TÀI DÙNG BINH CỦA NGUYỄN HUỆ
(Nguyễn Nhã)
I. NGUYỄN HUỆ MỘT THIÊN TÀI QUÂN SỰ CHƯA HỀ NẾM MÙI THẤT BẠI
Chiến thắng bất hủ Xuân Kỷ Dậu đã đưa Nguyễn Huệ lên tột đỉnh đài vinh quang của dân tộc. Người đời sau có thể vì quá thần thánh hóa con người hùng của Nguyễn Huệ, nên người ta đã coi Nguyễn Huệ như một thiên tài quân sự siêu việt. Thực ra thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ cũng đã được người cùng thời với Nguyễn Huệ xác nhận như là một sự thực không thể chối cãi.
Các giáo sĩ thường ví Nguyễn Huệ như là “Alexandre” hay “Tân Attila” (2). Đại đế Hy Lạp Alexandre Le Grand và vua hung nô Attila đều là những nhà quân sự nổi danh “bách chiến bách thắng” ở Châu Âu.
Người Việt cùng thời với Nguyễn Huệ như một cung nữ cũ của vua Lê, khi nghe tin vua Lê Chiêu Thống đã đưa Tôn Sĩ Nghị về Thăng Long, đã từ Trường An (4) ra Thăng Long nói với Thái Hậu:
“Cứ xem những lời trong bài hịch thì, thấy Ngài (Tôn Sĩ Nghị) buộc cho ta nhiều lắm, mà Ngài thì cứ lượn lờ trên sông, chỉ dùng thanh thế dọa nạt, không biết Nguyễn Huệ là bậc anh hùng lão hung thủ hung tợn và giỏi cầm quân. Coi y ra Bắc vào Nam, thật là thần xuất quỷ nhập không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào còn dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh của y, ai cũng mất cả hồn vía, sợ hơn sấm sét. E rằng bất nhật y sẽ lại ra, quân Tôn Tổng Đốc còn có cái lo bên trong, địch sao cho nổi!” (5).
Các sử quan nhà Nguyễn cũng phải xác nhận:
… “Nguyễn văn Huệ là em của Nguyễn văn Nhạc, tiếng nói như tiếng chuông to, mắt lập lòe như ánh điện, là người giảo hoạt đánh giặc rất giỏi; người người đều sợ Huệ” (6).
Cái giỏi và độc đáo của Nguyễn Huệ ở điểm xuất thân là kẻ ít học, chỉ là kẻ “áo vải”, người trong “hang núi” như Nguyễn Huệ đã tự nhận, không xuất thân từ một trường dạy võ nào, hay một chức, quan võ nào của triều đình mà từ một kẻ bạch đinh trở thành một tướng lãnh tài ba.
Phàm kẻ làm tướng tài, thì như Tôn Tử nói: “Tướng ấy là trí, là nhân, là kính, là tín, là dũng, là nghiêm. Trí là để bẻ gãy kẻ địch, nhân để làm cho người ham theo, kính là để chiêu người hiền, tín là để đúng lệ thường, dũng là để thêm khí, nghiêm là để nhất lệnh.”
Nguyễn Huệ thật là một người lắm mưu nhiều trí.
Không có trận đại thắng nào mà Nguyễn Huệ không dùng tới mưu từ trận đầu tiên đi vào sử sách là trận đánh úp quân Tống Phước Hiệp ở Phú Yên với kế “dụ địch”, khiến địch không đề phòng xuất kỳ bất ý đánh úp, giúp quân Tây Sơn lật ngược được thế cờ. Trận đánh chiếm Phú Xuân (1786) với kế “ly gián” phối hợp với kế “dụ địch” khiến hai tướng Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể nghi kỵ nhau và Phạm Ngô Cầu mắc mưu bắt quân lính phục dịch mọi việc không còn hơi sức chiến đấu. Trận phá 20.000 quân và 300 chiến thuyền của Xiêm (1784) cũng dùng tới kế “phục kích”. Đến khi ra Bắc Hà diệt họ Trịnh, Nguyễn Huệ dùng đường thủy ngược theo sông Hồng tới địa phận Lỗ Giang (7) gặp thủy quân của Đinh Tích Nhưỡng, Nguyễn Huệ lại dùng kế “dụ địch” khiến quân Nhưỡng mắc lừa, bắn vào thuyền không lúc đêm tối, đến khi sáng ra thì bắn hết đạn, quân Nguyễn Huệ đã ập tới, phá tan quân Đinh Tích Nhưỡng làm phòng tuyến trấn giữ kinh thành bị chọc thủng, khiến quân của Nguyễn Huệ tiến tới kinh thành không mấy khó khăn.