gọi dâng hiến là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Vậy, nếu dùng ơn gọi dâng hiến như là cái để lấp đầy lỗ trống trong con người phải chăng chính tôi đã trần tục hóa, thương mại hóa những giá trị thiêng liêng của một lời mời gọi? Bên cạnh đó,theo Hobbes, trong chính con người có “self-interest” “lo cho chính mình”, như thế nếu tôi dùng ơn gọi dâng hiến là yếu tố khách quan, để lấp đầy lỗ trống cho chính tôi là yếu tố chủ quan liệu có khả thi? Cuối cùng, nếu nhìn nhận ơn gọi dâng hiến là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa, chứ không phải do nỗ lực của con người, như thế việc lấp đầy lỗ trống trong con người phải chăng cần những yếu tố siêu nhiên hơn là chỉ dựa vào nỗ lực của con người?

Trên đây là một vài vấn nạn mà người đặt ra như là cách để chính người viết phản tỉnh về ơn gọi của chính mình. Vậy,  là con người mang trong mình dòng máu Việt Nam, ít nhiều cũng ảnh hưởng bởi văn hóa và cách nghĩ của Việt Nam, tôi có nhãn quan nào về ơn gọi mà tôi đang theo đuổi?

4.4         Hướng mục vụ

Từ những khảo sát cũng như những suy tư và vấn nạn mà người viết đã nêu lên trên đây, phần này người viết xin nêu lên một vài định hướng như là nỗ lực để góp sức và công việc huấn luyện ơn gọi dâng hiến cho thế hệ trẻ hôm này nói chung và thế hệ trẻ trong bối cảnh văn hóa Việt Nam nói riêng.

Trước hết, thiết nghĩ chúng ta cần đặt lại vấn đề, đi tu là gì? Chúng ta biết rằng, đi tu là một trong những con đường theo Chúa, nhờ đó người tu sĩ sẻ hiểu biết Chúa hơn, yêu mếm Chúa hơn, và theo sát chúa hơn. Do đó, đi tu không phải là con đường duy nhất hay đời tu không phải là cùng đích của con người. Khi đặt lại vấn đề như thế, chúng ta sẻ không quá đề cao ơn gọi dâng hiến và cũng sẻ không quá hạ thấp ơn gọi đời sống gia đình. Nhưng mỗi người có một ơn gọi khác nhau để phụng sự và ca ngợi Thiên Chúa, mỗi ơn gọi là có những cách thức khác nhau để phụng sự Chúa và tha nhân nhưng có cùng một cùng đích cuối cùng là Thiên Chúa.

Kế đến, nơi gia đình cũng như giáo xứ, mỗi người đều có bổn phận hướng dẫn và dạy dỗ con cái của mình có cái nhìn đúng về đời tu, nghĩa là cho con em mình hiểu ơn gọi dâng hiến là gì và ơn gọi sống đời hôn nhân là gì? Đồng thời, cũng phân tích những thuận lợi và khó khăn trong cả hai ơn gọi. Nhờ đó các em có đủ sự trưởng thành và sự tự do trong chọn lựa của mình. Điều này cũng đồng nghĩa, môi trường giáo xứ là nơi mà chính các em và mọi người thấy được sự cân bằng giữa ơn gọi dâng hiến và ơn gọi gia đình, nghĩa là mọi người trong giáo xứ không quá đề cao đời sống dâng hiên và hạ thấp ơn gọi gia đình.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên hiểu rằng, đi tu không phải là để hưởng thụ, nhưng là để tu thân tích đức. Nhờ đó, khi nhìn về đời tu chúng ta sẻ không ảo tưởng về một cuộc sống có đầy đủ của cải vật chất hay tri thức, nhưng chúng ta nhìn về đời tu là hành trình của sự trao hiến cho Chúa và cho tha nhân. Do đó, mỗi một giáo xứ cần có những khóa học tìm hiểu ơn gọi dâng hiến, nhằm giúp định hướng cho các em có cái nhìn đúng về ơn gọi dâng hiến.

Thêm vào đó, mỗi giáo xứ nên có những vị linh hướng để đồng hành với các em trong bước đầu của ơn gọi. Vị linh hướng vừa là người đồng hành với các em trong đời sống thiêng liêng, nhưng đồng thời là người giúp các em nhận ra ơn gọi của mình để sống và phụng sự Chúa cách hữu hiệu hơn.

    Hơn nữa, chính đương sự khi chọn đời sống dâng hiến, là người sự trưởng thành và tự do trong chọn lựa của mình. Điều này cũng đồng nghĩa, đương sự có đời sống thiêng liêng để có thể bước vào cuộc hành trình trao hiến chính mình cho Chúa và cho tha nhân. Trong thực tế, có nhiều người đi tu chỉ vì gia đình, hay hay vì một lý do sai lệch nào đó, khiến đương sự không thật sự hạnh phúc và sống trọn vẹn cho ơn gọi đã chọn ban đầu.

Cuối cùng, chính người tu sĩ cũng phải sống theo đúng ơn gọi, trách nhiệm và bổn phẩn của mình là một người tu sĩ. Nhờ đó, mọi người sẻ ý thức và có cái nhìn đúng với ơn gọi dâng hiến hơn. Nói khác đi, đời sống của người tu sĩ phải thể hiện rõ nét hình ảnh của sự trao hiến cho Chúa và cho tha nhân. Nói theo ngôn ngữ của người bình dân “ăn cơm Chúa múa tối ngày”. Chính hình ảnh của người tu sĩ sẻ có tác động lớn đến việc mọi người nhìn ơn gọi dâng hiến theo nhãn quan nào. Do đó, người tu sĩ phải sống như thế nào cho ra “cái” chất tu là điều hết sức quan trọng.

Trên đây là một vài hướng mục vụ hầu mong góp phần vào trong việc huấn luyện ơn gọi cho thế hệ trẻ nói chung và thế hệ trẻ trong bối cảnh văn hóa Việt Nam nói riêng. Thiết nghĩ, còn có nhiều định hướng khác nữa, nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn là: trong việc huấn luyện cần có sự cộng tác giữa người huấn luyện và người thụ huấn. Như thế, chúng ta, cả người huấn luyện và người thụ huán, mới có được cái nhìn đúng về ơn gọi dâng hiến như nó là. Nhờ đó, chúng ta có thể khám phá ơn gọi của mình để phụng sự và ca ngợi Chúa theo đúng ơn gọi và bậc sống của mình.

5.      Tóm kết

Tựu trung lại, người Việt Nam có những nhãn quan khác nhau về đời sống dâng hiến. Thiết tưởng, có những nhãn quan khác nhau về đời tu như vậy là do nơi mỗi người có những nỗi khắc khoải hay những lỗ trống nơi chính mình, do đó họ nỗ lực tìm cách để lấp đầy những lỗ trống kia. Tuy nhiên, vấn đề có lấp được lỗ trống hay không thì không đơn giản. Bởi lẻ, có những lỗ trống tự con người không thể lấp được nhưng họ cần đến ân sủng, ví dụ như những lỗ trống thuộc tinh thần. Bên cạnh đó, liệu rằng chúng ta có thể lấp được những lỗ trống trong chúng ta hay không, hay chúng ta lại khám ra những lỗ trống mới. Do đó, con người vẫn luôn là một mầu nhiệm, có cái chúng ta có thể hiểu nhưng cũng có cái chúng ta không thể hiểu được, có những lỗ trống chúng ta có thể lấp đầy nhưng cũng có những lỗ trống vượt ra ngoài khả năng của con người. bên cạnh đó, bản định thức thể chế Dòng Tên có ghi rõ, “Hơn nữa tùy theo ân sủng Chúa Thánh Thần ban, và theo bậc riêng trong ơn gọi của mình, trước tiên, mỗi người phải suốt đời để hết tâm trí và Thiên Chúa, và Dòng chỉ là con đường dẫn đưa tới Người…”. [5] Điều này cũng cho chúng ta thấy rằng, cùng đích của con người là Thiên Chúa, do đó ơn gọi dâng hiến hay ơn gọi sống đời hôn nhân chỉ là những con đường dẫn tới Ngài. Như thế, đi tu chỉ là một trong những con đường để phụng sự Thiên Chúa, nhờ đó con người có thể tìm gặp được cùng đích của mình.

Học Viên Năm Triết 2 Phê-rô Nguyễn Văn Cường S.J


[1] Linh Thao số 104.

[2] Nhóm sinh viên công giáo trường Đại học KHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh.

[3] Thánh Augustine thổ lộ “lòng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa”, Tự Thuật Thánh Augustine, số?

[4] JOEL J. KUPPERMAN, Theories of Human Nature, Hackett Publishing Company, Inc. Indianapolis/Cambridge, ch.8, tr103.

[5] Hiến Chương Dòng Tên (bản định thức thể chế năm1550, số 1.)

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *