Phạm trù của Đức tin và Khoa học

1458faithreason_00000000888Vấn đề đức tin và khoa học là một trong những đề tài tranh luận nhiều nhất với nhiều quan điểm, nhiều góc độ của con người với nhau, đặc biệt là từ khi những phát minh lớn của khoa học từ TK 16, và khoa học ứng dụng phát triển từ TK 18 đến nay. Đến nỗi nhiều người có cảm tưởng rằng, khoa học là tất cả, nó thay thế hay ít ra cũng đẩy lùi mọi niềm tin tôn giáo, chôn vùi vào dĩ vãng của lịch sử. Như Berthelot (1827-1907), nhà khoa học, nhà chính trị và hóa học Pháp, đã ngang nhiên xác quyết: “Thế giới này không còn huyền bí nữa… Khái niệm phép lạ và siêu nhiên tan biến như một ảo ảnh vô ích, một thiên kiến lỗi thời”.

Sự thật khách quan lịch sử có thể minh chứng, nhưng nhìn lại vấn đề, có lẽ chẳng khó khăn để hiểu được những nguyên do dẫn đến những tình trạng hồ đồ, lẫn lộn giữa đức tin và khoa học. Tất cả đều có nguyên nhân của nó.

KHÁI NIỆM VỀ PHẠM TRÙ (Tổng hợp theo từ điển)

Phạm trù là một trong những phương tiện nhận thức thế giới dùng trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn.

Phạm trù là một khái niệm chung nhất, khái quát nhất của một ngành khoa học (xã hội hay tự nhiên) nào đó, phản ánh những đặc tính cơ bản, những thuộc tính và mối quan hệ chung phổ biến nhất của hiện tượng trong đời sống thực tế, nhờ đó ta mới phân biệt được bản chất, đặc tính của sự vật, sự việc khác nhau của vấn đề, của lãnh vực trong thế giới và đời sống. Như phạm trù của ngành triết học, phạm trù của ngành toán học, phạm trù của tôn giáo, phạm trù của các ngành khoa học khác. Nó còn là khái niệm để biểu thị loại sự vật, hiện tượng hay những đặc trưng chung nhất của chúng, như phạm trù giáo dục, tâm lý, tự nhiên, siêu nhiên, phạm trù ngữ pháp v.v…

Như vậy phạm trù của một điều nào đó bao gồm khái niệm về điều đó và nội dung của nó. Khái niệm được xác định bởi định nghĩa chung nhất với những đặc điểm chung nhất. Phạm trù là thành phần kết cấu nên lý thuyết của vấn đề trên lãnh vực của nó.

Vấn đề phạm trù đã rõ ràng, người nghiên cứu, người làm khoa học hẳn phải biết hơn ai hết về vấn đề này, dù rằng đứng dưới những góc độ khác nhau, con người có thể không đồng ý một số đặc tính hay bản chất của vấn đề, nhưng nói chung nó vẫn là một phạm trù riêng biệt, không thể lẫn lộn lãnh vực này sang lãnh vực khác, mà ngay từ xa xưa, Khổng Tử đã dạy người ta muốn biện biệt được vấn đề gì thì đầu tiên phải biết: “Cách Vật, Trí Chi”(sách Đại Học-Tăng tử), tức là phân biệt được phạm trù của chúng .

Nhưng con người, cách riêng một số những người làm khoa học– vô ý hoặc cố tình – quên đi cái phạm trù của đức tin và khoa học, để rồi đánh đồng giữa cái tâm linh của niềm tin tôn giáo với khoa học, hoặc coi cái tự nhiên như là cái siêu nhiên, cái vô hình giống như cái hữu hình, cái tinh thần cũng là cái vật chất… Mặc dù chẳng mâu thuẫn nhau, nhưng đức tin và khoa học, mỗi thứ đều có phạm trù riêng, làm nên những khái niệm riêng biệt rõ rệt, chứ chẳng có cái nào bác bỏ hoặc loại trừ nhau.  Có thể do thành kiến, tự mãn hoặc ngông cuồng nên mới có tình trạng hỗn loạn đến nỗi không cần phân biệt tự nhiên và siêu nhiên, sự lạ và phép lạ, là những phạm trù khác nhau, như Berthelot đã tuyên bố, mà nhà Phật gọi là “Sở tri chướng”, hao tổn không biết bao khí lực, nước bọt, giấy bút và thời giờ cho cái luận đàm của những người không có thiện chí đi tìm chân lý mà chỉ cho cái hiểu của mình là vô song. Không như thiên tài bác học Newton (1642 – 1737), lại chân nhận: “Các điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước. Các điều chúng ta không biết là cả một đại dương”.

Con người chưa hiểu và chẳng tạo được cái nguyên nhân và sự sống nào cả, (dù một cọng cỏ, con vi khuẩn), mà chỉ mày mò tìm được phần nào những cái đã có sẵn trong những quy luật của vạn vật, của vũ trụ để ứng dụng (gọi là phát minh, sáng tạo). Cũng như con người nhận ra những quy luật của tinh thần và siêu hình, đặc biệt là đức tin, là những chân lý trong đạo, mà khoa học tự nhiên, thực nghiêm hay khoa học xã hội không phải là đối tượng, không thể vươn tới và chứng minh được.

Vậy phạm trù của đức tin và khoa học như thế nào ?

PHẠM TRÙ ĐỨC TIN

             Đức tin là một hồng ân siêu nhiên được Thiên Chúa ban cho tín hữu để họ gắn bó trọn vẹn trong sự tự do và đón nhận những chân lý do Ngài mặc khải trong Đức Kitô”. Như sách Giáo Lý định nghĩa:  Đức Tin là sự gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, là tự do ưng thuận tất cả chân lý mà Thiên Chúa đã mặc khải (Sách GLGHCG, số 150).  

Như vậy Đức tin thuộc về siêu nhiên, nghĩa là lấy siêu nhiên làm gốc, làm cơ sở để căn cứ, chứ không phải dựa trên lý trí hay giác quan, mặc dù đức tin vẫn diễn tiến qua trí năng và cảm giác hay cảm tính của con tim. Nhân đức siêu nhiên này được Thiên Chúa ban cho con người không điều kiện một khi con người khao khát tìm kiếm, dù rằng chỉ một sự ước muốn tiềm tàng diễn ra trong vô thức của một lương tâm ngay chính. Nó khác với niềm tin, là cái hoàn toàn lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên, điều kiện của giáo dục, văn hóa, diễn ra nơi tinh thần tự nhiên và nơi tâm lý con người. Nhân đức siêu nhiên này được tiếp nhận qua trí tuệ (sự nhận thức), trong ý chí, trong ý hướng, trong những cảm thức siêu hình (siêu thức phú bẩm) và trong sự tự do của con người.

            Do bản chất của nó, Đức tin, trước tiên, là  thái độ gắn bó trong tinh thần phó thác, là cuộc dấn thân của  bản thân cho Thiên Chúa. Đối tượng của đức tin chính là Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải mình ra. Nhờ Đức tin, con người sẽ tìm  gặp được ý nghĩa cho đời mình, ý nghĩa của các sự việc, sự vật trong cuộc sống, tất cả đều hướng tới mục đích tối hậu là gặp được Thiên Chúa ở đời này và được hạnh phúc viên mãn đời sau. Ai có kinh nghiệm trong Đức tin sẽ thấy rằng, Đức tin soi sáng cho trí tuệ người tin – nó đòi phải có kinh nghiệm về đời sống của Kitô hữu đích thực. Đức tin dẫn dắt lý trí tìm  hiểu về Thiên Chúa và về những gì Ngài nói với con người nhằm giúp con người đạt được được mục đích đó. Như Nhà bác học nổi tiếng Newton đã thốt lên: “Ôi thật tuyệt vời! tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa qua ống kính của tôi”. Ông không lẫn lộn phạm trù Đức tin và khoa học, nhưng nhờ tin nên ông thấy Thiên Chúa trong sự sáng tạo theo một trật tự kỳ diệu mà khoa học biết đến.

 Bởi lẽ đối tượng của đức tin là chính Thiên  Chúa, và vì Thiên Chúa vô biên, vô tận không sao trí tuệ  con người hiểu thấu nên “bất khả tri”. Vì vậy, người  tin phải biết chấp nhận đặt trọn niềm tín thác vào  một Đấng thiêng liêng vô hình, không tỏ hiện ra bên ngoài như một thực tại hữu hình, có thể thấy, đụng chạm và nắm bắt được. Những điều này chính là thuộc tính, là bản chất, là bản thể của đạo, bắt nguồn từ Thiên Chúa, được Ngài ban tặng cho con người, nó thuộc về tâm linh, siêu hình, thiêng liêng, siêu nhiên, nằm trên và nằm ngoài mọi hiện tượng của khoa học vật chất, khoa học thực nghiệm. Dù bất cứ ai chấp nhận nó hay không, thì phạm trù của Đức tin tôn giáo vẫn không thể thay đổi, nó chính là nó chứ không là gì khác được. Chân lý khoa học cũng như chân lý trong đạo đã có sẵn, con người chỉ có thể tiếp nhận nó mà thôi, chứ không ai mảy may tạo dựng hay sửa đổi được gì, chỉ có sự nhận thức là dễ sai lầm mà thôi.

Phạm trù Đức tin dù trình bày hay diễn tả bằng cách nào, cũng không nằm ngoài yếu tố ân sủng của Thiên Chúa, nó thuộc lãnh vực siêu nhiên, được thụ hưởng do ân điển từ trời cao, được tác động bởi Thánh Thần của Thiên Chúa, như Triết gia Pascal nói: “Nếu bạn muốn có đức tin, bạn hãy quỳ gối xuống và cầu nguyện”.  Kho tàng Đức tin này thì chỉ duy Giáo Hội là cơ sở đủ uy tín, đủ quyền năng – nhờ Thánh Thần – để suy xét và phán định, chứ không phải những cá nhân, vì cá nhân thường bị giới hạn trong lãnh vực nào đó mang tính riêng lẻ, có may mắn cũng chỉ là giỏi về một số khía cạnh nào đó, chứ chưa thể quán thông được những khái niệm xuyên suốt mọi sự, nhất là về tâm linh và siêu hình.

Năm 1907, bác sĩ Duncan MacDougall, bang Massachusetts, Mỹ, lấy cân nặng của người trước khi hấp hối trừ đi cân nặng lúc vừa trút hơi thở cuối cùng, còn lại bao nhiêu, ấy chính là trọng lượng của một linh hồn. Ông đã cân 6 người (thực tế là 4 người). Kết luận là sự sụt giảm về cân nặng, trung bình là 21 gram. Kết luận kỳ quái của bác sĩ Duncan đã dấy lên một cơn chấn động trong giới khoa học lúc bấy giờ.

Chỉ cần một người bình thường, có tâm lý quân bình, dù có niềm tin tâm linh nào đó hay không, cũng có thể kết luận ngay rằng, đây là một thí nghiệm nực cười, ấu trĩ, mù mịt như người cổ sơ. Sự hồ đồ lẫn lộn giữa thiêng liêng và vật chất lên tới cực điểm. Ngay cả vật chất như các phân tử và nguyên tử còn chưa cân được (chỉ tính toán được trên con số trong vật lý-hóa học), nói chi đến cân tính thiêng liêng, nó hồ đồ mê muội như đi cân tình yêu, tình dục hay cân những dục vọng khác. Đây là sự mù lòa về tâm linh, không như “bệnh nghề nghiệp”, mà là một thứ tư duy quái dị, đẻ ra những quái thai như chính nó.

PHẠM TRÙ KHOA HỌC

Khoa học bao hàm một lãnh vực rộng lớn của tri thức con người, là toàn bộ lượng thông tin mà con người đã nghiên cứu và tích lũy được. Nó trải dài từ khoa toán học trừu tượng cho tới các ngành khoa học xã hội và nhân văn, từ khoa học ứng dụng, thực nghiệm, cho đến khoa học tự nhiên, nghiên cứu về vật chất và sự sống. Đối tượng nghiên cứu của khoa học là những hiện tượng, sự việc, sự vật, cụ thể, được xác định rõ ràng, và có thể thí nghiệm hay chứng minh được.  

Mục đích của Khoa học là thực hiện những phát minh, sáng tạo và tăng cường tri thức cho con người về cách thức hoạt động của thế giới vật chất xung quanh. Kết quả của khoa học được cô đọng thành những công thức, những định lý, định luật và những nguyên tắc, những phương pháp nghiên cứu hay ứng dụng. Song song với mục đích đó là phục vụ lợi ích, cải thiện đời sống, khắc phục khó khăn trong môi trường tự nhiên, sáng tạo cái mới cho con người hưởng dùng, nó thuộc về khoa học kỹ thuật và ứng dụng, công nghệ  sản xuất…

Như thế, nhà khoa học chọn đối tượng cho mình nghiên cứu, rồi vạch rõ phạm vi cho nó, xác định và  nghiên cứu nó theo một phương diện riêng. Nhưng bất cứ nhà khoa học nào, cuối cùng vẫn phải chứng minh được một cách khách quan đối tượng mình đã nghiên cứu.

Muốn vậy, nhà khoa học cần theo từng bước để đến kết quả:

  1. Quan sát
  2. So sánh
  3. phân tích
  4. Tổng hợp
  5. Đặt giả thuyết
  6. Chứng minh

Từ sự quan sát cho tới chứng minh, mỗi bước đi là một tiến trình thu thập thông tin khách quan và đầy đủ. Nhà khoa học làm việc trong sự cần cù kiên nhẫn, đòi hỏi sự nghiêm túc và khắt khe với tinh thần khoa học cao, mới mong có được một kết quả đúng đắn qua sự chứng minh hay thí nghiệm xác thực.

Giả thuyết là tổng kết những thông tin và dữ liệu thành một hệ thống hợp lý để tạm thời kết luận một công trình nghiên cứu để có thể đi đến thử nghiệm hay chứng minh. Charles Robert Darwin (1809 – 1882) đã từng bước để đi kết kết luận của “thuyết tiến hóa”, trong đó loài khỉ có những yếu tố giống với người nhất, chứ không phải gien bất di dịch của người hay khỉ, gọi là một giả thuyết mà không thể chứng minh (thuyết này đã bị phá sản). Nhưng một số người lại nhầm tưởng đây là một chân lý khoa học. Khoa học với khoa học mà còn dễ nhầm lẫn như vậy, nói chi đến đức tin và khoa học.

Những điều kiện hay những yếu tố của khoa học cho thấy rằng, tính chất và đối tượng của khoa học là vật chất và những hiện tượng xảy ra trong đời sống hay trong thế giới mà con người có thể quan sát được. Nhà khoa học nghiên cứu về nó để hiểu, cũng như để ứng dụng vào đời sống phục vụ tiện ích, cải thiện và khắc phục những vấn đề thuộc về thế giới vật chất cho con người.

Vào ngày 12-04-1961, Yuri Gagarin trở thành phi hành gia người Nga đầu tiên thành công bay quanh qũy đạo trái đất. Chiếc phi thuyền Vostok-1 bay được một vòng quanh qũy đạo trái đất trong 1 giờ 48 phút, với vận tốc 17,000 miles một giờ. Anh trở thành một anh hùng của dân tộc Nga vào lúc đó vì đã làm cho cả nước Nga hãnh diện vì sự tiến bộ của họ.

            Khi trở về trái đất, anh tuyên bố: “Tôi nhìn khắp cùng không gian, nhưng chẳng thấy Thiên Chúa đâu.” (I’ve been to space, but I didn’t see God).

            Yuri Gagarin cho thiên Chúa là một hành tinh, định tinh, hoặc một dải thiên hà ? Hay ông có ý nói vũ trụ này chẳng có gì là lạ lùng cả, cần gì phải có một đấng tạo dựng, tự nó có thôi ? Hoặc ông cho rằng khi hiểu biết khoa học, khi nhìn thấy không gian (hạn hẹp như ông thấy) thì tư tưởng về một đấng vô hình là ấu trĩ, là mê muội ? v.v… Câu nói để đời của ông như thế nào chắc rằng mọi người, mọi thời sẽ đánh giá và nực cười như chuyện Duncan MacDougall cân linh hồn vậy.

Người ta nghiên cứu và thấy rằng, đặc điểm tư duy của người cổ sơ là không phân biệt được các phạm trù của mọi sự vật, phạm trù chủ quan và khách quan, chủ thể và khách thể, lý tính, cảm tính, bản chất sự vật và tên gọi, thuộc tính và hiện tượng, niềm tin và chân lý khách quan, họ lẫn lộn thế giới tự nhiên và siêu nhiên, gán những thuộc tính của con người cho một vị thần thiêng qua những hiện tượng của thế giới mà họ chưa hiểu… Khi khoa học phát triển, một số người làm khoa học tưởng rằng tôn giáo chính là lối tư duy của người cổ sơ. Nhưng lại xảy một sự tương phản khá kỳ diệu, đó là số người đó lại trở nên như người cổ sơ, bằng chứng là họ lại mắc phải sự hồ đồ lẫn lộn giữa những phạm trù khác nhau, nhất là không phân biệt được phạm trù Đức tin hay niềm tin tôn giáo với những phạm trù khác của khoa học.

Không như chuyện nhầm lẫn của Tòa án Giáo hội đối với Galilêô, gọi là vụ án Galilêô. Năm 1610, Galilêô nhận định rằng: “Theo khoa học mà  nói, thì ít nhất hệ thống Copernic (Trái đất quay quanh Mặt trời) cũng có giá trị để có thể chấp nhận được”. Rất tiếc, các nhà xử án của Giáo hội bắt Galilêô phải đính chính lại. Điều này thì các “công tố viên” của tòa án đã bị nhầm lẫn giữa ngôn ngữ mạc khải Thánh Kinh với ngôn ngữ khoa học. Nhưng đây chỉ là vấn đề nhất thời mang tính cơ cấu cục bộ của giai đoạn lịch sử, chứ không phải là bản chất của Giáo hội. Nhưng một số người đã lợi dụng để chê bai và cho Đạo Công Giáo là như thế – lại một chuyện ấu trĩ về Đạo và về Giáo hội.

Ngay Charles Dickens (1812 – 1870) cũng thừa nhận: “Kinh thánh Tân Ước chính là cuốn sách tốt nhất đã từng hoặc sẽ được biết đến trên thế giới”. Và Victor Hugo (1802-1885) viết: “Nước Anh có hai cuốn sách, Kinh Thánh và Shakespeare. Nước Anh sinh ra Shakespeare, còn Kinh Thánh làm nên nước Anh.” 

 

KẾT LUẬN

            Lý giải là bất đắc dĩ, chẳng hợp với con tim, hợp với niềm tin hay đức tin trong đạo. Nhưng không lý giải để biện biệt được mỗi sự vật, sự việc, nhất là những phạm trù của vấn đề thì lại thiếu sót trầm trọng. Đức Giêsu chỉ lý luận với Pharisêu là những người cố tình gây chuyện “lý sự”, ngoài ra, Ngài chỉ khai mở về chân lý Nước Trời cho những ai khiêm tốn muốn đi tìm kiếm, “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21).

Phạm trù của khoa học khác hẳn với phạm trù của Đức tin, đó là hai lãnh vực, một bên là tự nhiên, nghiên cứu để chứng minh và thực nghiêm, đối tượng là vật chất hay hiện tượng, mục đích là lý giải những định luật, nguyên lý hoạt động của vật chất, phục vụ tiệc ích cho con người, và phải đi theo tiến trình từng bước để chứng minh. Còn bên kia là vấn đề tâm linh và siêu nhiên, đối tượng là Thiên Chúa, mục đích là tìm ra ý nghĩa của cuộc đời, tìm được hạnh phúc trong đới sống và sự giải thoát cho con người mai sau, nó đến trực tiếp từ Thiên Chúa, chứ không lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên như những phương pháp của tri thức khoa học.

  Thực sự không nhất thiết phải hiểu phạm trù của mỗi lãnh vực, vì mỗi người bình thường với lương tâm ngay chính, đều dễ dàng nhận ra những sự khác biệt giữa lãnh vực này với lãnh vực kia, chứ không nhất thiết phải hiểu hay nói được lý thuyết của nó. Vấn đề là người càng học hỏi nhiều thì có cơ hội lớn hơn để đào sâu hơn, thâm hậu hơn. Chỉ tiếc cho những người làm khoa học, nhiều khi do “bệnh nghề nghiệp” nên nhìn đâu cũng chỉ thấy cái biết của mình qua lăng kính học hiểu đó. Ví như anh công an điều tra thì nhìn ai cũng nghi ngờ là tội phạm; nhà vi trùng học thì nhìn đâu cũng thấy vi trùng; nhà kinh doanh thì nhìn đâu cũng thấy khách hàng và lợi nhuận; nhà báo thì nhìn đâu cũng thấy thông tin; nhà chính trị thì nhìn đâu cũng thấy kế hoạch và sách lược điều hành cơ cấu xã hội vv… Đây là sự hạn hẹp của con người, dẫn đến sự phiến diện, chủ quan, thiển cận, mà đỉnh cao của nó mang tính “duy”, tính “cuồng”.

Thực sự khoa học và tôn giáo cần nhau như xác với hồn, như Albert Einstein, nhà vật lý học được coi là vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đã phát biểu: “Khoa học không có tôn giáo là mù lòa, tôn giáo thiếu khoa học là què quặt.”  Nó gắn liền với lý trí con người như Đức Gioan Phaolô II nói: “Đức tin và Lý trí  được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã in đặt nơi tâm khảm con người ước vọng tìm biết chân lý để cuối cùng con người được nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ nhận biết và yêu mến Người, con người sẽ đạt thấu được sự thật về mình cách đầy đủ” (Thông Điệp về Đức Tin và Lý Trí (Fides et ratio). Và như Blaise Pascal (16231662) nói: “Tất cả mọi cố gắng của khoa học không thể làm suy yếu những chân l‎ý của tôn giáo, nhưng chỉ làm cho những chân lý ấy cất cánh cao hơn”.

Sự thật đã rõ như gói gọn trong hai phạm trù của nó.

Người làm khoa học cũng chứng tỏ và chứng minh, dùng phương tiện và sự hiểu biết của mình để phục vụ con người hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, chứ không phải để thỏa mãn chính nó, vì khoa học không mục đích, đồng nghĩa với khoa học không ngày mai, có thể đi đến sự hủy diệt, như tàn phá thiên nhiên, vũ khí hủy diệt, tác hại đến lãnh vực khác …. Nếu không nó sẽ chẳng còn giá trị như sự cao quý của khoa học. Nhà khoa học đại tài Edison, lúc ghi vào sổ vàng của tháp Eiffel, đã viết: “Edison hết sức khâm phục và ca ngợi các kỹ sư, trong đó có cả Thiên Chúa”.

Còn Đức tin được biểu hiện qua đời sống, hướng tới Chân-Thiện-Mỹ là Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của con người. Đức tin Kitô giáo được tỏ hiện bằng sự thiện, tức tình yêu, và để chứng minh, người có đức tin sẵn sàng hy sinh và có thể chết vì nó, nhưng là chết trong bình an, trong yêu thương, trong tha thứ. Đó là đặc điểm của Đức tin Kitô giáo, đã được chứng minh qua lịch sử. Và như thế: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Dt 11, 1).

                                                                                                                                Hàn Cư Sĩ

(Bài viết được tác giả trực tiếp gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *