Tản mản về đời sống đạo của các Kitô hữu hiện nay

Hình minh họa

Mỗi người chúng ta không phải cứ được sinh ra hay cứ lãnh nhận phép Rửa thì đã là Kitô hữu, nhưng là chúng ta phải trở nên Kitô hữu trong từng ngày. Chính vì thế, một đức tin luôn luôn được tôi luyện, một đức tin luôn luôn được thể hiện là điều không bao giờ thừa, nhất là việc trở nên một dấu chứng của niềm tin giữa một xã hội như ngày nay là điều cần thiết.

Một xã hội đầy dẫy những cám dỗ, một xã hội mà chủ nghĩa hưởng thụ đang lên ngôi, một xã hội mà sự tục hóa đang lan tràn, một xã hội mà nó ảnh hưởng lên mọi hạng người không phân biệt một ai: giàu-nghèo, đời tu-đời thường,…

Đứng trước một thực trạng như thế, người Công giáo Việt Nam cũng đã có những cách thức, những chọn lựa để thể hiện, chứng tỏ niềm tin của mình trong bối cảnh mới. Những chọn lựa đôi khi đòi hỏi những từ bỏ lớn lao, những chọn lựa đôi khi không mang tính sống-chết như thời bắt đạo, nhưng cũng là những chọn lựa rướm máu, đau thương không kém.

Nhưng bên cạnh đó, những trào lưu cũng đã gây ra không ít “căn bệnh” trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Ở đây, người viết xin đưa ra một số điểm tiêu cực trong đời sống đức tin của người tín hữu.

Một lối sống hình thức

Ngày nay, cả giáo dân và giáo sĩ cũng như tu sĩ dường như đang rơi vào một đời sống chuộng hình thức, ưa chuộng vẻ bề ngoài. Nhiều tín hữu rất chăm chỉ đối với các sinh hoạt trong giáo xứ hay đoàn thể, tham gia đều đặn hoặc rất tích cực trong các sinh hoạt đạo, nhưng lại không chút bận tâm về thái độ cá nhân của mình đối với Chúa, quên đưa ra quyết định riêng cho mình về đức tin. Kitô hữu chúng ta đang rơi vào tình trạng lối sống “đoàn lũ”, thể hiện đức tin cách tập thể mà đánh mất đi niềm tin mang tính chất cá vị. Cũng thế, các tín hữu chỉ đến với Chúa vì luật, vì sinh hoạt hoặc để xin vài ơn cụ thể nào đó chứ không vì lòng yêu mến.

Các giáo sĩ và tu sĩ thì tìm cách khẳng định mình trong các sinh hoạt, làm sao để mình trở nên hoàn hảo trong mắt mọi người. Điều đó dễ đưa họ vào tình trạng “chủ nghĩa duy hành động”. Nhiều giáo sĩ và tu sĩ quá bận tâm chuẩn bị những “kỹ năng” cho các sinh hoạt hơn là bận tâm sống giá trị Tin Mừng, quên đi chiều kích nội tâm. Cũng thế, nhiều tu sĩ sẵn sàng bỏ các giờ kinh nguyện, thánh lễ chung của Cộng đoàn để tham gia các hoạt động, để phục vụ các nhu cầu bên ngoài.

Trước thực trạng như thế, mỗi người cần ý thức sâu xa giá trị bên trong của các cử hành, các công tác dưới cái nhìn đức tin để có thể sống đức tin một cách sâu sắc hơn, để chúng ta không bị Chúa Giêsu trách: “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng” (Mc 7, 6).

Một lối sống tương đối

Tiếp đó, nhiều tín hữu đang chủ trương một lối sống theo “thuyết tương đối”. Đó là cũng là điều mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI luôn cảnh báo, vì theo thuyết này không có gì là tuyệt đối cả. Chủ trương này khiến cho người tín hữu không còn muốn chấp nhận các chân lý tuyệt đối nữa, không quy chiếu và sống theo một chuẩn mục luân lý hay giá trị đạo đức khách quan nào nữa. Tất cả chỉ là tương đối và mỗi người có thể thay đổi các chân lý mà sống theo những chọn lựa và chuẩn mực cá nhân. Đây là sai lầm căn bản dẫn đến những sai lầm khác của con người hôm nay. Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất hiện nay về sự thiếu tín nhiệm vào chân lý dẫn đến một tình trạng mất cảm thức về tội.

Và như hai tác giả, Francis J. Beckwith và Gregory Koukl, trong cuốn Relativism: Feet Firmly Planted in Mid-Air (1998), đã chỉ ra bảy sai lầm lớn mà chủ nghĩa tương đối mang lại: “người chủ trương tương đối không thể kết tội người khác làm sai; người chủ trương tương đối không thể than phiền về vấn đề sự dữ; người chủ trương tương đối không thể nói đến bất công hay bất toàn; người chủ trương tương đối không thể phát triển về mặt đạo đức; người chủ trương tương đối không thể bàn chuyện luân lý cách nghiêm túc; người chủ trương tương đối cũng không thể nói đến chuyện khoan dung”. Nếu theo như vậy, đời sống đức tin của người Công giáo dễ đi đến chỗ băng hoại.

Như thế, cả những người tín hữu cũng như giới tu sĩ, giáo sĩ đang bị đe dọa bởi chủ thuyết tương đối. Vì như ta thấy, không chỉ có giáo dân, nhưng cũng có những tu sĩ, giáo sĩ sống đời thánh hiến của mình một cách “tà tà”. Để chống lại lối sống này, người Công giáo được mời gọi trở về với các Chân Lý Đức Tin, trung thành với các giá trị Tin Mừng và kiên nhẫn thực hành Đức Tin trong mọi hoàn cảnh sống của mình.

Mất ý thức về sự hiện diện của Chúa

Con người ngày nay đang lãng quên những câu hỏi về chính mình ở chiều sâu về giá trị và ý nghĩa; mất đi tâm thức nhạy cảm về tôn giáo. Những cái nhìn về nhân sinh về ý nghĩa cuộc đời của mỗi người hay cả về đời sống đức tin bị lu mờ đi, con người tân tiến ngày nay chẳng còn ai tin vào chuyện “tận thế” trong ngày Chúa lại đến xét xử, nên người Công giáo Việt nam cũng dễ bị cuốn theo lối sống vô thần thực tiễn đang lan tràn trong xã hội.

Người tín hữu ngày nay ít nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống, họ đóng khung Thiên Chúa trong một ý niệm nào đó chứ không phải là một Thiên Chúa sống động. Vì không nhận ra sự hiện diện của Chúa nên tội lỗi người ta phạm ngày càng nhiều và có tầm mức ngày càng lớn. Ngay cả đối với các giáo sĩ, tu sĩ, họ là những người được xem là gần với hơn, khi đến với Bí tích Thánh Thể hay khi cử hành Thánh lễ là nơi Chúa Giêsu hiện diện cách sống động, thì họ cũng chỉ đến một cách máy móc và cử hành một cách duy hình thức.

Chính vì thế, chúng ta cần có một đức tin nhạy bén, cần có kinh nghiệm về Thiên Chúa thì ta mới có thể sống cùng với Thiên Chúa được. Muốn được như thế, chúng ta phải dám để cho Chúa đi sâu vào trong tâm thức của mình, đi vào các mối tương quan của ta.

Một lối sống mong muốn loại trừ Thập giá

Chúng ta có cám dỗ nghĩ rằng chỉ việc sống tốt đời sống Kitô hữu là mình có thể khiến các đau khổ rời xa. Và chúng ta hình dung lời hứa chúc lành của Thiên Chúa đồng nghĩa rằng Ngài sẽ loại bỏ mọi đau khổ khỏi chúng ta. Nhưng thực ra không phải thế. Thứ Sáu Tuần thánh chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên cây thập giá. Ngài là một vì Thiên Chúa nhưng khi xuống làm người Ngài vẫn phải trải qua quá trình sinh-lão-bệnh-tử như bao người khác. Ngài cũng biết sợ khi nhìn về cách chết, Ngài cũng biết đau khi chịu đòn vọt, đóng đinh. Ấy thế mà, con người ngày nay, họ muốn đi ngược lại với quy luật của đời người, họ không muốn chết, không muốn chịu khổ, chịu đớn đau.

Chính vì thế, khi nghe ở đâu có “phép lạ” chữa lành bệnh này tật nọ thì lập tức kéo nhau đến; nghe ở đâu có “thần y” nào có thể chữa lành thì không thể ngồi yên. Họ chỉ thích một Chúa Giêsu không có thập giá, mão gai; họ chỉ thích một Chúa Giêsu làm phép lạ để phục vụ nhu cầu của họ, nên họ khó chấp nhận ý Chúa trong những cơn gian nan thử thách, họ kêu trách Chúa.

Chúng ta cần biết đón nhận những đau khổ như là một phần của đời sống, và phép lạ không gì khác là khi chúng ta nhận ra tình Chúa vẫn đang thương ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Lối sống hưởng thụ

Xe loại nào? điện thoại hạng gì? đời nào?…là những câu hỏi cửa miệng của nhiều người khi trò chuyện với nhau, và đó cũng là chủ đề mà nhiều tu sĩ, linh mục bàn đến mỗi khi có dịp gặp nhau. Các chủ đề về công nghệ, xe cộ được thay thế cho những vấn đề tu đức, các vấn nạn mà người Kitô hữu phải đối mặt.

Như thế, ta có thể thấy được một đời sống đang bị ảnh hưởng bởi trào lưu hưởng thụ lớn đến cỡ nào. Xã hội này đã sinh ra những đứa con “quái thai” trong cách sống: bằng mọi cách để kiếm tiền và hì hục hưởng thụ! Người tín hữu cũng chạy đua với thế gian về những công nghệ, về những món hàng tối tân nhất. Nhiều tu sĩ, giáo sĩ ngày nay cũng không chịu thua kém ai về điều này, trong tay họ luôn là chiếc điện thoại mới ra lò, ôtô là chiếc xe hạng sang,…

“Hưởng thụ”, đó là đó là cách nói của mọi người, nhưng đó là một cuộc đời làm “nô lệ” thì đúng hơn, vì khi tiếp cận với các phương tiện kĩ thuật mới, mọi người phải đi học cái “ngôn ngữ” của nó thì ta mới có thể dùng được, vì người nô lệ luôn cần biết tiếng của ông chủ. Đó là một tình trạng đáng buồn cho Giáo hội Việt Nam hôm nay. Người Công giáo cần thức tỉnh trước những lối sống này. Trước thách đố này, chúng ta cần nhớ lại Lời Chúa dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6, 24). Và chúng ta cần sống quảng đại, biết tôn trọng và yêu thương người khác như chính mình (Mt 22, 38-39).

Đó là những mặt nổi về thực trạng đời sống đức tin của người Công giáo Việt Nam hiện nay. Nhưng không phải vì thế mà ta chán nản, thất vọng, những cần biết nhìn nhận và đưa ra định hướng cho hành trình đức tin của mình. Để tìm lại được chính mình và ý nghĩa của đức tin, chắc chắn mỗi người chúng ta phải đặt vấn đề về nguồn cội của sự sống, về các giá trị hiện sinh và về ý nghĩa cuối cùng của chính mình và của cả nhân loại. Và chỉ khi chấp nhận Đức tin để đi sâu vào trong mối tương quan với Đấng Tạo Hóa giàu lòng yêu thương – một mối tương quan vừa mang tính cá vị vừa mang tính cộng đồng trong Giáo Hội với một niềm tín thác hoàn toàn thì chúng ta cũng như mọi người khác mới tìm thấy được lời giải đáp cho tất cả, mới tìm ra lối đi chung cho người Kitô hữu giữa một rừng rậm của thời đại công nghệ.

Trần Vũ    

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Một bình luận

  1. Bài chia sẻ này rất đúng ,rất hay ,nhưng để giúp cho đức tin trưởng thành ,thiét nghĩ người kitô hữu dù là LM, tu sĩ ,hay giáo dân ,nhất thiết phải đọc và đào sâu LỜI CHÚA mổi ngày

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *