Sống lòng thương xót cách cụ thể

the-nature-of-love-fileminimizerVài tâm tình dẫn nhập.

Năm Thánh Lòng Thương Xót đã gần “đóng lại”. Nhưng điều đó không có nghĩa là người Công Giáo cũng chấm dứt việc tìm hiểu, suy tư, cầu nguyện và sống Lòng Thương Xót. Với người viết, năm Thánh Lòng Thương Xót là một hồi chuông thật hay mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đánh lên để mời gọi mọi người, cả Ki-tô hữu lẫn anh chị em khác, nhận ra một điều căn bản và quan trọng cho cuộc sống làm người : Con người chỉ có thể là người thực sự, khi con người sống yêu thương và thương xót lẫn nhau. Tình yêu và lòng thương xót không bao giờ là bài ca cũ, mà luôn là bài ca mới đối với mọi người trong mọi thời đại. Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của Lòng Thương Xót vẫn sống động, Ngài tiếp tục và mãi thương xót chúng ta, và Ngài mới gọi chúng ta hãy biết xót thương nhau.

Lời mời gọi này cũng là châm ngôn của năm Thánh: “HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA – MISERICORDES SICUT PATER”. Châm ngôn này được trích từ trong Phúc Âm của thánh Lu-ca (x.Lc 6,36).

Thật vậy, Lời Chúa luôn là đèn soi cho chúng ta bước, và là áng sáng chỉ đường cho chúng ta đi (x.Tv 119,105). Lời Chúa luôn là lời hằng sống, là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Chúng ta cám ơn Chúa đã cho chúng ta Lời Chúa như là ánh sáng, như là kim chỉ nam, như là tấm gương để chúng ta soi vào, xem mình đã và đang sống tinh thần làm con cái của Thiên Chúa như thế nào, sống tinh thần Tin Mừng ra sao?

Hơn nữa, nhìn vào thế giới hôm nay, ở khắp mọi nơi và muôn muôn người đang kêu cầu tình yêu, đang khao khát lòng thương xót. Vâng, đó là những anh chị em vô gia cư và những tù nhân sẽ được gặp gỡ và dâng Thánh Lễ với ĐTC. Phanxico, trong dịp cuối năm thánh trong đền thờ thánh Phê-rô ở Rô-ma; là bao người dân thường đang sống trong cảnh lầm than của chiến tranh và bom đạn ở tại Aleppo; là những anh chị em di dân đang lênh đênh trên mặt biển ở Đại Trung Hải. Và tại biết bao phố phường trên thế giới, như từ Can-cút-ta đến Ma-ni-la, từ Paris đến Newyork, các nơi mà vô số người vô gia cư, nghèo nàn, bị xã hội bỏ rơi đang muốn kêu lên những tiếng cầu xin lòng thương xót.

Mọi lúc và mọi nơi và muôn người đều cần đến lòng thương xót. Lòng thương xót quen với quá khứ và cũng biết tới hiện tại và sẽ rất quen biết ở tương lai. Lòng thương xót vượt trên mọi không gian và thời gian, vì Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của lòng thương xót vượt trên tất cả. ĐTC. Phanxicô không mệt mỏi rao giảng lòng thương xót, và chính vị mục tử nhân lành của chúng ta cũng không bao giờ bỏ những cơ hội thực thi lòng thương xót. Cảnh ngài ôm ấp người có khuôn mặt dị dạng, cảnh ngài lắng nghe và ôm ấp một bé gái bị bỏ rơi ở Ma-ni-la vào lòng, khi em đọc lời chào mừng và khóc sướt mướt và biết bao hình ảnh của ngài quan tâm và yêu thương người bất hạnh đã và đang đánh động trái tim của muôn người trên thế giới.

Hãy thương xót và hãy thương xót như Cha trên trời. Lời Tin Mừng này là “bài ca không bao giờ cũ, mà là bài ca luôn luôn mới” đối với từng phận người trong chúng ta, dù nghèo hay giàu, dù mạnh khoẻ hay yếu đau, dù giỏi giang hay dốt nát, dù quyền lực hay hèn mọn.

Thật đẹp khi đọc đi đọc lại lời của vị cha chung: “Lòng Thương Xót là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi con người đang nhìn chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời. Lòng Thương Xót: là cầu nối liên kết giữa Thiên Chúa và con người, trong khi mở lòng chúng ta ra cho một niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi bất chấp tội lỗi ngập tràn của chúng ta” (Tông chiếu năm thánh Lòng Thương Xót, số 02).

“Chính Chúa Kitô đang hiện diện trong mỗi con người bé nhỏ này. Thân xác Ngài trở thành hữu hình trong xác thịt của những người bị tra tấn, những người bị chà đạp, những người bị đánh đòn, những người bị suy dinh dưỡng, và những người bị lưu đày.. . để được thừa nhận, vuốt ve, và chăm sóc bởi chúng ta. Chúng ta đừng quên những lời của thánh Gioan Thánh Giá, ‘khi chúng ta lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở của tình yêu’.” (Tông chiếu năm thánh Lòng Thương Xót, số 15).

Dòng suy tư và khát khao tập sống, tập rao giảng về lòng thương xót của Chúa thật không thể cạn được. Trong suốt năm Thánh, cùng với nhiều anh chị em khác người viết cũng đã cố gắng chia sẻ trong các khoá tĩnh tâm, các lớp học hỏi và các bài giảng trong Thánh Lễ về lòng thương xót, cụ thể về lời kinh Thương người có Mười Bốn Mối. Qua đó, mới thấy tinh thần sống lòng thương xót cách cụ thể thật không dễ dàng gì, và luôn là một khó khăn, cũng như thách đố lớn cho mọi tín hữu.

Khó mới học, khó mới từng bước mày mò để tập đi và tập sống. Trong tình thần này, xin chia sẻ một vài hàng sơ lược về Thương người có Mười Bốn Mối. Hy vọng, đây cũng là một chút góp nhặt cùng mọi người trên hành trình tập sống lòng thương xót cách cụ thể.

Thương xác bảy mối.

Thương người có Mười Bốn Mối là một lời kinh đơn sơ trong truyền thống Ki-tô giáo, nhưng nêu bật tinh thần thực thi lòng thương xót cách cụ thể. Kinh này có hai phần: thương xác bảy mối, và thương linh hồn bảy mối.

Phần đầu của kinh là thương xác bảy mối[1] tương hợp với đoạn Thánh Kinh cuộc phán xét chung (x.Mt 25,31-36), với mối thứ bảy chôn xác kẻ chết do Giáo Phụ Lactantius (tk.3) bổ túc. Mối thứ bảy này liên hệ đến hình ảnh của Tobias trong Cựu Ước: “Cơm bánh của tôi, tôi cho người đói khát; quần áo của tôi, tôi cho kẻ trần truồng; nếu thấy ai trong số đồng bào tôi chết và bị quăng thây ra phía sau tường thành Ni-ni-vê, thì tôi chôn cất người đó” (Tb 1,17).[2]

Với thương xác bảy mối này, tín hữu được mời gọi chú ý và cảm thông với những người rơi vào những hoàn cảnh bất hạnh. Cũng như khi thực thi tinh thần thương xác bảy mối này, tín hữu bước ra khỏi cái tôi chai cứng và mù tối của mình, để hướng về người gặp khổ đau, và với tất cả thân xác và tinh thần giúp đỡ họ. Tinh thần của thương xác bảy mối cũng tương hợp với tinh thần của Cựu Ước mà người Do Thái luôn chú ý tới: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,6-7). Như thế, khi sống tinh thần xót thương và bác ái, thì trái tim chai cứng sẽ rời bỏ chốn an toàn và ích kỷ, để lên đường gặp gỡ những người bất hạnh đang đối diện với chúng ta trên đường.

Trong nghệ thuật Thánh, các hoạ sĩ cũng đã chú ý tới việc thương người có 14 này, và những tác phẩm nghệ thuật đã làm nổi bật được tinh thần thương xót hai chiều kích này.

Chúng ta có thể chiêm ngắm cửa kính màu do nghệ nhân Kolo Moser (1868-1918) thực hiện trong  một nhà thờ ở thủ đô Vienna, Áo Quốc. Đó là Kirche am Steinhof (cũng gọi là Kirche zum heiligen Leopold).

Trước hết là hình thương xác bảy mối nằm ở phía tây nhà thờ (nguồn de.wikipedia.org):

Phía trên là hai thiên thần đang cung kính cầm tấm khăn liệm của Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Trên và dưới tấm khăn có hàng chữ được trích từ Tin Mừng Mát-thêu: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45). Phần chính của cửa sổ diễn tả thương xác bảy mối. Điều thú vị ở đây là, tương hợp với mỗi việc thương xác, nghệ nhân đã đưa hình một vị thánh vào, nghĩa là mỗi vị thánh là gương mẫu sống động của mối thương người đó.

Ví dụ: cho kẻ đói ăn tương hợp với hình ảnh của thánh Ê-li-sa-bét thành Thuringen hoặc còn gọi là thánh Ê-li-sa-bét nước Hung-ga-ry (1207-1231). Thánh nhân là một bà hoàng nhưng đã sống tinh thần thương xót người nghèo cách đặc biệt. Thánh nữ đã sinh vào năm 1207 tại Hungary. Theo phong tục thời bấy giờ, thân phụ đã quyết định Ê-li-sa-bét sẽ phải trở thành một nữ quận chúa miền Thuringen. Theo Đức Benedicto XVI, “Ê-li-sa-bét đã chăm chỉ thực hành những công việc của lòng thương xót: những ai đến trước cửa nhà chị, chị đã cho ăn, cho uống, cho mặc, đã trả nợ, đã săn sóc những kẻ yếu đau và mai táng những kẻ qua đời. Khi ra khỏi tòa lâu đài chị cư trú, chị thường cùng đi với các tớ nữ của mình đến nhà những người nghèo, mang theo bánh, thịt, bột và những thứ lương thực khác. Chị muốn đích thân tận tay trao lương thực và cẩn thận trông nom quần áo và che chở cho những người nghèo. Thái độ cư xử của chị đã được trình báo lên cho phu quân biết, ông không những đã không lấy làm khó chịu mà lại còn trả lời cho những kẻ đã tố cáo chị rằng: “Bao lâu những người ấy không đến lâu đài, là tôi bằng lòng rồi!”. Phép lạ bánh hóa thành những hoa hồng đã được người ta đặt trong bối cảnh này: Khi Ê-li-sa-bét băng qua phố với chiếc áo khóac ngòai chứa đầy bánh dành cho người nghèo, chị đã gặp phu quân của mình, ông hỏi chị đem những thứ gì đó. Chị đã mở chiếc áo khóac ra và thay vì bánh, thì những cánh hoa hồng tuyệt đẹp đã xuất hiện. Biểu tượng lòng bác ái này thường hiện diện trong những bức tranh miêu tả Thánh nữ Ê-li-sa-bét”.[3]

Trở về với bức hình, cụ thể chúng ta thấy Kolo Moser diễn tả như sau:

  • Thánh Ê-li-sa-bét với hoa hồng: Cho kẻ đói ăn.
  • Thánh Rebekka với bình nước: Cho kẻ khát uống.
  • Thánh Bernhard: Cho khách đỗ nhà.
  • Thánh Martin với cây gươm để rạch áo choàng thành hai mảnh: Cho kẻ rách rưới ăn mặc.
  • Thánh Gioan Thiên Chúa: Viếng kẻ liệt.
  • Thánh Gioan Matha: Viếng kẻ tù rạc.
  • Tôbias với một cái xẻng: Chôn cất kẻ chết.

Hình hai bên hình chính là 12 người giúp lễ đầu cúi xuống đang ứng trực để thờ lạy và phục vụ. Tiếp theo, chúng ta cùng tìm hiểu về phần thứ hai của lời kinh Thương người có Mười Bốn Mối.

Thương linh hồn bảy mối.

Trước hết, chúng ta chiêm ngắm bức hình thương linh hồn bảy mối cũng của Kolo Moser, nằm ở phía đông nhà thờ Kirche am Steinhof (nguồn de.wikipedia.org).

 

Bức hình trên đầu diễn tả Chúa Thánh Thần và hai thiên thần đang chầu hai bên. Câu Kinh Thánh được trích từ Tin Mừng Mát-thêu: Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Câu này là một mối phúc trong Tám Mỗi Phúc Thật.

Hình chính ở dưới là thương linh hồn bảy mối. Vị thánh đầu tiên là Gioan Tẩy Giả với răn bảo kẻ có tội. Ở đây, chúng ta nhớ đến biến cố thánh Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng nói với vua Hê-rô-đê về lầm lỗi của ông. Tin Mừng Mác-cô thuật lại như sau: 17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê,18 mà ông Gio-an lại bảo:

“Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài! “19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được.20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê.22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.”23 Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.”24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây? ” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.”25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.”26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô.27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục,28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ”
(Mc 6,17-21).

Trở về với bức hình, cụ thể với từng vị thánh, Kolo Moser sắp xếp như sau:

  • Thánh Gioan Tẩy Giả: Răn bảo kẻ có tội.
  • Thánh Phan-xi-cô thành Sales: Mở dậy kẻ mê muội.
  • Thánh Klemens Maria Hofbauer: Lấy lời lành mà khuyên người.
  • Thánh Tê-rê-sa: Yên ủi kẻ âu lo.
  • Ông Giu-se bị bán qua Ai-cập (x.St 37,12-36): Nhịn kẻ mất lòng ta.
  • Thánh Tê-pha-nô: Tha kẻ dể ta.
  • Tổ Phụ Áp-ra-ham: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Cũng như hình trên, hình hai bên hình chính là 12 người giúp lễ đầu cúi xuống đang ứng trực để thờ lạy và phục vụ.

Thương linh hồn bảy mối, theo truyền thống, là kết quả suy tư từ thương xác bảy mối. Theo Anselm Gruen, thánh Augustino cũng đã khai triển truyền thống suy tư Thương linh hồn bảy mối từ thương xác bảy mối. Thánh nhân phân biệt giữa việc bác ái với người bên cạnh trên phương diện thể lý, và bác ái trên phương diện linh hồn. Trong thời Trung Cổ việc phân biệt này được tiếp tục suy tư và đào sâu hơn. Thánh Tôma thành Aquino đã giải thích thương người có 14 mối như là các nhân đức của tình yêu.[4]

Theo Grenier Dominique: “Chúng có thể được đọc như là việc khai triển trên bình diện thiêng liêng những việc làm thương xót thể xác. Một lời nói được gán cho thánh Gioan Kim Khẩu (+ 407) tóm tắt viễn ảnh này: ‘Trong Giáo Hội, ta không chỉ kể đến những người nghèo vể thể lý, mà thân thể thì đói khát hay không nơi nương thân. Cũng có những người nghèo về mặt tinh thần, thiếu đi lương thực của công lý, thức uống về sự hiểu biết Thiên Chúa, tấm áo của Chúa Kitô… Có những khách lạ với tâm hồn không nơi nương tựa, những người khác với lòng can đảm lung lay, những người mù trong tinh thần, những người điếc bị nhốt mãi trong sự bất tuân phục của họ, những người phải chịu đủ mọi bệnh tật tinh thần, và những người bệnh tật quá đến nỗi họ sợ đón nhận một lương thực tinh thần’.[5]

Mong sao lời kinh được sống động.

Trong Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa số 15, ĐTC. Phanxicô đã nhắc đến lời kinh Thương người có Mười Bốn Mối, như là một ước mơ cháy bỏng của Ngài: “Trong Năm Thánh này, chúng ta trông đợi những trải nghiệm của việc mở lòng mình ra với những người đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội: Chính cái xã hội hiện đại này tạo ra những vùng ngoại vi như thế… Chúng ta đừng rơi vào sự thờ ơ đáng ô nhục hoặc một thứ quán tính đơn điệu ngăn cản chúng ta khám phá những gì là mới mẻ! Hãy để chúng ta thoát khỏi sự hoài nghi thiếu xây dựng! Chúng ta hãy mở to mắt và nhìn rõ sự đau khổ của thế giới, và những vết thương của những anh chị em chúng ta là những người đang bị từ chối phẩm giá của họ, và để cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta bắt buộc phải chú ý đến tiếng kêu muốn được giúp đỡ của họ!…

Ước muốn cháy bỏng của tôi là trong Năm Thánh này, dân Kitô giáo có thể suy tư trên các hoạt động thể lý và thiêng liêng của lòng thương xót. Đó sẽ là một cách để thức tỉnh một lương tâm quá thường khi mờ mịt trước cảnh nghèo đói. Và chúng ta hãy bước sâu hơn vào trung tâm của Tin Mừng nơi người nghèo có một trải nghiệm đặc biệt với lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta những hoạt động của lòng thương xót trong lời rao giảng của Ngài để chúng ta có thể nhận ra liệu chúng ta có đang sống như những môn đệ của Ngài hay không. Chúng ta hãy tái khám phá những hoạt động thể lý của lòng thương xót: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên các hoạt động thiêng liêng của lòng thương xót: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết”.

Như thế, tâm tình của Đức Phanxico như là một ước mơ mong sao lời kinh thương người có 14 mối mà chúng đọc thuộc làu làu được sống động cách cụ thể.

Ngoài các lời của kinh thương người có 14 mối này, thánh Biển Đức còn bổ túc một điều khác trong Hiến Luật mà ngài đã viết ra: “Không bao giờ nghi ngờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa”.[6]

Vào ngày 01.9.2016, nhân ngày cầu nguyện cho thiên nhiên, ĐTC. Phanxicô mời gọi chúng ta ý thức sống tinh thần chăm sóc và yêu thương thiên nhiên, như là một mối bổ túc cho việc thực thi lòng thương xót, vì thường khi nói về những công việc từ bi thương xót chúng ta thường nghĩ đến những việc bác ái về vật chất cũng như tinh thần. ”Nhưng nếu chúng ta nhìn chúng chung với nhau, thì sứ điệp là điều này: đối tượng của lòng từ bi thương xót chính là sự sống con người trong toàn thể. Và hiển nhiên, chính sự sống này bao gồm cả việc chăm sóc căn nhà chung. Vì thế tôi xin phép đề nghị một bổ túc cho danh sách truyền thống 7 công việc từ bi thương xót bằng công việc ”chăm sóc căn nhà chung”. Việc làm này thuộc về những công việc từ bi thương xót về mặt tinh thần cũng như về mặt vật chất”.

Trong loạt bài suy tư về lòng thương xót (27 bài) được trích từ tập sách Phúc Thay, người viết đã chia sẻ về thương xác bảy mối là phần thứ nhất của lời kinh thương người có 14 mối. Phần thứ hai là thương linh hồn bảy mối vẫn đang được cưu mang trong dòng suy tư, tìm hiểu, cầu nguyện và tập sống. Hy vọng, với thời gian, sẽ có dịp được chia sẻ với mọi người ý nghĩa của việc sống tinh thần thương linh hồn bảy mối.

Xin tín thác tất cả vào bày tay giàu lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tất cả để vinh danh Thiên Chúa và hữu ích cho các linh hồn. 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

[1] Kinh 14 Mối dựa vào Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Theo truyền thống lời kinh này được các Giáo Phụ nhắc đến, đặc biệt thánh Âu-tinh đã chú ý đến. Với thời gian lời kinh này trở thành một lời kinh quan trọng. Phần đầu dựa vào chương 25 của Phúc Âm thánh Mát-thêu – Thương xác bảy mối. Trong bản tiếng Việt là: Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn. Thứ hai: Cho kẻ khát uống. Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm: Cho khách đỗ nhà. Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết. Nếu so sánh với các bản tiếng La-tinh, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp, sẽ nhận ra một sự khác biệt. Đó là: trong khi bản tiếng Việt nhắc đến Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi, thì các bản văn của các ngôn ngữ khác không nhắc đến điểm này. Các bản của các tiếng vừa nêu ở trên tách điểm thứ bốn thành 02 điểm: Viếng kẻ liệt. Thăm kẻ tù rạc. Như thế cũng có 07 điểm thương xác bảy mối. Về bản tiếng Việt, người viết không biết bản gốc ai đã chuyển ngữ, và tại sao lại có phần Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi. Dù không có sự giải thích, nhưng điểm này mang một ý nghĩa quan trọng trong Thương xác bảy mối.

[2] X. BOPP K., từ ngữ Werke der Barmherzigkeit, trong Lexikon fuer Theologie und Kirche, 10. Band, Herder Verlag, Freiburg 2001, c.1099.

[3] Đức Benedictxo XVI về thánh Êlisabét Hungary, ngày 20.10.2010

[4] X. Gruen A., Damit die Welt verwandelt wird. Die sieben Werke der Barmherzigkeit, Guetersloher Verlagshaus, 2008, s.11-12.

[5] Grenier Dominique, 5 câu hỏi liên quan đến những việc làm thương xót, La croix. Nguồn: http://www.kinhthanhvn.net/5-cau-hoi-lien-quan-den-nhung-viec-lam-thuong-xot/

[6] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 143.

Kiểm tra tương tự

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *