[Cửu nhật kính Thánh Inhã]: I-nhã với việc học và tình bạn trong Chúa

Trên đường tìm Thiên Chúa, thánh I-nhã, Đấng sáng lập Dòng Tên, đã đi qua những chặng đường: Loyola – Montseratte – Marêsa – Giêrusalem – Barcelona – Paris – La Storta -Rôma và Quê Trời. Để làm tuần cửu nhật mừng kính thánh nhân, chúng ta cùng theo chân Ngài đi tìm Thiên Chúa. 

………………………..

(Về việc học và tình bạn trong Chúa)

– Kính chào cha, điều gì khiến cha quyết định rời Barcelona để đi học ở Paris khi cha không còn trẻ?

Cả cuộc đời, cha thường đặt câu hỏi “Quid agendum – tôi phải làm gì?” để có thể phụng sự Chúa và giúp đỡ các linh hồn. Với cha, điều quan trọng nhất là tìm kiếm và thực thi thánh ý của Thiên Chúa. Còn nhớ trước khi đến Paris, cha gặp nhiều khó khăn với các thanh tra giáo lý. Họ cáo buộc cha giảng dạy mà không có bằng cấp. Không được nói về Thiên Chúa thì làm sao giúp các linh hồn hữu hiệu được. Do đó, cha quyết định đi học và học thật tốt. Cha chọn một trường tốt nhất vào thời ấy: Đại Học Paris.

– Việc học luôn gây nhiều khó khăn ngay cả với những người trẻ như con; vậy một “học trò già” như cha chắc phải đối diện với nhiều khó khăn lắm, cha nhỉ!?

Dĩ nhiên rồi. Một phần là do trước đó cha học vội học vàng nên bị mất căn bản. Cha phải bắt đầu lại các lớp theo chương trình và phương pháp của Paris thời đó. Cha học tiếng La-tinh với trẻ nhỏ. Ôi, chúng dễ thương và học nhanh nhạy hơn rất nhiều so với học trò già này! Học hành gian lao là thế, cha lại còn bị chia trí với những tư tưởng thiêng liêng đến nỗi không thể tập trung học tập được. Nhận ra đó là cám dỗ của ma quỷ, cha loại bỏ dần “những cám dỗ dễ chịu ấy”. Ngoài ra, cha cũng vất vả kiếm thêm tiền để trang trải học phí như bao sinh viên khác. Có lần đến tận Anh quốc để xin tiền học nữa. Thế rồi năm tháng học hành cơ cực cũng đơm hoa hết trái trong ngày tốt nghiệp cùng với nhóm bạn trong Chúa của cha. Nhờ kinh nghiệm học ở Paris mà cha nhận ra học tập là khi cụ tốt để mưu ích cho các linh hồn.

– Có phải vì thế mà cha muốn các tu sĩ Dòng Tên học thật nhiều, thưa cha?

Ồ, câu hỏi thú vị đấy! Việc học trước hết là một sứ mạng đòi anh em Giêsu trẻ phải chu toàn bao nhiêu có thể. Vì nhắm đến mục đích tông đồ, giúp đỡ linh hồn, nên học tập là điều kiện tốt để người tông đồ của Chúa có thể phục vụ hữu hiệu hơn. Vì thế, ngoài gương sáng bằng đời sống thánh thiện, họ cần phải có kiến thức và biết cách trình bày các kiến thức ấy một cách sâu sắc nữa. Nói chung các Giêsu hữu phải lo xây dựng cho mình tòa nhà học vấn để qua đó anh có thể hiểu biết và phụng sự Thiên Chúa là Tạo Hóa và Chúa chúng ta hơn.

– Hôm nay, các Giêsu hữu trẻ chúng con thường hay được nhắc nhớ: “Hãy biến bàn học thành bàn thờ”. Cha nghĩ gì về điều này?

Điều ấy khiến cha nhớ lại thời sinh viên ở Paris. Đúng là trong thời gian học, cha nhận thấy không thể làm điều gì đẹp lòng Thiên Chúa hơn là việc học. Và cho dù không bao giờ sử dụng những gì đã học đi nữa thì chính nỗi vất vả học tập đã được đảm nhận đúng mức, vì đức mến và vì vâng phục, cũng đã là một việc rất có công phúc trước mặt Thiên Chúa chí tôn rồi. Do đó, cha thấy lời khuyên ấy thật chính xác để giúp học viên ra sức học vì tình yêu Chúa và để có thể chu toàn sứ mạng tông đồ sau này. Chính nơi bàn học mà mỗi học viên dâng hiến con tim, trí tuệ và cả con người mình cho Thiên Chúa. Chắc chắn Người sẽ trả công bội hậu cho những ai miệt mài trên bàn học như thế!

– Lúc nãy cha có nói đến vài người bạn khi cha đang học ở Paris. Họ là những ai, thưa cha?

Đó là những sinh viên Đại Học Paris. Cha trọ chung phòng với Phêrô Faver và Phanxicô Xaviê, nên dần thân quen với nhau. Hơn nữa, sức mạnh của Linh Thao đã gắn kết các cha cách sâu xa hơn và làm cho các cha trở nên “những người bạn trong Chúa”. Quả thật, cha rất khó kết thân với Phanxicô Xaviê vì tính khí của chú ấy. Phải qua thời gian khá lâu cha mới có thể giúp chú ấy làm Linh Thao. Còn nhớ sáng hôm ấy (15-8-1534), lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cả nhóm cùng nhau đến nhà thờ Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre để tuyên khấn. Cha Phêrô Favre, linh mục duy nhất của nhóm, dâng thánh lễ. Trước khi rước Mình Thánh Chúa, mỗi người lần lượt đọc lời khấn đã viết sẵn. Và cha cũng như các bạn đều muốn chọn Chúa Giêsu làm thủ lãnh của nhóm. Nhóm là tiền thân của Dòng Tên sau này.

– Có phải nhờ vậy mà tình bạn của các cha luôn sâu đậm?

Cha luôn xác tín rằng Thủ Lãnh Giêsu đã liên kết các thành viên trong Dòng lại với nhau. Cha lấy ví dụ như trường hợp của Phanxicô Xaviê. Chú ấy hay viết thư kể về hành trình sứ vụ của chú ấy với cha. Con biết đấy, vào thế kỷ 16 khi truyền giáo bên Chấu Á, những bức thư của chú ấy phải mất nhiều tháng cha mới nhận được. Điều làm cha cảm động là chú ấy đã cắt chữ ký của từng người trong nhóm và đeo chúng trên ngực của mình. Thế là dù không được ở gần anh em nhưng anh em luôn ở gần trái tim của chú ấy. Chú ấy cũng định nghĩa thật chính xác về Dòng: “Dòng Tên là Dòng yêu thương.”

– Con xin phép được hỏi cha câu cuối cùng, cha đã sống trong những môi trường đa văn hóa như Paris và đa tôn giáo như tại Đất Thánh, những kinh nghiệm ấy đã giúp cha hiểu hơn về đức tin Kitô giáo như thế nào và nó được thể hiện trong linh đạo của cha ra sao?

Hai bài suy niệm quan trọng trong Linh Thao giúp cha trả lời cho câu hỏi của con. Cuộc chiêm niệm về mầu nhiệm Nhập Thể đã không hề được thêm mật pha đường hay vo tròn bóp dẹp những thực tại đau thương. Đúng hơn, khởi đi từ những thực tại trần trụi này – tình trạng nghèo khổ, cảnh cưỡng bách di cư, bạo lực, sự hắt hủi bỏ rơi, sự bất công trong cơ cấu, tội lỗi, nên Ba Ngôi Thiên Chúa đã đi đến quyết định: “Chúng Ta hãy cứu chuộc nhân loại…” Và Con Thiên Chúa đi vào đời để ở cùng chúng ta. Lại nữa, trong bài “chiêm niệm để được Tình Yêu”, người ta suy xét về biết bao ơn lành mà Thiên Chúa dành cho họ. Từ đó, họ sẽ yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi sự, “tìm và gặp Chúa trong mọi sự”.

Trong cả hai bài tập ấy, người ta được mời gọi để nhận ra và thông dự vào hành động của Ba Ngôi Thiên Chúa trong và cho thế giới. Khi được sai vào cánh đồng của Chúa, các Giêsu hữu được mời gọi đi vào cuộc đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo ở nơi họ được sai đến. “Đối thoại” chứ không “đối đầu”; “hòa nhập” chứ không “hòa tan”. Nhờ vậy, ta có Matteo Ricci ở Trung Quốc, Roberto de Nobili ở Ấn Độ hay cha Đắc Lộ ở đất nước Con Rồng Cháu Tiên. Trong Chúa, người tông đồ hăng say lao mình vào thế giới để khám phá và giúp người khác nhận ra những dấu chân của Thiên Chúa đang hoạt động giữa lòng đời.

– Con chân thành cảm ơn những chia sẻ thật quý giá của cha. Là người trẻ đang theo con đường của cha, chúng con ước mong có thể phụng sự Chúa và giúp đỡ các linh hồn hữu hiệu hơn. Xin cha tiếp tục soi dẫn và cầu thay nguyện giúp cho chúng con.

            Người Dòng Tên 

Kỳ tới: Thiên Chúa đã hiện ra! (tại La Storta)

Kiểm tra tương tự

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *