Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Các bạn thân mến,
Chúng ta biết gì về thánh I-nhã Loyola? Một người thuộc dòng dõi quý phái ở vùng Loyola, bắc nước Tây Ban Nha. Ngài sinh năm 1491, cách đây hơn năm thế kỷ. Một người đã ở lại với Giáo Hội khi Giáo Hội xuống dốc, đã góp phần củng cố và làm đẹp khuôn mặt Giáo Hội khi Giáo Hội gặp khủng hoảng. Đối với các bạn, I-nhã còn là một người bạn gần gũi, vì ngài đã sống như một sinh viên, với tất cả những khó khăn mà chính các bạn từng gặp. Ký túc xá của ngài là bệnh viện dành cho người nghèo, ngài phải đi ăn xin để sống và học tập. Chúng ta hãy nhìn lại vài nét của đời ngài, hy vọng chúng ta hiểu ngài hơn, yêu ngài hơn và sống theo tinh thần của ngài. TẤT CẢ CHO VINH DANH CHÚA HƠN.
- I-NHÃ TẬP NHẬN ĐỊNH Ý CHÚA
I-nhã trở thành sinh viên khi đã hơn ba mươi tuổi. Đó là một I-nhã đã trở lại vài năm trước đó, một I-nhã đã từ bỏ những đam mê tự nhiên của mình: thích tiếng tăm lừng lẫy, thích những chiến thắng vẻ vang ngoài trận địa, thích chinh phục một tiểu thư xinh đẹp, quý phái. I-nhã sinh viên là một I-nhã anh dũng, đã từng suýt chết vì trái đạn đại bác của quân Pháp. Trái đạn này làm I-nhã bị gãy chân, đành phải dừng chân. Chính trong thời gian dưỡng bệnh, vì trong nhà không có truyện kiếm hiệp, I-nhã phải đọc Truyện các Thánh và Cuộc đời Đức Giêsu. Ai ngờ Thiên Chúa lại dùng những cuốn sách đạo đức này để tìm cho mình một chiến sĩ trong lúc Hội Thánh lâm nguy.
I-nhã trên giường bệnh là một I-nhã tập tễnh bước vào đời sống thiêng liêng. Kinh nghiệm thiêng liêng đầu đời của I-nhã rất đơn sơ, được ngài kể lại như sau: “Khi đọc những sách này, tôi thấy thích những điều được kể lại trong đó. Tôi thường dừng lại, nghiền ngẫm điều mình đã đọc. Cũng có khi tôi lại nghĩ đến những sự thế gian mà trước đây tôi mải mê theo đuổi. Trong số nhiều điều phù phiếm, có một điều xâm chiếm tâm trí tôi đến nỗi tôi nghĩ đến nó hai, ba, thậm chí bốn tiếng đồng hồ mà không hay. Tôi tưởng tượng xem mình phải làm gì để phục vụ cô tiểu thư ấy, đến nước cô ấy đang sống bằng cách nào, hứa hẹn và làm thơ tặng cô, cùng những cử chỉ ga lăng để chinh phục cô tiểu thư đài các ấy.”
Như thế trên giường bệnh, I-nhã bị chi phối bởi hai luồng tư tưởng trái ngược. Một mặt ngài khao khát bắt chước các thánh: “Thánh Đa-minh, thánh Phan-xi-cô đã làm điều này, nên tôi cũng phải làm như vậy.” Mặt khác ngài lại bị cuốn hút bởi những tư tưởng trần tục, tự nhiên. Cái hay của I-nhã là đã nhận ra sự khác biệt. “Khi nghĩ đến những sự thế gian, tôi thấy vui, nhưng sau khi mệt quá không nghĩ nữa, tôi lại thấy khô khan và không thỏa mãn. Còn khi nghĩ đến chuyến đi Đất Thánh bằng chân không, chỉ ăn rau cỏ và hành xác như các thánh, thì tôi chẳng những thấy vui lúc đó, mà cả sau này cũng thấy hân hoan và mãn nguyện.” Dần dần I-nhã khám phá thấy con người mình chịu tác động bởi những lôi kéo đối nghịch, một do ác thần, một do Thiên Chúa. Đây là kinh nghiệm nhận định đầu tiên của I-nhã, mở đường cho những kinh nghiệm khác tinh tế hơn sau này.
I-nhã sinh viên không phải là một I-nhã ngây thơ, nhưng là một người đã có những trải nghiệm thiêng liêng phi thường trong thời gian gần một năm sống tại vùng Manresa. Ngài được nhiều thị kiến và nhất là được ơn khải ngộ khi đang cầu nguyện bên bờ sông Cardoner. Đây cũng là thời gian I-nhã chịu tác động của thần dữ. Ngài có lúc đã chán nản đến mức muốn tự tử.
I-nhã kể cho chúng ta nghe một kỷ niệm về nhận định ý Chúa trong thời sinh viên. Đây là kinh nghiệm về ác thần giả dạng thiên thần. “Sau khi đi viếng Đất Thánh trở về, tôi trở lại Barcelona và bắt đầu học hành chăm chỉ. Nhưng có một điều gây cản trở cho tôi, đó là mỗi khi tôi cần phải học thuộc bài thì tôi lại nhận được những ánh sáng mới và niềm vui mới về các điều thiêng liêng đạo đức. Những niềm vui này mạnh đến nỗi tôi chẳng tài nào nhớ được gì và tôi cũng không sao gạt chúng đi được, dù đã cố gắng nhiều.” Dần dần I-nhã mới nhận ra đó là một cơn cám dỗ, vì ngay cả lúc cầu nguyện hay dự thánh lễ, các ánh sáng này cũng không mạnh đến như vậy. I-nhã đã thắng được cơn cám dỗ này bằng cách đi gặp vị giáo sư của mình trong một ngôi nhà thờ, kể hết những khó khăn đang xảy ra cho mình và cho vị ấy biết đâu là nguyên nhân. Sau cùng I-nhã còn hứa sẽ học hành nghiêm túc hơn. Từ đó trở đi I-nhã được giải phóng.
Nhận định để tìm ý Chúa là điều các bạn trẻ rất quan tâm. Chúng ta luôn chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa và ác thần trong cuộc sống. Làm sao nhận ra đâu là cám dỗ của ác thần, đâu là lôi kéo của Chúa? Ác thần vẫn giả dạng thiên thần để đến với ta. Nếu chúng ta sống trong sạch và cầu nguyện, cũng như bàn hỏi những người có kinh nghiệm, nếu chúng ta thực sự khao khát tìm ý Chúa để thi hành, thì thế nào chúng ta cũng tìm thấy ý Chúa, bởi vì Chúa rất mong tỏ lộ cho chúng ta biết ý Ngài.
- I-NHÃ HỌC TẬP VÀ CẦU NGUYỆN
Các bạn thân mến, trên ba mươi tuổi, I-nhã lại làm bạn với sách đèn. Khi không được phép ở lại Thánh Địa Giêrusalem để truyền giáo, I-nhã nghĩ ngay đến việc đi học. Học để “giúp đỡ các linh hồn”, không học thì không được nói về Chúa cho người khác trong thời buổi mà Giáo Hội đang hết sức nghi ngờ những người lạc giáo. I-nhã sinh viên đã có kinh nghiệm thấm thía về chuyện này. Ngài đã bị các cha Đa-minh bỏ tù, bị xiềng chân và bị cấm không được phân biệt tội trọng, tội nhẹ cho đến khi nào học đủ bốn năm nữa. Như thế, I-nhã đi học vì mục đích tông đồ. Bằng cấp là giấy thông hành cho phép I-nhã phục vụ Dân Chúa. Việc học chỉ là phương tiện, nhưng là phương tiện cần thiết. I-nhã đã học tập nghiêm túc, đến nỗi những gì gây cản trở cho việc học, ngài coi đó là ngược với ý Chúa.
Hôm nay chúng ta được mời gọi coi tri thức là hành trang để phục vụ, bằng cấp là giấy phép để phục vụ, chỗ làm việc là nơi để phục vụ. Chúng ta mong hành trang của mình dày hơn để phục vụ tốt hơn. Chúng ta đổi chỗ làm không chỉ vì muốn tiến thân, nhưng chủ yếu vì muốn phục vụ cho lợi ích lớn lao hơn cho con người. Khi coi tất cả những gì mình nhận được là quà tặng và muốn chia sẻ lại cho người khác, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi những tính toán vụ lợi và những lo lắng ích kỷ, để sống trong thanh thản, bình an.
Trong thời gian học tập, I-nhã ít gặp ơn an ủi khi cầu nguyện. Ngài biết việc học đòi hỏi sự tập trung của cả con người. Hồi còn ở Manresa, ngài cầu nguyện mỗi ngày 7 tiếng. Dĩ nhiên thời sinh viên, ngài phải rút ngắn giờ cầu nguyện lại để có giờ học. Sau này khi đã về già, trong một lá thư, I-nhã đưa ra một lời khuyên đặc biệt cho những người đang bận bịu chuyện học hành. “Họ phải tập tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự, trong những lúc trò chuyện hay đi chơi với nhau, trong tất cả những gì họ thấy, họ nếm, họ hiểu, trong mọi việc họ làm, bởi vì chính Chúa uy linh thực sự ở trong mọi sự bằng sự hiện diện, quyền năng và yếu tính (essence) của Ngài. Kiểu suy niệm bằng cách tìm thấy Chúa trong mọi sự thì dễ dàng hơn là việc nâng tâm hồn lên để suy gẫm những chân lý trừu tượng về Chúa vốn đòi hỏi nhiều cố gắng nếu ta muốn tập trung. Những phương pháp này là cách thức tuyệt vời chuẩn bị ta đón nhận Chúa đến thăm ta, cả trong những giờ cầu nguyện ngắn ngủi.”
“Tìm thấy Chúa trong mọi sự” là đỉnh cao của linh đạo I-nhã. Một năm trước khi qua đời, I-nhã cho biết mình tìm thấy Thiên Chúa dễ dàng hơn bao giờ hết. “Bất cứ khi nào tôi mong muốn, vào bất cứ giờ nào, tôi đều có thể tìm thấy Thiên Chúa” (Sách Tự Thuật, số 99). Câu này cho thấy đời sống thiêng liêng của một bậc thánh nhân.
Hôm nay nếu bạn có thể gặp được Thiên Chúa nơi giảng đường, nơi bạn bè, nơi ký túc xá, nơi nhóm, nơi nhà thờ, nơi gia đình; nếu bạn luôn thấy Chúa đi với bạn trong từng biến cố của cuộc đời, ở bên bạn ngay giữa đêm đen và giông bão; nếu bạn thấy mọi sự chẳng có gì là ngẫu nhiên hay tình cờ nhưng đều là quà tặng của tình yêu Thiên Chúa, dù nhiều khi bạn không hiểu nổi và không muốn chấp nhận; nếu bạn tin Thiên Chúa là nhà giáo luôn uốn nắn bạn qua những biến cố, để bạn trở nên cứng cáp và trưởng thành; vâng, nếu được như vậy thì bạn là người đã thấm nhuần linh đạo I-nhã. Lúc đó dưới mắt bạn, cả cuộc đời muôn màu muôn vẻ này trở nên nơi Thiên Chúa tỏ mình. Lúc nào bạn cũng nghe thấy Ngài nói với bạn qua các biến cố của đời bạn và của thế giới.
- I-NHÃ LÀM VIỆC TÔNG ĐỒ
Thời sinh viên, I-nhã không chỉ học và cầu nguyện. Ngài còn chú tâm làm việc tông đồ, và vì thế đã gặp nhiều khó khăn với giáo quyền. Chúng ta không nên quên lúc đầu I-nhã cũng chưa thấy rõ ơn gọi của mình. Ngài quyết định đi học nhưng chưa rõ khi học xong sẽ vào một Dòng nào đó hay cứ tiếp tục đi khắp thế giới để nói về Chúa. Dần dần I-nhã mới khám phá ra ơn gọi linh mục của mình. Nhưng khi còn là một sinh viên giáo dân, với bề dày của đời sống thiêng liêng, I-nhã đã say mê với việc dạy giáo lý, đặc biệt cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra I-nhã còn cải hóa lòng người bằng những cuộc chuyện trò mang tính thiêng liêng. Chuyện trò, đối thoại với người khác là hình thức đặc biệt được I-nhã ưa chuộng. Chính I-nhã cho thấy điều đó khi ngài bị thẩm vấn bởi một vị chức sắc trong Giáo Hội ở Salamanca. Sau đây là mẩu đối thoại: “Vậy các anh giảng gì?” — “Chúng tôi không giảng, chúng tôi chỉ nói một cách thân mật về những chuyện thiêng liêng với một nhóm nhỏ, và nói sau bữa ăn với những người mời chúng tôi.” — “Chúng tôi muốn biết nội dung những chuyện các anh nói về Chúa.” — “Lúc thì chúng tôi nói về nhân đức này, lúc thì nhân đức nọ, để ca ngợi. Có những lúc chúng tôi nói về tật xấu này hay tật xấu nọ để lên án.” Như thế I-nhã đã dùng bầu khí thân mật của bữa ăn mà chuyện trò với mọi người, để giúp họ thay đổi cuộc sống. I-nhã sinh viên chẳng phải là linh mục hay tu sĩ, chẳng được giảng ở nhà thờ, nhưng qua những cuộc gặp gỡ cá nhân, I-nhã mong ước chia sẻ kinh nghiệm của mình để “giúp đỡ các linh hồn”. “Giúp đỡ các linh hồn” là lối nói được I-nhã quen dùng, là mục tiêu mà I-nhã luôn nhắm tới, kể cả khi bị giam trong tù. Giúp đời, giúp người sống theo ý Chúa: đó mãi mãi là ước mơ của I-nhã.
Nhưng I-nhã không muốn đơn độc trong việc thực hiện ước mơ này. Ngay từ khi bắt đầu đi học lại ở Barcelona, I-nhã đã quy tụ những người bạn cùng chí hướng. Ngài thường dùng Linh Thao để chia sẻ cho họ kinh nghiệm thiêng liêng quý báu của mình và biến họ trở thành những con người sống hoàn toàn cho Thiên Chúa. Chính I-nhã cũng nhìn nhận là qua Linh Thao “có nhiều người đạt được một hiểu biết và cảm nếm sâu xa về những chuyện thiêng liêng.” I-nhã đã phải chờ lâu trước khi cho Phan-xi-cô Xavier làm Linh Thao. Anh này là một khối bột khó nhồi, vì anh còn mải mê chuyện danh vọng thế gian.
Nhóm bạn mà I-nhã quy tụ được ở Paris là nhóm bạn thành công nhất. Sáu người đều là những sinh viên tốt nghiệp ở cùng trường đại học. Sáu người đều làm Linh Thao, Phan-xi-cô Xavier làm sau cùng. Sáu người đều trở thành linh mục. Họ muốn sống nghèo, sống khiết tịnh. Họ muốn đi Đất Thánh để phục vụ ở vùng đất đầy nguy hiểm này, và nếu không đi được, họ muốn đặt mình dưới sự điều động của Đức Thánh Cha để Ngài sai họ đi đâu tùy ý. Tình bạn giữa những người khác quốc tịch này thật tuyệt vời. Họ được gắn kết với nhau chặt chẽ đến nỗi sau này khi Đức Thánh Cha muốn sai họ đi nhiều nơi khác nhau, họ đã sợ tình bạn của họ bị tan vỡ. Để bảo vệ tình bạn này và đem lại hiệu quả cho việc tông đồ, I-nhã và các bạn đã cầu nguyện và nhận định trong một thời gian dài trước khi đi đến quyết định lập một dòng tu mới: Dòng Chúa Giêsu, không phải Dòng của I-nhã, vì chính Chúa Giêsu mới thật là người khai sinh ra Dòng.
Các bạn thân mến, dù chúng ta không có sự thánh thiện và tài chinh phục lòng người như I-nhã, nhưng nhờ ơn Chúa chúng ta vẫn có thể làm được một số việc như ngài. Nhiều bạn trẻ đến với nhóm, đến với Linh Thao là nhờ sự giới thiệu của những bạn khác trong nhóm. Nhiều bạn dù đã ra trường nhưng vẫn đóng góp tích cực để nhóm tồn tại và phát triển cho đến nay. Điều chúng ta mong ước là xây dựng một nhóm bạn như nhóm bạn thân thương của I-nhã ngày xưa, nhóm “bạn trong Chúa” (amigos en el Sen~or). Một nhóm đặt nền trên Linh Thao, có mục đích là “giúp đỡ các linh hồn”, nói tắt là “giúp người”. Một nhóm say mê Giêsu, muốn sống như Giêsu, mơ ước và hành động như Giêsu, để xây dựng Nước Trời ngay giữa lòng quê hương dân tộc.