PHÁC THẢO CHÂN DUNG VỊ SỨ GIẢ TIN MỪNG (5)

D. BẠN ĐƯỢC SAI ĐẾN ĐỂ LÀM GÌ ?

 loanbaotm

  1. Loan báo Nước Thiên Chúa và ơn cứu độ giải thoát

(Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, s. 8-9)

[8]. Là nhà rao giảng Tin Mừng, trước hết Đức Kitô loan báo một Triều đại, đó là triều đại của Thiên Chúa, Triều đại này quan quan trọng đến nỗi, sánh với nó thì tất cả những cái khác sẽ trở thành “phụ thuộc” và được “ban thêm cho” (Mt 6,33). Như vậy chỉ có triều đại này mới là tuyệt đối và nó tương-đối-hoá tất cả những điều khác.

Dưới nhiều hình thức khác nhau, Đức Kitô thích diễn tả hạnh phúc được làm công dân của triều đại này, một hạnh phúc nghịch thường xây dựng trên chính những gì thế gian chê bỏ (Mt 5, 3-12). Đức Kitô cũng nói đến những đòi hỏi và Hiến chương của Triều đại, những sứ giả, những mầu nhiệm, những con cái của Triều đại, sự tỉnh thức và trung tín mà Ngài đòi hỏi nơi bất cứ ai trông chờ ngày Ngài lại đến.

[9]. Đức Kitô loan báo ơn cứu độ như là nòng cốt và trung tâm của Tin Mừng. Ơn cứu độ là hồng ân lớn lao của Chúa giải thoát họ khỏi mọi áp bức, nhất là giải thoát họ khỏi tội lỗi và thần dữ, trong niềm vui nhận biết Thiên Chúa và được Ngài biết tới, được thấy Ngài, được hiến dâng cho Ngài. Ơn cứu độ được khởi sự suốt đời Đức Kitô và được hoàn tất qua cái chết và sự Phục sinh của Ngài, nhưng ơn này phải kiên trì đi qua dòng lịch sử để được thực hiện cách viên mãn trong ngày Đức Kitô lại đến, ngày mà không ai biết, trừ Chúa Cha (Mt 24,36).

  1. Đổi mới nhân loại và cảnh vực sống của nhân loại

(Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, s. 18-19)

[18]. Đối với Giáo Hội, Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng vào trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại : “Này đây Ta tạo dựng một vũ trụ mới” (Ap 21,5). Nhưng không có nhân loại mới, nếu trước tiên không có con người mới, không có sự sống mới nhờ phép Rửa tội (Rm 6,4) và do đời sống theo Tin Mừng (Ep 4, 23-24). Vậy mục đích của việc Phúc Âm hóa chính là sự thay đổi nội tâm đó, và nếu phải diễn tả một cách vắn tắt, thì ta có thể nói một cách đúng đắn rằng Giáo Hội Phúc Âm hóa, khi chỉ nhờ sức mạnh thần linh của sứ điệp mà Giáo Hội công bố (Rm 1,16), Giáo Hội tìm cách hoán cải cùng lúc lương tâm cá nhân và tập thể của con người, hoán cải sinh hoạt mà con người đang dấn thân, hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ.

  1. Những cảnh vực sống của nhân loại đang biến đổi, cho nên, đối với Giáo Hội, vấn đề không phải chỉ là rao giảng Tin Mừng nơi những vùng địa dư càng ngày càng mở rộng hoặc cho những nhóm dân ngày càng đông, nhưng phải ảnh hưởng tới, và nếu cần dùng sức mạnh của Tin Mừng mà đảo lộn những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị nhân đạo, những bận tâm chính yếu, những trào lưu tư tưởng, những nguồn cảm hứng, những mẫu mực sống của nhân loại, khi những điều ấy ngược lại với Lời Chúa và chương trình cứu độ.
  2. Phúc âm hóa những nền văn hóa

(Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, s. 20)

[20]. Ta có thể diễn tả tất cả những điều ấy như sau : “Cần phải Phúc Âm hóa văn hóa và những nền văn hóa của con người hiểu theo nghĩa phong phú và rộng rãi như trong Gaudium et Spes (53) nghĩa là đi từ con người và lại quy về những tương quan giữa con người với người và người với Thiên Chúa. Như thế Phúc Âm hóa các nền văn hóa phải được thực hiện một cách sống động sâu xa cho tới tận gốc rễ, chứ không theo một cách trang trí như lớp sơn bóng ngoài mặt.

Tin Mừng và tất cả việc Phúc Âm hóa nữa chắc chắn không đồng hóa với văn hóa và độc lập đối với tất cả các nền văn hóa. Tuy nhiên, vương quốc mà Tin Mừng loan báo được tiếp cận do những con người gắn liền với một nền văn hóa, và việc xây dựng Nước Trời không thể vay mượn những yếu tố văn hóa. Tin Mừng và Phúc Âm hóa không nhất thiết phải xung khắc với chúng, nhưng lại có thể xâm nhập vào tất cả mà không lệ thuộc vào nền văn hóa nào.

Sự ly khai giữa Tin Mừng và văn hóa qủa là một thảm trạng của thời đại chúng ta cũng như của những thời đại trước. Như vậy phải dồn mọi nỗ lực để tiến tới sự Phúc Âm hóa một cách rộng rãi, đúng hơn phải Phúc Âm hóa mọi nền văn hóa. Chúng phải được cải hóa nhờ tiếp xúc với Tin Mừng, nhưng sẽ không có tiếp xúc nếu Tin Mừng không được công bố.

  1. Rao Giảng Phúc Âm Và Quy Tụ Dân Chúa
  2. Rao giảng Phúc Âm và việc trở lại đạo.

( Trích Sắc Lệnh Ad Gentes, chương 2, s. 13)

[13] Bất cứ nơi nào Thiên Chúa mở rộng cửa cho việc rao giảng mầu nhiệm Chúa Kitô thì người ta phải tin tưởng và bền chí loan báo cho hết mọi người biết Thiên Chúa hằng sống và biết Ðấng Thiên Chúa sai đến cứu chuộc mọi người là Chúa Kitô để những người ngoài Kitô giáo được Chúa Thánh Thần mở lòng tin vào Chúa mà tự do trở lại cùng Người, và trung thành gắn bó với Người; vì Người là “đường, là sự thật và là sự sống” (Gio 14,6), nên Người cho họ thỏa mãn mọi nguyện vọng thiêng liêng và còn ban cho dư đầy vô tận.

Dĩ nhiên phải hiểu việc trở lại đó mới chỉ là bước đầu, nhưng để con người nhận thức rằng, một khi đã từ bỏ tội lỗi, con người sẽ được dẫn vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, Ðấng gọi họ giao kết chính bản thân họ với Ngài trong Chúa Kitô. Thật vậy, nhờ ơn Chúa tác động, các tân tòng quyết khởi sự cuộc hành trình thiêng liêng: nhờ đó, khi đã lấy đức tin mà thông công mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại, họ từ người cũ đổi thành người mới, con người được nên hoàn hảo trong Chúa Kitô 13. Sự biến đổi này đồng thời cũng làm cho tâm trạng và phẩm hạnh con người dần dần thay đổi, nên đây phải là một cuộc biến đổi rõ ràng, với những hậu quả của nó trong phạm vi xã hội và phải tiến triển dần dần trong thời gian dự tòng. Con người tân tòng thường gặp phải những nứt rạn và phân cách, vì Chúa họ tin là dấu chỉ của sự chống đối 14, nhưng họ cũng nếm được những vui mừng vô tận của Chúa ban cho.

Giáo Hội cấm ngặt không ai được ép buộc hay dùng những mánh lới bất xứng để dụ dỗ hay lôi cuốn người ta theo đạo, cũng như Giáo Hội cương quyết đòi cho con người quyền không bị hăm dọa để bỏ đạo vì những bách hại bất công 16. Theo thói quen rất lâu đời của Giáo Hội, phải cứu xét những động lực tòng giáo,và nếu cần, phải thanh luyện những động lực đó nữa.

  1. Lớp dự tòng và việc huấn luyện đời sống Kitô hữu.

( Trích Sắc Lệnh Ad Gentes, chương 2, s. 14)

[14]. Những người nhờ Giáo Hội được Thiên Chúa ban ơn tin Chúa Kitô phải được nhận vào lớp dự tòng bằng những lễ nghi phụng vụ; lớp dự tòng này không phải chỉ là trình bày tín lý và các giới răn, nhưng là huấn luyện một đời sống Kitô hữu đầy đủ và là thời gian tập sự được kéo dài thích đáng, để nhờ đó môn đệ liên kết với Chúa Kitô là Thầy mình. Vậy các dự tòng phải được khai tâm một cách thích hợp về mầu nhiệm cứu rỗi, tập sống theo Phúc Âm, và qua các nghi lễ thánh được cử hành theo từng giai đoạn liên tục họ được đưa vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của Dân Chúa.

Lớp khai tâm Kitô giáo trong thời gian dự tòng đó không phải chỉ là việc riêng của các giảng viên giáo lý hay của các linh mục, mà còn là của cộng đoàn tín hữu, nhất là của những người đỡ đầu, để nhờ đó ngay từ đầu, các dự tòng cảm thấy mình thuộc về Dân Chúa. Và vì đời sống của Giáo Hội là đời sống tông đồ, nên các dự tòng cũng phải học biết cộng tác tích cực vào việc rao giảng Phúc Âm và xây dựng Giáo Hội bằng chứng tá đời sống và việc tuyên xưng đức tin.

  1. Gầy dựng cộng đoàn đức tin nhờ Lời Chúa và Bí Tích.

( Trích Sắc Lệnh Ad Gentes, chương 2, s. 15)

[15] Chúa Thánh Thần là Ðấng kêu gọi mọi người đến với Chúa Kitô, thúc đẩy tâm hồn họ vâng phục đức tin nhờ hạt giống Lời Chúa và việc rao giảng Phúc Âm. Chính khi Ngài sinh những kẻ tin Chúa Kitô trong lòng Giếng Rửa Tội để sống đời sống mới, Ngài tập họp họ thành một Dân Chúa duy nhất. Dân này là “dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, là dân được Thiên Chúa thu phục” (1P 2,9)

Vậy các nhà truyền giáo như những cộng sự viên của Thiên Chúa, phải gây dựng những cộng đoàn tín hữu sao cho họ biết sống xứng đáng ơn gọi của mình, để họ có thể thi hành những chức vụ đã được Chúa trao phó cho họ: đó là chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả. Nhờ cách đó, cộng đoàn Kitô hữu trở thành dấu chỉ nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian: thật vậy, nhờ Hiến Tế Thánh Thể, họ luôn được cùng Chúa Kitô vươn lên Chúa Cha và khi đã được nuôi dưỡng cẩn thận bằng Lời Chúa, họ làm chứng về Chúa Kitô, và sau cùng dấn bước trong tình bác ái và được hun đúc trong tinh thần tông đồ.

  1. Huấn luyện giảng viên giáo lý.

( Trích Sắc Lệnh Ad Gentes, chương 2, s. 17)

[17]… Có một đạo binh thực sự đáng khen và rất đáng thưởng công nhờ việc truyền giáo nơi Muôn Dân, đó là đạo binh các giảng viên giáo lý nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc bành trướng đức tin và Giáo Hội.

Trong thời đại chúng ta, chức vụ của các giảng viên giáo lý rất quan trọng vì số giáo sĩ ít oi không đủ để rao giảng Phúc Âm cho quần chúng quá đông đúc cũng như để thi hành mục vụ. Vì thế, việc huấn luyện những giảng viên này phải được kiện toàn và thích nghi với tiến bộ văn hóa, để như những cộng tác viên đắc lực của chức linh mục, họ có thể hoàn thành đến mức tối đa nhiệm vụ của họ, nhiệm vụ đang đặt nặng trên vai họ những trọng trách mới mẻ và rộng lớn hơn.

Bởi vậy phải tăng thêm nhiều trường học thuộc giáo phận và miền, để các giảng viên giáo lý tương lai vừa được học hỏi về giáo lý công giáo, nhất là về môn Thánh Kinh và Phụng Vụ, vừa được học hỏi về phương pháp dạy Giáo lý và thực hành mục vụ, lại được tự luyện theo luân lý Kitô giáo trong khi không ngừng cố gắng trau dồi đời sống đạo đức và thánh thiện. Ngoài ra còn phải có những buổi hội thảo hay những khóa học tập định kỳ, để các giảng viên giáo lý được cải tiến trong những môn học hay nghệ thuật hữu ích cho thừa tác vụ cũng như để nuôi dưỡng và củng cố đời sống thiêng liêng của mình nữa. Thêm vào đó, đối với những ai hoàn toàn tận hiến cho công cuộc này, phải cung cấp cho họ một khoản thù lao cân xứng để họ có một mức sống xứng đáng và được bảo đảm về mặt xã hội.

  1. Mời gọi chiêm ngắm Chúa Kitô và bước vào mầu nhiệm đời Chúa

(trích Sứ điệp THĐGMTG 2012 về Tân Phúc Âm Hóa, s. 3)

[3]…Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa hệ tại đề nghị một lần nữa, cho con tim và tâm trí thường lơ đễnh và mù mờ của con người thời nay, và trước tiên cho chính bản thân chúng ta, vẻ đẹp và sự mới mẻ của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chúng tôi mời gọi hết thảy anh chị em chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Giêsu-Kitô, bước vào mầu nhiệm cuộc đời của Ngài, được hiến ban cho chúng ta cho đến trên Thập giá và được xác định như là ân huệ của Chúa Cha qua sự Phục sinh của Ngài từ kẻ chết và được thông ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần của Ngài…

  1. Chăm sóc cho những người yếu thế

(Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, s.209 – 213)

  1. Gương Chúa Giêsu :

[209] Chúa Giêsu, nhà truyền giáo tuyệt vời và chính Người là Tin Mừng, đặc biệt đồng hóa mình với những người bé nhỏ (x. Mt 25:40). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta được mời gọi để chăm sóc những người yếu thế nhất trên trần gian. Nhưng trong mô hình hiện tại của “thành công” và “tư nhân hóa” dường như không quan trọng để đầu tư giúp đỡ những người bị bỏ lại đằng sau, những người yếu đuối hoặc ít tài năng để họ có thể có tìm được con đường sống.

  1. Những hình thức nghèo khổ mới :

[210] Điều thiết yếu là chúng ta để tâm đến việc quen thuộc với những hình thức mới của nghèo đói và yếu đuối mà trong đó chúng ta được mời gọi để nhận ra Đức Kitô đau khổ, mặc dù điều này có vẻ không mang lại cho chúng ta những lợi ích hữu hình và tức thời: những người vô gia cư, nghiện ngập, tị nạn, thổ dân, những người già cả và số những người bị cô lập và bị bỏ rơi càng ngày càng đông, cùng nhiều người khác. Những người di cư đặt ra cho tôi một thách đố đặc biệt vì tôi là mục tử của một Hội Thánh không biên giới, một Hội Thánh cảm thấy mình là mẹ của tất cả mọi người.

  1. Nạn buôn người :

[211] Tôi luôn luôn đau buồn vì hoàn cảnh của những người đang là nạn nhân của những hình thức buôn người khác nhau. Tôi muốn rằng chúng ta lắng nghe tiếng kêu của Thiên Chúa, là Đấng đang hỏi tất cả chúng ta: “anh em con đâu?” (St 4:9). Anh chị em con đang làm nô lệ ở đâu? Những người đang bị giết mỗi ngày trong những xưởng máy bí mật nhỏ, trong những ổ mại dâm, trong những trẻ em bị sử dụng để ăn xin, trong những người phải lén lút làm việc vì tình trạng bất hợp lệ đang ở đâu ?

  1. Các phụ nữ :

[212] Những người nghèo gấp đôi là các phụ nữ đang ở trong những tình trạng bị loại trừ, lạm dụng và bạo lực, bởi vì họ thường cảm thấy ít có khả năng để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, ngay cả trong số họ, chúng ta liên tục tìm thấy các cử chỉ anh hùng đáng ngưỡng mộ nhất hàng ngày trong việc bảo vệ và chăm sóc những gia đình dễ bị tổn thương của họ.)

  1. Các thai nhi :

[213] Trong số những người yếu đuối, là những người mà Hội Thánh muốn chăm sóc với lòng yêu thương đặc biệt, có các thai nhi, là những người không có khả năng tự vệ nhất và vô tội nhất trong tất cả mọi người, là những người mà ngày nay bị người ta phủ nhận nhân phẩm để họ có thể làm những gì họ muốn, bằng cách tước đoạt sự sống của các em và cổ võ những đạo luật ngõ hầu không ai có thể ngăn chặn được chúng… Tuy nhiên, việc bảo vệ sự sống của những người chưa sinh ra này liên hệ mật thiết với việc bảo vệ bất kỳ quyền nào khác của con người. Nó dựa trên xác tín rằng một con người luôn luôn thánh thiêng và bất khả xâm phạm, ở mọi thời điểm và mọi giai đoạn phát triển của nó. Nó là cùng đích của chính nó chứ không phải là một phương tiện để giải quyết các vấn đề khác. Nếu xác tín này biến mất, thì không còn nền tảng vững chắc và lâu dài cho việc bảo vệ các quyền của con người, là những điều sẽ luôn luôn lệ thuộc vào các tiện nghi đột xuất của những thế lực luân phiên.

  1. Chăm sóc môi trường và muôn loài sinh vật

(Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, s. 215)

[215] Còn có những hữu thể khác cũng yếu đuối và không có khả năng tự vệ, thường cũng bị đặt dưới quyền sinh sát của những ích lợi kinh tế hoặc những sử dụng bừa bãi. Tôi đề cập đến toàn thể thụ tạo. Là con người, chúng ta không những chỉ được hưởng lợi ích nhưng còn phải chăm sóc cho những tạo vật khác. Qua thân xác của chúng ta, Thiên Chúa đã kết hợp chúng ta rất chặt chẽ với thế giới chung quanh chúng ta, đến nỗi việc sa mạc hoá đất đai cũng giống như một bệnh cho mọi người; và chúng ta có thể thương tiếc việc tuyệt chủng của một loài vật giống như mình bị chặt mất tay chân. Chúng ta đừng để lại trong đời mình những dấu vết hủy diệt và chết chóc có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và của những thế hệ tương lai… Theo nghĩa này, tôi mượn lời than thở rất đẹp và tiên tri mà một ít năm trước đây Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân đã bày tỏ: “Hàng loạt côn trùng đáng kinh ngạc khác nhau đang sống trong rừng và chúng bận rộn với đủ thứ nhiệm vụ thích hợp […] những con chim đang bay trong không khí, bộ lông rực rỡ của chúng cùng các bài hát và giai điệu khác nhau của chúng thêm màu sắc và âm điệu cho màu xanh của rừng […] Thiên Chúa có ý ban đất này cho chúng ta, một tạo vật đặc biệt của Ngài, nhưng không phải để chúng ta có thể tiêu diệt nó và biến nó thành một vùng đất sa mạc […] Sau một đêm mưa, hãy nhìn về phía các con sông mầu nâu sôcôla trong môi trường chung quanh anh chị em, và hãy nhớ rằng chúng đang mang máu sống của đất ra biển […] Làm sao mà cá có thể bơi lội được trong những cống rãnh như sông Pasig và nhiều con sông khác đã bị ô nhiễm? Ai đã biến thế giới tuyệt vời dưới nước của biển thành nghĩa trang bị tước mất sự sống và màu sắc?”

Kiểm tra tương tự

4 vị thánh giúp bạn đối phó với nỗi lo âu

Ngoài việc các thánh là những người bạn của chúng ta trên thiên đàng, các …

Đừng để ngày sống qua đi mà thiếu nụ cười có Chúa trên môi

Trong một bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Kitô hữu là người mang …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *