Những ngôi mộ Covid-19

Quan tài của các bệnh nhân Covid-19 được chôn cất tập thể trên Đảo Hart, quận Bronx, phía đông New York hôm 9/4. Ảnh: Reuters.

Chúng ta đang ở trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Đây là thời gian của niềm vui và hy vọng. Vui mừng vì Đức Giêsu đã rời bỏ ngôi mộ để chiến thắng tử thần. Ngài đã sống lại. Hy vọng vì từ thời khắc đó, nhân loại có một con đường đến với cuộc sống vĩnh hằng, nhờ Đức Giêsu phục sinh. Biến cố đầu tiên khai mở cho tin mừng trọng đại này liên quan đến một nơi chôn cất người chết: ngôi mộ. Hình ảnh đó khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến những ngôi mộ của biết bao nạn nhân của con Covid-19. Nhiều thi hài phải hỏa táng, nhiều quan tài phải chôn cất trong vội vã, nhiều ngôi mộ tập thể đã được triển khai.

1. Ngôi mộ của cái chết và sự sống

Tin Mừng cho chúng ta một chi tiết khá thú vị về ngôi mộ của Đức Giêsu. Đó là món quà mà Ngài nhận được từ một người giàu có. Ông chuẩn bị phần mộ ấy cho gia đình của mình. Vì hoàn cảnh và lòng mến Đức Giêsu, ông đã hiến tặng làm nơi an nghỉ cho thầy Giêsu; nhờ đó Ngài được mồ yên mả đẹp! Ngôi mộ ấy hiện nay là nhà thờ Mồ Chúa tại Giêrusalem. Đó là nơi Đức Giêsu đã sống lại.

Tại thời điểm dịch bệnh ngày càng bùng phát ở nhiều nơi, các nhà hỏa táng hoặc các nghĩa trang phải hoạt động hết công suất. Rất nhiều người không thể lo cho người thân một nấm mồ an nghỉ. Tất cả phải được chôn cất trong vội vã cách ly. Dường như chính Đức Giêsu đã phải trải qua hoàn cảnh như thế. Nhờ đó, chúng ta tin rằng Đức Giêsu rất gần với những đau khổ của con người. Ngay cả trong việc lo hậu sự, Đức Giêsu cũng đang ở với những người thân yêu của chúng ta đã qua đời. Thôi thì họ đã được yên nghỉ và quên đi những vất vả trên những nẻo đường đời. Hãy phó thác thân xác và linh hồn người quá cố trong bàn tay quan phòng của Đức Giêsu, Đấng đã chết và nay đã sống lại.

Mồ mả chưa bao giờ là chốn vui mừng hạnh phúc. Đó thường là nơi thấm đẫm biết bao giọt nước mắt. Biết bao người đưa tiễn chứng kiến người quá cố bị lấp vùi trong lòng đất. Chính nơi ấy, đã bao người gào lên trong vô vọng: Tại sao con người lại phải chết? Tại sao Thiên Chúa không cứu chúng ta khỏi lưỡi hái tử thần? Người ta sẽ ngạc nhiên với những người tín hữu, những người tin vào Thiên Chúa Phục Sinh. Họ tuy sầu buồn với sự ra đi của người thân, nhưng luôn dạt dào hy vọng, vì chính Thiên Chúa đón người thân của họ vào nơi an nghỉ vĩnh hằng. Tuy nấm mồ là mảnh đất sầu buồn của tiễn đưa, nhưng Thiên Chúa luôn hứa trao ban sự sống cho những ai tin tưởng nơi Ngài.

Người ta không thể tránh khỏi nấm mồ. Đó là chỗ cuối cùng ai cũng phải đến. Đây là chân lý và thường là sự thật phũ phàng. Đối với người Công Giáo, Thiên Chúa cho chúng ta lối thoát: sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi!

2. Cầu nguyện cho những linh hồn nạn nhân Covid-19

Đã có hàng chục ngàn người tắt thở vì virus Corona. Con số ấy đang tăng nhanh ở vài nơi. Một khi người ta chưa tìm ra Vác-xin và thuốc chữa trị, không ai dám chắc bao nhiêu người nữa phải gục ngã trên giường bệnh. Đó là cuộc chiến sống còn của nhân loại. Trong khi biết bao y bác sĩ đang lao vào cứu chữa các bệnh nhân, thì bên cạnh họ, luôn có hàng tỷ lời cầu nguyện dâng về Thiên Chúa. Đặc biệt, người ta đang cầu nguyện cho những người đã chết. Lời van xin Thiên Chúa Phục Sinh đón họ vào nơi an nghỉ vĩnh cửu. Tuy phải chứng kiến biết bao hài cốt bị hỏa thiêu, biết bao ngôi mộ tập thể, biết bao cuộc chia ly, nhưng Thiên Chúa vẫn ở đó.

Tin Mừng không chỉ cho thấy Đức Giêsu đã yên nghỉ trong nấm mồ, mà khi sống lại, Ngài còn hiện ra với bà Maria Mác-đa-la gần ngôi mộ đó. Ngài gần gũi đến nỗi mà Maria tưởng là người làm vườn, nên không nhận ra thầy mình đã sống lại. Hôm nay đây, chúng ta không thể làm gì khác hơn là phó thác những linh hồn nạn nhân Covid-19 cho Đức Giêsu. Hy vọng những tình tiết xoay quanh nấm mồ Đức Giêsu, cũng cho chúng ta được nhiều an ủi. Cùng với những ai phải mất người thân yêu, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho những linh hồn ấy được an giấc ngàn thu.

Đây là lời nhiều khích lệ chúng ta: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Ðức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6,3-4). Đó là lý do để chúng ta tin tưởng những người đã qua đời trong thời gian này được Thiên Chúa chào đón trong Vương Quốc của Ngài.

3. Loan báo sự sống trong thời điểm cái chết

Nếu để ý, người ta nhận thấy bà Maria Mác-đa-la chạy từ ngôi mộ, một nơi chết chóc, về báo Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ. Đó là chỗ bà phát hiện cửa mồ bị mở toang. Tin Mừng Gio-an tả lại: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.” (Ga 20,11). Cảnh tượng đó khiến chính bà và các môn đệ bán tín, bán nghi về sự kiện Đức Giêsu sống lại. Thay vì cứ luẩn quẩn tìm Chúa trong nấm mồ, bà Maria chạy đi loan tin Chúa sống lại cho các môn đệ. Nhanh chóng tin mừng đó được người này lan truyền qua người khác. Chính Đức Giêsu cũng xuất hiện để lời các ông loan báo là xác thực.

Chiêm ngắm bối cảnh như thế để chúng ta không mất hy vọng trong thời khắc khó khăn này. Thay vì gây hoang mang cho người khác, Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu: “hãy trở thành những người loan báo sự sống trong thời điểm cái chết!” Kết thúc bài giảng đêm Vọng Phục Sinh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: để đến gặp chúng ta, đôi chân Chúa Giêsu phải đi một hành trình dài, đi đến tận cùng của ngôi mộ và bước ra từ đó.”

Chắc chắn tin vui phục sinh không phải là phép thuật để dẹp tan mọi khó khăn. Chúa phục sinh cũng vẫn mang nhiều thương tích. Ngài tiếp tục đồng hành với con người. Nhất là những người cận kề cái chết, chúng ta hy vọng Thiên Chúa luôn ở cạnh họ. Ước gì chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho những bệnh nhân, những người đã qua đời. Xin chia sẻ với những gia đình đang sầu buồn khóc thương, những người mà thậm chí họ không thể nói lời từ biệt sau cùng.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con phó thác những ai đang nằm trong nấm mồ vào tay Chúa. Nơi đó, xin Thiên Chúa của sự sống đón nhận họ vào vương quốc tình yêu. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *