[Suy niệm Mùa Vọng] Chúa Nhật Tuần III: Lk 3, 10-18

Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây? ” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? ” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? ” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”

Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.

…………..

“Chúng tôi phải làm gì?” là câu nói mà dân chúng, người thu thuế và binh lính đến hỏi ông Gioan. Câu hỏi xem ra bình thường nhưng nó có một ý nghĩa sâu xa. Sâu xa không chỉ vì chỉ có con người mới có thể hỏi câu hỏi như thế, nhưng còn vì chỉ khi có một mục đích rõ ràng trong đầu, con người mới đặt câu hỏi như thế. Con người mang trong mình đích đến và họ đặt câu hỏi, tức họ muốn có cách đi đến đích đã nhắm.

Trong bài Tin Mừng, người ta hỏi ông Gioan với đích nhắm là họ muốn được sống sót khi Đấng Mê-si-a ngự đến. Quả vậy, họ muốn biết cách trở nên thóc mẩy để khỏi mang thân phận của thóc lép vốn sẽ bị bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi. Và ông Gioan đã chỉ cách cho họ, tùy vào hoàn cảnh, nghề nghiệp mà họ đang có.

Trong sách Tin Mừng, cũng có nhiều nhân vật khác đặt câu hỏi tương tự. Người quản lý bất lương đặt câu hỏi như sau: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” Lc 16, 3. Anh ta muốn tránh đau khổ, nên đã tiên liệu và đặt câu hỏi để tìm ra giải pháp. Nơi khác, ông phú hộ khi trúng mùa cũng tự hỏi: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Lc, 12, 17. Và ông đã quyết định phá kho lẫm cũ và xây cái mới to hơn với mục đích là có nhiều của cải để vui chơi hưởng thụ. Người thanh niên giàu có, nghe nói về sự sống đời đời, nên cũng muốn có, và vì muốn nên anh ta cũng đã đặt câu hỏi: Con phải làm gì để được sự sống đời đời? Mc 10, 17.

Chúa đã khen con cái thế gian rất giỏi trong việc đặt ra những mục tiêu thế trần và theo đuổi. Con người thế gian rất siêng năng, thông minh, tháo vát, nghĩ ra đủ cách đủ kiểu để đạt cho được những mục tiêu của mình nơi trần thế.

Nhưng Chúa buồn và trách chúng ta, vì Chúa thấy trong việc thiêng liêng và của cải trên trời, chúng ta không tha thiết và nhạy bén như vậy. Chúng ta không có mục đích hướng về trời, thế nên chúng ta cũng ít khi, nếu không muốn nói là chẳng bao giờ, đặt ra câu hỏi tôi phải làm gì để được sự sống đời đời. Khi không có mục đích, mọi cái sửa đổi chẳng đem lại sự biến đổi bao nhiêu! Quả vậy, nếu mỗi người không muốn về trời, không yêu thích sự thánh thiện hay thiên đàng, mà lòng họ chỉ mê đắm thế gian, thì có nghe giảng, khuyên răn thì cũng như “nước đổ lá môn”; hay nói như Chúa, họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, Lời Chúa như rơi vào vệ đường hay nơi đá sỏi.

Ngược lại, nếu ai đó khát khao những sự trên trời, họ sẽ tìm được cách. Thế nên nói cho cùng, lòng khát khao mới là điều đáng kể. “Thứ hai thì ngắm Đức Chúa Giêsu lên trời ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”. Chỉ khi ái mộ những sữ trên trời, ta mới đặt câu hỏi “phải làm gì để lên trời” và khi đó khắp đất trời mà mọi hoàn cảnh sẽ nói cho chúng ta con đường. Nếu không có sự ái mộ những sự trê trời, thì than ôi, mọi cái chỉ là bề ngoài, nước đổ lá khoai.

Vậy trong mùa vọng, chúng ta dành thời gian để hỏi chính mình một câu: mình đang theo đuổi những mục đích nào vậy? Và nếu lòng của mình quá xa với trời cao, thì hãy xin Chúa nâng tâm hồn mình lên, để mình được “sống lại thật về phần linh hồn”, đề rồi với khát khao đó, mình sẽ luôn hỏi mình: tôi phải làm gì để tiến về trời cao. Và đó là ý nghĩa của mùa Vọng: Mùa hướng đến trời cao, mùa đi về đích điểm cuối cùng. Nhưng khi xét mình chỉ thấy lòng mình chỉ hướng xuống đất thì sao? Khi đó chúng ta đón mùa Vọng theo một nghĩa khác: Nhận ra sự hư vô kém cỏi của mình, nhận ra tình trạng mù lòa, yếu đuối, tình trạng không thể tự cứu nổi mình, tình trạng khốn quẫn… để rồi mầu nhiệm Giáng Sinh đem lại cho chúng ta ân sủng cần thiết. Điều tối thiểu Chúa cần là lòng khao khát, trông cậy nơi Chúa.

Uyên Thi, S.J.

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 05-09-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 05/09/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Người đánh cá …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 04-09-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 04/09/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Được sai đi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *