Phút trải lòng của chị Maria Mađalêna

(Bài viết dựa trên Tin Mừng: Ga 20, 1-18)

– Em chào chị Maria Mađalêna.

Chào em. Chị rất vui vì được cùng em nói về biến cố Chúa Giêsu sống lại. Đó là kỷ niệm đẹp nhất mà chị hằng ghi nhớ.

– Vâng, em thấy chị yêu mến Chúa Giêsu thật nhiều! Lúc trời còn tối mịt vậy mà chị đã hối hả ra mộ để thăm Người.

Em biết không, suốt ngày lễ Vượt Qua, chị lo lắng nhiều lắm vì không thể đi ra mộ xức dầu thơm cho Người. Vả lại, đi theo Người trong suốt Cuộc Thương Khó, chị thấy thương Người nhiều lắm, nhưng chẳng thể làm gì được để giúp Người. Chị đã khóc rất nhiều khi chứng kiến cảnh người ta vu cáo và hành quyết Người. Chính vì vậy, khi Người được mai táng, chị muốn làm điều gì đó cho mộ phần của Người. Suốt cả đêm hôm ấy, giấc ngủ chị cứ chập chờn, chỉ mong sao chóng qua ngày mới để có thể chạy liền ra mộ.

– Em thấy các môn đệ kia lo sợ giới lãnh đạo Do Thái vì các ông có mối tương quan thân thiết với Giêsu. Họ sợ bị vạ lây. Nhưng hình như chị không chút sợ hãi?

Thú thực là trong những ngày ấy, người ta chẳng để tâm đến các chị em phụ nữ đâu. Nhờ thế mà chị cùng với mẹ Maria và vài phụ nữ đạo đức khác có cơ hội theo sát Chúa hơn. Chị và các bà khác chỉ đứng xa xa vì lính tráng không cho đến gần Người. Em nghĩ xem, chứng kiến Người mình hết mực mến thương bị cực hình, ai mà không đau xót. Mẹ Maria, chị và các bà khác đã khóc rất nhiều. Rồi khi Người chết trên Thập giá, ông Giô-xép xin Philatô cho phép chôn cất Người. Thế là chị đã chứng kiến Đức Giêsu được mai táng cách nào.

Vâng, chị vui lòng kể cho em chi tiết hơn về việc Chúa Giêsu phục sinh và hiện ra lần đầu tiên với chị?

Ồ, đấy là kinh nghiệm cao sâu nhất trong đời chị. Số là sáng ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, chị với mấy chị em nữa đi đến mộ. Các chị vừa đi vừa dò đường vì trời còn tối lắm! Trên đường không một bóng người. Vừa đi các chị vừa bàn tán với nhau: “Chị em mình làm sao lăn tảng đá lớn lấp cửa mộ ra để vào trong mà xức dầu thơm cho Người?” Nhưng chuyện không ngờ đã xảy ra. Vừa đến mộ thì một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt các chị: tảng đá đã bị ai đó lăn ra. Chị vội nghĩ ngay đến chuyện chẳng lành xảy đến cho thi hài của Thầy mình, nên chị liền chạy về gặp ông Phêrô và Gioan. Chị hốt hoảng nói: “Người ta đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu?”

– Thế hai ông có tin lời chị không? Và họ đã làm gì?

Lúc đầu hai ông chưa hiểu lắm, nhưng sự hối hả và hoang mang của chị khiến hai ông cũng vội vã đi ra mộ. Chị chạy theo sau. Khi ra đến nơi, hai ông ấy chứng kiến ngôi mộ trống, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Ðức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Lúc ấy, có vẻ như Gioan đã tin điều gì đó. Khi đến nơi, chị thấy hai ông vừa thẫn thờ vừa lo lắng. Không lo lắng sao được khi xác Thầy không còn nữa, không thẫn thờ sao được trước cảnh tượng vượt tầm kiểm soát của các ông, cho dẫu Kinh Thánh có nói đến việc Ðức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Thế rồi, hai ông lủi thủi trở về nhà.

– Chuyện gì đã xảy đến cho chị lúc ấy?

Lúc ấy chị buồn lắm, chỉ biết đứng ngoài mộ mà khóc, khóc như một em bé bị mất cha, mất mẹ. Lòng chị nát tan và chẳng biết phải làm gì! Chị chỉ biết nhìn vào ngôi mộ trống mà khóc thôi. Nhưng đang khi nhìn, chị thấy hai người mặc áo trắng tinh ngồi ở nơi đặt thi hài của Ðức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Sau này chị mới biết họ là các thiên thần. Họ hỏi chị: “Này bà, sao bà khóc?” Chị nức nở thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”

– Thế họ có nói cho chị biết kẻ nào đánh cắp thi hài Giêsu không?

Không, họ không nói gì nữa! Nhưng khi định hỏi họ kỹ hơn thì chị cảm nhận có ai đó đứng phía sau mình. Chị ngoái lại thì thấy một người làm vườn. Chị trông ông ấy vừa quen vừa lạ. Ông ấy hỏi: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Chị cảm thấy ông ấy có vẻ hiểu tâm trạng của chị lúc này, nên mới hỏi lại: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Chị vừa hỏi vừa chỉ cho ông ấy thấy ngôi mộ trống. Đúng lúc ấy, ông ta gọi chị: “Maria!” Chị quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghĩa là ‘lạy Thầy’).

-Xin lỗi, em có chút tò mò. Sao chị biết là Thầy Giêsu mà đáp lại như thế?

Em à, chị không thể nào quên được tiếng gọi ấy. Giọng nói ngọt ngào mà Thầy thường thốt ra khi rao giảng Tin Mừng. Thật đấy! Lúc đi theo Thầy, chị thường được nghe tiếng gọi thân quen ấy. Giọng nói của Thầy luôn trìu mến để mời gọi chúng ta kết thân với Người. Vì là tiếng gọi của tình yêu nên Người muốn gọi đích danh! Lúc này, chị không tin vào mắt mình nữa! Chị vui mừng ôm chầm lấy Người, không để cho Người xa chị nữa, không để ai lấy Người đi xa chị nữa. Ôi, Chúa Giêsu đã phục sinh và đang ở với chị. Đó là sự thật!

Chị đang còn ngỡ ngàng trước mầu nhiệm Phục sinh thì Ðức Giêsu bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” Trái tim chị chan chứa niềm vui, lòng chị ngập tràn hạnh phúc vì Chúa phục sinh đã hiện ra với chị. Sau đó, Chúa Giêsu liền biến mất, chị lập tức đi loan báo Tin mừng trọng đại này cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa!” Chị muốn lặp đi lặp lại thật nhiều lần: “Tôi đã thấy Chúa!”, muốn kể lại những điều Người đã nói với chị để mọi người tin rằng Chúa đã sống lại. Nhờ đó, muôn dân được cứu độ!

– Em thấy chị thật có phúc vì Chúa Phục sinh đã ưu ái hiện ra với chị trước tiên!

Đúng thế! Chị vẫn luôn cảm tạ Người đã đến trong cuộc đời chị và ân thưởng cho chị sự sống bất diệt. Chị nghĩ thời đại nào Chúa Giêsu cũng đang hiện ra với từng người. Vấn đề là họ có nhận ra Người đang hiện diện hay không mà thôi. Chị chắc chắn với em một điều là những ai đụng chạm và gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh, người ấy sẽ có sự sống, có tình yêu và có ơn cứu độ nơi mình.

Ước gì em cũng rộng mở trái tim để can đảm bước trên con đường thập giá, để đón nhận Tin mừng phục sinh của Giêsu đến trong cuộc đời của em. Chúc em luôn nhận được ơn lành của Chúa Phục Sinh!

– Em cảm ơn lời chúc thánh thiện của chị! Cảm ơn chị vì những giây phút trải lòng quý giá của chị!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Bài học từ cha tôi!

  Quan sát một ông cụ 82 tuổi sửa máy hút bụi gợi mở một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *