Tâm tình của thánh Gioan Phaolô II dành cho các linh mục

Năm Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II băng hà, là năm tôi chính thức tìm hiểu ơn gọi Dòng Tên (2005). Năm ngài được phong thánh, tôi bắt đầu chương trình triết học (27-4-2014). Hai sự kiện này giúp tôi dễ nhớ đến vị giáo hoàng của thời đại. Gia tài học thuyết và linh đạo mục vụ của ngài sẽ còn in dấu trong lòng Giáo hội. Là linh mục, tôi có dịp đọc lại lá thư ngài viết năm 2002 dành cho các linh mục (vào Thứ Năm Tuần Thánh): Letter of the holy father pope John Paul II to priests. Nhờ lá thư này[1], tôi hiểu thêm tại sao ngài đã là linh mục nhiệt thành, một giám mục khôn ngoan và là một giáo hoàng thánh thiện.

Lá thư này khá dài. Lý do là Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã truyền tải những suy tư sâu sắc về sứ mạng và trách nhiệm của các linh mục trong việc duy trì và phát triển đức tin Công giáo. Bức thư này không chỉ là lời nhắn nhủ tâm tình, mà còn là một bài học quý giá về lòng thương xót, sự tha thứ và tình yêu của Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải.

  1. Tầm quan trọng của Thánh Thể

Vì viết trong Tuần Thánh, nên mở đầu ngài nhấn mạnh đến Bí tích Thánh Thể trong đời sống Kitô hữu. Thánh Thể là hiện thân thực sự của Chúa Giêsu trong mỗi nhà tạm trên thế giới, làm cho Chúa hiện diện một cách “thực sự, chân thật và bản thể-really, truly and substantially[2]. Thánh Thể là nguồn sống và nguồn sức mạnh của đức tin, đồng thời là điểm hội tụ của mọi bí tích. Ngài viết: “Sự hiện diện này đã mang Thiên Chúa đến với chúng ta trong sự hiến tế cao cả và biến Ngài thành bánh nuôi dưỡng chúng ta. Chúa Giêsu, trong Phòng Tiệc Ly, đã trao sứ mạng cụ thể cho các Tông Đồ và những người kế vị họ” (x. số 1). Sứ mạng đó đang được các linh mục cử hành trong Thánh lễ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” (Lc 22,19). 

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng Thánh Thể không chỉ là một biểu tượng mà còn thể hiện sống động của Chúa Giêsu trong đời sống hàng ngày của người Kitô hữu. Đây là nơi mà sự hiện diện thánh thiêng của Chúa được cảm nhận một cách rõ ràng và mạnh mẽ nhất.

  1. Mối quan hệ giữa Thánh Thể và Bí tích Hòa giải

Đây là nối kết rất thú vị: tương quan mật thiết giữa Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải (the Eucharistic Sacrifice and the Sacrament of Reconciliation). Ngài giải thích rằng Thánh Thể, dù có khả năng thanh tẩy tội lỗi, nhưng chỉ có Bí tích Hòa Giải mới có thể tha thứ tội trọng một cách trực tiếp (x. số 2). Ngài trích dẫn giáo lý số 1393: “Việc rước lễ ngăn cách chúng ta khỏi tội lỗi. Mình Đức Kitô chúng ta lãnh nhận khi rước lễ, là thân mình bị nộp vì chúng ta và Máu chúng ta uống, là máu đổ ra cho nhiều người được tha tội. Vì vậy, bí tích Thánh Thể không thể kết hợp chúng ta với Đức Kitô, nếu đồng thời không thanh tẩy chúng ta khỏi các tội đã phạm và gìn giữ chúng ta khỏi các tội trong tương lai”. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng việc lãnh nhận Thánh Thể đòi hỏi một tâm hồn trong sạch và người tín hữu cần phải thông qua Bí tích Hòa Giải để được thanh tẩy hoàn toàn khỏi tội trọng (x. GLHTCG 1395).

Ngài giải thích thêm trong kế hoạch ân sủng của Chúa Kitô, Thánh Thể chỉ thanh tẩy tội nhẹ một cách trực tiếp, còn tội trọng (a grave sin) thì cần phải qua Bí tích Hòa Giải để được tha thứ (x. GLHTCG 1385). Đây là điểm quan trọng, giúp người tín hữu hiểu rõ hơn về giá trị và tầm quan trọng của việc xưng tội!

  1. Sứ Mạng của linh mục trong Bí tích Hòa giải

Với điểm thần học và mục vụ trên đây, giáo hoàng nhắc lại tầm quan trọng của thiên chức linh mục. Đức giáo hoàng khuyến khích các linh mục tái khám phá vẻ đẹp của bí tích hòa giải. Trên hết, các linh mục cần trở thành những người đại diện chân thật của lòng thương xót Chúa (true ministers of mercy). Ngài viết: “Với niềm vui và sự tin tưởng, chúng ta hãy tái khám phá bí tích này. Trước hết, hãy trải nghiệm nó cho chính bản thân mình, như một nhu cầu khẩn thiết và như một ân sủng mà chúng ta liên tục tìm kiếm. Nhờ vậy chúng ta khôi phục sức sống và lòng nhiệt thành cho cuộc hành trình thánh thiện và cho sứ vụ của chúng ta.” (x. số 4).

Đức Giáo Hoàng cũng sử dụng hình ảnh cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu (Lc 19,1-10) để minh họa cho sự gặp gỡ trong Bí tích Hòa Giải. Như Chúa Giêsu nhìn lên, gọi tên Giakêu và mời ông xuống để ở lại nhà ông. Các linh mục cũng nên thể hiện sự gần gũi và thân thiện khi cử hành Bí tích Hòa Giải. Ước gì: “Mỗi lần gặp gỡ với ai đó muốn xưng tội, ngay cả khi lời yêu cầu có phần hời hợt vì thiếu động lực và sự chuẩn bị, nhờ ân sủng bất ngờ của Thiên Chúa, có thể đó là “nơi” gần cây sung, nơi Chúa Kitô nhìn lên và gọi tên Gia kêu.” (x. số 5). Lúc học môn giải tội, tôi được nhắc nhiều về điểm này: “Dù bận đến đâu, nếu có ai xin xưng tội, tôi mong quý thầy sau này phải mau mắn giúp họ giao hòa với Thiên Chúa.” – giáo sư chia sẻ.

  1. Tầm quan trọng của gặp gỡ cá nhân

Trong thư, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng sự gặp gỡ cá nhân giữa linh mục và người xưng tội là hình thức chính thức của Bí tích Hòa Giải. Ngài cho rằng sự tiếp xúc cá nhân này không chỉ giúp người xưng tội nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, mà còn giúp họ trải nghiệm tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Ngài cho rằng: “Hình thức hòa giải thông thường không chỉ diễn tả minh nhiên chân lý lòng thương xót Chúa và sự tha thứ phát sinh từ đó, mà còn làm sáng tỏ chân lý của con người trong một trong những khía cạnh cơ bản nhất của nó.” (x. số 9). Nhờ sự hiện diện dịu dàng của linh mục, hối nhân có thể cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Vì điểm này mà giáo hoàng cho rằng: “Bí tích Hòa Giải là một trong những công cụ hiệu quả nhất cho sự phát triển cá nhân.”

Như vậy, Đức giáo hoàng cũng mời gọi các linh mục thân thiện với đoàn chiên. Nhất là những ai muốn xưng tội, các linh mục cần sẵn sàng và niềm nở đón tiếp như một cơ hội để chữa lãnh một linh hồn. Ước chi giáo dân đừng sợ gặp các linh mục để xưng tội. Đây là lúc hối nhân có thể trải nghiệm sự ân cần và sự chấp nhận từ phía Thiên Chúa. Đây là cơ hội các tín hữu cảm nhận được sự sống động và tình yêu của Chúa Giêsu.

  1. Hy vọng cho tương lai

Trong thư Đức giáo hoàng nhắc các linh mục phải giữ vững niềm tin và trở thành nguồn hy vọng, lòng tốt và hòa bình cho cộng đoàn. Đây là một thách đố, và là linh đạo mục vụ. Thách đố vì linh mục cũng mang nhiều nỗi lo âu; nhưng mục vụ vì linh mục là mẫu gương cho các tín hữu. Để chu toàn hai điều này, Giáo hoàng kêu gọi các linh mục không ngừng đào tạo và cập nhật kiến thức để thực hiện sứ vụ của mình một cách hiệu quả. Bởi thế cuối thứ Đức Giáo Hoàng viết: “Mong ước của tôi là các linh mục sẽ sống những ngày thánh thiêng này trong sự bình an tâm hồn, trong sự hiệp thông sâu sắc giữa linh mục đoàn, với Giám mục và với cộng đoàn của mình. Khi nhớ lại ngày Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, các linh mục một lần nữa “được sinh ra-birth”, với tư cách là các linh mục. (x. số 11).

Dù thế giới có đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, các linh mục cần phải giữ vững niềm tin và tinh thần phục vụ, trở thành nguồn động viên và hướng dẫn cho cộng đoàn. Để làm được điều này, Đức Giáo Hoàng khuyến khích các linh mục luôn tìm kiếm sự thánh thiện và sẵn sàng phục vụ mọi người bằng tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

Kết luận

Bức thư này mang lại nhiều bài học quý giá về lòng thương xót, sự tha thứ và tình yêu của Thiên Chúa. Qua đó, các linh mục không chỉ trở thành những người trung gian của lòng thương xót của Thiên Chúa mà còn là mục tử biết khơi niềm hy vọng cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu. Cảm ơn tâm tình của một giáo hoàng thánh thiện dành cho các linh mục. Tôi cũng ước mình có thể theo được những chỉ dẫn trên. Bởi, chính niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô mang lại cho chúng ta sức mạnh để nhìn về tương lai với lòng tin tưởng.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1]https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/letters/2002/documents/hf_jp-ii_let_20020321_priests-holy-thursday.html

[2] Council of Trent: DS 1651

Kiểm tra tương tự

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …