Phần X: Giáo Hội Trong Dòng Lịch Sử (tt)

GIÁO HỘI THỜI TÂN ƯỚC: NGÀY QUANG LÂM, CÔNG ĐỒNG GIÊRUSALEM, THẨM QUYỀN TRONG GIÁO HỘI

           Dường như sau cái chết của Đức Giêsu, điều các môn đệ quan tâm là cố gắng làm sao để tồn tại hơn là tổ chức một Giáo Hội. Các ngài lo lắng về sự sống của mình. Niềm hy vọng của các ngài đã bất ngờ sụp đổ. Nhưng kỳ diệu thay, các ngài đã tìm thấy được niềm hy vọng mới. Ngôi mộ đã không thể giam giữ Đức Giêsu. Sứ mạng và công việc của Đức Giêsu chưa kết thúc. Giờ đây sứ mạng đó được trao lại cho các ông.

Như chúng ta đã thấy, Giáo Hội được sinh ra vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mặc dù Thiên Chúa phục sinh đã hiện ra với các môn đệ, nhưng chỉ đến khi Thánh Thần hiện xuống trên họ, họ mới thực sự được giải thoát khỏi nỗi lo sợ và trở nên chứng nhân can trường cho đức tin. Trong ngày Hiện Xuống, Thánh Thần của Thiên Chúa xuống trên họ với quyền năng:

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. (Cv 2, 1-4)

Như đã hứa, Đức Kitô đã không để các ông mồ côi. Ngài đã đến với các ông qua quyền năng của Chúa Thánh Thần. Trong trình thuật Hiện Xuống, các môn đệ có được khả năng nói tiếng lạ và họ được lắng nghe bởi nhiều người thuộc các dân tộc khác nhau bằng chính ngôn ngữ của mình. Đây là sự đảo ngược của câu chuyện về tháp Baben trong sách Sáng Thế (chương 11). Xưa kia, tội lỗi đã làm cho con người chia cắt bởi bất đồng ngôn ngữ, thì nay Thánh Thần đã nối kết lại.

Như thế, ngay từ khởi đầu đã có một sự nối kết sâu xa giữa Giáo Hội và Chúa Thánh Thần. Chúng ta là những người sống sau khi Đức Giêsu về trời và chúng ta không nhìn thấy được Đức Giêsu bằng xương bằng thịt nhưng chúng ta đến được với Ngài nhờ Thánh Thần. Giáo Hội bao gồm những ai được mời gọi sống trong Thánh Thần của Đức Kitô và của Chúa Cha.

Phản tỉnh và thảo luận

Bạn hiểu “sống trong Thánh Thần của Đức Kitô” nghĩa là gì?      

Giáo Hội Quang Lâm. Giáo Hội sơ khai tin rằng ngày tận cùng của ơn cứu độ đã gần đến. Họ tin rằng Đức Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang để thiết lập vương quốc của mình. Sự trở lại này được hiểu là một cuộc quang lâm. Đó là ngày tận thế. Cách hiểu này được dựa trên thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Thêxalônica. Người dân thuộc thành phố Thêxalônica quan tâm đến số phận của những người chết trước khi ngày quang lâm đến.

Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. (1 Tx 4, 15)

Vì Giáo Hội sơ khai quan niệm ngày tận thế đang đến gần, nên sứ mạng của Giáo Hội lúc bấy giờ là chú trọng làm sao để có thể loan báo tin mừng càng xa và càng rộng trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại. Họ rất ít chú tâm về cơ cấu của Giáo Hội. Về sau, khi Giáo Hội nhận ra rằng ngày quang lâm có thể không biết khi nào sẽ đến, việc thiêt lập cơ cấu Giáo Hội trở nên khẩn thiết cho sứ mạng tương lai trên trần thế này.

Ai có thể là một Kitô hữu? Thật dễ dàng để chúng ta quên đi ý nghĩ Giáo Hội sơ khai được dành riêng cho dân Do Thái. Đối với người Do Thái, Đức Giêsu không đến để bắt đầu một tôn giáo mới. Ngài đến để kiện toàn cái cũ. Phêrô, Maria và các tông đồ khác, sau khi Đức Giêsu chết và phục sinh, vẫn nghĩ mình là dân Do Thái. Họ vẫn cầu nguyện với lời kinh của Do Thái Giáo, đi viếng đền thờ, ăn thức ăn của người Do Thái. Điều này xảy ra vì họ mặc định rằng Đức Giêsu đã đến cho dân Do Thái vì Ngài là một người Do Thái.

Tuy nhiên, theo thời gian, người ngoài Do Thái (Dân Ngoại) cũng đã bắt đầu muốn đi theo Đức Giêsu. Giáo Hội sơ khai bắt đầu có những khủng hoảng đầu tiên: có nên đón nhận Dân Ngoại vào trong Giáo Hội hay không? Nếu được, họ có phải trở thành người Do Thái và tuân giữ luật Môsê hay không? Với câu hỏi thứ nhất có thể dễ dàng trả lời khi Phêrô rửa tội cho một người sĩ quan Rôma. Nhưng với câu hỏi thứ hai thì gặp khó khăn: người Dân Ngoại có buộc phải tuân giữ luật Môsê hay không? Đó thật sự là một câu hỏi cần thiết, bởi lẽ nếu như người Dân Ngoại buộc phải tuân giữ luật Môsê, họ sẽ phải kết hợp giữa Kitô giáo với Do Thái giáo mãi mãi. Ngoài ra những người đã được đón nhận vào trong Giáo Hội cũng sẽ bị giảm đi đáng kể.

Cuộc tranh luận tập trung chủ yếu vào một vài điểm đặc trưng trong luật: cắt bì, thức ăn cấm và luân lý tính dục. Trở ngại lớn nhất chính là cắt bì. Nghi lễ này của người Do Thái được xem như là một trở ngại làm cho Dân Ngoại không thể đến được với Giáo Hội. Cuối cùng trong một công đồng gọi là công đồng Giêrusalem (Cv 15) nơi những nhóm người chống đối gặp nhau và đã đưa ra quyết định rằng cắt bì hay không thì không quan trọng, và một đồng thuận đã được đưa ra liên quan đến thức ăn và những hành vi luân lý tính dục. Trên thực tế, công đồng Giêrusalem (như vẫn thường được gọi) đã mở toang cánh cửa Kitô giáo cho tất cả mọi người thuộc mọi quốc gia và mọi nền văn hoá. Nó đã giúp làm cho Kitô giáo trở thành một Giáo Hội “công giáo” phổ quát.

Thẩm quyền trong Giáo Hội sơ khai. Trong tin mừng, Đức Giêsu làm rõ rằng thẩm quyền của Kitô giáo không giống với quyền bính thế giới thường hiểu. Đối với Kitô hữu, thẩm quyền có nghĩa là phục vụ:

Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. (Mc 10, 42-44)

Trong Giáo Hội sơ khai, thẩm quyền phục vụ này có một cấu trúc rõ ràng. Trước hết, không có một cuộc truyền chức linh mục hay thừa tác viên nào là chính thức. Tuy nhiên, điều hiển nhiên là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các tông đồ. Tin mừng mô tả Đức Giêsu đã tuyển chọn đặc biệt mười hai môn đệ thân tín nhất của mình và sai các ông ra đi rao giảng nhân danh Ngài. Điều đó nói lên rằng các môn đệ vào thời sơ khai không chỉ giới hạn ở con số mười hai, nhưng trong số các ông, Phêrô là người được trao cho quyền đặc biệt để là người “đứng đầu” các tông đồ. Trong tiếng Hy Lạp, Phêrô nghĩa là “đá” và trong tin mừng Mátthêu, Đức Giêsu đã sử dụng tên này như để diễn tả vai trò của Phêrô, Ngài nói:

Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (Mt 16, 18)

Giáo Hội Công Giáo Rôma hiểu đoạn văn này và giải thích rằng Đức Kitô mong ước Giáo Hội của Người phải được dẫn dắt bởi Phêrô và những người kế vị ông (các Đức Giáo Hoàng). Vì thế, trong Giáo Hội Công giáo, thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, trong vai trò là đầu của Giáo Hội, là một phần trong những giáo huấn chính thức của Giáo Hội Công giáo. (Đây là một trong những điểm khác biệt với Tin Lành.)

Ngoài các tông đồ ra còn có những người khác cũng có thẩm quyền trong Giáo Hội. Các vai trò này không dựa trên một chương trình huấn luyện đặc biệt nhưng dựa trên ân sủng riêng của mỗi người (hay còn gọi là đặc sủng) trong cộng đoàn. Thánh Phaolô đã chỉ ra một số vai trò như sau:

Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. (1 Cr 12, 28)

Tuy nhiên, theo thời gian, tất cả các tông đồ đã chết, và vì thế, cần có một cơ cấu tổ chức nhằm đáp ứng cho các nhu cầu của cộng đoàn và đưa Giáo Hội tiến bước trong tương lai. Có ba cấp độ lãnh đạo được đưa ra trong giai đoạn cuối của thế kỷ đầu tiên sau Chúa Giêsu. Các cấp độ này được gọi là giám mục, trưởng lão (hay linh mục) và phó tế. Trước đây, giữa giám mục và trưởng lão không có sự phân biệt. Họ là những người lãnh đạo một cộng đoàn cụ thể, và chủ sự các cử hành Thánh Thể. Ngoài ra, họ phải bảo vệ Giáo Hội chống lại các “giáo huấn sai lệch”. Phó tế được tuyển chọn như những người phụ giúp hoặc phục vụ cộng đoàn. Thừa tác vụ của họ thường là chăm sóc người nghèo và người thiếu thốn. Dần dà cả ba cấp độ này được phát triển thành những gì chúng ta vẫn gọi ngày nay là Giám mục, Linh mục và Phó tế.

NHỮNG NĂM 67-312: VÀNG THỬ LỬA      

Là một Kitô hữu trong xã hội Bắc Mỹ không phải là một mạo hiểm lớn. Đại đa số những người bước đi trên đường của các nước này đã được rửa tội trong Đức Kitô. Đây không phải là hoàn cảnh khi Kitô giáo bắt đầu. Trước khi người Rôma ra lệnh phải chú ý đến Kitô giáo thì trước đó rất lâu họ đã trở thành đích ngắm cho cuộc bách hại không thể tưởng tượng. Cuộc bách hại đó được khởi đầu bởi hoàng đế Nêrô vào năm 67. Người ta tin rằng, hai tông đồ Phêrô và Phaolô đã bị giết hại trong cuộc bách hại đạo của hoàng đế Nêrô. Từ thời điểm này trở đi, Rôma luôn giữ một vị thế trung tâm trong đức tin Công giáo xét như là ngai của Thánh Phêrô. Những người kế vị ngài là các giám mục Rôma, cũng được trao một vị thế đặc biệt trong việc điều hành và cai quản Giáo Hội.

Hơn hai trăm năm, người Kitô hữu là đối tượng bách hại hết lần này đến lần khác. Một trong những cuộc bách hại đạo tàn khốc nhất là của hoàng đế Diocletian. Khi ông rời bỏ ngai vàng, người Kitô hữu không thể ngờ rằng họ sẽ mau chóng trở thành tôn giáo thống trị toàn đế quốc rộng lớn và là nguồn lực chính yếu hình thành nên nền văn minh Tây Phương.

 Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Bạn có thể nghĩ trong hoàn cảnh nào, Giáo Hội ngày nay vẫn tiếp tục bị bách hại?

Kiểm tra tương tự

Nguồn gốc tên gọi Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô

Vương cung thánh đường Lateranô có nhiều tên gọi, ám chỉ thánh Gioan Tẩy Giả, …

Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người …

Một bình luận

  1. Thưa Cha, Cha có thể giúp con tìm hiểu rõ hơn về việc GH sơ khai bị bách hại khốc liệt, và việc Thánh Phero bỏ trốn có nói lên điều gì cho tín hữu chúng ta hôm nay không ạ? con không biết tìm tài liệu thế nào và ở đâu…!
    con kính cám ơn quý Cha!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *