Hôm nay Ba Vua hay Ba nhà Đạo Sĩ theo ánh sao đến triều bái Hài Nhi Giêsu. Hôm nay cũng là lễ Hiển Linh theo nghĩa Chúa tỏ lộ (Hiển lộ) sự cao trọng linh thánh của mình (Linh). Qua biến cố Hiển Linh, Chúa Giêsu tỏ lộ căn tính đích thực của mình là Đấng Mêsia, như lời Kinh Thánh đã loan báo. Nhưng cũng lạ thay, chính trong biến cố này, thân phận con người được chiếu sáng và tỏ lộ, một thân phận rất cao trọng và được yêu mến.
Thân phận con người được chiếu sáng, được soi tỏ theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất được hiểu như Chúa là ánh sáng soi chiếu để con người thấy sự thực về mình. Nghĩa thứ hai được hiểu như thân phận con người vốn tăm tối, u buồn, nhỏ bé, nay được Chúa đến thắp sáng, làm cho vui tươi và trở nên vĩ đại. Hai nghĩa này bổ túc cho nhau.
Theo nghĩa thứ nhất, Chúa soi tỏ cho con người thấy rõ thân phận của mình. Trước Chúa Giáng sinh thân phận con người không rõ, vì ngay đến sự sống lại những người trụ cột trong hàng lãnh đạo của dân Chúa như phái Pharisêu và Sa-đốc cũng không thống nhất với nhau, và khi Chúa đến, họ vẫn coi đây là một thách đố và đã đặt vấn đề này với Chúa. Truy ngược lên đến Ađam và Evà, họ cũng khắc khoải về thân phận của họ: họ tự hỏi, không biết Chúa yêu mình đến mức nào khi không cho ăn cây trái cấm.
Điều tăm tối nơi con người đó là định mệnh của họ và câu hỏi rốt cuộc họ là ai trong ánh mắt của Chúa. Biến cố Hiển Linh và các biến cố tiếp theo của Ngôi Lời Nhập Thể đã soi tỏ vấn đề này. Nhờ ánh sáng của Chúa, con người dần nhận ra mình quá cao quý, thân phận của mình quá ư tốt đẹp. Chúng ta tràn đầy sự ngạc nhiên khi nhận ra mình quá cao trọng và được Chúa yêu mến. Thánh Vịnh nói:
“Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên…” Tv 8, 4-6
Những lời này vẫn còn mơ hồ, vì rốt cuộc Chúa nhớ đến và bận tâm là gì? Chẳng thua kém thần linh và ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên nghĩa là sao? Những điều này được soi tỏ nơi Ngôi Lời nhập thể.
Quả vậy, với Ngôi Lời, chúng ta có thể mượn lời của Ba Elizabeth: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm?” (Lc 1,43). Hơn nữa chúng ta có thể đổi thành, “”Bởi đâu tôi được chính Con Thiên Chúa tôi đến viếng thăm, được Con Thiên Chúa chịu nạn và chịu chết cho tôi?”
Khi con người “sống và chết” cho điều gì thì điều ấy hẳn là rất cao quý với người ấy. Chúa quả thật đã sống và chết cho con người theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chúa sinh ra làm người vì chúng ta và chết cũng là vì chúng ta. Chúng ta thấy mình cao quý, và cao quý với Chúa. Đó là cách Chúa nghĩ đến và bận tâm. Chúa sinh ra và chết cho chúng ta, đó là mũ triều thiên chúng ta đội. Còn mũ triều thiên nào vinh dự hơn thế?
Khi nói Chúa đến tỏ lộ thân phận của chúng ta là có ý nói rằng không phải khi Chúa sinh ra và chết cho chúng ta, chúng ta mới được yêu, không phải thế, Chúa yêu bằng một tình yêu không đổi. Vì thế có thể nói thân phận con người là thân phận cao quý, là thân phận được yêu mến từ cõi đời đời. Nhưng rất tiếc con người không nhận ra. Con người cần một biến cố, cần một dịp để nhận ra thân phận cao quý của mình. Biến cố đó là tội! Tội hồng phúc!
Tội hồng phúc là vì nhờ tội này mà con người nhận ra Chúa yêu mình thế nào khi chính Con Thiên Chúa làm người và chịu nạn chịu chết thay cho họ. Qua việc này, không những con người được phục hồi tình trạng cao quý như xưa mà còn được thấy tình thương của Chúa qua Đức Kitô. Như thế, con người không mất gì mà lại còn được thêm. Hồng phúc là ở chỗ này.
Đây cũng là điều dẫn đến nghĩa thứ hai của việc soi sáng. Thân phận tăm tối của con người được chiếu sáng, được đổi mới. Khi không hiểu rõ thân phận cao quý và được yêu của mình, con người đã tin theo con rắn, đã cậy nhờ thụ tạo (cây trái cấm) hơn tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa (nghi ngờ Chúa). Và khi làm như thế, họ thấy một thân phận bị hư hoại của họ, họ thấy mình trần truồng. Và đến hôm nay, bao người cũng thấy cuộc đời như một sự vô nghĩa, hay thấy rằng con người cũng là vật chất một ngày kia trở về cát bụi và không còn gì nữa. Với cái nhìn như vậy, họ hoạch địch cuộc sống theo tầm nhìn này. Sự thật rằng con người không làm gì vượt ra ngoài tầm nhìn. Tầm nhìn thấp, nên cũng không có những hành động siêu nhiên.
Trong cảnh tối tăm đó, Ngôi Lời như ánh sáng chiếu soi, xua tan bức màn tăm tối che phủ, phục hồi những gì hư hỏng: kẻ què đi được, người mù được thấy, kẻ điếc được nghe. Những điều này có thể hiểu theo nghĩa thiêng liêng, tinh thần: Chúa đến phục hồi niềm tin, niềm hi vọng và mang lại sức sống mới.
Ngôi sao dẫn đường cho Ba nhà Đạo sĩ thấy Chúa, và chính Chúa sẽ dẫn đường (Thầy là đường) cho chúng ta thấy rõ thân phận của mình, một thân phận rất cao quý và được yêu mến. Chỉ khi có một tầm nhìn cao rộng, nghĩa là một đức tin và một niềm hi vọng sống động, chúng ta mới có thể mong chờ những hành động tương ứng.
Uyên Thi, S.J.