Dịp Lễ Giáng Sinh dễ đem nhiều người đến với niềm vui. Niềm vui vì những trang hoàng rực rỡ, niềm vui của âm nhạc, của những sự kiện, của những cuộc gặp gỡ và sự nhộn nhịp của trao đổi mua bán. Người ta dễ dàng nở một nụ cười với nhau hơn. Giáng Sinh cũng là dịp người ta trao cho nhau những món quà, cánh thiệp, để diễn tả yêu thương hay để tỏ lòng biết ơn. Tất cả sắc màu của Giáng Sinh làm cho ta có được niềm vui một cách nào đó. Thế nhưng, giữa những rộn ràng và ngọt ngào của Giáng Sinh, không ít người vẫn thấy mình lạc lõng, trơ trọi và lạnh lẽo. Có những người chợt giật mình nhận ra với một chút “ganh tị” dường như những người xung quanh đã lấy hết niềm vui Giáng Sinh của họ mất rồi. Họ vội vàng “giành dựt” lại nó bằng cách tìm kiếm trong một mới hỗn tạp của cuộc sống: tốn nhiều giờ lướt facebook xem có ai đang quan tâm đến mình chăng, nhấn nút bật sáng màn hình điện thoại liên tục để xem có ai đó gởi gì cho mình, hay đắm mình trong những bộ phim hay một loại hình giải trí nào đó,… Tuy thế, dù họ thấy mình vẫn bận rộn nhưng dường như tận nơi sâu thẳm vẫn cảm nhận thấy thiếu thốn một điều gì đó. Đó chính là thiếu niềm vui thật sự của Giáng Sinh.
“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)
Mẹ Maria là người đón mừng niềm vui Giáng Sinh đầu tiên nhất. Qua lời sứ thần Gabriel, ta có thể nhận ra niềm vui hệ tại ở điều gì. Trước tiên, niềm vui hệ tại ở điều có “đầy tràn ân sủng”. Mẹ Maria được đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa, không chỉ là người có ân sủng mà còn được gọi với danh hiệu là “Đấng đầy ân sủng” nữa. Ân sủng của Thiên Chúa ban làm nên niềm vui chứ niềm vui không phải là điều người ta tự tìm kiếm hay kiến tạo được. Thứ đến, làm sao ta biết Mẹ đầy tràn ân sủng? À, thì ra là Đức Chúa ở cùng Mẹ. Đôi khi ta không biết như thế nào là có Thiên Chúa ở cùng. Tuy nhiên, ai đã được Thiên Chúa ở cùng thì lại biết rất rõ điều ấy. Mẹ Maria không dừng lại ở việc nhận thấy Đức Chúa ở cùng, nhưng còn là một sự kiện thật sự nữa. Con Thiên Chúa – Ngôi Lời Nhập Thể đã đến và cư ngụ nơi cung lòng của Mẹ. Mẹ có thể nhìn thấy, sờ thấy và cảm nếm cách trực tiếp kinh nghiệm này. Chính vì thế, Mẹ đã tuôn trào niềm vui của mình qua lời ca ngợi Chúa trong bài ca Magnificat, vì nhận thấy sự hiện diện lạ lùng của Thiên Chúa trên cuộc đời của Mẹ. Niềm vui Giáng Sinh thật sự chỉ dành cho những ai nghiệm thấy Thiên Chúa Nhập Thể đang ở cùng họ.
“Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.” (Lc 1,44)
Niềm vui Giáng Sinh không chỉ ở nơi tự mình nhưng còn làm cho người khác vui nữa. Mẹ Maria cưu mang Hài Nhi Giesu trong cung lòng đã vội vả lên đường đến thăm bà chị họ Elizabet. Sau khi Mẹ dứt tiếng chào, cả hai mẹ con bà Elizabet đều được đầy tràn Thánh Thần, nhảy mừng và thốt nên những lời tuyệt đẹp: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này” (Lc 1,43). Niềm vui của Gioan và Elizabet không chỉ hệ tại ở cuộc thăm viếng của Maria nhưng quan trọng hơn, chính Thiên Chúa viếng tham gia đình bà. Hài Nhi Giesu vẫn hiện diện rất gần gũi nơi những gương mặt mà ta thường gặp. Ngài đến viếng thăm chúng ta rất nhẹ nhàng và bất chợt. Hãy mở tung cánh cửa tâm hồn cho niềm vui mà Ngài sẽ mang tới và tinh ý để nhận ra cuộc viếng thăm của Ngài!
“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.” (Lc 2,10-11)
Niềm vui Giáng Sinh là một Tin Mừng trọng đại và dành cho hết mọi người. Tin Mừng trọng đại vì Ngài chính là Đấng cứu độ thật sự, là Thiên Chúa đến – ở lại – hiện diện như một con người với con người, là Đấng duy nhất có thể cứu được hết mọi người và mọi tạo vật (không phải là một tiên tri, ngôn sứ, hay một đại đức nào). Niềm vui ấy được sứ thần công bố cho các mục đồng ngay đêm giáng sinh vì biến cố Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã thành công. Muôn loài thọ tạo đang “quằng quại rên xiết” khi còn đang sống trong tình trạng tạm thời và mong ngóng ơn cứu độ. Mọi loài trên trời dưới đất đang nín thở để chờ trông lời “xin vâng” của Mẹ Maria trong giây phút truyền tin. Và lúc này đây, khi Hài Nhi Giesu chào đời, mọi loài thụ tạo như vỡ oà niềm vui vì lời hứa cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện, vì niềm vui cứu độ của muôn loài đã đến giờ hoàn tất. Ta tự hỏi, ta có thật sự thấy vui mừng khi có sự hiện diện của Giesu trong cuộc đời? Ta có ao ước để tìm gặp Giesu?
Sau khi tận mắt tìm gặp Hài Nhi Giesu, các mục đồng ra về, vừa đi vừa tôn vinh và ca tụng Thiên Chúa (Lc 2,20). Niềm vui Giáng Sinh trọng đại thường hay được tiên báo trước tiên cho những người bé nhỏ, những người biết sống nghèo khó và tín thác. Có lẽ, họ là những người sẽ loan truyền sứ điệp của Chúa cách trung tín nhất. Tuy nhiên, điều đáng quý hơn, họ chính là những người được Thiên Chúa ưu ái cho diện kiến nhan Ngài. Họ được ban Niềm Vui, cưu mang Niềm Vui và được phúc trao truyền Niềm Vui: Mẹ Maria, Giuse, gia đình Dacaria, các mục đồng,…
Nhân loại hôm nay đang thiếu Niềm Vui, Thiên Chúa đang rất cần những thừa tác viên bé nhỏ của niềm vui, không phải là những người có khả năng tạo ra niềm vui, nhưng là người mang niềm vui. Một thế giới Công nghiệp hoá và chuyên môn hoá đẩy người ta trở thành những con “robot sinh học”. Họ không còn khả năng để có thể “nhếnh mép” tạo ra nụ cười. Họ cần đến những thiết bị trợ giúp kéo ngược khoé môi lên trên để tạo hình nụ cười. Một khi vắng bóng niềm vui, hay vắng bóng nụ cười, sức sống của thế giới đã đến lúc khai tử. Để có được Niềm Vui, ta hãy tìm đến với chính Hài Nhi Giesu, Ngài sẽ trao cho ta niềm vui ấy và là niềm vui thật sự không bao giờ mất. Những niềm vui khác sẽ tắt đi trong chốc lát, hơn nữa nó còn là nguy cơ làm cho người ta mỗi lúc một xa rời khỏi Niềm Vui đích thật.
Minh Cao, S.J