(Tâm sự của một cậu con trai
Câu chuyện dưới đây được phóng tác dựa trên một sự kiện có thật)
Cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng. Cuộc sống có lúc đẹp như mơ, những cũng có lúc tối tăm như địa ngục. Lên voi xuống chó mấy hồi. Chúng ta không bao giờ biết trước tương lai thế nào. Bất kỳ biến cố gì có đến với cuộc đời chúng ta. Nhiều người nghĩ chắc biến cố này biến cố nọ không xảy ra với tôi đâu. Thế rồi việc gì đến cũng đến. Việc cậu không ngờ nhất đã xảy ra, bố cậu có vợ bé và muốn ly dị mẹ cậu. Gia đình tan vỡ là điều mà có lẽ chưa bao giờ cậu dám nghĩ tới. Thẫn thờ suy nghĩ về biến cố đã xảy ra. Cậu thức trắng nhiều đêm nghĩ về nó. Cậu không dám nói ra cho bất kỳ ai. Cậu đã khóc và khóc rất nhiều. Nhiều đêm cậu thao thức với những câu hỏi vì sao. Nhưng lý do có cần thiết nữa hay không? Lần hồi, cậu thu mình lại trong thế giới tư tưởng của mình, cậu chỉ dám độc thoại với chính mình.
Lâu dần, cậu chỉ còn biết giữ những nỗi niềm cho riêng mình mà chẳng bộc lộ cho ai biết. Cậu vẫn cố gắng từng ngày để trở thành một con người tốt. Cậu ngẫm nghiệm về những biến cố đã đến trong cuộc đời mình. Cậu luôn thầm biết ơn vì nhờ nó mà cậu luôn nỗ lực. Thế nhưng, có một điều mà cậu vẫn thao thức trong lòng. Đó là cậu chưa bao giờ dám hỏi cha cậu về điều đã xảy ra cho cả gia đình mình. Không phải vì cậu sợ, cũng chẳng phải vì cậu ghét bố mình. Có lẽ đơn giản vì đó giờ cậu con trai chưa bao giờ tâm sự thật lòng với bố mình cả. Hôm nay, cậu lấy hết can đảm, lấy điện thoại ra và soạn một đoạn tin nhắn để gửi cho bố. Nó là cả tâm tình chất chứa bấy lâu nay mà cậu luôn để dành cho riêng mình. Nhưng rồi có lẽ chất chứa nhiều nên chúng cần phải được giải tỏa, cần có người để nghe. Nếu không cậu sẽ hối hận vì mình chưa bao giờ đủ can đảm để nói lời yêu thương với bố của mình.
Trong tin nhắn cậu viết: “Bố ơi, con không khô khan như bố nghĩ đâu. Nhưng vì con chưa bao giờ tâm sự với bố cả. Con chưa thực sự hiểu được bố nghĩ gì. Con chỉ biết một điều là bố đã hy sinh cả thanh xuân để cho con được như ngày hôm nay. Bố ơi, hôm nay con lấy hết can đảm để nói với bố những điều này…”
“Thứ nhất, là một người con, con không có quyền can thiệp vào việc làm của bố. Con chỉ biết sự việc này là không tốt. Nhưng con chưa bao giờ lên tiếng để trách bố một lời. Vì bố là bố của con, là người đã cho con sự sống, cho con được học hành, và được làm những điều con thích. Bố còn nhớ năm học lớp 12 khi con đạt điểm 2 môn Sinh học trong bài kiểm tra 15 phút không? Bố đã mắng con rất nhiều. Con đã khóc, khóc rất nhiều. Con khóc vì con thấy mình tệ, con đã không chịu học bài để rồi bị điểm kém như vậy. Con biết bố vì thương con nên bố mới la. Từ nhỏ tới lớn việc học của con không bao giờ phải để bố mẹ bận tâm. Chính từ lúc đó mà con quyết tâm không bao giờ để bị điểm kém nữa. Và con đã làm được. Không chỉ tiến bộ mà con còn được giải học sinh xuất sắc nhất khối, và tốt nghiệp THPT loại giỏi nữa. Con còn đỗ vào trường đại học danh giá. Bố biết không? Con luôn thương bố mẹ, con luôn trân quý những hy sinh vất vả mà bố mẹ đã dành cho chúng con nên con chỉ biết cố gắng như vậy thôi. Con chỉ mong bố còn nhớ và còn thương gia đình mình.”
“Thứ hai, là một người trưởng thành, con hiểu được những hy sinh mà bố đã phải chịu vì gia đình. Tuổi trẻ luôn có những ước mơ, hoài bão và cả tình yêu. Người trẻ luôn muốn tung cánh tự do bay đến với những chân trời mới lạ, nơi đó họ được thỏa sức thể hiện chính mình. Con tin thời trẻ bố cũng từng như vậy. Thế nhưng vì gia đình bố gác lại mọi sự mà lo cho vợ và con cái. Đó là một chọn lựa và hy sinh cao cả. Khi con cái khôn lớn, người ta thường nhìn về quá khứ với những niềm vui cùng những tiếc nuối. Có lẽ bố cũng tiếc nuối nhiều và chọn lựa bây giờ của bố giống như một sự bù đắp cho quá khứ, một-sự-sống-lại-tuổi-trẻ-lần-thứ-hai, nhưng là sống cho chính mình.”
“Cuối cùng, là một con người, con hiểu được con người được sinh ra là để có nhau. Trong tương quan liên vị, con người thể hiện chính mình cho chính mình và cho người khác. Tự bản chất con người luôn thấy mình cần đến người khác. Đặc biệt tình yêu và gia đình đã được đặt để vì điều này. Sống trong gia đình, con người nương tựa nhau. Gia đình là nơi cho con người niềm vui, sức mạnh, sự động viên và nhiều thứ tình cảm thiêng liêng khác nữa. Nơi gia đình, con người là người hơn, là chính mình hơn vì nơi đó con người có cảm thức thuộc về. Nhưng con người luôn hữu hạn. Đôi lúc vì sở thích cá nhân, hay vì yếu đuối mà con người có những chọn lựa sai lầm. Chọn sai có thể chọn lại, nhưng quan trọng là con người cần có sự phân định, biết lắng nghe tiếng lòng và biết cảm thông cho nhau.”
“Con chỉ muốn nói với bố như vậy thôi. Con không trách và cũng không bao giờ có ý nghĩ ghét bỏ bố. Con luôn thương và tôn trọng bố vì bố là bố của con. Dù thế nào đi nữa thì không gì có thể cắt đi mối dây liên kết của con với bố. Con chỉ muốn nói điều này: Bố ơi, nhà là nơi để về …”
Suy nghĩ một lúc, cậu quyết định gửi tin nhắn đi. Một lúc sau, điện thoại hiện lên mục đã xem, nhưng không có phản hồi gì. Cậu nghĩ dù gì thì mình cũng đã trút hết ruột gan rồi, thế nào cũng tùy bố thôi. Chỉ có bố mới có thể biết và chọn lựa mà thôi.
Cuộc sống là vậy. Vật đổi sao dời, con người có lúc cũng sẽ thay đổi. Thế nhưng là con người với nhau, thay vì phán xét hành vi của người khác, chúng ta hãy cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà cảm thông. Bớt đi một suy nghĩ và hành động tiêu cực là chúng ta đang làm cho cuộc sống của mình tươi sáng hơn. Dù gì đi nữa thì hãy sống và sống hết mình. Đèn nhà ai nấy sáng, trong hoàn cảnh nào thì chúng ta hãy sống trong một cách thế tốt đẹp nhất. Ước mong những ai đọc được những suy tư này hãy thầm tạ ơn vì mình được làm người và mình đã-đang-và-sẽ có một gia đình. Nhà có thể không có những con người hoàn hảo nhất, nhưng chắc chắn nhà có những con người bao dung nhất. Nhà là nơi để về.
Philip