“Ở dữ” vẫn gặp lành?

Từ bao đời nay, ông cha ta vẫn thường quan niệm rằng, ở hiền thì gặp lành. Điều ấy cũng ít nhiều có trong kho tàng kinh nghiệm sống của mỗi người chúng ta. Thuận đời thì vẫn là thế, nhưng ở đời cũng không ít chuyện nghịch lý, chéo queo. Trong cuộc sống đây đó, ta vẫn thấy không ít những người ở chẳng hiền, ở dữ mà vẫn gặp lành theo một nghĩa nào đó.

Ở đời người hiền nhiều mà kẻ dữ cũng không ít. Dường như ở xã hội nào, ở bất kể nơi đâu, bên cạnh những người ở hiền vẫn thấp thoáng bóng dáng những kẻ ở dữ. Đâu đó trong nhà này, xóm kia, từ trẻ đến già, từ nhà ra ngõ, ta đều bắt gặp những con người như thế. Những người trẻ được mệnh danh là “đồ con bất hiếu”, “nghịch tử”, “bọn đầu trộm đuôi cướp”,… vẫn sống ngay bên ta. Nơi chúng, ta thấy có đứa chơi game thâu đêm suốt sáng đến hại người hại cả mẹ cha, có đứa suốt ngày trộm cắp đến “bôi tro trát trấu” vào mặt cha mẹ, có đứa chơi bời đủ thứ mà chẳng ai dám chứa, có đứa hút nay chích mai khiến gia đình lâm cảnh tang thương, “kẻ đầu bọc tiễn người đầu xanh”… Trẻ thế già cũng vậy: có người vào tù ra tội lôi cả gia đình vào cuộc, có người suốt ngày rượu chè rồi đánh đập vợ con trong cơn lè nhè, có kẻ dính vào cờ bạc đến khi lạc đường về, có kẻ bám chuyện gái trai mà quên vợ chồng mặc con cái… Họ đúng là những người ở dữ.

Nếu như người ăn ở hiền lành mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh bao nhiêu thì những kẻ ở dữ ấy lại mang đến đủ nỗi bất hạnh cùng đủ thứ tai họa cho người kề cận bấy nhiêu. Chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, ta cũng đủ rùng mình run sợ trước những thảm cảnh như thế. Biết bao giọt nước mắt vô cớ đã rơi vì con cái, biết bao đồng lương vất vả đêm ngày bị quăng xuống sông xuống biển. Cha mẹ phải cúi đầu hổ thẹn với gia tiên, hay chẳng dám ngẩng mặt ngửa mày khi gặp bà con lối xóm. Con cái cũng phải chịu đựng một tuổi thơ đầy bất hạnh, một tương lai chẳng mấy ánh sáng. Bao bà vợ sợ hãi khi về nhà, run mình lúc đêm hôm vì phải ôm một món nợ quá lớn bởi phải chịu những trận đòn quá nặng của người đã từng kết tóc se duyên trọn kiếp. Không ít ông chồng phải sống cảnh “gà trống nuôi con” vì sự ra đi không hẹn ngày về của người đã từng nguyện trăm năm… Bao bất hạnh bấy nhiều tủi hờn. Lối ăn nết ở ấy đã khiến cho đau khổ chất chồng khổ đau trên những người dưới một mái nhà.

Dù họ có ăn ở dữ như thế nào, thì dường như họ vẫn gặp lành. Ta tìm thấy ngay trong gia đình của họ, nơi chính những người đang chịu đau khổ vì họ. Những con người ấy vẫn can trường cam chịu và chờ đợi những tia hi vọng nhỏ nhoi. Có những ông bố bà mẹ vẫn mòn mỏi chờ đợi đứa con của mình quay trở về với một tấm lòng bao dung của người cha nhân hậu. Vẫn có những người con sống trọn lòng thảo hiếu cho dù cha có xấu thế nào dù mẹ có không tốt tới đâu. Có những người vợ vẫn gồng gánh gia đình thay cho người chồng tệ bạc. Vẫn có những ông chồng âm thầm chăm sóc con cái lo toan việc nhà thay cho bà vợ xấu xa… Những con người ấy vẫn ngày đêm ngậm đắng nuốt cay để tiếp tục bước đi vì chữ tình chữ nghĩa. Có lẽ một mối dây thiêng liêng nào đó vẫn níu chân họ lại bên những con người ăn ở chẳng hiền như thế: tình thương với những giọt máu của mình, lòng thảo hiếu của kẻ làm con, và tình chồng nghĩa vợ lâu nay…Chính vì những mối dây bền vững ấy, những người ở dữ lại vẫn gặp lành.

Nhìn vào cái “may mắn” gặp lành của những người ở dữ kia, ta thấy hình ảnh của những chứng nhân giữa đời thương. Họ đã hi sinh rất rất nhiều, thậm chí là cả một đời, để làm chứng cho tình thương yêu của con người. Đó cũng là thứ tình cảm tồn tại vững bền và lớn lao trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người bao đời nay. Chiêm ngắm họ, ta vẫn thấy vụt lên những tia hy vọng nhỏ nhoi cho những kẻ ở dữ. Chính sự chịu đựng can trường, sự đón nhận lớn lao, và tình thương mãnh liệt đó đã mở ra cho ta niềm hy vọng về sự biến đổi của những người kia. Chính lối sống ấy của họ là hồi chuông cảnh tỉnh những con người đang lạc bước trong bóng đêm vô định của cuộc đời. Hơn nữa, đó là minh chứng cho tình thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa dành cho ta, đặc biệt với những người ở dữ. Dường như trong chuyện này, qua hình ảnh của những con người kia, Thiên Chúa cũng muốn ta nhìn lại cách ăn nết ở của mình. Từ đó, nhờ ơn Chúa, ta có thể biến đổi mình hơn mỗi ngày:

Trăm năm trong cõi người ta
Phận hiền số dữ lỡ sa chân vào
Can trường nín lặng nôn nao
Chữ thương bền mãi nỡ nào bỏ ngơ.

Lyeur Nguyễn

Kiểm tra tương tự

Xin cho Nước Cha trị đến | Suy tư Tin Mừng CN Chúa Kitô Vua

  Trong bài Tin mừng Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta …

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *