Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân ngày Hòa Bình Thế Giới 2015

phanxico

Không còn nô lệ nữa, nhưng là anh chị em của nhau

1. Khởi đầu năm mới này, khoảnh khắc chúng ta đón nhận ân sủng của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại, tôi xin chân thành gửi lời chúc bình an đến mọi người nam nữ, cũng như cho mọi dân tộc và quốc gia trên thế giới, các nhà lãnh đạo quốc gia và chính phủ, và các chức sắc của tôn giáo, cùng với lời cầu xin để không còn những cuộc chiến tranh, xung đột và những nỗi đau đớn gây ra bởi con người, các dịch bệnh xưa cũng như nay và bởi những tàn phá do thiên tai. Tôi đặc biệt cầu xin để, khi đáp lại lời mời gọi cộng tác của chúng ta với Thiên Chúa và với mọi người thành tâm thiện chí để làm thăng tiến sự đồng tâm nhất trí, chúng ta biết kháng cự lại những cám dỗ xúi giục mình hành xử theo cách không xứng với tư cách làm người của chúng ta.

Trong sứ điệp hòa bình vào tháng giêng năm ngoái, tôi đã nói về “khao khát một cuộc sống tròn đầy… bao hàm ước mong mãnh liệt về một tình huynh đệ thúc đẩy chúng ta đến với những người khác, nơi đó chúng ta nhìn về nhau không phải như những kẻ thù hay đối thủ, nhưng như anh chị em được đón nhận và ôm ấp”.[1] Vì tự bản chất, con người là hữu thể có tương quan, được an bài là phải đi tìm sự tròn đầy qua các tương quan liên vị, được gợi hứng bởi sự công bằng và tình yêu, nên việc nhân phẩm, tự do và tính tự trị được thừa nhận và tôn trọng là rất nền rảng cho việc phát triển của mình. Đáng buồn thay, những tai họa của việc con người trục lợi nhau đã làm hủy hoại nặng nề đời sống hiệp thông và lời mời gọi thắt chặt các tương quan liên vị được đánh dấu bằng sự tôn trọng, công bằng và tình yêu. Hiện tượng ghê tởm này, vốn dẫn tới việc coi thường các quyền cơ bản của người khác và xóa bỏ quyền tự do và nhân phẩm của họ, mang rất nhiều hình thức mà giờ đây tôi xin mạn phép đề cập đến những điều này cách vắn tắt, để dưới ánh sang Lời Chúa, chúng ta có thể xem tất cả mọi người “không còn là những nô lệ, nhưng là anh chị em với nhau”.

Lắng nghe kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại

2. Đề tài mà tôi chọn cho sứ điệp năm nay được rút ra từ thư của Thánh Phaolô gửi ông Philemôn, trong đó thánh Tông Đồ đã xin cộng sự viên của mình đón nhận Onesimus, trước kia là nô lệ của Philemon, bây giờ đã trở thành một Kitô hữu và vì thế, theo Phaolô, đáng để được xem là một người anh em. Vị Tông đồ dân ngoại viết rằng: “Nó đã xa anh một thời gian để anh có được lại nó vĩnh viễn; không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến” (Plm 15-16). Onesimus đã trở thành người anh em của Philemôn khi ông trở thành một Kitô hữu. Như thế, việc quay trở về với Đức Kitô, bắt đầu một cuộc sống là người môn đệ trong Đức Kitô, làm nên một sự tái sinh (x. 2Cr 5,17; 1Pt 1,3) vốn tái tạo lại tình huynh đệ như là mối dây nền tảng của đời sống gia đình và đời sống xã hội.

Trong Sách Sáng Thế (x St 1,27-28), chúng ta đọc thấy rằng Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, và chúc phúc cho họ để họ có thể lớn lên và sinh sôi nảy nở: Ngài tạo nên người cha Adam và người mẹ Eve, hai người này – khi đáp lại lệnh truyền hãy sinh sôi nảy nở của Chúa – đã làm nên tình huynh đệ đầu tiên, tình huynh đệ giữa Cain và Aben. Cain và Aben là anh em, bởi vì chúng được sinh ra từ cùng một dạ, và như thế, chúng có cùng một nguồn gốc, bản chất và phẩm giá như cha mẹ mình, những người được tạo ra giống Thiên Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa.

Nhưng tình huynh đệ cũng được diễn tả trong sự phong phú và khác biệt giữa anh chị em, cho dù họ được nối kết qua việc cùng do mẹ sinh ra và có cùng bản chất cũng như nhân phẩm. Vì thế, xét như là những anh chị em, tất cả mọi người, tự bản chất, đều có mối tương quan với người khác, những người ấy tuy khác với mình nhưng lại cùng chia sẻ một nguồn gốc, bản chất và phẩm giá. Theo đó, tình huynh đệ làm nên mối dây liên kết các tương quan thiết yếu để xây dựng gia đình nhận loại do Thiên Chúa tạo ra.

Đáng buồn thay, ngay giữa những thụ tạo đầu tiên mà sách Sáng Thế kể lại và việc tái sinh trong Đức Kitô, nơi mà các tín hữu trở nên anh chị em của “con đầu lòng giữa nhiều anh em” (Rm 8,29), đã tồn tại thực tại tiêu cực của tội lỗi, thường phá vỡ tình huynh đệ giữa các thụ tạo và liên tục làm biến dạng nét đẹp và sự cao quý của bản chất là anh chị em của chúng ta trong chính gia đình nhân loại. Cain không những không nâng đỡ Abel mà còn giết Abel vì lòng ganh tỵ và khi làm thế, ông đã làm nên cuộc chiến huynh đệ tương tàn đầu tiên. “Việc Cain đã giết em mình là A-ben cho thấy một thảm kịch của sự khước từ triệt để ơn gọi làm anh em của Cain. Câu chuyện của họ (x. St 4,1-16) chỉ ra nhiệm vụ khó khăn mà mọi người nam và nữ được mời gọi, để sống như một, mỗi người phải quan tâm đến người khác.[2]

Cũng như trong câu chuyện của gia đình ông Noê và con cái ông (x. St 9,18-27), Cam không tôn trọng cha mình là Noê, khiến Noê quyền rủa đứa con hỗn láo này và chúc phúc cho những đứa khác, những người kính trọng ông, điều này tạo ra một sự không công bằng giữa những anh chị em cùng một mẹ sinh ra.

Trong trình thuật về nguồn gốc của gia đình nhân loại, tội làm cách ly với Thiên Chúa, với cha ông ngày xưa và với anh em, đã nói lên việc loại trừ sự hiệp thông với nhau và  nó được biểu lộ trong một nền văn hóa chinh phục (x. St 9,25-27), với những hậu quả đan xen và kéo dài từ thế hệ này đến thế hệ kia: loại trừ người khác, đối xử tệ bạc giữa con người, bạo lực đến nhân phẩm và các quyền cơ bản và cơ chế hóa của sự bất công. Từ đây, ta thấy cần phải hoán cải liên lỉ trở về với Giao Ước, được thực hiện trọn vẹn bởi hiến tế của Đức Giêsu trên thập giá, với niềm tin rằng “nơi nào càng nhiều tội lỗi, nơi đó ân sủng càng chứa chan… nhờ Đức Giêsu Kitô” (Rm 5,20.21). Đức Kitô, Người Con yêu dấu, đã đến để mặc khải tính yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại. Những ai nghe Tin Mừng và đáp lại lời mời gọi hoán cải thì trở thành “anh chị em và là mẹ” của Đức Giêsu (Mt 12,50), và vì thế được Thiên Chúa Cha nhận làm con (x. EP 1,5).

Nhưng người ta không trở thành một Kitô hữu, một người con của Cha và là anh chị em trong Đức Kitô, xét như là mệnh lệnh của Chúa, nếu không thực thi quyền tự do cá nhân, nghĩa là, nếu không được hoán cải trở về với Đức Kitô một cách tự do. Trở thành một người con của Chúa thì thiết yếu phải được nối kết với sự hoán cải: “Sám hối, và chịu phép rửa, mỗi người trong anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha thứ tội lỗi và anh em sẽ lãnh nhận ân sủng của Thánh Thần” (Cv 2,38). Tất cả những ai đáp lại lời rao giảng của Phêrô bằng đức tin và với cuộc sống của mình thì đi vào trong tình huynh đệ của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên (x. 1Pr 2,17; Cv 1,15.16; 6,3; 15,23): Do Thái và Hy Lạp, nô lệ và tự do (x. 1Cr 12,13; Gl 3,28) trong đó sự khác biệt về nguồn gốc và tình trạng xã hội không làm giảm đi nhân phẩm của bất cứ ai hay không cho bất cứ người nào thuộc về Dân Chúa. Vì thế, cộng đoàn Kitô giáo là một nơi hiệp thông, nơi đó mọi người sống trong tình yêu như anh chị em (x. Rm 12,10; 1 Tx 4,9; Dt 13,1; 1Pr 1,22; 2Pr 1,7).

Tất cả những điều này cho thấy làm thế nào Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, qua đó Thiên Chúa làm “mọi sự trở nên mới” (Kh 21,5)[3], có thể cứu vãn các tương quan giữa con người, bao gồm cả tương quan giữa nô lệ và ông chủ, bằng cách làm sáng tỏ những điều mà cả hai đều có chung: cùng được nhận làm con và mối dây tình huynh đệ với Đức Kitô. Chính Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ vì tôi tớ không biết việc chủ làm, nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15)

Nhiều bộ mặt nô lệ hôm qua và hôm nay

3. Từ thời xa xưa, các xã hội khác nhau đã biết đến hiện tượng người thống trị người. Đã từng có những giai đoạn trong lịch sử nhân loại, nơi đó cơ cấu nô lệ được chấp nhận các rộng rãi và được luật ghi nhận. Điều này quy định những ai được sinh ra tự do và những ai sinh ra là nô lệ, cũng như những điều kiện mà qua đó một người vốn sinh ra là tự do nhưng có thể bị mất đi quyền tự do của mình hay có lại nó. Nói cách khác, chính luật pháp cũng thừa nhận rằng một số người nào đó có thể hay phải bị xem là tài sản của người khác, có quyền tự do quyết định trên số phận người ấy; một nô lệ có thể bị mua bán, chuyển giao hay mua được, như thể họ là một món hàng thương mại.

Ngày nay, với sự phát triển tích cực của ý thức con người, nạn nô lệ, vốn được xem như là một tội ác chống lại nhân loại,[4] đã chính thức bị xóa bỏ trên tòa thế giới. Quyền của mỗi người không được bị xem là nô lệ hay phụ thuộc như nô lệ được thừa nhận trong luật quốc tế như là một điều khoản bất khả xâm phạm.

Tuy nhiên, bất chấp cộng đồng quốc tế đã ký kết rất nhiều hiệp ước nhắm tới việc chấm dứt nạn nô lệ dưới nhiều hình thức, và đã khởi động nhiều chiến dịch khác nhau để chống lại nạn này, hàng triệu người ngày nay – trẻ em, đàn ông và đàn bà đủ mọi lứa tuổi – vẫn bị trút bỏ quyền tự do và bị buộc phải sống trong những điều kiện giống như các nô lệ.

Tôi nghĩ đến nhiều lao động nam và nữ, cả những người trẻ tuổi, bị nô dịch hóa trong nhiều khu vực khác nhau, dù là chính thức hay không chính thức, từ việc công việc trong nhà cho đến việc nông nghiệp, từ các nhà máy công nghiệp đến hầm mỏ, tại nhiều nước những quy định về lao động không khớp với những quy định và chuẩn mực quốc tế tối thiểu, hay thậm chí là phi pháp khi trong hệ thống pháp luật của mình, không hề có những quy định nào bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Tôi cũng nghĩ đến điều kiện sống của nhiều người tị nạn, mà, trong cuộc phiêu lưu đầy bi kịch, đã phải chịu đói khát, đã bị tước bỏ tự do, bị cướp mất của cải hay bị lạm dụng thể lý và tính dục. Trong số ấy, tôi nghĩ đến những ai, để đến được nơi cần đến sau hành trình mệt rã rời với đầy những sợ hãi và không an toàn, bị giam giữ trong những điều kiện hết sức tàn nhẫn. Tôi nghĩ đến những người, vì những lý do kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau, bị buộc phải sống chui rút và những người, để được xem là hợp pháp, phải đồng ý sống và làm việc trong những điều kiện không xứng hợp, đặc biệt là khi luật quốc gia tạo ra hoặc cho phép một sự lệ thuộc về cấu trúc của các công nhân tị nạn đối với chủ lao động, như, ví dụ khi quy định rằng việc cư trú hợp pháp phải phụ thuộc vào hợp đồng lao động… Vâng, tôi nghĩ đến nạn “nô lệ lao động”.

Tôi cũng nghĩ đến những người bị buộc phải đi vào con đường mại dâm, nhiều người trong số họ còn rất nhỏ, nạn nô lệ và nô lệ tình dục; đến những phụ nữ bị buộc phải kết hôn, những người bị bán trong những vụ kết hôn được sắp xếp hay những phụ nữ khi chồng chết thì bị chuyển cho một người thân của chồng như tài sản thừa kế mà không cần biết cô ta có đồng ý hay không.

Tôi cũng không thể không nghĩ đến tất cả những ai, trẻ cũng như lớn, là đối tượng của nạn buôn bán cơ phận, bị bắt nhập ngũ,  để xin ăn, để phục vụ cho những hoạt động phi pháp như sản xuất và buôn bán ma túy, hay để phục vụ cho những hình thức trá hình của nhận con mang tính quốc tế.

Cuối cùng, tôi nghĩ đến tất cả những ai bị bắt cóc và giam giữ bởi những nhóm khủng bố, bị nô dịch hóa cho những mục đích của họ như là những chiến binh hay, trên hết trong những trường hợp các thiếu nữ và phụ nữ, bị sử dụng như là những nô lệ tình dục. Nhiều người trong số này đã biến mất trong khi những người khác thì bị bán vài lần, bị tra tấn và bị hành hạ hay bị giết.

Một vài nguyên nhân sâu xa của nạn nô lệ

4. Ngày nay, cũng như trong quá khứ, gốc rễ của nạn nô lệ xuất phát từ quan niệm con người cho phép đối xử nhau như một đối tượng. Khi nào tội lỗi phá hỏng trái tim con người và làm ngăn cách chúng ta với Tạo Hóa cũng như với tha nhân, thì tha thân không còn được xem là những hữu thể có cùng phẩm giá, như là anh chị em cùng chia sẻ nhân tính, nhưng là những đối tượng. Được tạo ra giống Thiên Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng bằng sự cưỡng bức, sự lừa dối, hay bằng những ép buộc về thể lý hay tâm lý, Con người đã bị tước đoạt sự tư do của mình, bị bán và bị giảm thiểu xuống thành hàng hóa của một số người; bị đối xử như là phương tiện chứ không phải như cùng đích.

Cùng với nguyên nhân mang tính hữu thể học này – việc loại trừ nhân tính của người khác –, cũng còn có những nguyên nhân khác giúp giải thích những hình thức nô lệ tân thời. Trong số những nguyên nhân này, tôi nghĩ trước hết đến sự nghèo khổ, việc chậm phát triển và sự loại trừ, đặc biệt là khi nó cùng tồn tại với việc thiếu đi nguồn đào tạo hay với một thực tại được đánh dấu bởi sự khan hiếm, nếu không muốn nói là không có, những cơ hội việc làm. Thông thường, các nạn nhân của nạn buôn người và nô dịch là những người tìm cách thoát khỏi hoàn cảnh quá nghèo, họ vội tin theo lời hứa hão sẽ có việc làm, và họ thường rơi vào tay những mạng lưới tội phạm tổ chức các chuyến buôn người. Những mạng lưới này rất tinh vi trong việc sử dụng những phương tiện truyền thông hiện đại để dụ dỗ những người trẻ và rất trẻ ở nhiều vùng miền trên thế giới.

Nạn hối lộ của những ai sẵn sàng bất cứ việc gì để làm giàu cũng là một nguyên nhân khác của nạn nô lệ. Thực ra, những người thực hiện việc nô dịch và buôn bán người thường phải mưu chuộc cả một hệ thống trung gian phức tạp, một số thành viên của lực lượng cầm quyền hay các viên chức hay các thể chế dân sự và quân đội. “Điều này xảy đến khi nằm ở vị trí trung tâm của hệ thống kinh tế là tiền bạc, chứ không phải là con người. Vâng, ở vị trí trung tâm của hệ thống kinh tế hay xã hội phải là con người, hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên để làm bá chủ vũ hoàn. Khi con người bị đồng tiền thay thế, các giá trị sẽ bị đảo lộn”.[5]

Những nguyên nhân khác của nạn nô lệ là những xung đột vũ trang, bạo lực, hoạt động tội phạm và khủng bố. Nhiều người đã bị bắt cóc để đem bán, bắt đi chiến đấu như binh lính, hay bị khai thác tình dục, trong khi những người khác thì buộc phải đi tị nạn, bỏ lại mọi thứ đàng sau tất cả những gì họ có: đất nước, nhà cửa, của cải và thậm chí là các thành viên trong gia đình mình. Họ buộc phải đi tìm kiếm một sự thay đổi cho những điều kiện khủng khiếp này dù phải đánh liều nhân phẩm cá nhân và sự sống còn của mình, rồi theo đó, họ liều mình đi vào trong vòng xấu xa này khiến họ trở thành con mồi của bao nỗi thống khổ, mục nát và những hậu quả tại hại khôn lường.

Cùng dấn thân để xóa bỏ nạn nô lệ

5. Thông thường, khi suy xét về hiện trạng buôn người, về việc buôn bán bất hợp pháp những người tị nạn và những hình thức nô lệ được công nhận hay không công nhận, người ta có một ấn tượng là chúng xảy đến là do sự thờ ơ chung của mọi người.

Thật đáng buồn, nếu điều này đúng, tôi xin mạn phép gợi nhắc lại rất nhiều nỗ lực thầm lặng mà các dòng tu, đặc biệt là các dòng tu nữ, trong nhiều năm qua đã làm để trợ giúp các nạn nhân. Những dòng tu này đã hoạt động trong những hoàn cảnh rất khó khăn, bị vây bủa bởi những vụ bạo lực, nhưng luôn cố gắng để phá bỏ những mắc xích vô hình trói buộc những nạn nhân với những kẻ buôn người và bóc lột người; những mắc xích đó được làm nên từ một chuỗi nhưng liên kết, mỗi mắc xích được tạo thành từ nhiều cơ chế tâm lý tinh vi, làm cho các nạn nhân phụ thuộc vào những người bóc lột, được thực thi bằng những lá thư tống tiền và những đe dọa dành cho họ và những người thân của họ, cũng như bằng những phương tiên vật chất như tước đoạt giấy tờ tùy thân của họ và bạo lực thể lý. Hoạt động của các dòng tu được thực thi chính yếu dưới ba lĩnh vực chính: cung cấp trợ giúp cho các nạn nhân, giúp phục hồi dưới khía cạnh tâm lý và giáo dục, giúp họ tái hội nhập vào xã hội nơi nơi họ đến hay xã hội gốc của họ.

Nhiệm vụ rộng lớn này, vốn đòi hỏi lòng dũng cảm, kiên nhẫn và bền bỉ, xứng đáng được đánh giá cao trong toàn thể Giáo Hội và xã hội. Tuy nhiên, tự bản thân nó không đủ để tự nhiên xóa bỏ vết thương của việc bóc lột người. Cũng cần một sự dấn thân ba chiều trên cấp độ thể chế trong việc ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân và truy tố trước pháp luật những kẻ vi phạm. Tuy nhiên, vì các tổ chức tội phạm có mạng lưới toàn cầu để đạt được mục tiêu của chúng, nên những nổ lực để xóa bỏ hiện tượng này cũng đòi phải có một nỗ lực chung mang tính toàn cầu của tất cả các bộ phận khác nhau của xã hội.

Các quốc gia phải đảm bảo rằng luật pháp của mình về những người tị nạn, việc lao động, việc nhận con nuôi, việc vận chuyển hàng hải và việc mua bán các sản phẩm do lao động nô lệ sản xuất ra phải thực sự tôn trọng nhân phẩm của con người. Cần có những điều luật công bằng, đặt trọng tâm vào con người, đảm bảo các quyền nền tảng và phục hồi lại những quyền đó khi chúng bị xâm phạm, phục hồi lại các quyền đó cho những ai là nạn nhân và đảm bảo sự an toàn cá nhân của họ và còn thêm những cơ chế hữu hiệu để kiểm soát việc áp dụng đúng đắn những điều này để không còn chỗ cho hối lộ hay bỏ sót tội phạm. Vai trò của phụ nữ trong xã hội cũng phải được thừa nhận, hoạt động trên bình diện văn hóa và truyền thông để đạt được những kết đáng hy vọng.

Các tổ chức liên chính phủ, trong khi giữ nguyên tắc phân chia quyền lực, cũng được mời gọi để phối hợp những sáng kiến để chiến đấu chống lại các mạng lưới xuyên quốc gia các tội phạm có tổ chức thực hiện các hoạt động buôn người và buôn bán người tị nạn trái phép. Việc hợp tác là rất cần thiết trên nhiều lĩnh vực, liên quan đến các thể chế quốc gia và quốc tế, cũng như các cơ quan của xã hội dân sự và thế giới tài chính.

Các cơ sở thương mại[6] có nhiệm vụ đảm bảo những điều kiện làm việc có nhân phẩm và đồng lương tương xứng với người lao động, đồng thời cũng phải cảnh giác để những hình thức của nô dịch hóa hay buôn bán người không được tìm thấy chỗ trong chuỗi phân phối. Cùng với trách nhiệm xã hội của các cơ sở thương mại, cũng cần có trách nhiệm xã hội của những người tiêu dùng. Thực ra, mỗi người phải có ý thức rằng “việc mua bán luôn là một hành vi luân lý, chứ không chỉ mang tính kinh tế”.[7]

Các tổ chức trong xã hội dân sự, về phần mình, có nhiệm vụ khơi dậy và thúc đẩy lương tâm trên những bước cần thiết để đấu tranh và nhổ tận gốc rễ nền văn hóa nô dịch.

Trong những năm gần đây, Tòa Thánh, khi cảm thấu được tiếng kêu gào đau khổ của các nạn nhân của nạn buôn người và tiếng nói của các dòng tu trợ giúp họ trên con đường hướng đến tự do, đã nhiều lần đề bạt những thỉnh nguyện lên cộng đồng quốc tế để các tổ chức khác nhau được thống nhất những nỗ lực và cộng tác nhằm loại trừ vết thương này.[8] Những cuộc gặp gỡ được được tổ chức để lôi kéo sự chú ý của mọi người đến hiện tượng buôn bán người và tạo điều kiện hợp tác giữa các cơ quan khác nhau, trong đó có các chuyên gia của giới học thuật và tổ chức quốc tế, lực lượng cảnh sát từ các nước gốc, nước chuyển giao và nước đến để người tị nạn và các đại diện của các nhóm trong Giáo Hội làm việc với các nạn nhân. Tôi hy vọng rằng những nổ lực này sẽ tiếp tục mở rộng hơn trong những năm tới đây.

Toàn cầu hóa tình huynh đệ, chứ không phải nô lệ hay sự thờ ơ

6. Trong việc “loan báo chân lý tình yêu của Đức Kitô trong xã hội”[9], Giáo Hội luôn dấn thân không ngừng trong các hoạt động bác ái xuất phát từ chân lý về con người. Giáo Hội có nhiệm vụ phải phơi bày ra mọi con đường dẫn đến việc hoán cải, cho phép chúng ta thay đổi cái nhìn về những người thân cận của mình, để nhận ra nơi những người khác ấy, dù là ai, người anh chị em trong một gia đình nhân loại, và để thừa nhận phẩm giá bẩm sinh của họ trong chân lý và tự do, như câu chuyện của Josephine Bakhita soi sáng cho chúng ta. Đây là vị thánh xuất thân từ vùng Darfur của Sudan, người đã bị bắt cóc bởi những người buôn bán nô lệ và bị bán cho những ông chủ tàn ác khi thánh nhân chỉ mới 9 tuổi, và sau đó, từ chính những kinh nghiệm đau thương này, thánh nhân đã trở nên một “ái nữ tự do của Thiên Chúa” nhờ đức tin sống trong sự hiến dâng sốt sắng và trong sự phục vụ người khác, đặc biệt là những người thấp bé và bất lực nhất. Vị thánh này, người đã sống giữa thế kỷ 19 và 20, ngày nay vẫn có thể trở thành một mẫu gương điển hình cho niềm hy vọng[10] cho nhiều nạn nhân của nạn nô lệ; ngài có thể nâng đỡ cho những nỗ lực của những ai dấn thân trong cuộc đấu tranh chống lại “vết thương trên thân mình của nhân loại đương thời, một vết thương trên thân xác của Đức Kitô”.[11]

Dưới viễn tượng này, tôi muốn mời gọi mỗi người, theo vai trò và trách nhiệm riêng của mình, hãy thực thi hành vi huynh đệ đối với những ai đang bị giam giữ trong tình trạng nô dịch. Chúng ta hãy tự hỏi mình, xét như là những cá nhân và cộng đoàn, liệu chúng ta có cảm thấy bị tra vấn không khi, trong cuộc sống hàng này, chúng ta gặp gỡ hay đối mặt với những người đã là nạn nhân của nạn buôn người, hay khi chúng ta phải lựa chọn không biết có nên mua những sản phẩm mà có thể đã được làm ra từ việc bóc lột những người  khác. Một vài người trong chúng ta, do thờ ơ, hay vì chúng ta quá bận tâm đến những nhu cầu thường ngày, hay vì những lý do kinh tế, đã khép mắt lại trước điều này. Tuy nhiên, những người khác lại quyết định làm điều gì đó tích cực, họ tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự hay thực hành những cử chỉ nhỏ hàng ngày – nhưng lại có giá trị cao! – như nói một lời nói, một lời chúc sức khỏe, một lời chào hay một nụ cười. Những điều này chẳng làm chúng ta mất mát gì cả nhưng chúng có thể trao ban niềm hy vọng, mở những cánh cửa, thay đổi cuộc sống của người khác, những người phải sống cách lén lút và cũng có thể thay đổi cuộc sống của chính chúng ta đối với thực tại này.

Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta đang đối mặt với một hiện tượng toàn cầu vượt quá khả năng của bất cứ một cộng đồng hay quốc gia nào. Để có thể loại trừ nó, chúng ta cần một sự huy động ở một mức độ ngang tầm với chính hiện tượng đó. Vì thế, tôi khẩn thiết nài xin tất cả anh chị em thiện chí, và tất cả những ai dù xa hay gần, bao gồm những cấp độ cao nhất của các thể chế dân sự, những ai chứng kiến nỗi đau của nạn nô lệ tân thời, đừng thỏa hiệp với sự dữ này, đừng quay mặt đi trước những nỗi đau của anh chị em mình, của đồng loại mình, những người đã bị tước đoạt tự do và nhân phẩm, nhưng hãy có dũng lực để đụng đến thân thể đau đớn của Đức Kitô,[12] được biểu lộ nơi khuôn mặt của vô số những con người mà chính Ngài gọi là “những người anh em bé mọn của Ta” (Mt 25,40.45)

Chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ hỏi mỗi người chúng ta rằng: “Ngươi đã làm gì em ngươi vậy?” (x. St 4,9-10). Toàn cầu hóa sự thờ ơ, vốn ngày nay đè nặng trên cuộc sống của nhiều anh chị em của chúng ta, đòi buộc chúng ta phải làm nên một sự toàn cầu hóa tình liên đới và tình huynh đệ, để có thể trao ban lại cho họ niềm hy vọng mới và giúp họ tiếp tục bước đi với sự dũng cảm qua những vấn đề của thời đại chúng ta và những chân trời mới mở ra và được Thiên Chúa đặt để vào tay chúng ta.

Từ Vatican, 8.12.2014

Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

[1] Số 1.

[2] Sứ Điệp Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2014, 2.

[3] X. Hiến Chế Vui Phúc Âm, 11

[4] X. Diễn Văn Dành Cho Các Đại Biểu Quốc Tế Của Hiệp Hội Luật Hình sự, 23.10.2014: L’Osservatore Romano, 24 Ottobre 2014, tr.4

[5] X. Diễn Văn Dành Cho Các Tham Dự Viên của Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới của Phong Trào Popolari, 28.10.2014: L’Osservatore Romano, 29 Ottobre 2014, tr.7

[6] X. HỘI ĐỒNG CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Lời mời gọi của lãnh đạo các cơ sở thương mại. Một suy tư. Milano và Roma, 2013.

[7] Benedetto XVI, Lett. enc. Caritas in veritate, 66.

[8] X. Sứ điệp gửi Ông Guy Ryder, Tổng Giám Đốc của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, 22.5. 2014: L’Osservatore Romano, 29.5.2014, tr. 7.

[9] Benedetto XVI, Lett. enc. Caritas in veritate, 5.

[10]“Qua việc biết được niềm hy vọng này, thánh nữ đã được “cứu chuộc”, không còn là nô lệ nữa, nhưng là ái nữ tự do của Thiên Chúa. Ngài hiểu được điều mà thánh Phaolô có ý nói đến khi nhắc nhớ các tín hữu Êphêsô rằng trước khi không có niềm hy vọng và không có Thiên Chúa giữa thế giới – không có niềm hy vọng vì không có Thiên Chúa” (BENEDETTO XVI, Lett.enc. Spe salvi, 3)

[11] Diễn văn dành cho các tham dự viên của Hội Nghị Quốc Tế Chống lại nạn buôn người: Giáo Hội và Thực Thi Luật cùng hợp tác, 10.4.2014: L’Osservatore Romano, 11.4.2014, p. 7; X. Hiến Chế Niềm Vui Phúc Âm, 270.

[12] X. Hiến Chế Niền Vui Phúc Âm, 24; 270

Kiểm tra tương tự

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Ơn Toàn Xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư

Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư – 28/7/2024, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *