Phụ trang 1
Năm sinh của thánh I-nhã
Chúng ta không chắc chắn hoàn toàn được về ngày tháng năm sinh của thánh I-nhã. Tuy nhiên, hiện nay mọi người đều đồng ý về năm 1491.
Trong Hồi Ký, thánh I-nhã cho biết: “Cho đến năm 26 tuổi, kẻ ấy chỉ mải mê với những chuyện phù phiếm thế gian, đặc biệt là ham mê võ nghệ, với ước ao mãnh liệt và phù phiếm là được nổi tiếng” (HK 1). Nếu tính đến khi ngài bị thương ở Pamplona năm 1521 thì ngài phải sinh năm 1495. Có người cho rằng ngài tính đến năm 1517, khi ngài chuyển từ Arévalo đến Navarra, nhưng thực sự ngay khi ở lại pháo đài Pamplona năm 1521, ngài vẫn “mải mê với những chuyện phù phiếm thế gian”.
Cũng trong Hồi Ký, về giai đoạn Manresa, ngài cho biết: “Có thể khẳng định là tâm trí kẻ ấy được soi sáng đến nỗi suốt đời, đến nay đã 62 năm, nếu kẻ ấy gom lại tất cả những trợ giúp đã nhận được từ Thiên Chúa và mọi điều kẻ ấy biết được, cộng chung lại, kẻ ấy không nghĩ là bằng những gì đã nhận được chỉ một lần ấy” (HK 30). “Đến nay” của ngài là năm 1555, khi ngài kể cho cha Luis Golzalves de Câmara: như vậy ngài phải sinh năm 1493.
Ít lâu trước khi ngài qua đời năm 1556, bà María de Garín, nhũ mẫu của ngài tại Loyola, cho biết ngài sinh năm 1491. Pedro de Ribadeneira, người từng chung sống với ngài nhiều năm tại Rôma, sau đó là tác giả bản tiểu sử đầu tiên của ngài, ban đầu nhận năm 1495, sau đó nhận năm 1491. Hình như các nhà hữu trách Dòng Tên đồng ý về năm 1491, nên cho khắc trên bia mộ của ngài: “Obdormivit in Domino anno aetatis suae LXV” (An nghỉ trong Chúa năm 65 tuổi).
Có lẽ giải pháp dễ nhất là tìm lại sổ rửa tội tại giáo xứ Azpeitia, nhưng tiếc là sổ đã bị thiêu hủy trong một cuộc hỏa hoạn. May mắn là văn khố Azpeitia còn giữ một văn kiện mua bán một con ngựa ngày 23.10.1505 (xem FD, MHSJ 115, tr. 169-171), trong đó có tên của ba nhân chứng: Inigo de Goyas, Domingo de Garagarza và Ynego de Loyola. Cho đến nay, người ta chưa tìm ra ai khác thánh I-nhã trong thời gian ấy có tên là Inego de Loyola, nên gần như chắc chắn chính là ngài. Theo luật tỉnh Guipúzcoa cũng như luật vương quốc Castilla, và cả Giáo Luật thời ấy, muốn làm nhân chứng như vậy phải đủ 14 tuổi. Do đó, thánh I-nhã phải sinh trước ngày 23.10.1491. Điều này trùng hợp với lời bà María de Garín.
Hiện nay, không ai đặt vấn đề về năm sinh của ngài nữa.
Phụ trang 2
Cha mẹ thánh I-nhã
Về cha của thánh I-nhã, chúng ta biết: (1) Sinh khoảng năm 1439, mất ngày 23.10.1507; (2) Thích chiến đấu: hết chống người Hồi Giáo đến chống người Bồ Đào Nha rồi người Pháp; (3) Năm 1476, tham gia trận đánh giải phóng Toro và Burgos trong cuộc tranh dành quyền thừa kế ngai vàng giữa triều đình Tây Ban Nha với triều đình Bồ Đào Nha; (4) Năm 1484, tham gia bảo vệ Fontanabria bị quân đội Pháp tấn công; (5) Năm 1490, ông điều chỉnh với vị viện trưởng và các người thụ hưởng cách thức chia thuế thập phân; (6) Năm 1499, ông đòi áp dụng những qui định của hội nghị Pamplona; (7) Năm 1506, ông tuyên bố sẽ tốt hơn cho Hội Thánh và dân chúng nếu chỉ chấp nhận vào hàng giáo sĩ những người đã học ít là 4 năm tiếng Latinh và âm nhạc; (8) Vị giám quản giáo phận tuyên bố các quyết định của ông Beltrán Yánez không có giá trị vì do những người không có quyền thánh thẩm, nhưng lại phê chuẩn vào ngày 20.2.1507; (9) Trong gia đình, ông sắp xếp hết mọi sự cho con cái; (10) Ngoài 11 người con được coi là chính thức, ít nhất ông có 2 người con ngoại hôn: Juan Beltrán, không biết sau này ra sao; Maria Beltrán, vào tu trong ẩn viện San Miguel, nhưng bỏ lời khấn để kết hôn với Domingo de Arrayo.
Chúng ta chỉ biết rất ít về mẹ thánh I-nhã: (1) Là con gái ông Martín García de Licona, quan chức triều đình, thường được gọi là “Tiến sĩ Ondaroa”, và bà Maria de Zarauz. Hai ông bà đến ở Azkoitia khoảng năm 1463.; (2) Khi kết hôn, được hưởng hồi môn 1600 đồng florin vàng; (3) Là người đạo hạnh: trước khi chết, bà viết di chúc xin một người đi hành hương đến Guadalupe để cầu nguyện cho bà, và xin một người khác đi hành hương cầu nguyện cho anh (hay em trai) Juan Pérez của bà.
Phụ trang 3
Dòng tộc thánh I-nhã
Danh sách[58]
1. Các bậc tiền bối
Thế hệ 1:
(1a) Lope de Onaz [+1208]: (2a);
(1b) Urguel Enriquez de Lazcano: (2b);
(1c) Thibaut I, vua Navarra đồng thời là Thibaut VI, bá tước xứ Champagne: (2c).
Thế hệ 2:
(2a) Garcia Lopez de Onaz: (3a);
(2b) Enrique Urgel de Lazcano, kết hôn với (2c) *Margarita[59] de Champagne-Navarre: (3bc).
Thế hệ 3:
(3a) Lope García de Onaz, kết hôn [1261] với (3d) *Inés de Loyola: (4ad);
(3bc) Martin Lopez de Muruna: (4bc).
Thế hệ 4:
(4ad) *Inés de Onaz y Loyola kết hôn với (4e) Juan Perez I: (5ade);
(4bc) Garcia Lopez de Lazcano: (5bc)
Thế hệ 5:
(5ade-1) Juan Perez II de Onaz y Loyola kết hôn với (5f) *Maria Perez de Laete: (6ade);
(5ade-2) Gil de Onaz;
(5ade-3,4,5,6,7) 5 người em trai không biết tên;
(5bc) Lope García de Lazcano: (6bc).
Thế hệ 6:
(6ade) Beltrán Yanez I de Onaz y Loyola: (7ade)
(6bc) Juan Ruiz de Lazcano y Ayala: (7bc).
Thế hệ 7:
(7ade-1) Juan Perez II de Onaz y Loyola, chết sớm.
(7ade-2) *Sancha Yanez de Onaz y Loyola, kết hôn [1413] với (7bc) Lope Garcia de Lazcano y Murguia: (8a).
Thế hệ 8:
(8a) Juan Perez IV de Onaz y Loyola kết hôn với (8h) *Sancha Perez de Iraeta: (9a-1, 2, 3);
(8g) Martin García de Licona (Tiến sĩ Ondarroa) kết hôn với(8i) *Maria de Zarauz: (9g).
Thế hệ 9:
(9a-1) Beltrán Yanez II de Onaz y Loyola (+1507), kết hôn [1467] với (9g) *Maria Saenz de Licona: (10).
(9a-2) *Maria Lopez kết hôn với Pedro de Olozaga.
(9a-3) *Catalina kết hôn với Juan Perez de Emperan.
2. Anh chị em thánh I-nhã
Thế hệ 10: (theo thứ tự nhóm nữ trước, nhóm nam sau; trong mỗi nhóm, lớn trước, nhỏ sau).
(10-1) *Juaniza, (10-2) *Magdalena, (10-3) *Petronila, (10-4) *Sancha Perez, (10-5) Juan Perez, (10-6) Martin García, (10-7) Ochoa Lopez, (10-8) Beltrán, (10-9) Hernando, (10-10) Petro Lopez, (10-11) Inigo Lopez.
3. Hậu duệ
Thế hệ 11
(11-1) Beltrán III de Onaz y Loyola, con của Martin Garcia (10-6), kết hôn (1538) với *Juana de Recalde: (12-1, 12-2).
(11-2) Martin García II: (12-3).
Thế hệ 12
(12-1) *Lorenza de Onaz y Loyola, thừa kế, kết hôn (1552) với Juan de Borja (con trai thứ hai của thánh Phanxicô Borja): (13-1), (13-2).
(12-2) *Magdalena, em gái của Lorenza, kết hôn (1557) với Pedro de Zuazola: ông bà của (14).
(12-3) Martin Garcia III, kết hôn với *Beatriz de Goya [người Peru]: (13-3).
Thế hệ 13
(13-1) *Leonor de Onaz y Loyola kết hôn với Pedro de Borja y Centellas (cháu nội thánh Phanxicô Borja): không có con.
(13-2) *Magdalena de Borja, em gái của Leonor, kết hôn với Perez de Vivero, bá tước Fuensaldana. (13-2)* chết năm 1626, không có con.
(13-3) *Magdalena de Loyola y Goya: mẹ của (16).
Thế hệ 14
(14) Pedro de Zuazola kết hôn với *Maria de Eguiguren: (15).
Thế hệ 15
(15) Mathias Ignacio de Zuazola kết hôn với *Ana de Lansalde: con cái chết sớm.
Thế hệ 16
(16) Juan Enriquez de Borja, hầu tước Oropeza y Alcanizes, kết hôn với *Juana de Velasco: (17).
Thế hệ 17
(17) *Teresa Enriquez de Borja y Velasco kết hôn với Luis Enriquez de Cabrera: không có con.
Phụ trang 4
Các anh chị thánh I-nhã
Theo thói quen xứ Basco, trong bản di chúc, người ta kể theo thứ tự trước hết là những người con trai sau đó mới đến những người con gái. Chúng ta không có tài liệu để xác định chính xác các anh chị thánh I-nhã theo thứ tự thời gian. Xin lần lượt kể nữ rồi đến nam, mỗi giới theo thứ tự từ lớn đến nhỏ.
Nữ
Juaniza: không biết chữ; kết hôn với Juan Martínez de Algaza, ký lục ở Azpeitia.
Magdalena: kết hôn với Juan López de Gallaiztegui, ký lục ở Anzuola, lãnh chúa lâu đài và lãnh địa Ozaota y Echeandia; hình như được thánh I-nhã đến thăm ngay sau khi ngài bình phục và rời gia đình (HK 13).
Petronila: kết hôn với Pedro Ochoa de Arriola, quê Elgoibar; được hưởng hồi môn 400 florin vàng, vải vóc và quần áo.
Sancha Pérez: hình như không kết hôn; hình như có một con gái ngoại hôn.
Nam
Juan Pérez: chỉ huy một tàu chiến do chính mình mua và trang bị vũ khí, trên tàu có 40 thủy thủ và 35 tay súng, tham gia đoàn quân Tây Ban Nha đi chiến đấu ở Ý; bị thương trong trận đánh giữa hải quân Tây Ban Nha, do Gonzalve de Cordova chỉ huy, với hải quân Pháp, do công tước Monpensier chỉ huy, ngày 7.6.1496; hai tuần sau, qua đời ở Napoli, trong nhà người đồng hương thợ may Juan de Segura; để lại hai người con rơi là Andrès và Beltrán. Andrès sau này sẽ làm lục sự rồi cha sở nhà thờ San-Sebastinan de Soreasu.
Martín García: sinh năm 1577; là người tử tế, nghiêm túc, có lương tâm; được học hành, biết chút ít tiếng Latinh; có khả năng quản trị; vào tuổi thiếu niên, tập sự ở triều đình, quen Magdalena de Araoz, con đỡ đầu hoàng hậu Isabel, một phụ nữ xinh đẹp, đạo hạnh và cung cách giao tiếp vừa dịu dàng vừa quý phái; đám cưới được tổ chức tại triều đình năm 1498, lúc Magdalena 18 tuổi, Được hoàng hậu tặng một số sách đạo, trong đó có hai cuốn mà thánh I-nhã sẽ đọc: Cuộc đời Đức Kitô và Gương Các Thánh; hưởng quyền thừa kế; phục vụ triều đình bằng binh nghiệp; sau khi hoàn tất nhiệm vụ đối với triều đình, Martín García về Loyola đóng vai gia trưởng; tranh chấp với các nữ tu Phanxicô về quyền lợi suốt ¼ thế kỷ; qua đời 29.11.1538 (61 tuổi).
Ochoa López: cũng chọn binh nghiệp; qua đời năm 1508 tại Loyola, sau khi bị thương ở xứ Flandres.
Beltrán: người đầu tiên trong gia đình có trình độ đại học: văn bằng cao đẳng; phục vụ trong quân đội Tây Ban Nha; tử trận tại Napoli trước năm 1527.
Hernando: sinh khoảng 1496; nhường phần di sản cho anh Martín García, đi Châu Mỹ; qua đời tại Panama, không rõ năm nào và tại sao.
Péro López: gần thánh I-nhã nhất cả về tuổi cũng như về tình thân; được cha chỉ định làm linh mục để hưởng giáo bổng nhà thờ giáo xứ Azpeitia; ngang tàng, mê gái, ham rượu, thích đánh đấm hơn kinh lễ và thần học; năm 1515 cùng với thánh I-nhã làm chuyện ám muội gì đó khiến cả hai bị tố cáo trước tòa hình sự; năm 1518, bị tố cáo ám sát linh mục García López de Anchieta, cháu của cha sở Azpeitia, nhưng rồi không bị kết án (x. FD 367-373); năm 1519, thụ phong linh mục, rồi làm cha sở giáo xứ Azpeitia; tranh chấp liên miên với các nữ tu dòng Phanxicô và với cha sở cũ, đích thân sang Tòa Thánh 3 lần để kiện tụng, lần thứ ba thành công, nhưng mang bản án của Tòa Thánh về đến Barcelona thì từ trần năm 1527; để lại 4 người con hoang.
Khác mẹ
Maria Beltrán.
Juan Beltrán, thường được gọi là El Borte, không biết năm sinh, kết hôn với Catarina de Insurola, có 4 con; trước năm 1512 bị một người trong họ hàng là Juan Martinez de Urrahategui giết tại Azpeitia, không biết rõ nơi và lý do; thủ phạm sau đó bị kết án tử hình vắng mặt; 3 trong 4 người con của nạn nhân chuyển đến Palencia và Carrion. (Xem Luis Fernández Martín, Final desventurado de un hermano de san Ignacio de Loyola, AHSJ LVII, 1988, tr. 331-339.)
Một người cháu thánh I-nhã vào Dòng Tên
Người anh của thánh I-nhã hưởng quyền thừa kế lâu đài Loyola có 4 con trai và 4 con gái. Người con trai út là Milian, cũng gọi là Millán hay Emiliano. Năm 1532, thánh I-nhã viết thư cho anh đề cập việc gởi một cháu đến Paris học: đó chính là Milian. Năm 1541, Milian theo anh họ là cha Antonio de Araoz đến Rôma và gia nhập Dòng Tên. Năm 1542, Milian được gởi sang Paris học, nhưng bị trục xuất cùng với các học viên người Tây Ban Nha khác, nên sang Bỉ, cùng học với Pedro de Ribadeneira, người sau này sẽ viết tiểu sử thánh I-nhã. Milian bị bệnh lao phổi phải về quê dưỡng bệnh và qua đời tại Azpeitia năm 1547. (Xem FD, MHSJ 115, tr. 798-799).
Phụ trang 5
Từ Inigo đến Ignatius
Tên chính thức và đầy đủ của thánh I-nhã khi được rửa tội là Inigo López de Loyola. Ngày nay, ngài được gọi là I-nhã bằng tiếng Việt, Ignacio bằng tiếng Tây Ban Nha, Ignace bằng tiếng Pháp… do việc tên ngài được đổi thành Ignatius bằng tiếng Latinh.
Tại sao ngài được đặt tên là Inigo Lopéz de Loyola?
Loyola là tên lâu đài nơi ngài sinh. Theo thói quen Tây Ban Nha thời đó, các nhà quí tộc được gọi bằng tên lâu đài của họ. Nhưng đôi khi họ cũng lấy nguyên tên của một bậc tổ tiên hay cha mẹ đặt cho con cái. Vì thế có khi người trong cùng một gia đình mang “họ” khác nhau, còn người thuộc hai gia đình khác nhau lại mang “họ” giống nhau. Chẳng hạn ông nội thánh I-nhã tên là Juan Perez de Onaz y Loyola (tên hai lâu đài Onaz và Loyola), thân sinh ngài tên là Beltrán Yanez de Onaz y Loyola, anh ngài tên là Martin García de Onaz, con của anh ngài tên là Beltrán Yánez de Onaz y Loyola (lấy lại tên của ông nội).
Lopéz: thường sau tên riêng, người Basco thêm tên của cha, chẳng hạn Perez là con của Pero, Yanez là con của Yan, Lopéz là con của Lope. Nhưng có khi đó chỉ là một tên nữa, như trường hợp thánh I-nhã.
Inigo là một tên riêng khá phổ biến ở Tây Ban Nha, và chỉ ở Tây Ban Nha thôi, vào thời Trung Cổ. Hình thức Latinh của Inigo là Enneco. Hiện nay, Inigo được viết là Eneko trong tiếng Basco. Trong tiếng Castellano cổ, Inigo được viết theo nhiều dạng: Ynigo, Inigo, Innigo, Enego, Yánego…
Có thể thánh I-nhã được đặt tên là theo một người trong dòng họ hay một người bạn của gia đình, hoặc theo một nhân vật nổi tiếng trước đó. Tuy nhiên, cũng có thể ngài mang tên thánh Inigo (+1068), đan viện phụ Biển Đức Ona tại Burgos, lễ kính ngày 1 tháng 6. Vì thế có người cho là ngài sinh ngày 1.6.1491 (Heinrich Boehmer, Ignatius von Loyola, H. Leube, Stuttgart 1941, trang 17).
Tại sao ngài đổi tên thành Ignatius?
Tại Đại Học Paris, trong danh sách sinh viên năm 1532-1533 và trong văn bằng cử nhân năm 1535, tên ngài được viết theo tiếng Latinh là Ignatius de Loyola. Lần đầu tiên ngài ký tên là Ignatius trong thư bằng tiếng Latinh gởi Pedro Contarini tháng 8. 1537. Lần cuối ngài ký tên là Inigo trong thư ngày 10.8.1546. Giữa hai thời gian ấy, Ignatius dần dần thay thế Inigo.
Cần lưu ý: (1) Ignatius không phải là hình thức Latinh của Inigo; (2) Ignatius không phải là một tên riêng thông dụng ở Châu Âu lúc ấy.
Có mấy giả thuyết về việc ngài đổi tên.
1) Các thư ký Đại Học Paris tưởng lầm Inigo trong tiếng Basco là Ignatius trong tiếng Latinh.
2) Pedro de Ribadeneira cho rằng ngài lấy tên là Ignatius vì phổ biến ở Châu Âu hơn Inigo.
3) Ngài đổi tên vì lòng sùng mộ thánh Inhaxiô thành Antiokhia, giám mục tử đạo (+107).
Ricardo Garcia-Villoslada, S.J. đặt câu hỏi: Nếu muốn được gọi bằng một tên nhiều người biết tại Châu Âu, tại sao thánh I-nhã không lấy những tên phổ biến hơn như Francisco, Luis…? (San Ignacio de Loyola, Nueva Biografía, BAC 1986, trang 60). Candido Damases cho rằng “rất có thể” do lòng mộ mến, vì “chắc chắn” ngài mộ mến thánh Inhaxiô Antiokhia (El Padre Maestro Ignacio, tr.11). Có thể ban đầu do hiểu lầm ở Paris, cũng có thể do Ignatius phổ biến hơn Inigo, nhưng ít là sau đó thánh I-nhã nhận tên mới vì mộ mến thánh Inhaxiô thành Antiôkhia mà ngài đã đọc tiểu sử lúc dưỡng thương tại Loyola trong tập Tuyển Truyện Các Thánh của Chân phước Jacopo de Vorazze.
Theo tác giả Tuyển Truyện Các Thánh, thánh Inhaxiô, giám mục thành Antiôkhia, là đệ tử thánh Gioan Tông Đồ. Khi hoàng đế Trajanô ra lệnh cho ngài đi chân không trên than hồng, ngài đáp: “Lửa hồng hay nước sôi cũng không dập tắt được tình yêu của tôi đối với Chúa Giêsu Kitô.” Trong lúc bị tra tấn, ngài không ngừng kêu tên Chúa Giêsu. Được hỏi tại sao, ngài đáp: “Danh hiệu ấy được viết trong tim tôi, nên tôi không thể không gọi được.” Sau khi ngài chết, những người đã nghe ngài nói như vậy thì muốn xem thực hư thế nào, nên đã móc tim ngài ra, cắt ngay chính giữa, và họ thấy quả thật tên Chúa Giêsu được viết trong tim ngài bằng những chữ vàng.
Trong gia đình và bạn bè, đặc biệt giữa nhóm 10 cha đầu tiên của Dòng Tên, ngài luôn luôn được gọi là Inigo. Trong các giao tiếp chính thức và các văn kiện thời kỳ ngài ở Rôma, ngài luôn luôn được gọi là Ignatius. Theo kiểu Việt Nam, có thể nói Inigo là tên trong và Ignatius là tên ngoài của ngài.
Phụ trang 6
Xứ Basco
Tiếng Basco: Eskualduna; tiếng Tây Ban Nha: Pais Vasco; tiếng Pháp: Pays basque. Cộng đồng Basco tự trị ở Tây Ban Nha (Pais Vasco), từ năm 1980, có diện tích 7.261 km2, với dân số 2 triệu người, trong 3 tỉnh Biscaya, Guipúzcoa và Alava; thủ phủ là Vitoria- Gasteiz. Người ta gọi chung 3 tỉnh trên đây cùng với tỉnh Navarra là Xứ Basco Tây Ban Nha.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn không rõ nguồn gốc dân Basco. Họ sống từ lâu đời ở hai bên dãy núi Pyrênê. Khu vực của họ là một hành lang nối Pháp với Tây Ban Nha, nên chịu nhiều ảnh hưởng quốc tế về quân sự, chính trị, văn hóa và tôn giáo. Tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn giữ được bản sắc riêng. Đế quốc Rôma, rồi cuộc xâm lăng của các dân man di, và cả người Hồi giáo, không đồng hóa được họ. Họ vẫn giữ tiếng nói và văn hóa riêng. Người ta cũng không biết nguồn gốc tiếng Basco, chỉ biết là nó không bắt nguồn từ tiếng Latinh như Pháp hay Tây Ban Nha. Văn hóa Basco giữ được những nét đặc trưng trong một nền văn học truyền khẩu phong phú, những bài hát với âm điệu riêng, các địa danh, nghề in, nghề thêu, và trò chơi bóng tường. Ngoài ra, quyền trưởng nam và việc tách biệt nam nữ cũng là những nét độc đáo của họ. Về tôn giáo, nếu so với Pháp và Tây Ban Nha thì dân Basco đón nhận đạo Công Giáo muộn hơn, nhưng tính cách Công Giáo gắn liền với nét đặc trưng của họ. Trong những thập niên 1960, giáo phận Pamplona được đánh giá là địa phương có tỷ lệ dân chúng tham dự thánh lễ Chúa Nhật cao nhất ở Tây Âu.
Tuy về chính trị, dân Basco trở thành dân tộc thiểu số hoà nhập với Pháp và Tây Ban Nha, nhưng họ vẫn giữ được văn hóa riêng nhờ tiếng nói riêng và các ikastolat (trường học Basco) riêng.
Ở Tây Ban Nha, chính quyền trung ương tôn trọng các đặc quyền (fueros) Basco: khu vực này có luật lệ riêng, gần như là tự trị. Năm 1836, các đặc quyền bị bãi bỏ. Sabino Arana thành lập phong trào dân tộc: sáng chế ra từ Euskadi để chỉ Xứ Basco, có cờ riêng, và năm 1895 thành lập Đảng Dân Tộc Basco. Phong trào tự trị này đã thực sự hình thành được một cộng đồng Basco mang đậm nét các giá trị Công Giáo, thôn quê và tập thể. Năm 1936, chính phủ tự trị đầu tiên được thành lập. Tuy nhiên, vì cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, vì thủ phủ Guernica y Luno bị không quân Đức oanh kích năm 1937 và vì bị chính quyền Franco đàn áp, chính phủ này mau chóng tan rã. Năm 1957, phong trào ETA (Euskadi ta Askatasuna: Xứ Basco và Tự Do) được thành lập để đòi độc lập cho dân tộc Basco với khẩu hiệu “Zazpiak bat” (Bảy [tỉnh] thành một [nước]). Năm 1980, Xứ Basco Tây Ban Nha được hưởng quyền tự trị, nhưng phong trào ETA vẫn tiếp tục đòi độc lập, đôi khi dùng đến cả hình thức khủng bố.
Hiện nay, có chừng 700 ngàn người còn sử dụng tiếng Basco. Đứng đầu là tỉnh Guipúzcoa (của thánh I-nhã) dân chúng hoàn toàn nói tiếng Basco. Ở các nơi khác, tỷ lệ xuống hẳn: nửa phía đông tỉnh Biscaya, nửa phía bắc tỉnh Navarra. Riêng tỉnh Alava, chỉ còn chừng 6% dân chúng nói tiếng Basco. Ở Pháp, tỷ lệ người Basco nói tiếng Basco cao hơn ở Tây Ban Nha, nhưng vì số người Basco ở Tây Ban Nha đông hơn nhiều, nên số người nói tiếng Basco ở Pháp chỉ chiếm 15%, số người nói tiếng Basco ở Tây Ban Nha chiếm 85%. Về kinh tế, 4 tỉnh Xứ Basco được coi là công nghiệp hóa và phát triển cao ở Tây Ban Nha: trong số 50 tỉnh của cả nước, Alava được xếp hạng 4, Guipúzcoa hạng 6, Navarra hạng 10 và Biscaya thứ 11.
Trong ngôn ngữ cổ điển, ‘người Biscaya’ được dùng để gọi người tỉnh Biscaya và cả người tỉnh Guipúzcoa (tỉnh này chỉ tách riêng khỏi tỉnh Biscaya từ thế kỷ XI). Cụm từ ấy đôi khi được mở rộng đến cả người tỉnh Navarra. Vì thế, ở đại học Paris, cả thánh I-nhã (người Guipúzcoa) và thánh Phanxicô Xavier (người Navara) cùng được gọi là ‘người Biscaya’.
[1] Xem phụ trang 1: Năm sinh của thánh I-nhã.
[2] Pedro Leturia, El gentilhombre Inigo López de Loyola, Labor 1949, tr. 7-8. Trước năm 1537, và cả sau đó, thánh I-nhã thường ký tên là Inigo hay Ynigo. Biên lai bán ngựa ngày 23.10.1505, mà thánh I-nhã là một chứng nhân, viết là Ynego de Loyola. Các tài liệu tòa án Azpeitia và Pomplona năm 1515: Ynigo de Loyola và Ennecum de Loyolla. Đơn thánh I-nhã xin mang vũ khí trong 3 năm 1518, 1519 và 1520: Enneco López de Loyola và Ynigo de Loyola. Đơn thánh I-nhã xin phép Đức Giáo Hoàng cho đi hành hương Giêrusalem, năm 1523: Enecus de Loyola. Về họ, trong gia đình ngài có người là Onaz y Loyola, có người chỉ là Onaz, có người chỉ là Loyola.
[3] Xem phụ trang 2: Cha mẹ thánh I-nhã.
[4] Lutetia, tên nguyên thủy của Paris, cũng có nghĩa như vậy.
[5] Le pèlerin de l’Absolu, trang 39.
[6] FD tr. 750.
[7]Xem Phụ trang 3: Dòng tộc thánh I-nhã.
[8] Theo truyền tụng, ngày 19 tháng 11 năm 1321 tại Beotíbar, liên quân Pháp và Navarra gồm 70 ngàn người, do thống đốc Navarra là nam tước Ponce de Morentain chỉ huy, đã sơ ý lọt vào một thung lũng hẹp, chung quanh là núi cao, và bị 800 quân Guipúzcoa, dưới quyền chỉ huy của 7 anh em nhà Loyola, đứng đầu là Juan Pérez de Loyola và Gil de Onaz, tiêu diệt! Xem Fontes Docum. 737. Tuy nhiên, chắc thực tế đó chỉ là một chiến thắng nhỏ vì không thấy được nhắc đến trong lịch sử Tây Ban Nha. Ricardo García-Villoslada cho là ngày nay không thể xác minh được (San Ignacio de Loyola, Nueva Biografía, trang 31).
[9] Caballeros de la Orden de la Banda: tạm dịch là Đẳng Cấp Hiệp Sĩ Băng Chéo. Đó là một đẳng cấp được vua Alonso thiết lập năm 1368 tại Burgos. Theo quy định, chỉ vua mới có quyền phong. Hiệp sĩ mang băng chéo từ vai trái xuống hông phải. Ai thuộc đẳng cấp phải tuân giữ những quy tắc do vua ấn định. Xem Ricardo García-Villoslada, San Ignacio de Loyola, Nueva Biografía, trang 32.
[10] Có nhiều cách giải thích về gia huy của dòng tộc Onaz-Loyola. Bảy sọc chéo đỏ trên nền vàng tượng trưng cho bảy băng đỏ của bảy hiệp sĩ, đeo trên vai phải qua hông trái; điều này ai cũng đồng ý. Nhưng người ta không đồng ý về hai con sói và cái nồi treo. Có người giải thích là tượng trưng cho việc bảy anh em dũng cảm như sói đã “làm thịt” và “luộc” liên quân Pháp và Navarra trong trận Beotíbar. Nhưng có người giải thích theo từ nguyên: Loyola đọc gần giống lobos a la olla (những con sói bên cái nồi) trong tiếng Tây Ban Nha. Nồi là một biểu tượng khá quen thuộc của các gia đình thế giá Tây Ban Nha. Sói có lẽ muốn nói lên lòng dũng cảm trong chiến đấu. Alain Guillermou cho rằng cách giải thích này không chính xác (Saint Ignace de Loyola, Le Seuil 1957, trang 6). Tallechea Idigoras giải thích: các con sói tượng trưng cho thống trị, gan dạ và phàm ăn; cái nồi muốn nói việc các thế hệ đã được tôi luyện và người ta chưa biết những gì sẽ được nấu trong tương lai.
[11] Ông tổ 5 đời của thánh I-nhã.
[12] Đây là quyền gần như ngang với quyền của giám mục: gắn gia huy trong nhà thờ, có chỗ ngồi riêng trong cung thánh, có một nhà nguyện riêng, người trong gia đình chết được chôn trong nhà thờ, bổ nhiệm viện trưởng cùng với bảy người hưởng niên lợi và hai tuyên uý, qui định việc phụng tự, hưởng ¼ lợi tức và ¾ tiền quyên góp.
[13] FD, MHSI 115, tr. 107 (5).
[14] Xem FD, MHSI 115, tr. 12-15. Thời ấy các Đức Giáo Hoàng thường lạm dụng quyền ra vạ tuyệt thông trong cả các tranh chấp chính trị hay quyền lợi vật chất, nên nhiều tín hữu xem thường.
[15] Mẹ của ông nội thánh I-nhã.
[16] FD tr. 30-43.
[17] Lâu đài vừa là dinh thự vừa là pháo đài.
[18] Gọi là Hermanad (Huynh Đệ). Các gia đình thế giá ở Guipúzcoa dựa vào tiền bạc và thế lực thường áp bức và bóc lột người nghèo và yếu hơn. Hermanad là phong trào của một thành phần xã hội lúc ấy bắt đầu xuất hiện gồm những người mới giàu mạnh lên ở các đô thị: họ liên kết với nhau để tạo sức mạnh chống lại thế lấn lướt của các hào trưởng. Triều đình một mặt thấy không thể ngăn cản đà lớn mạnh của Hermanad, mặt khác muốn kềm chế thói lộng hành của các hào trưởng, nên ngầm ủng hộ phong trào này.
[19] Đến thế kỷ 18, vì hai vợ chồng người cháu đời thứ 7 của thánh I-nhã là Teresa Enriquez de Borja y Velasco và Luis Enriquez de Cabrera không có con, gia đình hầu tước Oropeza y Alcanizes nhường lại cho thái hậu Mariana d’Autria. Ngày 24.5.1682, thái hậu tặng lại cho Dòng Tên và lâu đài được giữ gìn nguyên vẹn cho đến nay. Ngày 28.3.1689, khởi công xây dựng vương cung thánh đường Loyola và học viện Loyola bên cạnh và bao quanh lâu đài.
[20] San Ignacio de Loyola, Nueva Biografía, tr. 3.
[21] Xem Phụ trang 4: Các anh chị thánh I-nhã.
[22] Hiện nay, phía cuối nhà thờ giáo xứ Azpeitia vẫn còn giữ được “giếng” nơi thánh I-nhã được rửa tội. một bức tượng ngài được đặt bên trên “giếng” ấy để lưu niệm.
[23] Xem Phụ trang 5: Từ Inigo đến Ignatius.
[24] Ricardo García-Villoslada, San Ignacio de Loyola, Nueva Biografía, BAC 1986, trang 61.
[25] Theo Hugo Rahner, đặc tính của dân Basco là “lầm lỳ và cứng đầu”; theo André Ravier, “ngay cả trong tôn giáo, người Basco một cách nào đó luôn luôn là một người lính” (Ignace de Loyola et l’art de la décision, tr. 13).
[26] Stk 10,2.
[27] J.M. Pérez Arregui, San Ignacio en Azpeitia, monographía histórica, Madrid 1921, trang 25.
[28] Xem Phụ trang 6: Xứ Basco.
[29] Hình như thật ra thì chỉ có người Navarra là dân Basco cả về huyết thống cũng như về văn hóa. Dân ở ba tỉnh kia ở Tây Ban Nha, kể cả tỉnh Guipúzcoa thường “Basco hơn cả dân Basco”, chỉ là Basco theo văn hóa. Tổ tiên của họ nói chung, và của thánh I-nhã nói riêng, là người Vardulia, một nhánh của dân Celte (cùng huyết thống với dân Ailen, dân Breton ở Pháp và dân Xcốtlen ở Anh). Họđến định cưở Tây Ban Nha từ khi nào thì chưa ai biết rõ. Lúc đầu họở phía tây bắc, trong khi dân Navarra ở phía đông bắc. Họ tiến dần dần về phía đông, và đến thế kỷ VI, họ gặp người Navarra. Trong khi các nhóm dân khác ở Tây Ban Nha tiếp thu văn hóa Rôma thì họ tiếp thu văn hóa Basco. Trong hơn bảy thế kỷ Tây Ban Nha bị người A rập đô hộ, xứ Bosco chẳng những không hề khuất phục mà còn hình thành vương quốc Navarra, và trở thành vùng vực kháng chiến cho toàn thể bán đảo Tây Ban Nha. Dân Basco, dù chỉ theo văn hóa hay theo cả huyết thống đều giống nhau ở chỗ trung thành với đức tin Công Giáo và bất khuất trước mọi sức mạnh ngoại lai. Riêng dân Vardulia vẫn tự hào với khẩu hiệu bằng tiếng Latinh: Fidelissima Vardulia numquam superata (trung thành và bất khuất).
[30] FN, III, 745.
[31] Tạm dịch aide nagusiak: đàn anh, huynh trưởng.
[32] Pierre Chaunu cho biết số tỷ lệ giới quý tộc trên dân số Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI từ bắc xuống nam như sau: Xứ Basco: 100%; Léon: 50%; Burgos: 25%; Galicia và Zamora: 14%; Valladolid: 12%; Ávila, Soria, Salamanca, Extremadura: 10%; Toledo, Madrid và khu vực chung quanh: 8%; Segovia và Murcia: 7%. Ở phía bắc, giới quý tộc sống rải rác tại miền quê, càng xuống phía nam, giới quý tộc càng tập trung vào các đô thị (L’Espagne de Charles V, tr. 276-277).
[33] Tạm dịch hidalgo, nghĩa từ nguyên là hijo de algo: con của ai đó, hiểu là con của một gia đình danh giá. Theo Marcelin Defourneaux, lý tưởng của một quý nhân là: “Tôi sống với vợ con. Tôi tiêu khiển bằng săn bắn và câu cá. Tôi có trên dưới 50 cuốn sách, bằng tiếng Latinh hay Castilla, một số là sách đạo, số khác là sách truyện. Tôi thường đọc truyện hơn đọc sách đạo, nhưng phải là giải trí lành mạnh, giúp tôi thư giãn, hấp dẫn và làm tôi say mê với những khám phá. Thỉnh thoảng tôi dùng bữa ở nhà hàng xóm và bạn bè, và tôi mời họ lại. Tôi đi lễ hằng ngày. Tôi bố thí cho người nghèo, nhưng không làm ồn ào, để sự giả hình và kiêu ngạo khỏi lẻn vào tim. Tôi sùng kính Đức Mẹ và luôn luôn tin tưởng ở lượng từ bi vô hạn của Thiên Chúa.” Nhưng họa hiếm mới có người thể hiện được lý tưởng cuộc sống cao quý và dân dã ấy. Xem La vie quotidienne en Espagne au sìecle d’or, Hachette 1964, tr. 42.
[34] Caballero.
[35] Xem L’Espagne de Charles V, tr. 282-288.
[36] Lope García de Salazar, Las bienas danzas con fortunas, tập XXI, Angel Rodriguez Herreto, IV, tr.74, Bilbao 1967.
[37] El Padre Maestro Ignacio, tr. 31. Chính thánh I-nhã, trong thư viết tại Paris cuối tháng 6 năm 1532 gởi về gia đình cho biết số tiền cần cho một sinh viên ăn học tại Paris một năm là 50 đồng ducado. Hiện nay, chi phí ăn học cho một sinh viên trong một năm tại Paris khoảng 12 ngàn đôla. Vậy số lợi tức hằng năm của gia đình Loyola tương đương với khoảng 240 đến 480 ngàn đôla.
[38] Epp. Mix. II, 849.
[39] Apologia contra censuram Facultatis theologicae Parisiensis, trong FN, II, MHSI 73,tr. 62.
[40]Đây là ngôn ngữ chính thức ở Tây Ban Nha nên người Việt Nam thường gọi là tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, tại Tây Ban Nha, người ta gọi là Castellano, tiếng của người Castilla. Ở gia đình, thánh I-nhã nói tiếng Castellano; với dân chúng, ngài nói tiếng Basco.
[41] “Fidelissima Vardulia nunquam superata”.
[42] Jean Deplace, Ignace de Loyola, Perrin 1991, trang 28.
[43] Saint Ignace de Loyola, tr. 18.
[44] Tạm dịch từ Vasallo. Xem MI, Fontes documentales, 126.
[45] MI, FN, 498.
[46] Tạm dịch “La Orden de la Banda”. Đó là một tổ chức và một bậc sống, được gọi là “cao quý nhất” do vua Alonso XI của Castilla thiết lập năm 1332. Trong bản Nội Quy (Ordenamiento de la Banda hay Libro de los caballeros de la Orden de la Banda), nhà vua ấn định tinh thần, quy luật, nếp sống và tổ chức của đẳng cấp. Xem Isabel García Diaz, La Orden de la Banda, AHSJ, LX, 1991.
[47] Một vài quy định cụ thể: tháp tùng những người khôn ngoan để biết sống, những chiến sĩ để biết chiến đấu; không được kêu ca than thở lúc bị thương, không được khoe khoang thành tích: ai kêu “ái!” lúc được chữa trị, hoặc kể nhiều lần thành tích của mình, sẽ bị quở trách nặng; khi đi lại trong cung điện hay ở triều đình, phải khoan thai, không được nói năng ồn ào: ai vi phạm sẽ bị quở trách hay trừng phạt; không được uống trực tiếp rượu từ bình hay uống nước từ vò: muốn uống phải dùng ly và phải làm dấu thánh giá, ai vi phạm sẽ bị đuổi khỏi cung điện một tháng, và bị cấm uống rượu một tháng nữa; khi vua ra trận, tất cả các hiệp sĩ phải tháp tùng và khi đóng trại phải ở dưới cùng một cờ hiệu;mỗi năm phải diễn tập ít nhất hai lần…; ai vi phạm sẽ bị cấm mang băng một tháng và cấm mang kiếm 6 tháng. Xem Ricardo García-Villoslada, San Ignacio de Loyola, Nueva Biografía, trang 32. Phần nào chúng ta có thể nghĩ đến những tổ chức hiện nay như Chữ Thập Đỏ, Thanh Niên Tình Nguyện, Đoàn Hòa Bình…
[48] San Ignacio de Loyola, Nueva Biografía, trang 33.
[49] El mundo caballeresco en la vida de Ignacio de Loyola, AHSJ LX (1991), trang 14.
[50] Xem Origenes del “mas” ignaciano, trong Ignacio de Loyola en Castilla, trang 115.
[51]Đó chỉ là một nghi thức, không phải một bí tich ban một chức thánh. Thời thánh I-nhã, trước khi chịu chức phó tế, phải chịu “chức” cắt tóc, rồi bốn “chức nhỏ”, rồi “chức phụ phó tế”. Công đồng Vaticanô II, giữa thế kỷ XX, đã bãi bỏ những “chức” không phải là chức thánh ấy, và khi chịu chức phó tế thì đương nhiên gia nhập hàng giáo sĩ.
[52] Dudon, Saint Ignace de Loyola, tr. 25.
[53] Xem Alain Guillermou, Saint Ignace de Loyola, Le Seuil 1957, trang 11.
[54] Xem Alain Guillermou, Saint Ignace de Loyola, Le Seuil 1957, trang 9.
[55]Như trên.
[56] Xem El gentilhombre Inigo Lopéz de Loyola, Labor 1949, trang 48.
[57] Xem Le manuel de Montserrat et les Exercices Spirituels de Saint Ignace, Christus 167 (1995), tr. 369.
[58] Mỗi người được gắn một mã số theo thứ tự: (1) thế hệ (từ 1 đến 17); (2) huyết thống hàng dọc (từ a đến i); (3) anh chị em (từ 1 đến 11). Thí dụ (5ade-1) Juan Perez II de Onaz y Loyola: (1) thế hệ 5; (2) các bậc tiền bối hàng dọc a, d, e; (3) người thứ nhất trong các anh em. Thánh I-nhã mang mã số (10-11): người số 11 của thế hệ 10. Nếu muốn đầy đủ thì phải viết (10abcdefghi-11), nhưng thiết tưởng không cần thiết, vì không sợ lộn.
[59] Dấu * chỉ người nữ.