Tên nối với tên để quy về tên cao trọng nhất Giê-su Ki-tô và làm nên một lịch sử thánh

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.


Tên nối với tên để quy về tên cao trọng nhất

Giê-su Ki-tô

và làm nên một lịch sử thánh

(Mt 1,1-17).

 

Khi tra hỏi Chúa Giê-su, Phi-la-tô đã vô tình đặt câu hỏi với Chúa: “Ông từ đâu tới?” (Ga 19,9). Những kẻ tố cáo Chúa Giê-su đòi Người phải chịu tử hình, vì họ tuyên bố rằng người mang tên Giê-su này dám xưng mình là Con Thiên Chúa, một tội mà theo luật lệ thì đáng bị tử hình. Viên quan tòa “thông sáng” của Rôma này, người trước đó vốn tỏ ra hoài nghi đối với vấn đề chân lý (x.Ga 18,38), tất nhiên coi cái điều tự xưng của bị cáo như chuyện trò đùa. Ấy thế nhưng ông ta vẫn sợ. Bị cáo này từng cho thấy mình là vua, nhưng vương quốc của ông ta lại “không thuộc đời này” (Ga 18,36). Rồi ông ta còn ám chỉ tới một nguồn gốc và một mục tiêu kỳ bí nữa khi cho hay: “Chính vì điều này mà tôi đã sinh ra và chính vì điều này mà tôi đã tới trần gian, là để làm chứng cho chân lý” (Ga 18,37). Đối với viên quan tòa Rôma này, tất cả những điều ấy xem ra điên điên khùng khùng thế nào ấy. Ấy thế nhưng ông vẫn không rũ bỏ được cái ấn tượng kỳ bí mà người đàn ông này đã in ấn nơi ông, một người đàn ông không giống chút nào với những người chống lại sự đô hộ của Rôma và chiến đấu để tái lập vương quốc Ít-ra-en mà ông từng gặp. Viên quan tòa Rôma vì thế hỏi xem Chúa Giê-su từ đâu tới để có thể hiểu được Người thực sự là ai và Người muốn gì.[1]

 

Ngoài sự tò mò của Phi-la-tô về nguồn gốc của Chúa Giê-su, chúng ta cũng thấy dân Do Thái khi lắng nghe Chúa Giê-su giảng cũng đã đặt câu hỏi: “Há đây không phải là Giê-su, mà cả cha lẫn mẹ của ông chúng ta đều biết hay sao? Làm sao giờ này ông ta lại bảo: ‘tôi từ trời xuống’?” (Ga 6,42); “Há ngời này không phải là thợ mộc, con trai Maria và anh em của Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6,3).

 

Hôm nay, có lẽ không ít người chúng ta cũng từng đặt cầu hỏi về Chúa Giê-su: “Ngài là ai vậy? Ngài từ đâu tới?…” Đó là nnững câu hỏi về nguồn gốc và về căn tính của Chúa Giê-su. Với những câu hỏi đó chúng ta “lên đường” tìm hiểu gốc gác của Chúa Giê-su, cụ thể qua gia phả của Người trong Tin Mừng Mát-thêu, đó là gia phả với tên nối với tên và làm thành lịch sử thánh.

 

Mát-thêu bắt đầu Tin Mừng của ngài bằng gia phả của Chúa Giê-su, vì ngài muốn đặt câu hỏi về gốc gác của Chúa Giê-su dưới ánh sáng chính xác ngay từ đầu: gia phả được dùng làm một thứ tựa đề cho toàn bộ Tin Mừng. Giờ đây, chúng ta “rảo bước” trên hàng chữ của tên nối với tên để dẫn đến chính Đức Ki-tô, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.

 

Chúng ta cùng đọc: 1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này;3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram;4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn;5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê;6 ông Gie-sê sinh Đa-vít.1 Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa;8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia;9 Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia;10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia;11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven;13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do;14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút;15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp;16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

 

17 Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời” (Mt 1,1-17).

 

Chúng ta cảm thấy sao, khi đọc những hàng chữ có quá nhiều tên nối với tên ở trên? Có thể chúng ta cảm thấy bối rối và khô khan vì những cái tên lạ lẫm đó. Tuy vậy, cứ từ từ và đừng lo lắng nhiều, từng bước chúng ta xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt và soi tỏ.

 

Trước hết, chúng ta thấy đoạn Thánh Kinh trên có một cấu trúc văn học với câu đầu tiên như là tựa đề (câu 1). Tiếp đến là đoạn thứ hai kể lại toàn bộ gia phả của Đức Giê-su Ki-tô (câu 2-17).

 

“Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”. Câu đầu tiên này là tựa đề của gia phả. Chúng ta chú ý đến hạn từ “gia phả”. Đọc lại trong Cựu Ước, chúng ta thấy sách Sáng Thế 5,1 cũng nhắc đến hai từ gia phả: “Đây là cuốn sách gia phả…”. Sự khác biệt là: trong sách Sáng Thế nói về gia phả con cháu A-dam; trong Tin Mừng Mát-thêu là gia phả của Đức Giê-su. Nhưng từ ngữ “gia phả” có ý nghĩa gì trong xã hội Do Thái thời đó?

 

Trong bản văn tiếng Hy Lạp từ ngữ “gia phả” là “biblos geneseos”. Theo Luz, “biblos” trong tiếng Hy Lạp có ý nghĩa là “Sách”, nhưng theo bản văn tiếng Híp-ri, từ ngữ này còn mang ý nghĩa “giấy chứng nhận – Urkunde”, “văn bản – Dokument”. Còn từ ngữ “geneseos” được Mát-thêu sử dụng ở đây (Mt 1,1) và ở trong phần Mt 1,18-25, muốn nói đến nguồn gốc của Chúa Giê-su. Vì thế, từ ngữ “geneseos” được hiểu như là “lịch sử”.[2]

 

Ngoài ra, Ravasi diễn tả về ý nghĩa của từ “gia phả” trong xã hội thời đó như sau: “Chúng ta phải phải chú ý rằng, đối với người Sê-mit thời đó (ý chỉ về người Do Thái), ‘gia phả’ là một điều nền tảng và mang tính quyết định. Từ ngữ ‘gia phả’ này không được coi là một thông tin về lịch sử, mà là một cách thức suy tư theo kiểu triết lý. Ở đây không hướng đến các câu hỏi: ‘Người này là con trai của ai?’, mà hướng đến các câu hỏi: ‘Ý nghĩa và giá trị của người này, cũng như phẩm giá của người này là gì? Người này mang trong mình điều gì bí ẩn và thâm sâu?’ Vì thế, gia phả thường mang tính cách ‘nghệ thuật nhân tạo’ với những dấu hiệu bên ngoài, không liên hệ đến tính cách lịch sử được tiếp nối (khác với kiểu gia phả của các Vua Chúa, hay kiểu gia phả của chúng ta trong thời nay). Như thế, điều chính yếu là ý nghĩa được ẩn dấu đàng sau những cái tên được nhắc đến trong ‘gia phả’ cần được tìm hiểu và khám phá. Đó là ý nhĩa của gia phả”.[3]

 

Trong ý nghĩa trên, nếu chúng ta chỉ dừng lại với các tên được nhắc đi nhắc lại cách đơn điệu, đều đặn và nối kết với nhau trong gia phả, thì thực sự là khô khan, xa lạ và chưa đi được vào chiều sâu và ý nghĩa của gia phả. Nhưng nếu chúng ta vượt qua sự đơn điệu này và đi sâu vào câu truyện của các tên được nhắc đến, cũng như đụng chạm tới tình tiết trong câu truyện với sự nối kết từ người này sang người kia, thế hệ này sang thế hệ khác, thì bản gia phả sẽ trở nên sống động hoàn toàn. Nói khác đi chúng ta sẽ khám phá ra được một lịch sử thật sống động và hấp dẫn ẩn dưới những cái tên xa lạ. Cuối cùng chúng ta khám phá ra một lịch sử thánh được Thiên Chúa ghi dấu vào trong chính thế giới chúng ta, cụ thể qua dân tộc nhỏ bé là dân tộc Ít-ra-en. Trong dân tộc này, Chúa Giê-su được sinh ra, Đấng gần gũi với chúng ta và làm cho cuộc sống của chúng ta vượt trên những khô khan và đơn điệu.

 

“Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”. Đọc lại câu trên, chúng ta thấy Mát-thêu nhắc đến hai từ “Giê-su Ki-tô”. Hai từ này được ghép lại và được đặt cạnh bên nhau. Hai từ này cũng được nêu trong Mt 1,18, Mc 1,1 và cũng thường được nêu lên trong cộng đoàn Ki-tô giáo Hy-lạp. Theo Léon-Dufour, “khi ghép hai tên gọi trên đây, Giê-su chỉ người và Ki-tô chỉ phận vụ, Giáo Hội sơ khai không những gán cho Đức Giê-su tước hiệu Đấng Mê-sia như đã làm đối với một số tên gọi khác: Chiên Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, Con Người, Đấng Trung Gian, Lời Thiên Chúa…, mà khi nói Giê-su Ki-tô, Giáo Hội muốn nối kết tước hiệu được tín hữu tuyên xưng với con người lịch sử đã sống trên trái đất”.[4] Ngoài ra, khi tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa (x.Pl 2,11; 1Cr 12,3; Rm 10,9), chúng ta không tuyên xưng với một công thức khô cứng, nhưng chúng ta tuyên xưng với thái độ biết ơn và suy phục dành cho Đấng đã yêu thương chúng ta, đến nỗi Người đã trở nên một người như chúng ta; hơn nữa Người còn trở nên người tôi tớ phục vụ chúng ta.

 

Giờ đây, chúng ta tìm hiểu tên Giê-su Ki-tô có nghĩa là gì? Giê-su trong tiếng Hy-lạp là Iêsous, là dạng của tên Híp-ri Yehôshua (x.Xh 24,13) hoặc Yeshua (x.Nkm 7,7), có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Tuy vậy, trước hết tên gọi này (Giê-su) mang ý nghĩa bình thường của một tên gọi dùng trong ngôn ngữ loài người, và cho đến bây giờ người ta vẫn đặt tên cho con cái là Jesus – Giê-su, như ở tại một số đất nước. Ngoài ra, đặc biệt trong tư tưởng Thánh Kinh, tên Giê-su nói đến một hữu thể độc đáo, một cá vị cụ thể và riêng biệt.

 

Như thế, sẽ chẳng có gì cần nhắc tới, nếu tên Giê-su không được đặt cho Đấng Cứu Thế đã tự hạ và trở thành người như muôn người. Là một hữu thể bằng xác thịt, sinh bởi người nữ, sinh ra dưới lề luật (x.Gl 4,4), Đức Giê-su xuất hiện trong nhân giới vào một thời gian nhất định, lúc Quiriniô trấn nhiệm xứ Syria, trong một gia đình nhân loại, gia đình Giu-se, dòng dõi Đa-vít và cư ngụ tại làng Na-da-rét thuộc xứ Ga-li-lê. Ngoài ra, thánh sử Mát-thêu đã để cho tên “Giê-su” xuất hiện rất nhiều lần, hơn hẳn các Tin Mừng khác. Cũng chính Mát-thêu đã nhắc đến việc Thiên Thần truyền tin cho ông Giu-se và trao cho ông sứ mạng đặt tên cho Hài Nhi: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21).

 

Ngoài ra, thánh sử Luca cũng nhắc đến việc đặt tên cho Hài Nhi trong biến cố Hài Nhi chịu phép cắt bì: “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21).

 

Như thế, nếu Đức Tin Ki-tô giáo không thể tách rời khỏi tên gọi Giê-su và tất cả những gì mà tên gọi đó hàm ẩn như sự tự hạ và nhân tính cụ thể, chính vì tên gọi đó đã trở nên tên của Chúa và từ đây không ai tách rời nó khỏi “Tên gọi vượt trên mọi tên gọi khác”, đến nỗi “nơi trời cao, chốn địa cầu, dưới âm phủ, khi nghe tên Giê-su, mọi gối đều quỳ lạy” (Pl 2,9tt).[5] Thánh Phê-rô cũng khẳng định rằng: “dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

 

Còn tên Ki-tô thì sao? Theo Từ Điển Công Giáo, “Từ Ki-tô là hình thức giản lược âm tiết của từ Ki-ri-xi-tô mà tiếng Việt dùng trước đây, có gốc tiếng Hy Lạp là Khristos. Khristos được dịch từ tiếng Híp-ri là masha (Mê-sia), nghĩa là “Đấng được xức dầu”[6]. Trong Tân Ước, từ ngữ Ki-tô hoặc Mê-sia được quy cho Đức Giê-su và chỉ cho một mình Người. Như thế, Đấng được xức dầu được tấn phong để hướng dẫn dân theo thánh ý của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, việc xức dầu này được dành cho tư tế (x.Xh 28,41), Vua (x.Tv 2,2) và tiên tri (x.1V 19,16). Vì thế Đấng Mê-sia hay Đức Ki-tô theo lời Thiên Chúa hứa sẽ mang ba chức vụ trên.

 

Tiếp nối với tên Giê-su Ki-tô trong phần tựa đề này, thánh sử nhắc tới một số nhân vật rất quan trọng khác. Đó là Đa-vít và Áp-ra-ham: “con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”. Nhưng Chúa Giê-su có liên hệ gì với vua Đa-vít và với Áp-ra-ham? Con vua Đa-vít có ý chỉ về Đấng Mê-sia của Ít-ra-en bắt nguồn từ dòng dõi của Vua. Còn tổ phụ Áp-ra-ham có ý nghĩa rõ ràng hơn, vì mỗi người Do Thái đều là con cháu của Áp-ra-ham.

 

Tuy nhiên, theo Gnilka, Áp-ra-ham là tổ phụ được chọn của Ít-ra-en và Đa-vít là vị Vua được chọn (x.Tv 78,70; 89,21). Cả hai đều đón nhận lời hứa về ơn cứu độ. Qua Áp-ra-ham thì tất cả mọi giống nòi trên trái đất đều nhận được sự chúc phúc (x.Xh 12,3; 18,18 và 22,18). Còn mầm non của Đa-vít sẽ đón nhận vương mệnh của triều đại và vương quốc vĩnh cửu. (x.2Sm 7,12-16; 1Sk 17,11). Cả hai lời hứa được ẩn chứa trong tính cách của Đức Giê-su là con của Vua Đa-vít và là con của Áp-ra-ham.[7]

 

Ngoài ra, về hai tên Áp-ra-ham và Đa-vít, chúng ta thấy: Người đầu tiên là “người của lời hứa” qua người đó “một sự chúc phúc cho hết thảy mọi dân” được thực hiện. Người thứ hai là vị vua được Thiên Chúa hứa rằng, triều đại Ngài sẽ “đợc củng cố mãi mãi” (2 Sm 7,16). Chính từ dòng dõi Ngài, trong lịch sử Do Thái, mà Đấng Thiên Sai phải đến. Như thế, cả hai lời hứa đều trở thành hiện thực trong Đức Ki-tô, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham và vua Đa-vít.

 

Cụ thể hơn, về lời hứa dành cho Áp-ra-ham Ratzinger viết như sau: “Với ông Áp-ra-ham, sau khi nhân loại bị phân tán vì việc xây tháp Ba-bel, bắt đầu một lịch sử của lời hứa. Ông Áp-ra-ham cho thấy trước điều phải đến. Ông là một người du mục, không những từ mảnh đất nguồn gốc của mình hướng đến miền Đất hứa, nhưng còn là người bước đi từ hiện tại tiến vào tương lai. Toàn cuộc sống của ông hướng về phía trước, đó là động lực cho bước tiến trên con đường của điều phải đến. Thư Do Thái có lý khi xem ông là người lữ hành Đức Tin dựa vào lời hứa: “Ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng” (Dt 11,10). Lời hứa cho Áp-ra-ham cũng được áp dụng cho con cháu, và con hơn nữa: “Nhờ ông mà mọi dân tộc trên thế giới sẽ được chúc phúc” (St 18,18). Như thế, trong toàn bộ lịch sử bắt đầu với ông Áp-ra-ham và hướng đến Đức Giê-su, tầm nhìn ôm lấy toàn bộ, lời chúc lành cho mọi người phải đi ngang qua ông Áp-ra-ham”.[8]

 

Áp-ra-ham dù là tổ phụ của Ít-ra-en, nhưng trong cái nhìn phê bình, chúng ta đọc được lời của Chúa Giê-su: “Đừng tởng có thể bảo mình rằng: ‚Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham’. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham” (Mt 3,9). “Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều ngời sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nớc Trời” (Mt 8,11). Vì thế mà có thể làm một cầu nối giữa Mt 1,1 với Mt 28,19-20: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Như vậy, ơn cứu rỗi của Thiên Chúa qua Đức Ki-tô không bị giới hạn trong Ít-ra-en, mà mang tính toàn cầu.

 

Udo Schnelle suy tư như sau: “Ngay trong phần nói về gia phả Chúa Giê-su đã xuất hiện con đường của Chúa Giê-su như là con đường của Thiên Chúa đến với muôn dân… Nếu Chúa Giê-su Ki-tô xuất hiện như là người con của Áp-ra-ham trong Mt 1,1, và bản gia phả trong câu Mt 1,2 bắt đầu với Áp-ra-ham, thì hai yếu tố này ngay từ đầu đã đưa ra một viễn tượng toàn cầu, vì Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá trở thành con cháu của ông Áp-ra-ham ‘Đừng tởng có thể bảo mình rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham’ (Mt 3,9). Các phụ nữ được nhắc đến trong gia phả (Mt 1,3-6) là các bà Ta-ma, Ra-kháp, Rut và vợ của ông U-ri-gia. Họ không phải là người Do-thái. Như thế, trong trình thuật gia phả này có ẩn chứa viễn tượng toàn cầu”.[9]

 

Thật vậy, Chúa Giê-su được sinh ra với thân phận con người và hiện thực hoá thánh ý cứu rỗi mang tính cách toàn cầu của Thiên Chúa qua việc: Ngài là người Do Thái và thực hiện sứ mạng phục vụ cho các con chiên lạc của nhà Ít-ra-en (x.Mt 15,24). Như thế, Chúa Giê-su không dừng lại ở biên giới của Ít-ra-en, mà Người đã vượt qua biên giới đó, nghĩa là Người hướng về mọi người, để nhờ Người tất cả những ai tin vào Người sống trên trái đất này đều trở thành con của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô viết như sau: “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô… tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gl 3,26-29).

 

Tin Mừng Mát-thêu nêu bật sự trung thành của Thiên Chúa với Dân Người. Lời hứa của Thiên Chúa đã vượt qua rất nhiều ngõ ngách, nhiều đường cong, nhiều đường vòng. Tâm tình này làm tôi nhớ tới một câu rất hay đã có lần nghe được: “Thiên Chúa có thể làm cho tất cả các đờng cong trở thành đờng thẳng”. Dù phải trải qua bao thăng trầm, nhưng Thiên Chúa không bao giờ quên đi lời hứa của mình. Con đường Người muốn xây dựng cho con người không bao giờ bị tàn phá. Người trung tín và ở lại với con người trên mọi chặng đường đời, và đưa con người đến với miền đất Người đã hứa ban.

 

Hơn nữa, lời hứa của Thiên Chúa cũng mở ra đối với mọi dân tộc, để ơn cứu rỗi có thể đến với tất cả. Như thế, với thánh Mát-thêu, Chúa Giê-su thành Na-da-rét là Đấng thực hiện lịch sử ơn cứu độ theo thánh ý của Thiên Chúa và Người đã mở rộng Vương Quốc của Thiên Chúa cho đến tận cùng thế giới.

 

Ở trên là vài nét về nhân vật Áp-ra-ham được nhắc tới trong tựa đề gia phả của Chúa Giê-su. Còn về vua Đa-vít thì sao? Hình bóng vua Đa-vít được nhắc đến trong Cựu Ước. “Ông nhận lời hứa về vương quốc vĩnh cửu: Ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7,16). Gia phả được thánh Mát-thêu trình bày mang dấu ấn của lời hứa này. Cụ thể, bản gia phả được xây dựng theo ba nhóm, mỗi nhóm 14 thế hệ. Trước tiên vươn lên từ Áp-ra-ham đến Vua Đa-vít, tiếp đó là thời gian suy vong từ Vua Salomon đến thời lưu đày sang Babylon, rồi được thăng tiến đến Đức Giê-su, trong Người lời hứa mới đạt được cùng đích. Đức Vua tồn tại mãi mãi – hoàn toàn khác biệt, khi nhìn theo mẫu vua Đa-vít[10].

 

Ngoài ra, với câu cuối cùng, chúng ta có cấu trúc của bản gia phả: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời” (Mt 1,17), Theo Ravasi cấu trúc này được viết theo kiểu cryptogram – tài liệu viết bằng mật mã, để “ẩn dấu” một sứ điệp và để cho người đọc tìm ra một sứ điệp đó. Cụ thể, chúng ta thấy số 14 là do hai số 7 cộng lại, như thế số đó là số ẩn chứa sự thánh thiêng. Hơn nữa, chúng ta còn thấy trong tiếng Híp-ri cổ các từ vựng người ta dùng để viết số 14  là những từ vựng DWD. Đó là tên Đa-vít. Mà D cũng có nghĩa là số 4 và W là số 6. Như thế, khi cộng các mẫu tự này lại, chúng ta có kết quả như sau: D+W+D (4+6+4) = 14. Với kiểu cryptogram này, người ta khám phá được sứ điệp nền tảng được ẩn giấu: Chúa Giê-su xuất phát từ dòng dõi Vua Đa-vít.[11]

 

Như vậy, gia phả trong Mát-thêu là gia phả của Đức Kitô, của một vị Vua – một vị vua ẩn mình, một vị Vua chịu đóng đinh trên thập tự. Thật vậy, Ngài chính là Vua. Chiều dài lịch sử của con người hướng hoàn toàn về vị Vua này. Chúa Giê-su xuất hiện như vị Vua sẽ tồn tại mãi mãi. Như thế, gia phả này là “một Phúc Âm thật sự của Chúa Ki-tô Vua: tất cả lịch sử nhìn về Người, mà ngôi báu sẽ tồn tại muôn đời”.

 

Như thế “Mát-thêu đã đưa hai nhân vật Áp-ra-ham và Đa-vít vào trong gia phả của Chúa Giê-su. Sau đó, thánh sử đã chủ ý nhắc lại con cháu vua Đa-vít (trong Mt 1,18-25) và các hậu duệ của ông Áp-ra-ham (trong Mt 2,1-12), để tạo nên một sự nối kết giữa cộng đồng Do Thái và cộng đồng Ki-tô giáo. Trong những lời đầu tiên của Tin Mừng, thánh sử đã diễn tả cả hai thời kỳ, hai giao ước được tập trung vào trong một nhân vật: Chúa Giê-su là người thừa tự của vua Đa-vít và giữ cho sự tiếp nối của dân tộc Do Thái. Chúa Giê-su cũng là người thừa tự của lời hứa và lời chúc phúc cho mọi dân tộc được thực hiện qua ông Áp-ra-ham. Trong cái nhìn của Mát-thêu, tổ phụ Áp-ra-ham và vua Đa-vít và người thừa tự vĩ đại của họ là Chúa Giê-su đã làm hiển lộ rõ rệt kế hoạch của Thiên Chúa”.[12]

 

Chúng ta đã tìm hiểu được phần nào ý nghĩa của câu đầu tiên trong gia phả của Chúa Giê-su. Giờ đây chúng ta cùng nhẹ nhàng bước vào “hành trình” của tên nối tiếp tên để dẫn đến tên cao trọng nhất là tên Giê-su Ki-tô, và ở nơi Ngài một lịch sử Thánh đã được viết vào trong cuốn sách lịch sử của nhân loại.

Chúng ta đọc lại câu 2 đến câu 6 trong gia phả: 2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này;3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram;4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn;5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê;6 ông Gie-sê sinh Đa-vít. Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn”. Gia phả bắt đầu với công thức đơn điệu A sinh B. Theo Raymond E. Brown, “công thức A sinh B và B sinh C rất quen thuộc trong một số gia phả được nhắc đến trong Cựu Ước. Đặc biệt có thể đọc trong sách Rút nhắc đến gia phả của vua Đa-vít: ‘Đây là dòng dõi của ông Pe-rét: Khét-rôn sinh Ram; Ram sinh Am-mi-na-đáp. Am-mi-na-đáp sinh Nác-sôn; Nác-sôn sinh Xan-môn.21 Xan-môn sinh Bô-át; Bô-át sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; Gie-sê sinh Đa-vít” (R 4,18-22).

Trong sách Sử Biên cuốn thứ nhất cũng nhắc đến công thức này, khi nói về các con của ông Ít-ra-en và nguồn gốc vua Đa-vít: ‘Các con của ông Pe-rét là Khét-rôn và Kha-mun. Các con của ông De-rác là: Dim-ri, Ê-than, Hê-man, Can-côn, Đa-ra, tất cả là năm người. Con của ông Các-mi là A-kha, kẻ gây tai hoạ cho Ít-ra-en, vì đã vi phạm luật biệt hiến. Con của ông Ê-than là A-dác-gia.

Nguồn gốc vua Đa-vít.

Các con của ông Khét-rôn, những người đã được sinh ra cho ông: Giơ-rác-mơ-ên, Ram, Cơ-lu-vai. Ram sinh Am-mi-na-đáp, Am-mi-na-đáp sinh Nác-sôn, thủ lãnh con cái ông Giu-đa. Nác-sôn sinh Xan-ma, Xan-ma sinh Bô-át. Bô-át sinh Ô-vết, Ô-vết sinh Gie-sê. Gie-sê sinh con đầu lòng là Ê-li-áp, con thứ là A-vi-na-đáp, và Sim-a là thứ ba, Nơ-than-ên thứ tư, Rát-đai thứ năm, Ô-xem thứ sáu, Đa-vít thứ bảy’ (1Sb 2,10-15)…Như thế, thánh Mát-thêu đã dùng lại công thức này cho gia phả của Chúa Giê-su”.[13]


Khi đọc gia phả của Chúa Giê-su với công thức A sinh B và B sinh C…, chúng ta không để công thức đơn điệu với các tên xa lạ làm chúng ta bối rối. Từng bước một chúng ta cùng tìm hiểu dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.

 

Trước hết trong phần đầu của gia phả, Gnilka[14] chỉ cho chúng ta thấy, chỉ có con cháu của I-xa-ác mới được nhắc đến như là con cháu của Áp-ra- ham, còn con cháu của Is-ma-el thì không thấy nhắc tới gì cả (x.St 21,12). Cũng giống như vậy, dòng dõi của Gia-cóp, chứ không phải dòng dõi của Ê-sau được nhắc đến: “Có hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra và sẽ chia rẽ nhau. Dân này sẽ mạnh hn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé” (St 25,23). Và điều làm chú ý hơn, là tác giả nhắc tới Giu-đa và các anh em ông. Việc Giu-đa là đứa con thứ 4 của Gia-cóp, sau Ruben, Si-mê-ôn và Lê-vi, lại được nhắc đến tên, liên hệ đến lời chúc lành của Gia-cóp dành cho các con mình (x.St 49,1-28), nhưng đối với Giu-đa, thì Gia-cóp lại ban cho lời chúc lành mang tính cách Mê-sia:

“Giu-đa, con sẽ được anh em con ca tụng,
tay con sẽ đặt trên ót các địch thù,
anh em cùng cha với con sẽ sụp xuống lạy con.
Giu-đa là sư tử con. Con ơi, săn mồi xong con lại trở về.
Nó quỳ xuống, nằm phục như sư tử
và như sư tử cái: ai sẽ làm cho nó đứng dậy?
Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa,
gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó,
cho tới khi người làm chủ vương trượng đến,
người mà muôn dân phải vâng phục”
(St 49,8-10).

 

Thiên Chúa luôn tự do trong việc tuyển chọn. Chúng ta không thể hiểu tại sao Người chọn người này, dân tộc này, mà không chọn người khác, dân tộc khác. Còn có một nét đặc biệt nói về sự tự do của Thiên Chúa trong bản gia phả. Đó là hình ảnh của các phụ nữ được Mát-thêu nhắc tới. Từ câu 2 đến câu 6 chúng ta để ý tên của 04 phụ nữ trong lịch sử của Do Thái. Vậy 4 phụ nữ trong lịch sử Do Thái nổi bật được nhắc đến trong giả phả là ai? Có phải là các bà tổ phụ Sa-ra, vợ của Áp-ra-ham, Re-béc-ca, vợ I-Xa-ác, Lê-a và Ra-khen, hai người vợ của Gia-cóp?

 

Mát-thêu không nhắc đến các “bà lớn” này, mà là 4 bà khác với những nét làm cho người ta cảm thấy xấu hổ khi nhắc đến họ. Vì thế, nếu nhìn sơ qua, thì họ còn làm cho gia phả của Áp-ra-ham bị ô uế thêm, và là vết nhơ trong lịch sử của Ít-ra-en. Vì thế, cần phải dấu tên của họ, và không nên nhắc đến trong cuốn sách lịch sử. Nhưng Mát-thêu lại nhắc đến, điều này chính là điểm khởi đầu quan trọng để dẫn vào Phúc Âm của Mát-thêu với tinh thần: Cuối sẽ thành đầu. Thước đo của con người đã bị đảo ngược nơi Thiên Chúa. Cái gì yếu đuối thì Thiên Chúa lại tuyển chọn.

 

Trong ý nghĩa đó, thánh Giê-rô-ni-mô diễn tả rằng, bốn người nữ này là những người tội lỗi, điều đó chứng thực rằng Đức Ki-tô đã sinh ra trong lòng của các phụ nữ tội lỗi, để cứu độ muôn người tội lỗi.[15]

 

Stefano M. Manelli cũng có cùng cái nhìn trên: “Trong bốn phụ nữ này, những người tội lỗi và thuộc về dân ngoại, người ta tìm thấy một chứng minh cho sứ mạng của Đấng Mê-sia: Người đến để cứu độ người tội lỗi. Ngoài ra, qua bốn người phụ nữ này, người ta cũng tìm thấy chứng minh cho ơn cứu rỗi của Đấng Mê-sia, Đấng Cứu Thế, dành cho tất cả mọi người trên thế giới”.[16]

 

Còn Ratzinger suy tư về hình ảnh của bốn phụ nữ tội lỗi và Mẹ Maria trong gia phả như sau: “Người ta nói, bốn bà này là những kẻ tội lỗi. Qua việc gọi tên của họ cho thấy Đức Giê-su đã mang lấy tội lỗi vào thân mình và cùng với tội lỗi của bốn bà là tất cả tội lỗi của trần gian; và sứ vụ của Người là công chính hoá các kẻ tội lỗi. Nhưng điều này không căn cứ vào việc chọn lựa, nhất là không thể áp dụng vào bốn bà này. Quan trọng hơn là các bà này không phải là người Do Thái. Như thế, qua các bà này, thế giới của các dân tộc được đi vào gia phả của Đức Giê-su – rõ ràng sứ vụ của Người không những dành cho người Do Thái, nhưng có cả người ngoại giáo. Nhưng nhất là gia phả này chấm dứt với một người nữ: Đức Maria, thực ra là một khởi điểm mới… Con của Đức Maria không do bất cứ một người đàn ông nào, nhưng là một sáng tạo mới, Người được tượng thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần”[17].

 

Bốn phụ nữ này thực sự có tội lỗi không? Ratzinger đã giải thích như sau: “Nếu nhìn gần và kỹ các tội lỗi trong những cuộc chơi, thì sẽ nhận ra rằng: đó là những tội lỗi của mấy ông, chứ không phải tội lỗi của mấy bà. Ngoài ra, điều đặc biệt của các phụ nữ này nằm ở chỗ: họ không phải là người Do Thái. Và chính khi họ, những phụ nữ ngoại giáo, đã tham dự vào trong những biến cố quan trọng của lịch sử Do Thái, thì họ được phép được coi là những ‘bà tổ’ của vương quốc Ít-ra-en”[18]. Chúng ta cùng chiêm ngắm 4 phụ nữ này và người phụ nữ thứ năm được nhắc đến (câu 16), chúng ta sẽ chiêm ngắm trong phần sau.

 

(1) Ta-ma, người A-ra-mê. Cô được sách Sáng Thế nhắc đến trong chương 38. Sau khi hai người chồng của cô là con của Giu-đa đã chết và cô không có con, thì Giu-đa hứa với cô là sẽ gả đứa con trai thứ ba tên Sê-la cho cô, nếu Sê-la lớn lên. Trong thời gian chờ đợi, cô đã về nhà cha mẹ mình. Nhưng sau đó Giu-đa đã không giữ lời hứa, không gả Sê-la cho Ta-ma. Câu chuyện được kết thúc bằng một điều thật bất bình thường, là một lần nọ Giu-đa đi qua vùng mà Ta-ma sống, thấy Ta-ma nhưng tưởng là cô gái điếm, và sau đó ông đã ăn ngủ với cô. Tuy vậy, trước đó đã có một cuộc mặc cả giữa Ta-ma và ông Giu-đa. Sách Sáng Thế viết như sau: “Nàng hỏi: ‘Ông cho em gì để đến với em?’ Ông đáp: ‘Tôi sẽ bắt một con dê con trong đàn gửi đến cho cô’. Nàng lại nói: ‘Vậy xin ông cho em một vật làm tin, cho tới khi ông gửi đến’. Ông hỏi: ‘Tôi phải cho cô vật gì làm tin?’ Nàng đáp: ‘Chiếc ấn của ông, sợi dây đeo ấn và cây gậy ông cầm ở tay’. Ông đưa cho nàng những thứ đó, rồi đến với nàng, và nàng có thai với ông. Nàng đứng lên, đi khỏi, bỏ khăn trùm và mặc lại áo bà goá” (St 38,16-19).

 

Cuối cùng Ta-ma đã mang thai. Tin này lan tới Giu-đa: “Ta-ma, con dâu ông, đã đi làm điếm; nó còn có thai vì làm điếm nữa! Nghe vậy, ông Giu-đa nói: Lôi nó ra mà thiêu sống!” (St 38,24). Nhưng với sự khôn ngoan của mình, Ta-ma đã làm cho Giu-đa nhận ra rằng, cô có thai với chính ông. Cô đã chứng minh điều này qua những vật mà Giu-đa đã đưa cho cô, khi ông đến với Ta-ma. Đó là chiếc ấn của ông, sợi dây đeo ấn và cây gậy ông cầm ở tay. Ở đây các nhà chú giải Thánh Kinh chú ý rằng, chiếc ấn liên hệ với việc thừa kế.

Trước sự khôn ngoan của Ta-ma, Giu-đa nhận ra và nói: “Nó công chính hn tôi. Quả thực tôi đã không cho nó làm vợ Sê-la, con trai tôi” (St 38,26). Như vậy, tội lỗi là do chính Giu-đa gây ra, chứ không phải Ta-ma. Ở Ta-ma chúng ta nhận ra lòng trung tín tuyệt vời, giống như Rút vậy. Và nhờ lòng trung tín của Ta-ma mà lời chúc phúc của Gia-cóp dành cho Giu-đa trở thành hiện thực: “Vương trợng sẽ không rời khỏi Giu-đa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi ngời làm chủ vương trợng đến, ngời mà muôn dân phải vâng phục” (St 49,10).

Như thế, bà Ta-ma đã góp phần vào việc: không để cho dòng giống của Giu-đa bị suy tàn, mà qua hành động của bà, thế hệ sau này của Giu-đa với Đấng Mê-sia đã được tiếp nối.

Đó là người phụ nữ thứ nhất. Người phụ nữ thứ hai chúng ta chiêm ngắm tên là Ra-kháp.

 

(2) Ra-kháp. Cô là gái điếm người Ca-na-an (x.Gs 2,1tt) đã giúp mở một con đường cho Ít-ra-en tiến đến Giê-ri-khô, và qua đó cánh cửa vào đất hứa được mở ra. Ra-kháp đã làm điều đó, vì cô đã tin vào Thiên Chúa của những người xa lạ. Vì vậy trong Tân Ước, cô được coi là mẹ của niềm tin và là mẹ của những việc tốt lành: “Nhờ đức tin, cô kỹ nữ Ra-kháp đã không phải chết cùng với quân phản nghịch, vì cô đã hoà nhã tiếp đón những ngời do thám” (Dt 11,31), và “Ra-kháp, cô gái điếm cũng vậy: há chẳng phải nhờ hành động mà đã đợc nên công chính, vì đã đón tiếp các sứ giả và đa họ đi lối khác sao?” (Gc 2,25). Trong Giáo Hội tiên khởi, Ra-kháp được coi như kiểu mẫu của dân ngoại. Cô đã hình thành Giáo Hội được gom góp từ những sự bẩn thỉu của thế giới ngoại giáo. Chính Ra-kháp với lòng khao khát ơn cứu độ, đã mở cánh cửa đón tiếp những vị tông đồ không tìm được nơi phục vụ trong Ít-ra-en, và nhờ đó mà thế giới trở thành đất thánh, đất của niềm tin. Một chỗ trọ dơ bẩn trở thành nhà thánh cho cộng đoàn của Đức Giê-su Ki-tô. Ngoài ra, theo Paul Billerbeck, văn học của Do-thái sau này khen vẻ đẹp của Ra-kháp và kể rằng, từ dòng dõi cô phát xuất các tiên tri và tư tế.[19] Tiếp theo sau Ra-kháp, chúng ta chiêm ngắm dung nhan của một phụ nữ người Mô-áp.

 

(3) Bà Rút là một phụ nữ người Mô-áp lấy chồng người Do Thái. Nhưng không may chồng bà chết lúc bà còn trẻ. Sau cái chết của chồng, bà Rút được tự do và có thể trở về quê quán của mình. Ngay chính lúc nạn đói xảy ra trong Ít-ra-en và mẹ chồng gặp nạn, thì bà Rút đã không đồng ý rời bỏ mẹ chồng, vì lời “xin vâng” của bà đối với chồng và với Thiên Chúa của chồng đã trở thành lời mang giá trị ngàn đời: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó,mẹ ở đâu, con ở đó,dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (R 1,16). Sự trung thành và lòng hiếu thảo của bà Rút đã đánh động tâm hồn một người họ hàng của bà Na-o-mi. Ông ta là Bô-át. Cuối cùng ông đã lấy Rút làm vợ: Vậy ông Bô-át lấy cô Rút, và nàng trở thành vợ ông. Ông đến với nàng. Nhờ ơn Đức Chúa, nàng đã thụ thai và sinh một con trai. Các phụ nữ nói với bà Na-o-mi: ‘Chúc tụng Đức Chúa, Đấng hôm nay đã không để cho bà phải thiếu người bảo tồn dòng dõi: tên tuổi con trẻ sẽ được tung hô tại Ít-ra-en! Nó sẽ giúp bà lấy lại sức sống, và sẽ là người nâng đỡ bà trong tuổi già, vì người con dâu biết yêu quý bà đã sinh ra nó, nàng quý giá hơn bảy đứa con trai’. Bà Na-o-mi bế đứa trẻ lên và ôm vào lòng. Chính bà nuôi nấng đứa trẻ đó. Các bà hàng xóm láng giềng đặt tên cho đứa trẻ và nói: ‘Bà Na-o-mi đã sinh được một cháu trai’. Họ đặt tên cho là Ô-vết. Đó là cha của ông Gie-sê, là ông nội vua Đa-vít” (R 4,13-17).

Như thế, bà Rút, một phụ nữ ngoại giáo, đã đồng ý tuân phục và thờ lạy Thiên Chúa của Ít-ra-en, và bà đã trở thành bà cố của Đa-vít (x.R 4,18-19), cũng như trở thành một trong những “bà tổ” của dòng dõi vua Đa-vít. Bà tổ thứ tư trong gia phả là vợ của ông U-ri-gia.

 

(4) Bát-sê-va, vợ của U-ri-gia, là một phụ nữ ngoại giáo, người Khết: “Vua Đa-vít sai ngời đi điều tra về ngời đàn bà, và ngời ta nói: Đó chính là bà Bát-sê-va, con gái ông Ê-li-am, vợ ông U-ri-gia ngời Khết” (2Sm 11,3). Đọc lại câu chuyện của bà với Vua Đa-vít, chúng ta nhận ra rất rõ ràng, bà không phải là người phạm tội, mà chính là Đa-vít. Trong Thánh Vịnh 51 nói về tội lỗi và lòng ăn năn thống hối của Đa-vít. Trong câu 2 của Thánh Vịnh nói về điều này rất rõ ràng: “Ngôn sứ Na-than đến gặp vua vì vua đã đến với bà Bát-sê-va” (Tv 51, 2). Tuy nhiên, trong ý nghĩa thần học, có thể nói rằng khi bà Bát-sê-va đã nói lời “xin vâng” với Vua Đa-vít, thì chính là lúc bà đồng ý đón nhận Thiên Chúa của Đa-vít. Qua đó bà đã trở thành mẹ của Sa-lô-mon.

 

Về bốn phụ nữ vừa kể trên, Seeberg đã nêu bật được giá trị của họ trong lịch sử cứu rỗi qua vài hàng tóm tắt ngắn ngủi sau: “Chúng ta chú ý đến bốn phụ nữ xuất hiện trong các thời điểm quan trọng nhất của lịch sử: Ta-ma với việc gìn giữ giống nòi. Ra-kháp trong việc giúp chiếm đóng miền đất hứa. Rút là bà tổ của dòng giống Đa-vít và Bát-sê-va là người bên cạnh vị vua đầu tiên”.[20]

 

Ngoài ra, qua việc nhắc đến bốn phụ nữ ngoại giáo và tội lỗi, cây gia phả trong Mát-thêu trở thành cây gia phả của hồng ân. Hồng ân Thiên Chúa đón nhận tội lỗi và chính Người xây dựng cây gia phả trên nền tảng của lòng nhân hậu thứ tha, chứ không xây dựng trên những con người vĩ đại, trên bao nhiêu công lao và thành quả họ đã làm được.

 

Tóm lại, dù lúc đầu khi đọc gia phả trong Mát-thêu, chúng ta tưởng là chỉ các bậc nam nhi người Do Thái nổi bật như Áp-ra- ham và Đa-vít được nhắc đến, nhưng qua bốn người nữ ngoại giáo này, cây gia phả của Đức Giê-su Ki-tô đã trở thành cây gia phả không chỉ phát xuất từ dân Do Thái, mà còn từ dân ngoại, cây gia phả của tất cả mọi dân tộc trên thế giới này. Như thế, người ta có thể nói rằng: Bốn phụ nữ này đã gấp lại trang lịch sử rất quan trọng của các bậc nam nhi vĩ đại, để rồi bốn bà thực sự đã trở thành những người lèo lái dòng dõi và là hoa quả chính yếu của cây gia phả. Nhờ vậy, mà cây gia phả với các bậc nam nhi chí tôn đã trở thành cây gia phả mang hoa trái hồng phúc, hoa trái niềm tin của các phụ nữ. Trên chính niềm tin của Ta-ma, Ra-kháp, Rút và Bát-sê-va mà điều nền tảng của lịch sử được dựa vào và lời hứa được trở thành hiện thực.

 

Sau khi nhắc đến bốn phụ nữ kế bên các nam nhân trong câu 2 đến câu 6, thánh sử Mát-thêu tiếp tục bản gia phả với một loạt tên các nhà Vua của dân tộc Do Thái trải dài nhiều thời đại khác nhau (từ câu 7 đến câu 11). Các vị Vua này được sách Sử Ký thứ hai cũng như sách các Vua quyển thứ hai nhắc đến chi tiết, như vua Sa-lô-mon (x.2Sk 1-9), vua Giơ-khôn-gia (x.2V 24,6). Có thể nói, với tên của các nhà Vua được nêu ở đây, chúng ta nhận ra được hoạt động của Thiên Chúa ở trong lịch sử dân Ít-ra-en. Qua chính những con người của trần thế trải dài qua nhiều thế hệ khác nhau, Thiên Chúa hoạt động cách tiệm tiến và tỏ lộ ơn cứu độ của Người qua chính Chúa Giê-su, Đấng là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, Chúa Giê-su đã mang vào mình nguồn gốc và gia phả trần thế.

Tiếp đến, trong phần cuối của bản gia phả thánh sử Mát-thêu nhắc đến thời kỳ sau cuộc lưu đày ở Ba-by-lon cho tới Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta cùng đọc lại phần này: 12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven;13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do;14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút;15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp;16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô”.

Giơ-khon-gia được nhắc lại như là nhịp cầu để bắc vào đoạn này. Sau thời lưu đày ở Ba- by-lon, San-ti-ên và con trai của ông là ông Dơ-rúp-ba-ven, thủ lãnh của người Do-thái hồi hương từ Ba-by-lon, được nhắc đến (x.Er 2,2; 3,2; 5,2). Theo Nkm 12,1 thì Dơ-rúp-ba-ven còn là một tư tế. Cũng như Xa-đốc, A-vi-hút cũng là các tư tế: “Đây là những t tế và những thầy Lê-vi đã hồi hơng cùng với D-rúp-ba-ven, con của San-ti-ên, và cùng với Giê-su-a: X-ra-gia, Giếc-m-gia, Ét-ra”. Ở đây, Gnilka chú ý một giả thiết thú vị. Đó là tên của các tư tế được lần lượt nhắc đến trong thời sau lưu đày đã xác nhận tính “nhân tạo” của cấu trúc trong đoạn này. Vì thế, có thể nghĩ rằng, tên Gia-cóp được coi là cha của Giu-se như muốn nhắc nhớ đến tổ phụ Gia-cóp và con trai của tổ phụ là ông Giu-se trong Cựu Ước. Phải chăng Mát-thêu muốn chỉ ra rằng, tất cả những sự chờ đợi trong 12 chi tộc của dân đã được hiện thực hóa trong Đức Giê-su Ki-tô, kể cả những sự chờ đợi mang tính cách tư tế. [21]

 

Ngoài ra, Ravasi cũng suy tư về các tên được nhắc đến trong gia phả của Chúa Giê-su, đặc biệt trong giai đoạn sau thời lưu đày như sau: “Trong gia phả xuất hiện rất nhiều cái tên, có những tên tốt lành, nhưng cũng có những cái tên gây ra xì-căng-đan được Thánh Kinh nhắc tới… Rồi thú vị thêm nữa là một hàng dài những cái tên của những nhân vật chẳng quen thuộc gì sau thời lưu đày, cũng như sau thời kỳ bị giam cầm ở Ba-by-lon: San-ti-ên; A-vi-hút; En-gia-kim; A-do; Xa-đốc; A-khin; Ê-li-hút… Đó là những nhân vật không để lại dấu vết gì trong Cựu Ước cả. Vì thế, chúng ta nhận ra rằng, điều quan trọng của gia phả trong Tin Mừng Mát-thêu là hướng đến tính lịch sử của Đức Ki-tô, nghĩa là qua sự tiếp nối giữa các thế hệ, Chúa Giê-su đã mặc lấy xác phàm và đã ‘gắn mình’ vào trong lịch sử. Chúa đã tự đặt mình vào trong vị trí và hàng lối của những người tầm thường vô danh, những người sống trong âm thầm và cả những người tội lỗi nữa. Chúa đã bước vào chính những đoạn đường thay đổi của lịch sử nhân loại. Chúa đã tham dự vào lịch sử của những người vô danh bé nhỏ, của những người được kể vào hạng thứ hai và những người sống trong lo sợ và bối rối. Tất cả Chúa muốn chứng minh rằng: Chúa thực sự là một người anh em của muôn người, Chúa đã thực sự trở nên một con người thật”.[22]

 

Đọc tiếp  bài Tin Mừng, cuối đoạn gia phả thì cấu trúc đơn điệu “A sinh B” bị phá vỡ. Giờ đây là: “Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô” (câu 16). Trước đó mỗi tên được nhắc tới đều được nối kết bằng từ ngữ “sinh”. Cuối cùng, thì chữ “sinh” không còn “đất sống”, mà thay vào đó tên Maria được nhắc rất rõ ràng: “chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giê-su, cũng gọi là Đức Ki-tô”. Như vậy, qua cách diễn tả này, thánh sử Mát-thêu muốn nói rằng, thánh Giu-se không sinh ra Chúa Giê-su. Thánh Giu-se chỉ là chồng của Maria. Chúa Giê-su thuộc về gia phả theo tính cách pháp lý, nhưng không qua “cây cầu” sinh vật. Ở đây, chúng ta thấy Chúa Giê-su Ki-tô không thuộc về gia phả, mà gia phả thuộc về Chúa Giê-su Ki-tô. Như vậy, Cựu Ước hoàn toàn thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.

 

Rudolp Pesch suy tư như sau: “Ai là cha của Chúa Giê-su? Trong toàn bộ gia phả cũng như trong các trình thuật kế tiếp về Giáng Sinh, Giu-se không được nhắc tới như là cha của Chúa Giê-su. Như vậy cần hiểu về gốc gác của Chúa Giê-su như thế nào? Tư tưởng thần học ẩn chứa trong câu 16 đã đưa lại cho chúng ta câu trả lời: Chúa Giê-su được sinh ra bởi chính Thiên Chúa”.[23]

 

Đây chính là cao điểm của cây gia phả. Ở cao điểm này mà không nhắc tới người phụ nữ cuối cùng trong gia phả, thì thật là thiếu sót lớn. Ngay lập tức xuất hiện một sự khởi đầu mới, sự khởi đầu đích thực, mà tất cả đều phải quay về đó. Sự khởi đầu này xảy ra qua niềm tin của một Trinh Nữ, qua chính lời “xin vâng” của Cô. Tên Trinh Nữ là Maria. Sự khởi đầu đích thực này đã được hình thành trước, như trong sự khởi đầu của Ít-ra-en cũng xảy ra qua niềm tin của các người mẹ, niềm tin của những người phụ nữ lạ lẫm. Như thế, với sự hiện diện của Mẹ Maria, Mát-thêu muốn mở ra cho chúng ta một điều toàn vẹn: Sự khởi đầu này luôn luôn hiện diện cách sống động, nghĩa là qua sự khởi đầu này, gia phả của Đức Ki-tô tiếp tục “dài thêm”. Như thế, ai ai cũng có thể trở nên người họ hàng với Đức Ki-tô và mỗi người đều có thể hiệp nhất với Người.

 

Lời Fiat – xin vâng của Mẹ Maria là không gian, mà bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể bước vào. Lời Tin Mừng này đang mời gọi chúng ta bước vào: Ở đó sự khởi đầu đang xảy ra; ở đó chúng ta có thể “chạm” được “mầu nhiệm làm người của Thiên Chúa”, mầu nhiệm mà Phúc Âm nói với chúng ta; ở đó, chúng ta có thể đạt được mức độ hiện thực hóa thật trọn vẹn cho lời cầu xin, mà Giáo Hội vẫn thường kêu cầu trong những ngày Giáng Sinh. Đó là lời cầu xin cho chúng ta được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, qua việc thông phần với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô: “Nguyện xin Con của Chúa, Đấng đã đón nhận thân phận làm ngời của chúng con, ban tặng cho chúng con hồng ân đợc tham dự vào đời sống của Thiên Chúa”.[24]

 

Ai ai cũng có thể trở nên người họ hàng với Đức Ki-tô, ai ai cũng có thể trở thành con cái của Thiên Chúa. Đó là điều mà thánh Gioan cũng nhắc tới: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Ngời, thì Ngời cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ đợc sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ớc muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của ngời đàn ông, nhng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,12-13).

 

Với đoạn Tin Mừng của Gio-an, ai tin vào Chúa Giê-su, thì bước vào cây gia phả bằng đức tin; với nguồn mới mẻ ở nơi Chúa Giê-su. Đức tin trao tặng cho họ một sự sinh ra mới: họ đi vào trong nguồn gốc của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng từ nay trở thành chính nguồn gốc của họ. Từ Chúa Ki-tô, nhờ đức tin vào Người, họ được sinh ra bởi Thiên Chúa.

 

Ratzinger đã suy tư như sau: “Như thế, thánh Gio-an đã tóm kết ý nghĩa sâu xa nhất của các bản gia phả và chỉ dạy cho chúng ta như một cách giải thích nguồn gốc của chính chúng ta, ‘bản gia phả’ đích thực của chúng ta. Cũng như các bản gia phả được chấm dứt, chỉ vì Đức Giê-su không do thánh Giu-se sinh ra, nhưng thực sự được sinh ra từ Đức Maria đồng trinh, do quyền năng Chúa Thánh Thần, cũng thế điều này cũng áp dụng cho chúng ta hôm nay: ‘bản gia phả’ đích thực của chúng ta là niềm tin vào Đức Giê-su, Đấng ban cho chúng ta một nguồn gốc mới, giúp cho chúng ta ‘được chính Thiên Chúa’ sinh ra”.[25]

 

Như thế, mỗi người qua đức tin của mình vào Thiên Chúa đều được đón nhận một món quà tuyệt vời là được phép “bước vào” gia phả của Chúa Giê-su, Đấng là An-pha và Ô-mê-ga, là khởi nguyên và cùng đích. Nơi Người chúng ta sống và hoạt động. Nơi Người chúng ta tìm thấy cuộc sống, và cuộc sống mỗi ngày dồi dào hơn.

Cuối cùng, Mát-thêu kết thúc bản gia phả của Chúa Giê-su Ki-tô với câu sau: “Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời”.

 

Gia phả của Chúa Giê-su Ki-tô dù khi đọc cảm thấy rất khô khan, nhưng lại hàm chứa một ý nghĩa thật sâu xa. Để khám phá ý nghĩa này, chúng ta đọc suy tư của Guardini: “Áp-ra-ham, người đã tin và là ‘người bạn của Thiên Chúa’, con của Áp-ra-ham là I-xa-ác đã được sinh ra trong hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa, người cháu của Áp-ra-ham là Gia-cóp, người con thứ được I-xa-ác chúc phúc, đã trải nghiệm cuộc vật lộn với Thiên Thần. Những nhân vật này là đại diện rõ rệt nhất của Cựu Ước. Họ sống và bước đi trên mảnh đất này nhưng họ được biến đổi trước Thiên Chúa. Các ông tổ này gắn kết với thực tế cuộc sống, với tất cả mọi khía cạnh của đời sống con người, nhưng họ lại được Thiên Chúa luôn ở gần bên. Thiên Chúa ở gần bên họ trong sự hiện hữu của họ, trong lời họ nói, trong các hành vi tốt lành và xấu xa của họ…Người con của Gia-cóp là Giu-đa nối tiếp gia phả cùng với các nhân vật khác là Pe-rét, A-ram cho đến thời của vua Đa-vít. Với vị vua này, một lịch sử thật lớn của một dân tộc nhỏ bé bắt đầu. Trước hết là những cuộc chiến không ngừng nghỉ và sau đó là một thời gian hoà bình lâu dài dưới triều đại của Sa-lô-mon. Nhưng chính trong triều đại nhà vua này đã có những sự bất trung và sau đó là một hành trình tăm tối, đôi khi là khủng hoảng và thất bại qua những cuộc chiến, hoàn cảnh đói khổ, những hành động tàn ác cho đến khi cả đất nước bị tàn phá và cuối cùng dẫn đến lưu đày ở Ba-by-lon. Và chính ở nơi đó ánh vinh quang của giống nòi đã bị thổi tắt. Từ đó dân tộc sống trong tăm tối với những nỗi khát vọng.

Tiếp đến là nhân vật Giu-se xuất hiện trong gia phả, người chồng của Maria, một người thợ thủ công nghèo nàn… Toàn bộ lịch sử của dân tộc lại được viết tiếp với cái tên này”.[26]

 

Cuối cùng, gia phả của dân tộc đã đạt tới chóp đỉnh là Chúa Giê-su Ki-tô. “Người đã trở nên một người trong chúng ta và giống chúng ta mọi sự, trừ tội lỗi (x.Dt 4,15), như thánh Phao-lô nói về Người.

 

Tên nối tiếp tên trong gia phả đã cho chúng ta khám phá được ý nghĩa sâu xa: Chúa Giê-su đã đi vào trong lịch sử của nhân loại, chia sẻ số phận và cả tội lỗi của nhân loại. Người đã không loại trừ bất cứ điều gì cả. Trong thời gian ẩn dật dài ở Na-da-rét, Chúa Giê-su đôi khi đã suy tư về chính tên của mình. Ngài đã cảm nhận sâu xa như thế nào về chính lịch sử của nhân loại. Tất cả mọi điều lớn lao trong lịch sử này, cũng như tất cả mọi sức mạnh, mọi sự lộn xộn, sự nghèo hèn, sự tăm tối và cả sự dữ Người đón nhận vào sự sống của Người, hơn nữa Người ôm ấp tất cả ở trong trái tim của Người, để rồi Người dâng lên tất cả cho Thiên Chúa với trách nhiệm của chính Người.[27]

 

Tóm lại, Chúa Giêsu mang vào thân Người toàn bộ nhân loại, toàn bộ lịch sử con người. Người đem lại cho nó một tái định hướng dứt khoát nhắm tới phong thái mới. Phong thái dành cho con cái của Thiên Chúa không kể mầu da và sắc tộc, vì trong Vương Quốc của Thiên Chúa biên giới không tồn tại. Qua gia phả của Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra được bài học về lòng trung thành của Thiên Chúa: Lời hứa của Ngài đã vượt qua rất nhiều ngõ ngách, nhiều đường cong, nhiều đường vòng. Dù phải trải qua bao thăng trầm, nhưng Thiên Chúa không bao giờ quên đi lời hứa của mình. Con đường Ngài muốn xây dựng cho con người không bao giờ bị tàn phá. Ngài trung tín và ở lại với con người trên mọi chặng đường đời, và đưa con người đến với miền đất Ngài đã hứa ban.

 

Như vậy, khi đọc lại gia phả của Chúa Giê-su, chúng ta cùng nhìn lại cuộc sống Đức Tin của mình trong bầu khí của cầu nguyện với những suy tư gợi ý sau:

 

  • Áp-ra-ham và Đa-vít là hai nhân vật được nhắc đến trong phần dẫn nhập vào gia phả của Chúa Giê-su. Trong cái nhìn của Mát-thêu, hai tổ phụ Áp-ra-ham và vua Đa-vít và người thừa tự vĩ đại của họ là Chúa Giê-su đã làm hiển lộ rõ rệt kế hoạch của Thiên Chúa.

Thiên Chúa tiếp tục hoạt động và đưa ra những kế hoạch cho mỗi người con cái của Người. Chúng ta cùng nhìn lại cuộc sống của mình, xin Chúa cho chúng ta nhận ra được sự hoạt động và kế hoạch của Thiên Chúa dành riêng cho chúng ta là gì và như thế nào. Chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết mở lòng để cho Chúa hoạt động và biết “xin vâng” với kế hoạch của Thiên Chúa.

 

  • Trong gia phả của Chúa Giê-su, thánh Mát-thêu nhắc đến năm phụ nữ. Bốn phụ nữ đầu tiên là các bà Ta-ma, bà Ra-kháp, bà Rút và bà Bát-sê-va. “Trong bốn phụ nữ này, những người tội lỗi và thuộc về dân ngoại, người ta tìm thấy một chứng minh cho sứ mạng của Đấng Mê-sia: Người đến để cứu độ người tội lỗi. Ngoài ra, qua bốn người phụ nữ này, người ta cũng tìm thấy chứng minh cho ơn cứu rỗi của Đấng Mê-sia, Đấng Cứu Thế, dành cho tất cả mọi người trên thế giới” (Stefano M. Manelli). Đến với Hài Nhi Giê-su và Mẹ Maria cùng thánh Giu-se trong hang đá, chúng ta cúi đầu thờ lạy, và chúng ta cảm tạ Chúa đã không “đóng khung” ơn cứu rỗi vào trong một dân tộc duy nhất. Chúng ta tri ân Chúa đã đến với nhân loại chúng ta bằng cách Người đã đi vào chỗ thấp nhất và bần cùng nhất của phận người. Đó là tội lỗi và cái chết, để khi Người gánh vác tội lỗi trên vai Người, Người yêu thương và cứu độ chúng ta qua chính cái chết của Người trên Thánh Giá. Ôi tuyệt thay lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa!

 

  • Người phụ nữ thứ năm trong gia phả là Cô Trinh Nữ Maria. Đây là lần đầu tiên thánh Mát-thêu nhắc đến Mẹ Maria trong Tin Mừng của ngài. Với sự hiện diện của Mẹ Maria, Mát-thêu muốn mở ra cho chúng ta một điều toàn vẹn. Đó là: Sự khởi đầu này luôn luôn hiện diện cách sống động, nghĩa là qua sự khởi đầu này, gia phả của Đức Ki-tô tiếp tục “dài thêm”. Như thế, ai ai cũng có thể trở nên người họ hàng với Đức Ki-tô và mỗi người đều có thể hiệp nhất với Người. Vậy Bạn và tôi, chúng ta có muốn trở nên người thân của Chúa Giê-su không? Chúng ta hãy đến với Hài Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ. Thật khiêm nhường chúng ta quỳ phủ phục và thờ lạy Người. Chúng ta cùng âm thầm suy tư cầu nguyện và tâm sự với Hài Nhi Giê-su, với Mẹ Maria về tâm tình chúng ta đang có trong lòng.

 

  • Thánh Mát-thêu đã đặt Chúa Giê-su Ki-tô là chóp đỉnh trong gia phả của dân tộc Ít-ra-en. Như thế, Người đã trở nên một người trong chúng ta và giống chúng ta mọi sự, trừ tội lỗi, như thánh Phao-lô nói về Người (x.Dt 4,15), để qua đó Người sẽ cứu rỗi chúng ta khỏi sự chết của tội lỗi gây ra. Mời Bạn cùng tôi dành thời gian để chiêm ngắm Chúa Giê-su Ki-tô trong cuốn gia phả này. Cụ thể chúng ta có thể tìm ra một tấm hình chân dung của Chúa Giê-su, đặt trước mặt, chiêm ngắm Người. Hãy để tâm tình tự nhiên của chúng ta toát ra qua cử chỉ, qua lời nói, khi chiêm ngắm Chúa Giê-su là chóp đỉnh của cây gia phả.

 

  • “Bản gia phả đích thực của chúng ta là niềm tin vào Đức Giê-su, Đấng ban cho chúng ta một nguồn gốc mới, giúp cho chúng ta ‘được chính Thiên Chúa’ sinh ra”. Đọc lại lời của Ratzinger, chúng ta suy xét lại niềm tin của chúng ta vào Chúa Giê-su. Chúng ta đã và đang tin vào Chúa như thế nào? Niềm tin vào Chúa có đưa lại cho chúng ta ta một tương quan gần gũi với Chúa hơn không? Niềm tin vào Chúa của chúng ta có làm cho cuộc sống thường ngày của chúng ta tìm thấy được nhiều niềm vui, an bình và ý nghĩa hơn không?

Âm thầm chúng ta phủ phục thờ lạy Chúa Hài Đồng và cùng dâng Người lời cầu nguyện:

 

“Ôi lạy Chúa, chấp nhận đường của Chúa thật là khó dường bao.

Chúa đến với con như một trẻ sơ sinh nhỏ hèn, bất lực xa quê hương.

Chúa sống cho con như một người khách lạ ngay trong đất của Chúa.

Chúa chết cho con như một tội nhân bên ngoài thành phố,

bị chính dân của Chúa loại bỏ, bị bạn hữu hiểu lầm,

lại còn cảm thấy như bị chính Thiên Chúa bỏ rơi.

 

Khi chuẩn bị mừng sinh nhật Chúa, con đang cố cảm thấy được yêu thương, được chấp nhận và thân quen với thế gian này, và con cũng đang cố chiến thắng những cảm giác tha hoá và chia rẽ vẫn không ngừng tấn công con. Nhưng nay con lại tự hỏi không biết cảm thức sâu xa về sự vô gia cư của con có làm cho con gần Chúa hơn cảm giác được thuộc về, mà thỉnh thoảng con mới có được chăng. Con phải mừng sinh nhật Chúa ở đâu: trong một gia đình ấm cúng hay trong một ngôi nhà không quen thuộc, giữa bạn bè hay giữa những người xa lạ, với cảm giác hạnh phúc hay cảm giác cô đơn?

Con không phải chạy trốn những kinh nghiệm ấy, những kinh nghiệm gần gũi với kinh nghiệm của Chúa nhất. Nếu như Chúa không thuộc về thế gian này, thì con cũng không thuộc về thế gian này.

Mỗi lần cảm thấy như thế, con đều có cơ hội dâng lời cảm tạ và gần gũi Chúa hơn, và nếm cảm đầy đủ hơn niềm vui và sự bình an của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến và ở lại với con những lúc con thấy mình trơ trụi nhất.

Con tin tưởng rằng đó là nơi Chúa sẽ tìm được máng cỏ của Chúa và chiếu rọi ánh sáng của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến, xin hãy đến. Amen”.[28]

 

———————————

Bài viết được trích từ tác phẩm của Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ. “Nào Chúng ta cùng thờ lạy Chúa”. Tin Mừng Giáng Sinh. NXB. Đồng Nai 2019, từ trang 23-60.

 

[1] X.Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su, bản dịch tiếng Việt của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh. NXB. Tôn Giáo 2013. T.10-11.

[2] Luz U., Das Evangelium nach Matthaeus, 1. Teilband, Benziger Verlag, Zuerich 1985. S.88.

[3] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. Verlag Neue Stadt. Muenchen 2013. S.33.

[4] Xavier Léon-Dufour SJ., Vocabulaire de théolgogie biblique. Bản tiếng Việt với tựa Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Giáo Hoàng Học Viện Piô X chuyển. ngữ . NXB. Tôn Giáo và nhà sách Hoàng Mai, Gò-vấp 2016. T.575.

[5] Xavier Léon-Dufour SJ., Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh. T.572-574.

[6] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, NXB. Tôn Giáo, 2019. T.144.

[7] Gnilka J., Das Mathaeusevangelium, 1,1-13,58, I/1, Herders theologischer Kommentar zum Neuen Testament, Sonderausgabe, Freiburg – Basel, Wien 2000. S.7.

[8] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.14-15.

[9] Schnelle U., Theologie des Neuen Testaments, Vandenhoeck & Ruprecht Verlag, Goettingen 2014. S.403.

[10] X.Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.15-16.

[11] X.Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. Verlag Neue Stadt. Muenchen 2013. S.34.

[12] Raymon E. Brown, The Birth of the Messiah. The Anchor Yale Bible. 2.Edition. New York 1993.S.68.

[13] Raymon E. Brown, The Birth of the Messiah.S.59.

[14] Gnilka J., Das Mathäusevangelium, 1,1-13,58. S.8-9.

[15] Trích bởi Ravasi G., Méditations sur L’Évangile de L’Enfance, Version Ebook. Éditions Saint Augustin 2004. 1.Meditation: La magie des nombres dans la présentation de l’Histoire.

[16] Stefano M. Manelli. Biblische Mariologie. Verlag Friedrich Pustet. Regensburg 2018. S.131.

[17] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.17-18.

[18] Ratzinger J., Der Segen der Weihnacht. Herder Verlag. Freiburg 2005. S.35.

[19] X.Billerbeck P. Das Evangelium nach Matthaeus erlaeutert aus Talmud und Midrasch. C.H. Beck’sche Verlag. Muenchen 1922. S.22.

[20] Trích trong Stefano M. Manelli. Biblische Mariologie. S.132.

[21] X. Gnilka J., Das Mathaeusevangelium, 1,1-13,58. S.10.

[22] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. S.34-35.

[23] Pesch R., Ueber das Wunder der Jungfrauengeburt, Verlag Urfeld, Bad Tölz 2002. S.72.

[24] Ratzinger J., Der Segen der Weihnacht. Herder Verlag. S.40-41.

[25] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.25.

[26] Guardini R., Der Herr, S.6-7.

[27] X.Guardini R., Der Herr, S.8-9.

 

[28] Lời cầu nguyện của Henri M. Nouwen, Chỉ có một điều mà thôi. Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR dịch. NXB. Phương Đông. T.268-269. Sài-gòn 2013.

 

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *