Sự Hiện Diện Vô Điều Kiện Của Thiên Chúa (1/2)

God Presence

Trong mọi truyền thống văn hoá, bất cứ kinh nghiệm tôn giáo chân chính nào cũng đều dẫn người ta tới chỗ linh cảm một huyền nhiệm nào đó, và huyền nhiệm này thường giúp chúng ta nhận ra một vài nét trong dung mạo Thiên Chúa. Một đàng, Thiên Chúa được coi là nguồn gốc của mọi sự đang hiện hữu, là sự hiện diện bảo đảm cho con người có được những điều kiện sống căn bản để tổ chức thành một xã hội, trao vào tay con người những phương thế cần thiết. Đàng khác, Thiên Chúa xuất hiện như chuẩn mực cho biết mọi sự phải thế nào, như sự hiện diện luôn thách thức các hoạt động của con người “ cả trên bình diện cá nhân lẫn xã hội “ liên quan đến việc sử dụng các phương thế ấy trong mối tương quan với người khác. Thế nên, trong bất cứ kinh nghiệm tôn giáo nào, người ta cũng phải hết sức chú ý tới chiều hướng ban tặng và cho không, được coi là yếu tố nằm bên dưới mọi kinh nghiệm con người có về cuộc sống của mình cùng với người khác trong thế giới, cũng như phải hết sức chú ý tới những âm hưởng của chiều hướng này trên lương tâm con người, khiến con người cảm thấy mình được kêu gọi để quản lý quà tặng đã nhận được với tinh thần trách nhiệm và cùng với người khác. Bằng chứng cho sự kiện này là ai ai cũng nhận ra một quy luật vàng, cho biết đâu là điều Đấng Huyền Nhiệm muốn dạy con người trong quan hệ với nhau: “Bất cứ điều gì anh em muốn người khác làm cho mình thì chính anh em hãy làm cho họ” (Mt 7,12)(x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1789, 1970, 2510.)

Trên kinh nghiệm tôn giáo phổ quát nền tảng ấy, được mỗi người cảm nhận mỗi khác, chúng ta thấy nổi rõ sự mạc khải tiệm tiến của Thiên Chúa về bản thân mình cho dân Israel. Mạc khải này đáp ứng nỗi khao khát của con người đi tìm kiếm Chúa, và đáp ứng một cách hết sức bất ngờ theo cung cách của lịch sử “ tức là vừa gây ấn tượng vừa thâm nhập sâu xa “qua đó Thiên Chúa cho con người thấy tình thương của Ngài cách cụ thể. Theo sách Xuất Hành, Thiên Chúa nói với Môsê như sau: “Ta đã thấy nỗi khốn khổ của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe thấy tiếng kêu la của chúng vì các tay đốc công; Ta biết những đau khổ của chúng, và Ta sẽ xuống để giải thoát chúng khỏi tay những người Ai Cập, đưa chúng ra khỏi đất ấy để tới miền đất tốt tươi và rộng rãi, miền đất chảy sữa và mật ong” (Xh 3,7-8). Sự hiện diện hoàn toàn vô vị lợi của Thiên Chúa “ một điều được ám chỉ qua cái tên của Ngài như Ngài đã mạc khải cho Môsê, “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14) “ được biểu lộ qua việc Ngài giải phóng họ khỏi ách nô lệ và qua những lời Ngài hứa. Những việc này đã trở thành những hành động lịch sử, là nguyên nhân đưa tới cách thế mà dân Chúa tự xác định mình, khi nhận được sự tự do và miền đất Chúa ban tặng.

(Công Lý và Hòa Bình, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, (Bản dịch tiếng Việt của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và nhóm dịch thuật), số 20-21)

 

Cầu nguyện

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.

Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.

Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,

mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
Chúa căng lều cho thái dương tại đó,

thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng,
và vui sướng lên đường như tráng sĩ.

Từ chân trời này, thái dương xuất hiện,
rồi chuyển vần mãi đến chân trời kia,
chẳng có chi tránh khỏi ánh dương nồng. (Tv 19,2-7)

(Ban Tông đồ Xã hội)

Kiểm tra tương tự

Bí tích của niềm hy vọng

  Khi tuyên xưng mình là người Công giáo, ta bước trên cùng một con …

Một phép ẩn dụ về giá trị của người cao tuổi

  Vào dịp lễ, một linh mục Chính thống giáo đã mang đến cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *