Môi trường ưu việt của sự gặp gỡ trong tình yêu nhưng không
“Chủ đề gia đình là một chủ đề nằm ngay trọng tâm của những suy tư sâu sắc trong Giáo Hội, của quá trình chuẩn bị liên quan đến hai cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục: cuộc họp khóa ngoại thường – vừa tổ chức – và cuộc họp khóa thường niên sẽ diễn ra vào tháng Mười tới. Trong bối cảnh này, tôi nghĩ là thật thích hợp khi lấy chủ đề của Ngày Truyền Thông thế giới sắp tới là về gia đình như một điểm quy chiếu. Sau hết, gia đình là môi trường đầu tiên mà chúng ta học cách truyền thông. Quay về khoảnh khắc nguyên khởi này có thể giúp cho việc truyền thông của chúng ta thêm chân thực và nhân văn hơn, đồng thời cũng giúp chúng ta nhìn về gia đình trong một cái nhìn mới.
Chúng ta có thể lấy ý tưởng từ đoạn Tin Mừng thuật lại cuộc viếng thăm của Đức Maria dành cho bà Elizabet (Lc 1,39-56). “Khi bà Elizabet nghe lời chào của Đức Maria, thì đứa con trong bụng bà liền nhảy lên vui sướng, và bà Elizabet, được đầy tràn Thánh Thần, đã cất cao giọng và nói ‘Em thật có phúc giữa muôn người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng thật có phúc’.” (cc 41-42)
Trước hết, trình thuật này trình bày cho chúng ta thấy việc truyền thông như là một cuộc đối thoại được gắn kết với nhau bằng ngôn ngữ cơ thể. Chính đứa trẻ, khi nhảy lên vui sướng trong bụng bà Elizabet, là lời đáp đầu tiên dành cho lời chào của Maria. Vui khi gặp gỡ người khác, theo một nghĩa nào đó là nguyên mẫu và biểu tượng cho mỗi hành vi truyền thông khác, mà chúng ta học được trước cả khi chúng ta được sinh ra. Dạ mẹ, nơi gìn giữ chúng ta, là “ngôi trường” đầu tiên dạy truyền thông, một nơi lắng nghe và tương tác thể lý, nơi mà chúng ta bắt đầu làm quen với thế giới bên ngoài trong một môi trường được bảo vệ, với thanh âm đảm bảo từ nhịp đập của con tim mẹ. Sự gặp gỡ giữa hai con người này, dù rất xa nhưng vẫn thân thiết với nhau, một cuộc gặp gỡ đầy tràn lời hứa, là kinh nghiệm truyền thông đầu tiên của chúng ta. Đây là một kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều có, vì mỗi người chúng ta đầu được sinh ra bởi một người mẹ.
Ngay cả sau khi chúng ta đã được sinh ra trong thế giới, theo 1 nghĩa nào đó, chúng ta vẫn còn ở trong “dạ mẹ”, đó chính là gia đình. Một cung lòng được làm nên bởi nhiều con người khác nhau có tương quan với nhau: gia đình là “nơi mà chúng ta học cách sống với người khác bất chấp những khác biệt” (Evangelii Gaudium, 66). Không bận tâm đến những khác biệt về giới tính và tuổi tác, các thành viên trong gia đình đón nhận nhau bởi vì có một mối dây liên kết giữa họ. Mức độ những tương quan này càng lớn thì những khác biệt về tuổi tác càng cao, môi trường sống của chúng ta càng phong phú. Mối dây này đặt nền tảng nơi lời nói và đến lượt nó, lời nói thắt chặt mối dây hơn. Chúng ta không tạo ra lời nói: chúng ta sử dụng nó vì chúng ta đã nhận nó. Chính nơi gia đình mà người ta học cách nói “ngôn ngữ mẹ đẻ”, ngôn ngữ của tổ tiên chúng ta (x. 2 Mcb 7,25.27). Trong gia đình, chúng ta nhận ra rằng có những người khác đi trước chúng ta, họ giúp cho chúng ta có thể tồn tại và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải sinh ra sự sống và làm điều gì đó tốt đẹp và tuyệt vời. Chúng ta có thể cho vì chúng ta đã nhận rồi, và vòng nhân đức này nằm ngay nơi tâm điểm khả năng của gia đình trong việc truyền thông giữa các thành viên trong gia đình và với người khác, và phổ quát hơn, nó chính là kiểu mẫu cho mọi hình thức truyền thông.
Kinh nghiệm về tương quan “đi trước truyền lại cho chúng ta” này cho phép các gia đình có thể trở thành một bối cảnh, nơi đó hình thức cơ bản nhất của truyền thông – cầu nguyện – được truyền lại. Khi cha mẹ ru đứa con mới sinh của mình vào giấc ngủ, họ thường trao phó chúng cho Thiên Chúa, để Ngài trông đến chúng; và khi những đứa trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ giúp chúng cùng đọc với mình những câu kinh đơn giản, nhắc nhớ chúng biết nghĩ đến những người khác như ông bà, họ hàng, người bệnh và người đau khổ, và những ai đang cần sự giúp đỡ của Chúa. Như thế, nơi gia đình, phần lớn chúng ta học biết được chiều kích tôn giáo của truyền thông, mà trong bối cảnh Kitô giáo, nó được thấm nhuần bởi tình yêu, tình yêu mà Thiên Chúa ban xuống trên chúng ta và chúng ta trao ban cho những người khác.
Trên hết, nơi gia đình, chúng ta học cách ôm ấp và nâng đỡ nhau, ở bên nhau, biết được ý nghĩa của những diễn tả nơi nét mặt và những khoảnh khắc thinh lặng, để cùng cười và khóc với nhau, giữa những con người không hề tự chọn nhau và rất quan trọng với nhau, giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc truyền thông như là sự nhận biết và dựng xây tình thân hữu. Khi chúng ta rút ngắn khoảng cách, trở nên gần gũi nhau và đón nhận nhau hơn, chúng ta sẽ cảm nghiệm được lòng biết ơn và niềm vui: từ lời chào của Maria và từ việc đứa con trong bụng nhảy lên dẫn tới lời chúc phúc của bà Elizabet, sau đó là bài ca Magnificat mà Đức Maria đã cất lên để ca ngợi kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho Mẹ và cho dân tộc Mẹ. Một tiếng “xin vâng” được cất lên với niềm tin có một tác động giúp ta vượt lên chính mình và mở rộng mình ra trong thế giới. “Viếng thăm” bao hàm việc mở cửa ra, không ở lại trong nhà mình nhưng đi ra ngoài, vươn đến với người khác. Cũng tương tự như thế, gia đình sẽ trở nên sống động khi nó vượt lên trên chính mình, và các gia đình nào làm như thế thì thông truyền sứ điệp sự sống và hiệp thông của họ, có thể trao ban niềm an ủi và hy vọng cho các gia đình mỏng manh hơn, và vì thế giúp xây dựng chính Giáo Hội, là gia đình của các gia đình.
Hơn bất kỳ nơi nào khác, gia đình là nơi chúng ta sống với nhau hằng ngày, nơi đó chúng ta kinh nghiệm thấy những giới hạn của mình và của người khác, những vấn đề lớn nhỏ của việc sống chung, và của việc hòa thuận. Không bao giờ có một gia đình hoàn hảo, nhưng không nên sợ hãi sự bất toàn, yếu đuối hay thậm chí là xung đột; nhưng chúng ta nên học cách đối diện với chúng trong tinh thần xây dựng. Vì thế, gia đình, nơi mà chúng ta luôn yêu thương nhau, bất chấp những giới hạn và lỗi lầm, sẽ trở nên trường dạy tha thứ. Tha thứ là một sự năng động của truyền thông, một kiểu truyền thông đã đổ vỡ, nhưng qua việc diễn tả và đón nhận của việc hối lỗi, nó giúp phục hồi và lớn lên. Đứa trẻ nào học được nơi gia đình cách lắng nghe người khác, nói năng lễ độ và diễn tả quan điểm của mình mà không xem thường ý kiến của người khác, sẽ là một người xây dựng sự đối thoại và hòa giải trong xã hội.
Liên quan đến những giới hạn và việc truyền thông, những gia đình nào có con trẻ bị khuyết tật có nhiều thứ để dạy chúng ta. Giới hạn về vận động, về cảm giác hay tâm thần luôn có xu hướng khiến người ta đóng mình lại; nhưng nó cũng có thể trở thành một trợ lực để mở ra, chia sẻ và truyền thông theo một cách thức rất riêng, nhờ tình yêu của cha mẹ, anh chị em và bạn bè; và nó có thể giúp các trường học, giáo xứ và các hội đoàn trở thành nơi đón nhận và quy tụ mọi người hơn mà không loại trừ ai cả.
Trong một thế giới, nơi là mọi người thường nguyền rủa, dùng những tà ngôn, nói xấu người khác, gieo rắc sự bất hòa và gây độc hại cho môi trường nhân văn của chúng ta bằng việc ngồi lê đôi mách, gia đình là trường dạy truyền thông như là một lời chúc lành. Những nơi bị thống trị bởi sự thù hận và bạo lực, khi mà các gia đình bị ngăn cách bởi những bức tường đá hay những bức tường hầu như không thể xuyên thủng được của thành kiến và thù hằn, khi mà dường như luôn có đủ lý do tốt để nói “giờ thì đủ rồi nhé”, thì lời chúc lành chứ không phải nguyền rủa, viếng thăm chứ không phải cự tuyệt, và đón nhận chứ không phải đấu tranh, sẽ là phương thế duy nhất giúp phá vỡ vòng xoắn của sự dữ, cho thấy rằng điều tốt lành luôn là điều có thể và giáo dục con cái chúng ta hướng đến tình bằng hữu.
Ngày nay, các phương tiện truyền thông hiện đại, vốn là một phần chính yếu của đời sống, cách riêng cho giới trẻ, vừa là một trợ giúp, vừa là một trở ngại cho việc truyền thông trong gia đình và giữa các gia đình. Phương tiện truyền thông có thể là một trở ngại nếu chúng trở thành một cách thức để không lắng nghe người khác, tránh tương tác thể lý với người khác, chỉ muốn im lặng và nghỉ ngơi, mà quên mất rằng “thing lặng là một yếu tố không thể thiếu của truyền thông; thiếu nó, không thể có được những ngôn từ giàu ý nghĩa trong nội dung.” (BENEDICT XVI, Sứ Điệp Cho Ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới lần thứ 46, 24.1. 2012). Phương tiện truyền thông có thể là một trợ giúp khi chúng giúp con người nói chuyện, chia sẻ, tương tác với những người ở xa, để cảm ơn hay xin tha thứ hay mở cửa ra với những cuộc gặp gỡ mới. Nhờ việc hằng ngày tái khám phá ra tầm quan trọng sống còn của việc gặp gỡ người khác, chính là “những khởi đầu mới” này, chúng ta mới biết sử dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật để trợ giúp cho các tương quan của chúng ta, hơn là để mình bị chúng lèo lái. Trong lĩnh vực này, chính cha mẹ là nhà giáo dục chính yếu. Nhưng họ không làm điều đó một mình, cả cộng đoàn Kitô giáo cũng được mời gọi để giúp đỡ họ để họ có thể giáo dục con cái sống trong một môi trường truyền thông theo những tiêu chuẩn tôn trọng phẩm giá của con người và phục vụ công ích.
Thách đố mà chúng ta phải đối mặt hôm nay là học lại cách nói chuyện, không chỉ đơn thuần là cách cho và nhận thông tin. Cho và nhận thông tin là một xu hướng mà các phương tiện truyền thông hiện đại có tầm ảnh hưởng và quan trọng có thể làm được. Thông tin thì quan trọng, nhưng nó chưa đủ, vì nó thường đơn giản hóa, đặt đối nghịch những quan điểm và góc nhìn khác nhau cách riêng biệt, khiến cái này chống lại cái kia, hơn là giúp nhìn thấy mọi sự trong cách nhìn tổng thể.
Nói tóm lại, gia đình không phải là một chủ đề để người ta đưa ra ý kiến bàn thảo hay một lãnh địa cho những tranh luận ý thức hệ, nhưng nó là một môi trường trong đó chúng ta học cách truyền thông trong sự gần gũi và là một cơ cấu nơi truyền thông xảy ra, [đó là] một “cộng đồng truyền thông”. [Gia đình là] một cộng đồng biết cách đồng hành với nhau, ăn mừng với nhau và giúp nhau triển nở. Theo nghĩa này, chúng ta có thể có lại được một cái nhìn rằng gia đình tiếp tục là một nguồn nhân lực phong phú, chứ không chỉ một vấn đề hay một cơ cấu đang gặp khủng hoảng. Các phương tiện truyền thông thường có xu hướng nói về gia đình như thể đó là một kiểu mẫu trừu tượng để đón nhận hay loại trừ, bảo vệ hay tấn công, thay vì xem đó là một thực tại sống động, hay xem nó như là một vùng ý thức hệ với nhiều ý kiến tranh cãi, hơn là một cơ cấu nơi mà tất cả chúng ta có thể học biết ý nghĩa của việc truyền thông trong một tình yêu cho đi và đón nhận. Chia sẻ kinh nghiệm cho nhau có nghĩa là hiểu rằng cuộc sống của chúng ta được gắn kết với nhau như một mối duy nhất, rằng tiếng nói của chúng ta rất nhiều, và mỗi người chúng ta là độc nhất.
Gia đình nào có đời sống tốt đẹp, anh hùng và không có vấn đề là gia đình biết cách truyền thông, nhờ chứng tá của mình, nhờ nét đẹp và sự phong phú của tương quan giữa người nam và người nữ, và giữa cha mẹ với con cái. Chúng ta không đấu tranh để bảo vệ quá khứ, nhưng chúng ta đang làm việc, với sự nhẫn nại và tin tưởng, để xây dựng một tương lai trong tất cả những môi trường mà chúng ta đang sống.
Từ Vatican, 23.1.2015
Lễ nhớ Thánh Franscis de Sales.”
Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ