Những Nghịch Lý Của Lý Tính Thuần Tuý (phần 1/2)

 

z

  • Dẫn nhập
  • Nguyên nhân hình thành các nghịch lý
  • Các nghịch lý
  • Ý nghĩa của các nghịch lý
  • Kết luận

Trong tiến trình lịch sử tư tưởng triết học của nhân loại, triết học cổ điển Đức là một trong những giai đoạn phát triển quan trọng, xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII và tồn tại đến hết thế kỷ XIX. Một trong số các triết gia làm lên giai đoạn này là Emmanuel Kant. Cùng với hai tác phẩm Phê Phán lý Trí Thực Hành, Phê Phán Năng Lực Phán Đoán, tác phẩm Phê Phán Lý Trí Thuần Túy là một trong ba tác phẩm làm lên tên tuổi của Kant. Mục đích của Kant trong tác phẩm Phê Phán Lý Trí Thuần Túy là xác định giới hạn lý tính của con người. Để thực hiện được mục đích này, Kant đã dùng phương pháp biện chứng để phân tích các nghịch lý (antinomy) trong vũ trụ học với đối tượng là thế giới. Nhìn nhận thấy tầm quan trọng của Những Nghịch Lý Của Lý Tính Thuần Túy, cộng với mong muốn được tìm hiểu, học hỏi, và áp dụng vào cuộc sống, người viết xin đi sâu để tìm hiểuđề tài này.

Tiến trình của bài viết gồm ba phần: (1) mở đầu, tìm hiểu nguyên nhân hình thành các nghịch lý; (2) tiếp theo, trình bày vắn gọn các nghịch lý; (3) phần cuối cùng, được người viết tập trung nhiều hơn, ý nghĩa của các nghịch lý đem lại.

Để hiểu được những nghịch lý mà Kant đưa ra trong tác phẩm Phê Phán Lý Tính Thuần Túy của cùng tác giả, trước tiên cần tìm hiểu nguyên nhân nào làm phát sinh những nghịch lý ấy.

Kinh nghiệm của con người nhận thấy rằng, trong khi năng lực nhận thức của cảm tính là trực tiếp, tương đối hữu hạn và có điều kiện, thì ngược lại, năng lực nhận thức của lý tính luôn luôn khát vọng đạt tới những tri thức tuyệt đối, tự do, vô điều kiện. Điều này được Kant thể hiện dưới dạng các ý niệm chủ yếu của lý tính bao gồm ý niệm về tâm lý học, vũ trụ học, và thần học. Tương ứng với tâm lý học là linh hồn, là sự thống nhất tối cao của mọi hiện tượng tinh thần; tương ứng với vũ trụ học là thế giới, là sự thống nhất tối cao của hiện tượng vật lý; tương ứng với thần học là thượng đế, là sự thống nhất tất cả mọi hiện tượng vật chất và tinh thần. Khi lý tính của con người xâm nhập vào thế giới vật tự thân để đạt được tri thức tuyệt đối, sẽ làm phát sinh ra những nghịch lý (gọi là antinomy). Bởi vì, khi lý tính đặt để trong thế giới vật tự thân để khám phá tri thức tuyệt đối, lý trí con người rơi vào vòng xoáy của hai quy luật nghịch nhau: một bên, mọi cái có điều kiện đều quy về một cái vô điều kiện, và bên kia là bất kỳ điều kiện nào cũng phải được xem là cái có điều kiện mà thôi. Đây là nguyên nhân làm phát sinh ra những nghịch lý. Tóm lại, lý tính của con người luôn rơi vào tự mâu thuẫn khi bàn đến cái tuyệt đối, vì lý tính con người không có khả năng làm việc đó. Nói cách khác, phạm vi của cái tuyệt đối luôn nằm ngoài phạm vi làm việc của lý tính.

Kant đưa ra bốn antinomies tương ứng với bốn câu hỏi được đặt ra cho ý niệm về thế giới. Bốn antinomies này cũng chính là những mâu thuẫn bên trong của ý niệm lý tính, là những sai lầm bất lực của lý tính sau khi vượt ra khỏi phạm vi ý thức của con người để đi tìm cái vô điều kiện trong vũ trụ. Những nghịch lý đó là:

Nghịch lý thứ nhất, nghịch lý về lượng, liên quan đến những giới hạn của thế giới. Có sự đối lập giữa chính đề: “thế giới có một sự khởi đầu trong thời gian, và cũng bị bao bọc trong các ranh giới, về không gian” (PPLTTT B 455), và phản đề: “thế giới không có một khởi đầu, và cũng không có ranh giới trong không gian, nhưng là vô tận về thời gian và không gian” (B 455).

Nghịch lý thứ hai, nghịch lý về chất, trình bày sự đối lập về sự cấu tạo hay về chất của thế giới. Chính đề phát biểu: “không có gì tồn tại mà bản thân không phải là đơn tố hay là được tổ hợp từ các đơn tố” (B 462), trong khi đó phản đề lại phát biểu “không tồn tại bất kỳ đơn tố nào trong thế giới” (B 464).

Nghịch lý thứ ba, nghịch lý về tương quan, xét bản tính của quan hệ nhân quả trong thế giới, với chính đề “tính nhân quả theo những định luật của tự nhiên không phải là cái duy nhất để từ đó những hiện tượng trong thế giới nhìn chung có thể được dẫn xuất ra tất yếu phải giả định thêm một tính nhân quả từ tự do để giải thích những hiện tượng này” (B 473), ngược lại, phát biểu của phản đề là “không có tự do, trái lại tất cả những gì xảy ra trong thế giới đều chỉ tuân theo định luật của tự nhiên” (B 474).

Cuối cùng, nghịch lý về hình thái, với phát biểu của chính đề “có một hữu thể tuyệt đối tất yếu thuộc về thế giới, hoặc là một bộ phận của nó hoặc làm nguyên nhân cho nó” (B 480), trong khi đó phản đề lại phát biểu “không có một hữu thể tất yếu nào tồn tại trong thế giới hoặc ở ngoài thế giới như là nguyên nhân của thế giới” (B 481).

(còn tiếp)

Nguyễn Văn Hòe, S.J.

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

Tài liệu tham khảo

Kant, E., Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, Bùi Văn Nam Sơn dịch, Nhà Xuất Bản Văn Học, 2004.

Stumpf, S., Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch, NXB Lao Động Hà Nội, 2004.

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *