VUA LÊ CHIÊU THỐNG NHÀ LỀ BỊ NHỤC BÊN TÀU
(Trích trong: Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Hà Nội, NXB Văn Hóa Thông Tin, 1999, tr. 403-406.)
Vua Chiêu Thống theo Tôn Sĩ Nghị vào thành Nam Ninh ở Quảng Tây, được ít lâu thì vua nhà Thanh sai các thần là Phúc Khang An ra thay Tôn Sĩ Nghị. Khang An muốn giảng hòa với Tây Sơn, bèn mời vua Chiêu Thống về Quế Lâm. Bấy giờ những quan cựu thần nhà Lê là : Hoàng thúc Lê Duy Án, Đinh Nhạ Hành, Đinh Lịnh Dận, Trần Huy Lâm, Lê Doãn, Lê Dĩnh, Phan Khải Đức, Bế Nguyễn Cung, Bế Nguyễn Doãn đều lục tục sang theo vua Chiêu Thống, vào ra mắt Khang An.
Khang An dùng Đinh Nhạ Hành làm chức thủ bị Toàn Châu, Phan Khải Đức làm chức đô tư Liễn Châu, còn thì tùy tiện an trí mỗi người một nơi. Duy chỉ có Lê Duy Án, Trần Huy Lâm, Lê Doãn, Lê Dĩnh về Quế Lâm theo vua nhà Lê.
Đến tháng tư năm Kỷ Dậu (1789), vua tôi nhà Lê vào thành Quế Lâm, Khang An nói thác ra bảo vua Chiêu Thống rằng: “Trời đang mùa hè nắng nóng, sang đánh phương nam không tiện, nên để đến mùa thu mát mẻ sẽ khởi binh. Vậy nhà vua nên gióng giả dần bọn tướng thuộc đi trước. Nhưng nhà vua hãy nên gọt đầu thay áo, làm như dáng người Tàu, để khi về nước, giặc không nhận được mặt. Việc hành binh phải nên biến trá, đợi khi thành công rồi lại theo tục nước mà ăn mặc”. Vua Chiêu Thống không ngờ là Khang An đánh lừa mình, bèn cùng với các quan cạo đầu gióc tóc và đổi y phục.
Phúc Khang An bèn làm một tờ biểu tâu với vua nhà Thanh rằng: “Vua nước Nam là Lê Duy Kỳ không có ý xin viện binh nữa, vua tôi hiện đã gióc tóc, thay áo, xin yên tâm ở lại nước Tàu. Vậy xin bãi binh đánh An Nam”. Ở trong lại có Hòa Thân tán thành, bởi vậy vua nhà Thanh mới xuống chỉ bãi binh.
Vua nhà Thanh đã nghe lời bọn Phúc khang An và Hòa Thân, và đã phong vương cho Quang Trung rồi, lại giáng chỉ triệu vua tôi nhà Lê về Yên Kinh[1].
Mùa xuân năm Canh Tuất (1790), vua Chiêu Thống cùng với các quan tòng vong vào Kinh. Vua Càn Long để vua Chiêu Thống, bà Thái Hậu và Hoàng Tử ở ngõ Hồ Đồng, tòa quốc tử giám, cửa Tây Định ở Yên Kinh, ngoài cửa đề chữ “Tây An Nam dinh”. Còn các quan An Nam đi theo, thì cho ở ngõ Hồ Đồng, Dương Phố, cửa Đông Trực, ngoài cửa đề chữ: “Đông An Nam dinh”.
Vua chiêu Thống đến Yên Kinh được mấy hôm, thì thấy quan đô thống Nhương Hoàng kỳ là Kim Giản, phụng chỉ vua nhà Thanh ra phong cho chức Tà Lĩnh, và ban cho áo mão quan tam phẩm. Còn các quan đi theo thì cấp cho mỗi người ba lạng bạc và một thạch gạo.
Vua Chiêu Thống giận vì người Tàu đánh lừa, bèn cùng với bề tôi là Phạm Như Tùng, Hoàng Ích Hiểu, Lê Hân, Nguyễn Quốc Đống, Nguyễn Viết Triệu, Lê Quí Thích, Nguyễn Đình Miên, Lê Văn Trương, Lê Tùng, Lê Thức uống máu ăn thề, định sống chết thế nào thì cũng dâng biểu xin binh cứu viện. Nếu không cho thì xin đất hai tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên để phụng thờ tông tự; mà không nữa, thì xin cho về nước vào đất Gia Định với chúa Nguyễn, để đồ việc khôi phục.
Văn biểu làm xong, đến nói lót trước với Kim Giản, Kim Giản không nghe, vua tôi nhà Lê phục xuống đất mà kêu khóc. Kim Giản bất đắc dĩ mời vào an ủi, rồi nói rằng: hãy xin về quán nghỉ ngơi, đợi để thương lượng thế nào, sau sẽ cho biết.
Kim Giản bèn mưu với Hòa Thân phân trí vua tôi An Nam đi ở mỗi người một nơi, để cho khỏi kê ca khó chịu.
Đến tháng tư năm Tân Hợi (1791) Hoàng Ích Hiểu phải đày sang I-le (thuộc Hồi bộ ở Tây vực, phía Tây nước Tàu); Lê Hân đày đi Phụng Thiên (Mãn Châu); Nguyễn Quốc Đống đày đi Cát Lâm (Mãn Châu); Nguyễn Viết Triệu, Lê Quý Thích, Nguyễn Đình Miên, Đàm Thận Xưởng, Lê Văn Trương đày ra bến Trương Gia ở Nhiệt Hà (thuộc tỉnh Trực Lệ). Chỉ để Phạm Đình Thiện, Đinh Nhạ Hành ở lại hầu hạ vua Lê.
Vua Chiêu Thống nghe chuyện ấy lo lắng chua xót, ruột nóng như lửa đốt, sáng hôm sau cưỡi ngựa đến nhà Kim Giản để kêu oan cho mấy người phải đi đày, gặp Kim Giản vào chầu vua nhà Thanh ở vườn Viên Minh. Vua Chiêu Thống đi vào cửa vườn, bị lính giữ vườn ngăm cấm không cho đi. Bấy giờ có Nguyễn Văn Quyên đi theo hầu vua, thấy lũ lính vô lễ, mới nổi giận lên mà chửi mắng rằng: “Lú chó Ngô kia sao chúng bay được làm nhục đến vua tao!”. Rồi lấy gạch ném vào chúng nó. Chúng nó xúm nhau lại đánh Văn Quyên về thành bệnh mà chết.
Tự đó vua Chiêu Thống trong bụng buồn bã rầu rĩ, không dám nói đến việc xin binh nữa. Qua sang tháng năm năm Nhâm TÍ (1792) hoàng tử lên đậu mất. Vua nhân dịp đó phải bệnh một ngày một nặng, đến tháng mười năm Quý Sửu (1793) thì mất, thọ được 28 tuổi.
Vua nhà Thanh sai theo lễ tước công mà táng ở ngoài cửa Đông Trực.
Tháng 11 năm Kỷ Mùi (1799) đời vua Gia Khánh thì bà Hoàng Thái Hậu mất.
Đến năm Nhâm Tuất (1802) nhân khi bên Việt Nam ta vua thế tổ nhà Nguyễn đã thống nhất cả nam bắc, và có sứ ta sang cầu phong, các quan nhà Lê mới nhân dịp dâng biểu xin đem ma Thái Hậu và cố quân về nước. Vua Gia Khánh nhà Thanh cho tất cả những người Việt Nam theo vua Lê sang Tàu về nước.
Sử chép rằng khi đào lên để cải táng mả cố quân, thì thấy da thịt đã tiêu cả, chỉ còn có quả tim không nát, vẫn đỏ như thường. Ai trông thấy cũng đọng lòng thương xót. Dẫu chuyện đó thực hư thế nào mặc lòng, nhưng tưởng đến tình cảnh vua Chiêu Thống lúc bấy giờ thì ai ai cũng ngại thay cho ông vua một nước, phải đày đọa đến nỗi như thế, có thể làm được một bài bi kịch thảm xót muôn đời. Tuy rằng tại vua tôi nhà Lê vụng tính cho nên bị người ta đánh lừa, nhưng cũng nên trách vua quan nhà Thanh xử tệ, bạc đãi một ông vua vong quốc, đem thân đến nương nhờ nước mình. Ấy cũng là một thời dã man về đời áp chế, khiến cho cái oan khổ cua người ta muôn đời về sau không tiêu thoát đi được.
Khi đem ma bà Thái hậu và vua Chiêu Thống về đến Việt Nam thì hà Hoàng phi trước phải ẩn nấp ở đất Kinh Bắc, nay lên đến Ải quan đón rước, rồi về đến Thăng Long cũng nhịn ăn mà tự tử.
Ngày 24 tháng 11, rước ma cố quân, Thái Hậu, hoàng Phi và Hoàng Tử về táng ở lăng Bàn Thạch ở Thanh Hóa.
[1] Bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến, cả thảy đến 10 người sau cũng bị Phúc Khang An gọi về Quảng Tay, rồi bắt đổi áo gióc tóc như mọi người. Lê Quýnh nói rằng: “Ông cho gọi chúng tôi đến chẳng bàn được điều gì, lại dỗ chúng tôi đổi áo, gióc tóc, ấy nghĩa là gì? Đầu chúng tôi có thể chặt được, chứ tóc không gióc, da có thể lột được, chứ áo không đổi!”
Phúc Khang An tức giận cho giải về cả Yên Kinh, đi đến Sơn Đông gặp vua Càn Long đi chơi, vua đòi vào hỏi sao vua An Nam đã chịu đổi áo gióc tóc theo nhà Thanh mà bọ nầy lại còn không chịu? Lê Quýnh tâu rằng: “Chúng tôi muôn dặm tòng vong, xin cứ theo tục bản quốc vào ra mắt quốc vương, rồi sau sẽ vâng chỉ”. Vua nhà Thanh khen là trung . Nhưng về sau Lê Quýnh không chị gióc tóc, chiếu tội vi mệnh phải giam mãi.