Đối với người đời, thập giá luôn mang một màu sắc của sự ảm đạm, bạo lực và chết chóc. Nhưng đối với Kitô hữu, Thập giá Đức Kitô lại luôn là biểu tượng của tình yêu, sự vinh quang và niềm tự hào.
Có lẽ đó là lý do mà người phương Tây gọi hôm nay là “Good Friday” – Ngày thứ Sáu Tốt lành. Thật thế, khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng cũng chính giây phút Ơn Cứu độ của Thiên Chúa đến với nhân loại. Đó là ngày mà thân phận làm con Thiên Chúa của chúng ta được hàn gắn lại.
Do ảnh hưởng của Văn hóa, ta thường nghĩ đến Chúa như một vị vua khó tính, thích trừng phạt, hoặc một quan tòa nghiêm minh luôn dò xét những sai lỗi của ta. Tuy nhiên, Thập giá chính là bằng chứng cụ thể và sống động về một Thiên Chúa giàu tình yêu thương. Thập giá là dấu chỉ của lòng thương xót, sự tha thứ và lòng trung thành của Thiên Chúa.
Thật thế, Thiên Chúa là Tình yêu! Cho nên Thập giá không phải là dấu chỉ của sự đau khổ, chết chóc nhưng là tình yêu và vinh quang.
Suy ngắm và tôn kính Thập giá chiều thứ Sáu Tuần Thánh mời gọi chúng ta cảm nghiệm tình yêu vô tận của Thiên Chúa. Đồng thời, khi suy tư về Mầu nhiệm Thập Giá ta học nơi đó những giá trị sâu xa cho cuộc sống trần thế này.
Thập giá Chúa Giêsu là động lực và sức mạnh cho những ai phải đối diện những thập giá nặng nề và khó nhọc trong đời.
Thập giá Chúa Giêsu là niềm hy vọng và sự an ủi cho những ai gặp thất bại, lo toan và cô đơn giữa những nổi trôi của phận người.
Thập giá Chúa Giêsu là sự tha thứ và lòng xót thương cho những ai đang sống trong ghen ghét, oán trách hoặc bị hiểu nhầm.
Nhìn lên Thập Giá Chúa Giêsu để ta xác tín rằng: mọi khó khăn đời này rồi cũng sẽ qua đi, kể cả cái chết. Vinh quang và niềm tự hào của ta là Thập giá Đức Kitô. Và hạnh phúc thật của ta là sự sống vĩnh cửu với Người trên Nước Trời.
J.B Lê Đình Nam
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)