Trong tuần thứ 3 Mùa Chay này, chúng ta được mời gọi tìm kiếm Thiên Chúa ngang qua việc thực hành Phút Hồi Tâm. Bằng việc nhìn lại ngày sống của mình, chúng ta sẽ khám phá ra những quà tặng đến từ Thiên Chúa và trở nên tự do hơn trong đời sống của mình.
Thánh Inhã Loyola đề nghị một số cách để nhìn lại ngày sống. Nếu bạn làm Phút Hồi Tâm này vào buổi tối, hãy nhìn lại cả ngày sống để duyệt xét những gì bạn đã làm hoặc chưa làm. Bạn có thể nhìn lại theo từng khoảng thời gian, từng giờ hoặc từng hoạt động một. Nếu bạn làm Phút Hồi Tâm vào sáng sớm, hãy nhìn lại ngày hôm trước và hướng sang ngày hôm nay. Một cách khác để làm Phút Hồi Tâm là tập trung vào một hành động hay một thái độ, một nhân đức hay một thói xấu.
Khi làm Phút Hồi Tâm là chúng ta đang tập chọn lựa cách tự do. Chúng ta nhìn lại những thói quen đặc trưng thôi thúc hoặc có thể cản trở sự tự do nội tâm của chúng ta. Các giới răn, lệnh truyền của Chúa ngăn cấm chúng ta làm những gì gây tổn hại cho đời sống thiêng liêng của mình. Các lệnh truyền của Chúa là để bảo vệ sự tự do của chúng ta và thậm chí mở rộng sự tự do ấy.
Khi tự xét mình trong Phút Hồi Tâm, chúng ta lấy lại sự tự do của chính chúng ta. Điều này được khởi đầu bằng việc chúng ta gọi tên những quà tặng và sức mạnh Chúa đã ban cho chúng ta trong ngày sống. Những quà tặng chúng ta được nhận lãnh sẽ tỏ lộ điều Thiên Chúa hy vọng nơi chúng ta. Sự tự do lâu bền của chúng ta hệ ở việc chúng ta đón nhận những ân sủng, quà tặng – mỗi quà tặng và tất cả quà tặng – mà Chúa đã ban cho chúng ta.
Bất kỳ ý tưởng nào cho rằng Phút Hồi Tâm là một thực hành quy về bản thân đều là sai lầm. Trước hết, bởi vì chúng ta sống trong các mối tương quan, nên chúng ta không thể nhận biết chính mình bên ngoài các mối tương quan ấy. Thứ đến, vì chính những quà tặng mà chúng ta tạ ơn Chúa, cho nên Phút Hồi Tâm không chỉ là giây phút chúng ta nhìn lại những món quà được ban riêng cho chúng ta, mà còn là lúc nhìn lại những người mà Chúa gửi đến cho ta và ta cho họ. Đây chính là điều Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài đề cập đến việc “tuân giữ” lề luật: chúng ta tuân giữa lề luật này vì tình yêu đối với Thiên Chúa, đối với người lân cận và đối với chính mình.
Joseph Tetlow, S.J