[Suy niệm Mùa Vọng] Thứ Tư Tuần I: Is 25,6-10a; Mt 15,29-37.

Lời Chúa trong cả hai bài đọc hôm nay đều gợi lên một hình ảnh chung: Thiên Chúa chăm sóc, thết đãi dân Người ăn uống no nê trên núi của Người. Trong bài đọc một, tiên tri Isaia đã tiên báo về viễn tượng Nước Trời trong đó Thiên Chúa mời dân Người đến dự tiệc và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt. Còn trong bài Tin Mừng, Thánh Mat-theu thuật lại việc Chúa Giê-su cảm thương trước những đói khổ, lầm than của dân chúng và đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để họ được ăn uống no nê khi họ đến nghe Người giảng dạy.

Như thế, điểm nổi bật của hình ảnh chung nói trên chính là việc Thiên Chúa xót thương và chăm sóc dân người; và Ngài quan tâm, chăm sóc từ cả những nhu cầu căn bản, cụ thể nhất của đời sống con người: ăn uống. Thiên Chúa chúng ta không phải là một đấng xa lạ, mà là một Thiên Chúa hết sức gần gũi với con người, một người Cha giàu lòng xót thương con cái.

Chắc hẳn việc được Thiên Chúa yêu thương, gần gũi và chăm sóc là niềm hạnh phúc ai cũng ao ước. Tuy nhiên, trong đời sống thực tế, nhiều người trong chúng ta lại ít cảm nhận được tình yêu và sự chăm sóc đó. Thậm chí có những người còn cảm thấy mình không được Thiên Chúa chăm sóc. Và đây là vấn nạn cho đời sống đức tin, vì trong trường hợp đó chúng ta không còn cảm nhận được một Thiên Chúa gần gũi với mình nữa. Lúc đó, Thiên Chúa trở thành một đấng xa lạ; hình ảnh của Ngài chỉ còn là một ý tưởng nào đó, hay một nội dung mơ hồ nào đó trong một niềm tin chung chung mà thôi.

Vì đâu nên nỗi như vậy? Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng thành tín. Ngài vẫn luôn muốn kề cận, quan tâm và chăm sóc con người, vì Ngài không thể đi ngược lại bản chất tình yêu và xót thương của mình. Vấn đề là chúng ta có còn để cho Thiên Chúa có cơ hội chăm sóc mình hay không. Một mặt, chúng ta vẫn luôn khao khát được Thiên Chúa chăm sóc; vẫn luôn mong ước một ‘thiên đàng tại thế’. Nhưng mặt khác, chúng ta lại có khuynh hướng chỉ tin cậy vào khả năng của chính mình, vào những gì mà trí khôn ta xác chuẩn và đảm bảo. Vì thế, chung ta dành mọi ‘nguồn lực của mình’, từ thời giờ cho đến tâm trí, để tìm kiếm những đảm bảo từ của cải vật chất và danh vọng trần thế. Và một khi đã vào ‘guồng máy’ của sự tìm kiếm này, chúng rất khó dứt ra được. Đơn giản vì chúng ta chẳng mấy khi cảm thấy ‘đủ’, mà ngược lại, ta luôn thấy cần nhiều của cải danh vọng hơn nữa. Từ đó, chúng ta chẳng còn thời gian hay tâm trí nào cho Thiên Chúa nữa. Cuộc đời ta không còn ‘không gian, thời gian’ cho Thiên Chúa chăm sóc và gần gũi mình nữa.

Vậy ta phải làm gì? Lời Chúa ngày hôm nay nói riêng và tinh thần Mùa Vọng nói chung nhắc chúng ta nhìn lại những khao khát thâm sâu trong lòng mình. Nếu ta bỏ chút thời gian và thật tâm nhìn lại từ nội tâm, ta sẽ nhận ra rằng niềm khao khát được gần gũi Thiên Chúa, được Ngài an ủi và chăm sóc vẫn luôn hiện diện mãnh liệt nơi tâm hồn mình. Khát vọng này đang ẩn dấu dưới những ‘ước ao nguỵ trang’ khác, tuỳ theo hoàn cảnh mỗi người: ước ao được người khác hay xã hội thừa nhận, ước ao được yêu mến,…; nó cũng có thể nằm sâu sau những loại ‘vỏ bọc’ khác: sự chán nản vì gánh nặng cuộc sống, chưa thoả mãn với của cải vật chất, thất vọng về các mối quan hệ.

Hơn nữa, để khám phá cụ thể hơn nỗi khát vọng trên, chung ta cần biết trở lại với quan hệ của mình với tha nhân. Tương tự như trong tương quan giữa ta và Thiên Chúa, vấn nạn trong tương quan của ta với tha nhân ngày hôm nay chính là việc chúng ta không dành thời giờ và tâm trí cho nhau, dù từ trong sâu thẳm chúng ta thèm khát được chăm sóc nhau. Nếu chúng ta trở lại với sự gần gũi và chăm sóc lẫn nhau, chúng ta sẽ khám phá được khao khát muốn được Thiên Chúa gần gũi và chăm sóc mình.

Khắc Bá, S.J.

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 28-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 5, 28-11-2024 (Lc 21,20-28) “Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 28-11-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 28/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Khát khao Tự …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *