Quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản


QUẢN LÝ 
CÁC NGUỒN

TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN VÀ KHOÁNG SẢN

1. Bối cảnh của chúng ta: Thách đố trong việc sống hài hòa với thụ tạo

Sustainable-world-1024x667

1. Tổng hội 35 (TH 35) của Dòng Tên đã kêu gọi sự lưu tâm đến nhiều thay đổi do hiện tượng toàn cầu hóa mang lại[1], và để đáp lại lời kêu gọi này, Văn phòng Công bình Xã hội và Sinh thái học của Dòng (The Social Justice and Ecology Secretariat – SJES) đã thiết lập năm mạng lưới biện hộ: hòa bình và quyền con người, quyền giáo dục, di trú, sinh thái học, và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản.

2. TH 35 cũng đã nhận ra mối quan hệ nền tảng giữa chúng ta với thụ tạo và đã kêu gọi việc đào sâu mối quan hệ này với quà tặng sự sống của Thiên Chúa. Mối quan hệ này đụng chạm đến cốt lõi đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa và tình yêu dành cho Người.[2]

3. Nhân loại được tặng ban sự sống, và chúng ta ngợi khen với lòng biết ơn về quà tặng là tất cả mọi thụ tạo. Do đó, chúng ta lãnh nhận trách nhiệm, cùng với niềm hy vọng nhằm duy trì bền vững trái đất và tìm kiếm những cơ hội cho sự phát triển nhân bản đích thực.[3] Chúng ta cũng nhận ra rằng nhiều người đã coi thụ tạo là có tính vật chất, có thể chuyển hóa và có thể tiêu thụ được. Như một phần trong sứ mạng của Dòng là chữa lành tương quan của chúng ta với thụ tạo[4], chúng ta được mời gọi đáp lại, để nhờ đó, chúng ta có thể sống hòa hợp với thụ tạo. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản cung cấp sự phong phú, nguồn dự trữ và những phương tiện nâng cao hạnh phúc và phẩm giá của chúng ta. Tuy nhiên, cách thức tiếp cận được thực hiện nhằm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản thường có thể bị điều khiển bởi sự tham lam và sự khai thác bừa bãi. Điều này xảy ra ở đâu thì nơi đó người nghèo và những người dễ bị tổn thương sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, cũng có những hậu quả lớn hơn đối với tất cả chúng ta, bao gồm sự phá hủy môi trường tự nhiên và sự gia tăng nhanh chóng tình trạng biến đổi khí hậu.

2. Kinh nghiệm

advocacy4. Chúng tôi là một nhóm các tổ chức có liên hệ với Dòng Tên, đã cam kết sống đức tin, một đức tin nhằm thực thi công bình, với một sự lưu tâm đặc biệt dành cho những người đang bị bần cùng hóa và những người bị loại trừ trong thế giới chúng ta. Chúng tôi đã chứng kiến cách thức qua đó, nhiều cộng đồng dân tộc bản địa và nông thôn đã có thể duy trì môi trường tự nhiên của họ, rút ra từ môi trường đó những gì họ cần để sống, để phát triển và để đạt đến sự thành toàn trong đời sống. Bây giờ, chính những cộng đồng này thường gánh chịu những tác động tệ hại do việc mở rộng ranh giới của việc khai khoáng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản. Việc quản lý yếu kém các nguồn tài nguyên dẫn đến tình trạng suy thoái môi trường, làm mất những cánh rừng, thoái hóa đất và suy giảm tính đa dạng sinh học, tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước. Điều này đưa đến bệnh tật, suy giảm chất lượng sống, và phá hủy sinh kế của những cộng đồng, đặc biệt những cộng đồng xưa nay đã phát triển một nền văn hóa quản lý bền vững các nguồn tài nguyên này.

5. Tuy nhiên, các hậu quả của những sắp xếp hiện nay liên quan đến việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản vượt quá phạm vi những cộng đồng riêng lẻ. Chúng đưa đến một loạt những hậu quả vừa phụ thuộc nhau vừa đối nghịch nơi các địa phương, các nước và trên toàn thế giới. Những hậu quả này bao gồm các cuộc xung đột, di dân và di cư, vi phạm quyền con người, bóc lột kinh tế – và chính những người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội và những cộng đồng người bản địa là những người gánh chịu những hậu quả tệ hại này. Bản chất phức tạp của vấn đề này nhắc cho chúng ta nhớ lại lời của Mahatma Gandhi: “Thế giới đủ cho nhu cầu của mọi người, nhưng lại không đủ cho lòng tham của một ai đó.”[5]

6. Qua công việc của chúng tôi, chúng tôi chẳng những thấy hậu quả tiêu cực của lối tiếp cận hiện nay của chúng ta tới việc quản lý các nguồn tài nguyên, mà còn thấy việc biện hộ hiệu quả có thể ngăn chặn hay giảm bớt những tác động xấu lên trên các cộng đồng dễ bị tổn thương như thế nào.

          – Châu Phi được ban tặng dư dật các nguồn tài nguyên, tuy vậy Dòng Tên tại châu Phi đã chứng kiến việc khai thác các nguồn tài nguyên này, thường bởi các công ty nước ngoài cấu kết với chính quyền, đã làm gia tăng tình trạng nghèo đói và phá hủy môi trường nghiêm trọng như thế nào. Ví dụ, ở Chad, một cơ cấu về phân phối lợi tức là kết quả của việc khai khoáng tài nguyên đã tồn tại trong trong vòng năm năm. Tuy nhiên, chính phủ đã đột ngột thay thế những yếu tố then chốt của cơ cấu phân phối này bằng việc đưa vào những ưu tiên mới (như tăng cường quân lực), hủy bỏ các quỹ đã lập ra nhằm cung ứng cho những nhu cầu của những thế hệ tương lai, và tăng tỉ lệ lợi tức (từ 10%  lên 15%), chia cho việc vận hành của chính phủ. Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi được phú ban dồi dào các nguồn khoáng sản, tại đây có một sự kết nối chặt chẽ giữa việc khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên với những cuộc xung đột bạo lực và những cuộc chiến tranh[6], những điều này trực tiếp hay gián tiếp gây ra hàng triệu cái chết và xé đất nước ra thành từng phần, đặc biệt đã đẩy vùng phía đông của nước này vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo và thường xuyên mất an ninh. Các nhóm có vũ trang cũng kiếm quỹ cho mình bằng việc tiến hành khai thác khoáng sản. Nơi đây cũng xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường do việc khai thác những mỏ quặng quy mô nhỏ, với độ nguy hiểm cao, được thực hiện trong những điều kiện sống và làm việc tồi tệ. Xã hội dân sự đang nỗ lực để xây dựng một bộ luật về khai khoáng cho cả nước, một bộ luật được thay đổi để đem lại sự minh bạch hơn, có tính trách nhiệm giải trình hơn (accountability), và đem lại sự tham gia nhiều hơn cho các cộng đồng địa phương.[7]

mine

          – Tại Nam Á, nguồn nước, rừng, và thậm chí đất đai, nơi mà các dân bộ lạc (những người tự cho mình là dân bản địa) sinh sống dựa vào đó, cũng đã bị các công ty khai khoáng chiếm hữu mà không có sự đồng ý của họ, và đôi khi chiếm hữu bằng bạo lực. Kết quả là những khu vực khai khoáng đã trở thành những nơi diễn ra xung đột.[8] Những công ty khai khoáng và công nghiệp lớn đang tìm cách đạt được sự nhượng lại việc khai khoáng ở Trung Ấn, và đang có kế hoạch xây dựng những con đập thủy điện khổng lồ ở phía Bắc Ấn Độ, chiếm lấy đất đai mà các cộng đồng bản địa ở đây đang cư ngụ.[9] Tại những khu vực này, kháng cự lại việc di dân cưỡng bức bị coi như là một hành vi chống lại quốc gia và sẽ bị đàn áp bằng bạo lực. Các quyền con người của những người dân chống lại việc truất hữu này bị xâm phạm. Nạn tham nhũng ở cấp độ cao đã được báo cáo trong việc chia chác các hợp đồng khai khoáng ký kết với các công ty tư nhân – khai thác than đá trên khắp Ấn Độ, khai thác đồng ở vùng Đông Ấn, và khai thác quặng sắt ở vùng Tây và Nam Ấn. Tại Goa, vùng Tây Ấn, một vài thành công đã đạt được trong việc huy động cộng đồng tham gia vào chiến dịch ngăn chặn việc mở rộng những Đặc khu Kinh tế (Special Economic Zones – SEZ). Tại Afghanistan và các vùng của Pakistan, việc tranh giành những nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản đã trở thành một yếu tố đưa đến những vụ can thiệp vũ trang từ nước ngoài, và gây ra những vụ xung đột liên tục. Những cuộc xung đột này đã khiến hàng triệu người mất nhà cửa[10] và đẩy người nghèo đến bờ vực của cái chết. Chúng ta đã thấy, ở Sri Lanka, nghị  trình chính trị thời hậu nội chiến đã mời mọc nhiều công ty nước ngoài bao nhiêu có thể nhằm khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của hòn đảo này. Tại Bangladesh, những nhu cầu của thị trường năng lượng trong nước nhằm khai thác nhiều hơn chất đốt tự nhiên dành để dự trữ đang gây ra mối căng thẳng giữa chính phủ và người dân, giữa Ấn Độ và Bangladesh. Do đó, bây giờ việc tìm kiếm khoáng sản là nguồn gốc chính gây ra sự căng thẳng và dẫn đến việc vi phạm quyền con người.

          – Tại châu Mỹ Latinh, sự suy thoái môi trường tự nhiên do các ngành công nghiệp khai khoáng gây ra đã tác động trực tiếp lên sức khỏe và phương kế sinh nhai của các cộng đồng. Tại La Oroya, Peru, những nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng đã chỉ ra rằng, trẻ em trong cộng đồng bị nhiễm độc chì gây ra do việc nhiễm phải từ khu công nghiệp luyện kim của công ty Doe Run (Peru). Tại Columbia, việc công ty El Cerrejón mở những mỏ khai thác than đá ở vùng Guajira đã gây ô nhiễm cho môi trường địa phương, và ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân bản địa tại địa phương và của các cộng đồng người Afro-Columbia. Các công ty khai khoáng đã có những kế hoạch nhằm thay đổi dòng chảy của con sông Rancheria, con sông này là nguồn nước duy nhất cho nhiều cộng đồng địa phương ở vùng Guajira. Việc con người ra sức khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản cũng đã dẫn đến sự chia rẽ và xung đột bên trong những cộng đồng khắp châu Mỹ Latinh. Những thành viên của cộng đồng bản địa Guaraní-Kaiowá ở Brazil đã trở thành nạn nhân của bạo lực khi họ hưởng ứng chiến dịch chống lại việc bắt di dời khỏi vùng đất của họ vì lợi ích của việc khai khoáng. Các cộng đồng ở những vùng rừng thuộc Tetel, Mexico, thung lũng Huasco ở Chilê, và vùng Famatina ở Argentina, tiếp tục tham gia tranh đấu nhằm ngăn chặn việc khai thác vùng đất của họ. Những cuộc tranh đấu này thường mang tính quốc gia, chẳng hạn như “các cuộc chiến khí đốt” ở Bolivia, hay chiến dịch vì những người Honduras để thỏa thuận với quốc hội của những đất nước này phê chuẩn Luật Khai khoáng. Trong các nỗ lực giải quyết những tình thế này, một số tổ chức của Dòng đã đảm nhận các nghiên cứu và tìm tòi, đưa ra những tuyên bố công khai và đã tham gia vào những hoạt động phản đối của những cộng đồng bị ảnh hưởng. Những tổ chức này chống lại những sự bất công và những hậu quả kinh khủng của việc khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản.[11]

          – Tại Bắc Mỹ (Canada và Hoa Kỳ), những tổ chức xã hội dân sự bao gồm các giáo hội, các liên đoàn lao động, và các tổ chức phi chính phủ (non-governmental organizations – NGOs), vận động cho những cộng đồng quyền thỏa thuận trước, trong tự do, và được thông tin (free, prior and informed consent – FPIC) về những sự phát triển ảnh hưởng đến phúc lợi của cộng đồng, và vận động cho việc ràng buộc pháp lý, đòi hỏi những công ty khai khoáng Canada hoạt động ngoài nước phải tuân theo. Những tổ chức này cũng đảm nhận việc biện hộ cho các cổ đông, vì hiện nay, hơn 40% vốn tư bản khai khoáng toàn cầu được huy động tại sàn giao dịch chứng khoán Canada.

Lockup NHS Aboriginal 20130508

          – Tại châu Á và châu Đại Dương, những hệ sinh thái mong manh mà người dân bản địa và các cộng đồng khác dựa vào đã bị suy thoái do việc khai khoáng. Trong vòng vài thập kỷ, những hoạt động khai khoáng ở Bougainville, Papua New Guinea và ở Grasberg-Ertsberd, Indonesia đã phá hủy môi trường một cách nghiêm trọng và mang lại rất ít lợi ích kinh tế cho những cộng đồng tại địa phương và cho nền kinh tế quốc gia. Tại Philippines, chất thải còn lại sau khai khoáng đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nơi mà các cộng đồng địa phương dựa vào đó để sinh sống. Trên khắp vùng, hiện tượng tương đối mới mẻ của việc khai thác đất hiếm (được sử dụng trong nhiều thiết bị điện tử hiện đại) giờ đây chịu trách nhiệm về việc hủy hoại cảnh quang địa phương, và cũng có vấn đề đối với việc khai khoáng quy mô nhỏ và thủ công. Những công ty khai khoáng đã chia rẽ các cộng đồng địa phương, và trong một số trường hợp, đã kích động bạo lực nhằm theo đuổi các kế hoạch gây tranh cãi để khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản. Mặc dù các quốc gia, như Úc và Philippines, đã thực hiện tiến trình pháp lý yêu cầu người dân bản địa cho phép sự thỏa thuận trước, trong tự do, và được thông tin, trước khi khai khoáng trên vùng đất của họ, nhưng điều này thường liên quan đến cấp lãnh đạo địa phương, trong khi cộng đồng không hề hiểu hết những hậu quả của việc khai khoáng. Các chính phủ và cộng đồng ở châu Á và châu Đại Dương phải chuyển sự tập trung của mình vào những lời hứa hẹn, thường là giả dối, liên quan đến tài chính khi khai khoáng, sang tập trung vào những tác động về mặt môi trường và xã hội của việc khai khoáng. Đặc biệt, đây là trường hợp của những nhóm dân bản địa, những người mà vùng đất cha ông họ để lại thường ẩn chứa khối lượng lớn những mỏ quặng quý hiếm.

          – Tại châu Âu, những tổ chức Dòng Tên, là một phần của nỗ lực xã hội dân sự lớn hơn. Nỗ lực này nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của những công ty khai khoáng châu Âu. Điều này liên hệ đến việc nghiên cứu, cam kết và đối thoại với những cơ chế của châu Âu, bao gồm Ủy ban và Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên, sự tiến triển hướng đến quy định cho cả châu Âu (Europe-wide regulation) thường gặp nhiều trở ngại từ việc thiếu nhất quán trong những tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

3. Suy tư

Mở rộng các ranh giới khai khoáng

7. Khi các ranh giới của việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản mở rộng, cần có sự biện hộ hiệu quả, hỗ trợ cho người dễ bị tổn thương và người bị gạt ra bên lề. Việc khai khoáng và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khai thác gỗ, tiếp tục lan rộng đến những khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái và mặt xã hội. Do nhu cầu về các nguồn tài nguyên luôn gia tăng, hàng tỉ đô la đầu tư cho việc thăm dò và phát triển các mỏ quặng mới và giếng dầu mới đã được đổ ra. Nhu cầu này đến từ những nền kinh tế đang nổi lên như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi, cũng như từ những nước vốn đã giàu có thuộc ‘bắc bán cầu’, và nhu cầu này là hậu quả của một hệ thống kinh tế đo lường thành công dựa trên sự giàu có tài chính. Hệ thống kinh tế này phần lớn làm lợi cho một nhóm riêng, nhưng lại không màng đến môi trường và những nguồn tài nguyên thiên nhiên, vốn rất cần thiết cho các thế hệ tương lai. Các chính phủ là một phần của hệ thống này, bởi vì họ hỗ trợ và cho phép các công ty khai khoáng chiếm hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều này gây ra một mối đe dọa cho đất đai, sự đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên khác, là những điều mà người dân và cộng đồng dựa vào đó để sinh sống. Những thay đổi trong việc sử dụng đất do hoạt động khai khoáng cũng làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu. Chúng ta đã có đầy đủ tài liệu về những tác động tiêu cực của những điều này trên những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ và người dân bản địa. Trên mọi châu lục, nhu cầu về khoáng sản cũng mang lại sinh kế cho hàng triệu con người làm việc như những thợ mỏ thủ công ở quy mô  nhỏ lẻ – một hình thức khai thác mỏ đáng lưu ý vì thù lao rẻ mạt, điều kiện lao động nguy hiểm và những ảnh hưởng đưa đến sự tàn phá môi trường.

Chúng ta ý thức về thiệt hại gây ra do việc khai thác gỗ, do một nền nông nghiệp đồn điền quy mô lớn, và việc làm cạn kiệt những tầng địa chất ngậm nước (aquifers). Những điều này cũng có ảnh hưởng tàn phá tương đương lên trên những cộng đồng người nghèo và người bản địa. Tuy nhiên, điểm tập trung của chúng ta hiện nay sẽ là việc biện hộ nhắm vào những ngành công nghiệp khai khoáng.

lumber

Sự phát triển kinh tế bất công

8. Việc khai khoáng và khai thác được biện minh nhân danh sự phát triển kinh tế, nhưng có quá ít những lợi nhuận trực tiếp đến được với những cộng đồng nghèo, và một cách thường xuyên, lợi tức các công ty khai khoáng phải trả cho các chính phủ luôn bị che phủ trong màn bí mật. Hơn nữa, tại nhiều nước, các chính phủ sử dụng tính cấp bách của việc phát triển quốc gia để biện minh cho những cải cách, nới lỏng các quy định và cho phép việc thăm dò và khai thác bừa bãi. Căn tính của các cộng đồng nhỏ hơn bị phớt lờ và bị bóp nghẹt bởi việc khẳng định căn tính và vận mệnh của quốc gia. Đồng thời, có một sự tương phản sâu sắc giữa thu nhập tài chính khổng lồ mà các cá nhân, các công ty và các chính phủ kiếm được từ việc khai thác các nguồn tài nguyên và tình trạng bần cùng, bất an và lo sợ, vốn là những điều thường xảy ra nơi những cộng đồng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai mỏ. Sự mất cân đối to lớn về quyền lực, giữa một bên là những công ty dầu mỏ quốc gia và đa quốc gia, với bên kia là những cộng đồng đang đấu tranh để có tiếng nói, là một vấn đề tại những quốc gia đang phát triển. Quyền lực và ảnh hưởng của những công ty này được phản ánh càng lúc càng nhiều nơi luật pháp và quy định có lợi cho nhà đầu tư, và lấy đi sự bảo vệ trong hiến pháp mà các cộng đồng dễ bị tổn thương có quyền được hưởng.

Những hậu quả sinh thái và xã hội của việc khai khoáng nguồn tài nguyên

9. Sự mở rộng liên tục ranh giới khai khoáng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản đòi hỏi nhìn lại những cách thức tiếp cận hiện nay đối với sự phát triển kinh tế. Chúng ta tin rằng, những chiến lược phát triển nhấn mạnh vào tăng trưởng vật chất đến mức loại trừ những quan tâm khác sẽ khó lòng mang lại những cải thiện cho phúc lợi của cá nhân và cộng đồng. Trong thông điệp Bác ái trong Chân lý (Caritas in Veritate ) (s. 38), Đức giáo hoàng Benedict XVI đã tuyên bố rằng mô hình này không giữ cho trái đất và môi trường được bền vững. Ngược lại, nó sẽ phá vỡ và hủy hoại chu kỳ và cân bằng sinh thái vốn đã phát triển và tiến hóa qua hàng ngàn năm. Vì thế, mô hình này là nguyên nhân của những biến động xã hội nghiêm trọng và của những nguy cơ cao về sinh thái, bao gồm việc biến đổi khí hậu. Và cuối cùng, nó khiến nhiều người bị gạt ra bên lề xã hội hơn, gây ra những bất công xã hội rõ nét hơn và đưa đến tình trạng bạo lực nhiều hơn.

Bạo lực và sự đàn áp

10. Việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phản ứng của cộng đồng thường dẫn đến hậu quả là bạo động, dùng bạo động trả đũa, và tình trạng quân sự hóa tiếp diễn. Quy tội cho việc phản đối xã hội hợp pháp, và quy tội cho hoạt động của công đoàn liên quan đến những dự án phát triển, là một khuynh hướng đang lớn dần ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á. Nhiều người trong chúng ta đã chứng kiến bạo động và chết chóc ngay tại ngưỡng cửa nơi chúng ta làm việc. Khi các cộng đồng cố gắng bảo vệ sinh kế và môi trường của họ thì những người muốn chiếm hữu các nguồn tài nguyên thường đáp lại bằng bạo lực, huy động cảnh sát, lực lượng an ninh, và thậm chí bằng các thành phần tội phạm, để đàn áp những cuộc phản đối. Sự kháng cự của người dân cộng với sự đàn áp tạo ra một bầu khí bạo động. Chúng ta đã thấy vòng lẩn quẩn của bạo động và bạo động trả đũa này xảy ra ở Nam và Đông Nam Á, Đông, Tây và Trung Phi, và một vài vùng ở châu Mỹ Latinh.

Vắng bóng sự thỏa thuận trước, trong tự do, và được thông tin

11. Mặc dù, thường các công ty nhảy vào chiếm hữu và khai thác các nguồn tài nguyên, nhưng họ làm điều này với sự cho phép và hỗ trợ của các chính quyền địa phương và / hoặc chính quyền cả nước. Việc tìm kiếm sự phát triển kinh tế đã dẫn đưa các chính phủ bước vào những cuộc dàn xếp với các công ty cho việc khai khoáng các nguồn tài nguyên, và thường ít quan tâm đến quyền và phúc lợi của những cộng đồng đang sinh sống nơi những vùng đất chịu ảnh hưởng. Hiếm khi những cộng đồng như thế có được quyền về sự thỏa thuận trước, trong tự do, và được thông tin, về việc khai thác các khoáng sản và tài nguyên trên những vùng đất mà họ đã có những ràng buộc lịch sử và văn hóa sâu xa, và cũng là nơi mà họ đã sinh sống ổn định qua nhiều thế hệ. Ở đâu các luật lệ và những chính sách quốc gia được đặt ra, và cộng đồng có quyền sử dụng chúng, thì ở đó các luật lệ và chính sách này có thể có hiệu quả. Những sáng kiến, chẳng hạn như Đạo luật Dodd Frank ở Hoa Kỳ và Đạo luật về Quyền thông tin ở Ấn Độ, cung cấp những công cụ mạnh mẽ để lấy thông tin và đảm bảo cho người dân có tiếng nói trong việc đưa ra những quyết định liên quan đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, luật lệ và chính sách mỗi nước mỗi khác, và trong nhiều nước, chúng ngã về phía lợi ích của những người giàu có và thế lực.

Những nỗ lực biện hộ toàn cầu đang nổi lên

12. Tiến trình khai khoáng và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản thường vượt ra ngoài những biên giới địa phương và quốc gia. Cần có sự biện hộ xuyên quốc gia về việc đưa ra quy định về khai khoáng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản nhằm đáp ứng các hoạt động của những công ty dầu và quặng mỏ đa quốc gia, trong một nền kinh tế toàn cầu hóa ngày một gia tăng. Sự biện hộ quốc tế đã đưa đến nhiều sáng kiến như Sáng kiến Minh bạch của những Ngành công nghiệp khai khoáng (Extractive Industries Transparency Initiative-EITI), Cơ cấu Bảo vệ và Tôn trọng của Liên hiệp quốc (The UN Protect and Respect Framwork), cơ cấu có tính khu vực trong Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi. Mặc dù có một số tiến bộ nào đó nhưng những sáng kiến này vẫn còn những hạn chế của nó. Việc tham gia vào những  chương trình này thường mang tính tự nguyện, như trong trường hợp của EITI, và cách giải quyết trong những chương trình này có thể bị giới hạn, như trong trường hợp liên quan tới Cơ cấu Bảo vệ và Tôn trọng của Liên hiệp quốc.

Chia sẻ trách nhiệmpeople participation

13. Từ kinh nghiệm của chúng ta, chúng ta đã có được sự hiểu biết cả về những thúc đẩy mang tính phức tạp và liên hệ với nhau lẫn những hậu quả của việc tiếp cận hiện nay với sự quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản. Sự phức tạp này một phần phản ánh sự liên kết lẫn nhau trong thế giới hiện đại của chúng ta như đã được TH 35 nhắc đến. Sự phức tạp này có khả năng ủng hộ cũng như cản trở những nỗ lực biện hộ. Những cộng đồng thường mở ra cho những nỗ lực này khả năng cam kết và thương lượng với các công ty và các nhà chức trách quốc gia hoặc địa phương. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng này hiếm khi thành công trong việc ngăn chặn các công ty tiếp tục việc khai mỏ, hoặc buộc họ ít nhất phải chấp nhận làm điều tốt nhất để bảo vệ môi trường. Rõ ràng, những ý niệm về chia sẻ trách nhiệm thì có tính quan trọng, và những nỗ lực biện hộ như thế phải được tập trung trên nhiều cấp độ, kêu gọi sự dấn thân và tham gia trong Dòng Tên, trong các cộng động địa phương, các quốc gia và các cơ chế quốc tế.

Các mô hình hiện đại cho phát triển và lối sống mang tính thách đố

14. Khắp thế giới, nhiều cộng đồng đang lên tiếng đòi hỏi những mô hình phát triển đúng đắn hơn về mặt sinh thái và xã hội. Đôi khi, trong những cộng đồng của người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội, hành động tập thể đã ngăn chặn việc khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và đảm bảo rằng những cộng đồng đó đã nhận được những lợi ích xứng đáng của họ từ những dự án khai khoáng. Việc biện hộ thành công ngang qua những tổ chức xã hội dân sự quốc tế cũng cho thấy rằng, người ta ngày càng ý thức về tính chất liên kết của một cộng đồng toàn cầu rộng lớn hơn, và về tác động của lối sống chúng ta lên trên những người khác. Tuy nhiên, đối với những cộng đồng sung túc, người ta đòi hỏi họ phải có ý thức hơn về tác động của lối sống của họ lên trên môi trường và trên những người đồng loại. Đặc biệt, chúng ta phải hiểu rằng, những sản phẩm mà nhiều người trên khắp thế giới coi là thiết yếu cho đời sống hiện đại, như xe hơi, máy vi tính và điện thoại di động, đều được làm từ và hoạt động được nhờ những nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản. Và chúng ta cũng phải hiểu rằng, những kiểu lựa chọn và tiêu thụ hằng ngày của lớp người khá giả sẽ có một tác động tiêu cực trên những người cùng khổ, bị gạt ra bên lề xã hội, và lên trên môi trường.

4. Cung cách hành xử của chúng ta

15. Nhờ rút ra từ truyền thống di sản Inhã của chúng ta[12], từ Giáo huấn Xã hội Công giáo[13], và từ kinh nghiệm của chúng ta dựa trên sự dấn thân trực tiếp của chúng ta với người dân và với những cộng đồng chịu ảnh hưởng, và nhờ suy tư, phân tích những nguyên tắc (bao gồm cả luật quốc tế về các quyền con người), và bằng chứng từ việc nghiên cứu hiệu quả, chúng ta đã nhận thấy một loạt những nguyên tắc cho một lối tiếp cận phù hợp hơn với việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, và với cung cách hành xử của chúng ta:

Hòa bình và thăng tiến phẩm giá

16. Mỗi người đều có quyền có một đời sống xứng với phẩm giá. Những mô hình phát triển phải đảm bảo rằng những nhu cầu cơ bản của mỗi một con người được đáp ứng. Do đó, người ta phải xây đắp một sự an bình đích thực, một sự an bình không đơn thuần chỉ là sự vắng bóng những xung đột vũ trang, nhưng là một xã hội trong đó mọi người có quyền có một cuộc sống xứng với phẩm giá. Việc sử dụng tài nguyên phải nâng cao phẩm giá của mỗi cá nhân và của các cộng đồng, hơn là chia người ta thành kẻ thắng người thua.

Bình đẳng và công bình

17. Mỗi người và mỗi cộng đồng phải có cơ hội phát triển ngang nhau trong thế giới này. Những tác động nặng nề nhất của việc khai khoáng, khai thác, sử dụng và chuyển nhượng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản trút xuống những cá nhân và cộng đồng cụ thể, đặc biệt là người nghèo, những cộng đồng dân bản địa và vùng quê, và phụ nữ. Bình đẳng và công bình đòi hỏi ta không  chỉ làm nhẹ đi hay loại bỏ những tác động bất cân xứng này mà thôi. Chúng ta còn tin rằng cần phải hành động tích cực để thăng tiến phẩm giá, và cung cấp cho các cá nhân và cộng đồng những cơ hội để họ thực hiện những hy vọng của họ, và hoàn thành trọn vẹn tiềm năng con người nơi họ.

Hy vọng và liên đới

18. Bản chất có tính phức tạp và liên kết của những nguyên nhân và kết quả của việc khai khoáng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản đòi hỏi chúng ta phải kiến tạo những tương quan mới mẻ, và dấn thân nhằm đưa đến một sự thay đổi, sự thay đổi này sẽ khiến cho những niềm hy vọng và khát vọng trở thành hiện thực. Trong tình liên đới, chúng ta đứng về phía những cộng đồng và những nhóm chịu ảnh hưởng của việc khai khoáng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là người nghèo và phụ nữ. Ngang qua các hoạt động của chúng ta, chúng ta cố gắng thúc đẩy sự liên đới về ý thức và hành động giữa các cá nhân và các cộng đồng khắp nơi trên thế giới.

Chức vụ quản lý

19. Các nguồn tài nguyên phải được quản lý một cách thận trọng, nghĩa là ý thức rằng chúng không phải là vô hạn, và ý thức rằng chúng ta là người canh giữ, không những cho chính chúng ta, mà còn cho những thế hệ tương lai, là những người sẽ dựa vào các nguồn tài nguyên này.

Công ích

accountability-in-the-hou-00720. Công ích là nguyên tắc chính chi phối việc quản lý tài nguyên như thế. Cần phải đảo ngược những tiến trình tạo ra những nhóm người và những tổ chức nào đó chiếm hữu các nguồn tài nguyên và hướng chúng đến lợi ích của một số ít mà hy sinh lợi ích của số đông.  Khi giữ nguyên tắc công ích, tất cả mọi người và tất cả các nhóm xã hội được cung cấp những cơ hội để đạt được tiềm năng của mình. Điều quan trọng hơn cả là không được cung cấp và không thể cung cấp những cơ hội ấy khi việc này xâm phạm quyền của các nhóm thiểu số. Công ích không thể được tính toán chỉ về mặt kinh tế, nhưng còn phải bao gồm việc suy xét đến điều cấp thiết, ít đụng chạm được, như căn tính, văn hóa và các môi trường lành mạnh. Việc quản trị đích thực các nguồn tài nguyên phải đảm bảo rằng những lợi ích đến được với tất cả các nhóm và tất cả mọi người, và đảm bảo rằng những nguồn tài nguyên này được gìn giữ thích đáng cho các thế hệ tương lai.

Nguyên tắc đề phòng

21. Chúng ta đã thấy vô số những ví dụ về những hậu quả tiêu cực và không mong muốn của việc khai mỏ và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Những người chúng ta cùng làm việc, và con cái của họ, trong tương lai, phải sống với những hậu quả tai hại này. Vì thế, những nguy cơ phải được xử lý theo nguyên tắc để phòng: “Khi có bất kỳ hoạt động nào đe dọa đến sức khỏe con người và môi trường, thì lúc ấy, biện pháp đề phòng phải sử dụng và tuân thủ, ngay cả khi một vài những quan hệ nhân quả chưa được chứng minh một cách khoa học đầy đủ.”[14] Điều này có thể có nghĩa rằng những hoạt động khai khoáng nào đó phải được dừng lại hoàn toàn.

Tham gia và bổ trợ

22. Việc tham gia có ý nghĩa của các cộng đồng vào những quyết định liên quan đến sinh kế của họ là điều rất quan trọng. Bất cứ quá trình nào gây ảnh hưởng lên các nguồn tài nguyên của người dân và cộng đồng địa phương đều phải được giải thích rõ ràng, bằng một ngôn ngữ phù hợp và theo một cách thế phù hợp với văn hóa. Tiếng nói của người dân và các cộng đồng này phải ở vị trí trung tâm trong mọi quyết định ảnh hưởng đến đời sống của họ. Những quyết định có liên hệ đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản chỉ được đưa ra khi có sự thỏa thuận trước, trong tự do, và được thông tin của các cộng đồng, những người dựa vào các nguồn tài nguyên này để sinh sống. Trong trường hợp của những dân tộc bản địa, quyền này được Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organisation-ILO) 169 và Tuyên bố Ngày 13-9-2007 bảo vệ. Việc tham gia có ý nghĩa mở rộng đến những quyền về thành lập các hội đoàn. Các cộng đồng địa phương phải có quyền tổ chức cộng đồng của mình và có quyền đưa ra quyết định về những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, với điều kiện là họ cũng phải theo sát nguyên tắc công ích. Những lợi ích và những cơ chế bên ngoài phải tôn trọng các quyền này.

Phẩm giá của lao động và sinh kế

23. Quyền của các dân tộc và các cộng đồng để lựa chọn và bảo vệ sinh kế đem lại phẩm giá là điều cơ bản cho hạnh phúc con người. Chỉ những tiến trình đưa ra quyết định cho mọi người và có sự tham gia mới có thể sản sinh và dưỡng nuôi một nền văn hóa nối kết giữa việc bảo vệ các nguồn tài nguyên với những hoạt động sản xuất, là những hoạt động đi xa hơn sự tăng trưởng kinh tế và những lợi ích của hoạt động sản xuất đó, để vươn đến những cộng đồng túng thiếu nhất. Qua hàng thế kỷ, những cộng đồng bản địa và bộ lạc đã coi môi trường thiên nhiên chung quanh họ là nguồn sinh sống, như một di sản cha ông họ để lại, và phải được thế hệ hiện tại sử dụng tùy theo nhu cầu của thế hệ này, theo đòi hỏi cấp thiết của môi trường, và phải được gìn giữ cho con cháu. Khái niệm về quản lý tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai này phải là một phần cơ bản của bất kỳ mô hình phát triển nào.

Sự minh bạch và trách nhiệm giải trình

TransparencyIcon24. Sự minh bạch là điều kiện tiên quyết của trách nhiệm giải trình. Nó liên quan đến chuyện làm cho các cộng đồng và các xã hội lớn hơn có được những thông tin phù hợp về tất cả những gì có liên hệ trong những quyết định ảnh hưởng đến đời sống của các cộng đồng và đến môi trường. Thông tin này phải thể hiện dưới một hình thức có thể tiếp cận được và có thể hiểu được, và cung cấp một sự trình bày toàn diện về tất cả những vấn đề liên quan, như các lớp khoáng sản sẽ được khai thác, kế hoạch khai mỏ, những nguy cơ xảy đến cho môi trường và sức khỏe, các hợp đồng, lợi tức, kế hoạch tái định cư, và tiền hoa hồng phải trả. Trách nhiệm giải trình là khả năng buộc các công ty và các cơ quan chính quyền chịu trách nhiệm về những hành động của họ và, nếu cần, phải đòi cho được việc bồi thường những thiệt hại họ đã gây ra cho các cộng đồng và cho xã hội.

Hành động

25. Mạng lưới về Quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, được hướng dẫn bởi những giá trị Tin Mừng và lý tưởng Inhã, liên đới với những cộng đồng bị ảnh hưởng do việc khai khoáng và khai thác các nguồn tài nguyên, và với những người trên khắp thế giới đang tìm kiếm công bình cho các cộng đồng này. Sau khi suy nghĩ về những kinh nghiệm và nhận định phải làm thế nào, chúng tôi đã xác định những điều cần làm ngay. Chúng tôi đã lập những kế hoạch cho những nỗ lực biện hộ mang tính phối hợp, nhờ rút tỉa được từ những kinh nghiệm và từ sự thành thạo nơi chính các cộng đồng bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã có những kế hoạch nghiên cứu nghiêm ngặt và những bằng chứng khoa học, và có những tổ chức biện hộ địa phương và toàn cầu. Chúng tôi nhắm đến những chính sách, luật pháp, và những thực hành minh bạch và công bình, là những điều sẽ bảo đảm sự tham gia thích hợp của người dân và của những cộng đồng địa phương vào trong tiến trình đưa ra quyết định đó, những tiến trình liên hệ đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, bảo vệ các quyền của họ, chăm sóc trái đất, và tìm kiếm sự phục hồi và bảo vệ môi trường địa phương và sức khỏe cộng đồng. Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là sẽ thúc đẩy và củng cố sự liên đới với những người bị ảnh hưởng từ việc khai mỏ và khai thác các nguồn tài nguyên, cũng như nâng cao các mức độ minh bạch ở bên trong, và trách nhiệm giải trình ở khắp nơi, và tập trung vào việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản. Chúng tôi mời gọi các thành viên của Dòng Tên và những tổ chức của Dòng, cũng như cộng đồng toàn cầu, đứng liên đới với chúng tôi khi chúng tôi dấn thân cho nỗ lực này.

 commitment

(Philipphê Trần Thanh Minh, SJ chuyển ngữ từ tài liệu “Governance of Natural and Mineral Resources” trích trong tạp chí Promotio Iustitiae, n0110, 2013/1)

 


[1]Tổng hội (TH) 35, Nghị Quyết (NQ).3, số (s).10-12, 20, 26.

[2]TH 35, NQ.3 và tài liệu “Chữa lành thế giới bị tan vỡ”, PromotioIustitiae 106.

[3]Khi dùng thuật ngữ ‘phát triển’ (development), chúng ta nhận thấy những nghĩa còn đang tranh luận của thuật ngữ này và những nghĩa rộng mang tính tiêu cực của nó đối với nhiều cộng đồng khắp nơi trên thế giới. Thuật ngữ được sử dụng ở vị trí của bài này chỉ rõ khía cạnh thực tiễn của tổ chức xã hội trong một cách thế nhắm thăng tiến phúc lợi và hạnh phúc con người, và đẩy mạnh cho sự phát triển tự do và khả năng của con người. Chúng ta chấp nhận rằng định nghĩa về sự phát triển không nhất thiết phải cân xứng với sự phát triển hay công bình, và ngang qua công việc của chúng ta, chúng ta nhắm vào việc chất vấn nhiều tiền đề của sự phát triển được liên kết với chủ nghĩa tân tự do.

[4]TH 35, NQ. 3, s.31-36.

[5] Trích từ Mahatma Gandhi, Ấn Độ.

[6] Báo cáo của LHQ 2009, 2010, 2011

[7] Những đề nghị cho việc cải cách này đã được soạn thảo do Trung tâm Xã hội Dòng Tên (Centre D’etudes Pour L’action Sociale – CEPAS), xem CEPAS, Những đề nghị về bộ luật khai khoáng, tháng 7-2013, Kinshasa, Congo.

[8] Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn Ấn Độ đã hơn một lần công khai thừa nhận rằng những cuộc đấu tranh của những người theo chủ nghĩa Mao xuất phát từ việc di dân cưỡng bức hàng ngàn người khỏi cộng đồng bộ tộc của những người cho mình là dân bản địa. Trong báo cáo “The Sen Gupta” (2009), Ủy ban Kế hoạch của Ấn Độ đã tuyên bố rằng hàng trăm người đã chết trong những cuộc nổi dậy của những người theo chủ nghĩa Mao.

[9] Xem tài liệu của Nhóm làm việc Quốc tế vì những vấn đề của người bản địa (International Work Group for Indigenous Affairs –IWGIA), The Indigenous World 2004, p. 314.

[10] Xem “Elizabeth Ferris, Erin Mooney and Chareen Stark, 2011. From Responsibility to Response: Assessing National approaches to Internal Displacement. London: The Brookings Institution. London School of Economics, pp. 25-26.”

[11] Những tổ chức này bao gồm Viện Nông nghiệp, Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường của đại học Dòng Tên Rafael Landívar ở Guatemala, Viện Nhân học của đại học Sinos ở Brazil, Trung tâm Gumilla ở Venezuela, trường Nghiên cứu về Nông nghiệp và Môi trường tại đại học Xaveriana và Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục đại chúng, cả hai đều ở Columbia, Tỉnh Dòng Tên ở Trung-Đông Brazil và tổ chức Phối hợp Quốc gia cho việc Mục vụ dân bản địa ở Panama, và những tổ chức khác.

[12] Linh thao 23, 230-237; TH 34, NQ.20, s.2; Peter-Hans Kolvenbach, Dẫn vào  tài liệu “Chúng ta đang sống trong một thế giới bị tan vỡ”, Promotio Iustitiae, s.70, tháng 4-1999.

[13] Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày thế giới hòa bình, 1990,1998; Chương 10 của Tóm lượt Học thuyết Xã hội của Giáo hội, “Bảo vệ môi trường”; Đức giáo hoàng Benedict XVI, Thông điệp Hòa bình (01-01-2008).

[14] Tickner, J, Raffensperger, C, and Myers, N. n/d “Nguyên tắc đề phòng trong hành động. Sổ tay hướng dẫn” (The Precautionary Principle in Action. A handbook).  Trong www.sehn.org/rtfdocs.handbook-rtf.rtf, truy cập tháng 01-2013.

Kiểm tra tương tự

Bí tích của niềm hy vọng

  Khi tuyên xưng mình là người Công giáo, ta bước trên cùng một con …

Một phép ẩn dụ về giá trị của người cao tuổi

  Vào dịp lễ, một linh mục Chính thống giáo đã mang đến cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *