Phần XI: Bí Tích Thánh Thể : Bữa Tiệc Vượt Qua (tt)

eucharist

SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC KITÔ TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Hội thánh Công Giáo luôn luôn dạy rằng Đức Giêsu thật sự hiện diện trong bánh rượu đã được thánh hóa trong Bí tích Thánh Thể. Để giải thích sự hiện diện này, thánh Tôma đã sử dụng thuật ngữ “biến đổi bản thể.” Theo giải thích này, yếu tố vật chất không thay đổi, vẫn là bánh là rượu. Nhưng bản thể là cái thiết yếu bên trong thì thay đổi. Bản thể bây giờ là Mình và Máu Đức Kitô. Thánh Tôma nói rằng đây không phải là sự biến đổi vật lý nhưng là sự biến đổi siêu hình, vì vậy chỉ có thể hiểu được bằng con mắt đức tin.

Ngày nay, các nhà thần học thường mô tả sự hiện diện này như một sự hiện diện bí tích. Đức Giêsu thật sự hiện diện, nhưng là sự hiện diện của Đấng đã phục sinh, thoát khỏi những giới hạn của không gian và thời gian để đến với chúng ta. Sự hiện diện mang tính bí tích có nghĩa là Đức Kitô đang tiếp tục tự hiến chính mình Ngài cho chúng ta trong tình yêu ngang qua lễ vật của bánh và rượu trong Thánh Lễ. Tình yêu tự hiến của Thiên Chúa đối với chúng ta là chân lý sâu xa nhất trong đức tin của chúng ta. Chúng ta cử hành để tưởng nhớ Đấng đã yêu chúng ta vô điều kiện và tiếp tục mong muốn đưa chúng ta đến gần Ngài hơn nữa. Tình yêu và ân sủng này được tặng ban bằng vô vàn cách: nơi vẻ đẹp của công trình sáng tạo, nơi tình yêu gia đình và tình bạn, nơi khả năng hiểu biết và sáng tạo. Đối với tín hữu Công Giáo, tình yêu và ân sủng còn được tặng ban cách mạnh mẽ nhất trong bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là món quà cá vị của Đức Giêsu dành cho các môn đệ, nhờ đó Ngài tiếp tục hiện diện với từng cá nhân chúng ta cũng như với cả cộng đoàn. Sự hiện diện của Ngài trong Bí tích Thánh Thể đến với chúng ta qua cộng đoàn, qua linh mục, qua Lời Chúa và độc đáo nhất là trong sự hiệp thông của chúng ta nơi bánh và rượu với Mình Máu Đức Kitô.

Suy nghĩ và Thảo luận

Nếu bạn phải giải thích sự hiện diện của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể cho một em chuẩn bị rước lễ lần đầu, bạn sẽ giải thích như thế nào?

 

THÁNH LỄ NHƯ MỘT HY TẾ

Nếu bạn lớn lên trong Giáo Hội Công Giáo, có lẽ bạn thường nghe về việc Thánh Lễ được hiểu như một hy tế. Bây giờ chúng ta sẽ chú ý đến yếu tố quan trọng này của Thánh Lễ, đó là khái niệm hy tế.

Đối với một số người, hy tế chỉ có nghĩa đơn thuần là một lễ nghi nhằm có thể xoa dịu cơn giận của Thiên Chúa. Đối với Đức Giêsu, hy tế đích thực phải đến từ con tim, đó là tự hiến chính Ngài cho Chúa Cha. Hy tế không thay thế cho tình yêu, cũng không phải là cách lèo lái hay xoa dịu Thiên Chúa. Hy tế là một sự tự hiến. Đó là hân hoan phó dâng chính mình vào bàn tay nhiệm màu của Thiên Chúa. Đối với Đức Giêsu, hy tế là yếu tố cốt lõi cho đời sống của tất cả các Kitô hữu:

Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ tìm được sự sống.

Với Đức Giêsu, những lời này đã đi đến tận cùng trên thập giá. Đôi khi cái chết của Đức Giêsu được mô tả một cách sai lệch, như thể cái chết của Ngài là một lễ vật làm mở cửa thiên đàng hay như thể là máu của Đức Giêsu xoa dịu cơn giận của Thiên Chúa. Đó là một sự bóp méo tệ hại về ý nghĩa hiến tế của Đức Giêsu. Cái chết của Ngài trên thập giá là sự diễn tả tình yêu đến cùng và trọn vẹn cho chúng ta cũng như để diễn tả việc Ngài hoàn toàn phó thác trong tay Cha.

Khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, chúng ta không lặp lại cái chết của Đức Giêsu. Vì thánh Phaolô đã nói: “Đức Kitô đã chết một lần cho tất cả.” Vậy làm sao hiểu Thánh Lễ là một hy tế? Đó là một hy tế cá nhân chứ không đơn thuần là một nghi thức. Nếu chúng ta chỉ đơn giản tin vào sức mạnh của nghi thức thì chúng ta hãy nói: “Tôi sẽ hy sinh một giờ của tôi cho Chúa vào Chúa Nhật và bằng cách đó tôi sẽ làm vui lòng Chúa và tuân giữ lề luật của Ngài.” Nói cách khác, hy tế cá nhân đòi hỏi chúng ta tự hiến chính mình trong tình yêu. Theo nghĩa này, khi chúng ta mang bánh và rượu lên bàn thờ là chúng ta mang chính mình tới bàn thờ. Cũng như lời thề hứa trong hôn nhân, chúng ta để cho hy tế này khuôn đúc mình trở thành một người luôn tìm đặt cuộc đời mình trong tay Chúa, như những lời tuyên xưng trong Thánh Lễ “Lạy Chúa, chúng con không còn sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho chính Chúa.”

Cũng vậy, Thánh Lễ cử hành sự kiện Đức Giêsu chịu chết và hy tế của Ngài không phải chỉ là một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ mà không có ảnh hưởng đến tương lai. Đức Giêsu tiếp tục tự hiến chính mình với đôi tay rộng mở trao ban tình yêu phổ quát dành cho tất cả anh chị em. Cái chết của Ngài chứa đựng một chân lý phổ quát và vĩnh cửu được hiện tại hóa trong mỗi cử hành của Thánh Lễ. Đó là sự thật về quyền năng tình yêu Thiên Chúa, đó là chân lý của thập giá.

Suy nghĩ và Thảo luận

Từ “hy tế” đến từ tiếng Latinh nghĩa là làm điều gì là thánh thiện. Bạn có thể nghĩ về những hy tế cá nhân nào có thể làm cho thế giới thánh thiện hơn?

 

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Âm nhạc: Chìa khóa nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách

  Shinichi Suzuki đã thay đổi cách giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Nhờ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *