[Suy niệm Mùa Vọng] Chúa Nhật Tuần II: Lc 3, 1-6

PHÚC ÂM: Lc 3, 1-6

3:1 Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhonít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên,
3:2 Khanna và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa.
3:3 Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội,
3:4 như có lời chép trong sách sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
3:5 Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.
3:6 Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. 

Suy Niệm:

­

Chúa Nhật II Mùa Vọng năm C, Giáo Hội Công Giáo giới thiệu một khuôn mặt độc đáo của Tân Ước: Gioan Tẩy Giả. Người Dọn Đường cho Đấng Cứu Thế. Tin Mừng hôm nay chỉ gồm 6 câu, Thánh Sử Luca đã khéo léo vẽ nên bức tranh tổng thể của Vận Nước, đan kết với những câu chuyện của đời riêng.

Vận Nước: Bối Cảnh Chính Trị- Xã Hội – Tôn Giáo (Lc 3:1-2)

Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế TIBÊRIÔ, thời PHONGXIÔ PHILATÔ làm tổng trấn miền Giuđê (c. 1-2): Hai khuôn mặt được nhắc đến là Hoàng đế Tibêriô, Philatô, xác định một thời điểm khó khăn và khổ đau của đất nước và dân tộc Do Thái: đất nước và dân tộc này bị Hoàng Đế Tibêriô La Mã Đô Hộ, và người có thực quyền cai trị là Philatô.

HÊRÔĐÊ làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhonít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên”: Hêrôđê là người tiêu biểu trong những tên tuổi được nhắc đến ở đây. Ông, lẽ ra, phải là người phải có thực quyền lãnh đạo đất, dân Do Thái, thực tế, ông chỉ là 1 vị vua bù nhìn. Cay đắng, muộn phiền, ông tìm vui, tìm quên trong tiệc tùng, men rượu và có 1 đời sống luân lý không tốt.

KHANNA và CAIPHA làm thượng tế: khi gặp khổ đau trong đời sống Chính Trị, Kinh Tế, Xã Hội, con người thường tìm sự an ủi, nâng đỡ từ tôn giáo. Nhưng những nhà Lãnh đạo Tôn giáo lúc ấy không là nguồn nâng đỡ. Người Phariseu thì chi li; người Xa Đốc thì hưởng thụ và thực dụng. Cụ thể hơn, hai vị dược nhắc tên ở đây Khanna và Caipha, đã góp phần đáng kể làm nên bản án tử hình bất công dành cho Chúa Giesu sau này.

Đời Riêng

“… có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria.” (Lc 3: 2)

DACARIA: 1 tư tế, đến gần hết cuộc đời vẫn chưa có 1 người con. Dưới quan niệm của người Do Thái thời đó: cây Độc, không trái. Ông không con, vì ông tội lỗi, nên bị chúc dữ. Sống theo vận nước nổi trôi như thế, và khó khăn của đời riêng như vậy, bao người đã chán nản buông xuôi niềm tin của mình, nhưng Dacaria vẫn kiên trung: “sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì.” (Lc 1:6). Cuộc đời của ông trao lại cho người con của mình một giá trị tinh thần rất quý: Kiên Trung dù trải qua bao thăng trầm thử thách lâu dài, và 1 lời Chúc Tụng, cũng là lời tiên tri định hướng ơn gọi đời người con: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1:76). Dacaria Sinh Thành, Dưỡng Dục người con để rồi 30 năm sau:

“Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi, Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.” (Lc 3:4-5)

GIOAN TẨY GIẢ: người con nay đã trưởng thành. Ông cất tiếng giữa cuộc đời bất toàn và ngổn ngang của cuộc đời. Ông bạt núi cao, lấp chỗ trũng, dọn con đường thẳng cho Đấng Cứu Thế đến với trần gian.

Đức tính Kiên Cường trong thử thách của người cha xưa, nay được cưu mang trong cuộc đời người con. Lời tiên tri của người cha xưa, nay thành hiện thực: “Có tiếng người hô trong Hoang Địa. Hoang Địa có thể hiểu theo 2 nghĩa

Hoang Địa theo nghĩa Không Gian: chỉ ĐỜI sống thanh bạch, đơn giản, yêu thích cầu nguyện cô tịch của Gioan.

Hoang Địa theo nghĩa Tinh Thần: ông cất LỜI cho vận chung, chạm đến những vấn nạn của đời sống Chính Trị, Kinh Tế, Tôn Giáo, Xã Hội, nhưng tiếng kêu này nguy hiểm quá, chẳng ai muốn chung tiếng, chăng ai muốn đúng cạnh ông. Ông đơn độc trong sứ mạng cao cả này.

Gioan đã là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến lần đầu. Người tín hữu Công Giáo phải là những ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến lần cuối. Thời nào cũng có những hoàng đế Tiberio, Caipha, Philato, Herode của riêng thời đại mình. Cần có những con người cất tiếng hô to bằng LỜI nói và bằng ĐỜI. Làm ngôn sứ cho Chúa đến giữa dân tộc, thời đại mình: đó là ơn gọi của mọi kitô hữu chẳng trừ ai.

 Đức Hạnh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Manna: Không phải hư mất (Thứ Ba Tuần 2 Mùa Vọng – Mt 18,12-14)

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Mt 18,12-14 12 Khi ấy, Đức Giê-su …

Mến Yêu Hằng Ngày, 09-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 2, 11-12-2024 (Lc 5,17-26) Một hôm, khi Đức Giê-su giảng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *